THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Quy định nguyên tắc và hướng dẫn về thủ tục đồng bệ xe ca, bệ xe chuyên dùng, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc; thay thế các tổng thành của xe bằng các tổng thành khác nhãn hiệu và thông số kỹ thuật đối với các loại xe cơ giới đường bộ
_______________________
Việc dùng xe ô-tô vận tải và các loại xe ô-tô khác, hoặc dùng những tổng thành của xe để đóng bệ xe ca, bệ xe chuyên dùng rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc và việc thay thế các tổng thành của xe khác nhãn hiệu và thông số kỹ thuật đối với các loại xe cơ giới đường bộ là việc đòi hỏi phải tính toán có căn cứ khoa học kỹ thuật. Do đó cần có những quy định thống nhất về nguyên tắc, thủ tục nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn kỹ thuật, đồng thời để tận dụng các tổng thành xe có đủ tiêu chuẩn sử dụng, góp phần tiết kiệm cho Nhà nước, đáp ứng yêu cầu vận chuyển và đảm bảo an toàn giao thông vận tải.
Nhưng trong thời gian qua, do chưa có quy định thống nhất và cụ thể đối với những trường hợp trên, nên chất lượng và an toàn kỹ thuật của xe đóng mới hoặc thay thế lắp lẫn tổng thành khác nhãn hiệu chưa được đảm bảo, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe, để an toàn vận chuyển và gây khó khăn trong việc quản lý chung của Nhà nước trong khâu này.
Sau khi trao đổi thống nhất với Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ quy định nguyên tắc và hướng dẫn về thủ tục đối với những trường hợp nói trên như sau.
I. ĐỐI TƯỢNG
Đối tượng thuộc phạm vi quy định trong thông tư này bao gồm:
1.1. Các loại xe cơ giới đường bộ:
- Xe ô-tô du lịch (xe con);
- Xe ô-tô vận tải hàng hoá;
- Xe ô-tô chuyên chở hành khách, đưa đón cán bộ và công nhân trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, v.v…
- Xe ô-tô chuyên dùng như xe sửa chữa lưu động, xe thông tin, cần cẩu, xe Citerne, xe ướp lạnh, xe cứu thương, xe chữa cháy…
- Rơ moóc, sơ mi rơ-moóc,
- Xe mô tô 2, 3 bánh (trừ xe đạp).
1.2. Những tổng thành của xe khi thay thế mà khác nhãn hiệu và thông số kỹ thuật gồm:
- Khung xe
|
- Động cơ
|
- Hộp số
|
- Hệ thống hãm
|
- Hệ thống lái
|
- Hệ thống buồng lái
|
- Hệ thống treo
|
- Hệ thống chuyển động
|
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
2.1. Việc dùng xe ô-tô vận tải, các loại xe ô-tô khác, hoặc dùng những tổng thành của xe đóng bệ xe ca, bệ xe chuyên dùng để đóng rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc được quy định như sau:
a) Xe ô-tô các loại và những tổng thành của xe chưa qua sử dụng thì cơ quan có xe, các nhà máy, xí nghiệp đóng mới, sữa chữa chỉ được phép tiến hành đóng theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước đã giao.
b) Xe ô-tô các loại và những tổng thành xe đã qua sử dụng thuộc các cơ sở trung ương quản lý thì do bộ chủ quản hoặc cấp tương đương quyết định, đối với các địa phương thì do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
2.2. Đối với những xe quy định ở điều 2.1 và những xe thay thế tổng thành quy định ở điều 1.2 thì hồ sơ kỹ thuật phải được cơ quan giao thông vận tải kiểm tra, xét duyệt; khi xuất xưởng phải có biên bản kiểm nghiệm kỹ thuật của hội đồng kiểm nghiệm, hoặc biên bản kiểm tra chất lượng khi xuất xưởng của cơ sở sản xuất được hội đồng kiểm nghiệm ủy quyền, thì cơ quan công an mới xác nhận xe đó bảo đảm an toàn kỹ thuật để cấp giấy tờ cho xe hoạt động.
Trường hợp xe đã được cơ quan công an đăng ký quản lý, thì trước khi cải tạo làm thay đổi tính chất sử dụng, cơ quan có xe phải khai báo với cơ quan công an quản lý xe đó để xét cấp giấy xác nhận.
Khi xe được cải tạo thay đổi tính chất sử dụng và những xe thay đổi tổng thành máy, tổng thành khung bằng loại tổng thành khác nhãn hiệu và thông số kỹ thuật thì cơ quan có xe phải nộp cho cơ quan công an quản lý xe đó một biên bản kiểm nghiệm kỹ thuật nói ở trên điều 2.10 dưới đây.
Khi xe được thay thế tổng thành máy hoặc khung xe cùng loại, thì cơ quan có xe phải xuất chứng từ của tổng thành với cơ quan công an quản lý xe đó. Trường hợp không có chứng từ thì phải có công văn nói rõ nguồn gốc của tổng thành và cam kết tổng thành đó là tài sản của mình.
2.3. Khi xe đã có quyết định được thanh lý, những tổng thành còn sử dụng được được chọn lọc để thay thế cho những xe khác.
2.4. Đối với những xe nói ở điều 2.1 và những xe thay thế tổng thành quy định ở điều 1.2, cơ quan có xe phải lập hồ sơ gồm có:
- Bản vẽ tổng thể.
- Bản vẽ chi tiết,
- Bản thuyết minh tính toán,
- Quyết định về chủ trương của cấp có thẩm quyền như quy định nói ở điều 2.1.
Hồ sơ làm thành bốn bản nộp cho các cơ quan xét duyệt nói ở điều 2.5.
2.5. Quy định cấp xét duyệt thiết kế kỹ thuật như sau:
a) Viện nghiên cứu sức kéo vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải xét duyệt các thiết kế đóng mới bệ xe ca, bệ xe chuyên dụng, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc và xét duyệt các thiết kế cải tạo xe (làm thay đổi hình dáng kết cấu và tinh chất sử dụng ban đầu của xe).
b) Cục vận tải ô-tô thuộc Bộ Giao thông vận tải xét duyệt các trường hợp thay thế các tổng thành của xe bằng loại tổng thành khác nhãn hiệu và thông số kỹ thuật.
c) Trường hợp cơ quan có xe cần hoán cải xe và đồng thời thay thế tổng thành khác nhãn hiệu và thông số kỹ thuật thì bản thiết kế đó sẽ do Viện nghiên cứu sức kéo vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải xét duyệt.
d) Các Sở, Ty giao thông vận tải xét duyệt việc cải tạo xe mô-tô 2 bánh, 3 bánh và xe xích lô máy do địa phương quản lý.
e) Bộ Giao thông vận tải có thể ra quyết định ủy nhiệm cho các Sở, Ty giao thông vận tải có đủ năng lực đảm nhiệm việc xét duyệt thiết kế nói trên ở điểm a,b,c, điều 2.5.
2.6. Thời gian xét duyệt thiết kế kỹ thuật quy định không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp phải kéo dài thời gian để nghiên cứu thêm thì cơ quan xem xét duyệt phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan trình duyệt thiết kế biết.
Trường hợp bản thiết kế kỹ thuật phải làm lại thì thời gian xét duyệt lần sau không được để quá 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ.
2.7. Các cơ sở sản xuất chỉ được phép thi công đối với những thiết kế có văn bản xét duyệt của các cấp như quy định ở điều 2.5 và đối với xe mà cơ quan công an đã quản lý, phải có thêm giấy xác nhận của cơ quan công an quản lý xe đó.
2.8. Trường hợp không có nguyên vật liệu theo đúng thiết kế, thì cơ sở sản xuất phải báo cho cơ quan có xe để tiến hành thay đổi thiết kế cho phù hợp. Những thay đổi này phải được cơ quan xét duyệt chấp nhận trước khi thi công.
2.9. Bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) của cơ sở sản xuất có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra chất lượng của các chi tiết, bộ phận của xe từ lúc bắt đầu thi công cho đến khi xuất xưởng. Các kết quả kiểm tra phải được ghi rõ trong biên bản.
2.10. Tổ chức kiểm nghiệm kỹ thuật:
a) Sau khi thi công xong chiếc xe đầu tiên, ngoài các bước tiến hành kiểm tra do KCS của cơ sở sản xuất đã thực hiện, còn phải tổ chức kiểm nghiệm kỹ thuật để đánh giá chất lượng một cách toàn diện trước khi đưa xe sử dụng và quyết định cho thi công hàng loạt.
Việc tổ chức kiểm nghiệm kỹ thuật được tiến hành:
- Đối với những xe ca, xe chuyên dùng, rơ-moóc, sơ mi rơ- moóc đóng loạt đầu theo thiết kế mới;
- Đối với những xe cải tạo làm thay đổi tính chất sử dụng ban đầu.
b) Thành phần của hội đồng kiểm nghiệm kỹ thuật gồm đại diện của các cơ quan:
- Vụ kỹ thuật, Viện nghiên cứu sức kéo vận tải, Cục vận tải ô-tô thuộc Bộ Giao thông vận tải;
- Cục cảnh sát giao thông thuộc Bộ Nội vụ.
- Sở, Ty giao thông vận tải có cơ sở sản xuất,
- Sở, Ty công an có cơ sở sản xuất,
- Đại diện của cơ sản xuất.
Chủ tịch hội đồng là người đại diện của Vụ kỹ thuật thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Hội đồng làm việc trên nguyên tắc dân chủ bàn bạc để đi đến nhất trí, trong trường hợp có những ý kiến khác nhau thì ý kiến của chủ tịch hội đồng là ý kiến có giá trị quyết định cuối cùng.
c) Viện kiểm nghiệm kỹ thuật đối với những xe thay lắp tổng thành và cải tạo xe mô-tô 2 bánh, 3 bánh, xe xích-lô máy thì giao cho hội đồng kiểm nghiệm của địa phương. Thành phần của hội đồng kiểm nghiệm địa phương gồm đại diện:
- Sở, Ty giao thông vận tải địa phương.
- Sở, ty công an địa phương .
- Cơ sở sản xuất.
Chủ tịch hội đồng là đại diện của Sở, Ty giao thông vận tải địa phương. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc đã quy định ở điểm b, điều 2.10.
d) Cơ sở sản xuất phải chuẩn bị báo cáo trước hội đồng về quá trình thi công theo bản thiết kế đã được duyệt, nộp các biên bản kiểm tra chất lượng và các tài liệu có liên quan để hội đồng xem xét.
e) Chủ tịch hội đồng có trách nhiệm triệu tập các thành viên để tiến hành công việc kiểm nghiệm theo đề nghị của cơ sở sản xuất. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm lo tổ chức và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội đồng làm việc. Chi phí cho công việc kiểm nghiệm được tính riêng và hạch toán phân bổ cung vào giá thành sản phẩm của cơ sở sản xuất.
2.11. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm giao cho cơ quan có xe biên bản của hội đồng kiểm nghiệm, để cơ quan có xe làm thủ tục với cơ quan công an để được cấp giấy tờ phù hợp với tính chất sử dụng của xe.
2.12. Sở, Ty công an căn cứ vào biên bản kiểm nghiệm và quyết định cho sản xuất hàng loạt của cấp có thẩm quyền, tiến hành khám an toàn xe thông thường để cấp giấy tờ cho xe lưu hành.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
3.1. Vụ kỹ thuật, Viện nghiên cứu sức kéo vận tải, Cục vận tải ô-tô thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục cảnh sát giao thông thuộc Bộ Nội vụ và các Sở, Ty giao thông vận tải, Sở, Ty công an trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình và những quy định trong thông tư này, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đốn đốc việc thực hiện thông tư này.
3.2. Mọi việc đóng mới, cải tạo và thay thế tổng thành xe không thực hiện theo đúng các quy định trong thông tư này thì các cơ quan có trách nhiệm không được cấp giấy tờ cho xe hoạt động; nếu sử dụng xe gây ra tai nạn, làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân, của Nhà nước thì chủ phương tiện phải bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.
3.3. Thông tư này không áp dụng đối với các loại xe của Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng Công an nhân dân vũ trang đang quản lý và sử dụng.
3.4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ về việc đóng mới, cải tạo và thay thế tổng thành xe trái với thông tư này đều hủy bỏ./.