QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường
________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ V MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 22-CP ngày 22-5-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Điều 17, Điều 18 về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các cơ sở đã hoạt động từ trước khi ban hành Luật Bảo vệ môi trường và của các dự án phát triển và căn cứ Điều 37, Điều 38 về quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;
Căn cứ vào Nghị định của Chính phủ số 175-CP ngày 18-10-1994 về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường".
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường.
Điều 2.
Đối tượng tác dụng của bản Quy chế này là các dự án, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, văn hoá - xã hội, y tế, v.v... được quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Bảo vệ Môi trường và các Điều 9, Điều 11, Điều 14 và Điều 15 Nghị định 175-CP.
Điều 3. Các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, các đối tượng đã nêu trong Điều 2 của Quyết định này và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ CẤP GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1806/QĐ-MTg ngày 31/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)
- Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường chịu trách nhiệm theo luật định và chỉ có giá trị pháp lý khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chính thức.
- Hội đồng được thành lập trong Quy chế này là cơ quan tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường hoặc Chủ tịch tỉnh, thành phố (thuộc địa phương) xem xét các mặt khoa học và công nghệ liên quan đến bảo vệ môi trường do Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 175-CP quy định.
Điều 1. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng.
1.1. Hội đồng thẩm định cấp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định thành lập.
1.2. Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập.
Điều 2. Thành phần Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, quản lý, có đủ kiến thức về lĩnh vực công nghệ và môi trường, có thể có đại diện của các tổ chức xã hội và đại diện cho nhân dân địa phương. Số thành viên Hội đồng không quá 9 người, trong đó có một Chủ tịch (nếu cần thì có một Phó chủ tịch) và một thư ký, Uỷ viên thư ký Hội đồng thẩm định là thành viên của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, để giúp Chủ tịch trong việc chuẩn bị các văn bản trước, trong và sau khi Hội đồng thẩm định làm việc và tổ chức các cuộc họp.
Điều 3. Nguyên tắc và thể thức làm việc của Hội đồng thẩm định:
Hội đồng làm việc theo quy chế của một cơ quan tư vấn.
Các ý kiến của mọi thành viên Hội đồng (cả ý kiến phản bác) đều được ghi biên bản trong hồ sơ trình cơ quan ra quyết định xem xét.
Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng:
- Các thành viên của Hội đồng thẩm định được quyền cung cấp các tài liệu thông tin cần thiết liên quan đến báo cáo ĐTM và có ý kiến đóng góp bằng văn bản gửi cho Hội đồng thẩm định.
- Các thành viên Hội đồng có quyền chất vấn chủ đầu tư, chủ dự án để trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản các vấn đề đặt ra (thông qua uỷ viên thư ký hoặc Chủ tịch Hội đồng thẩm định), cũng như chất vấn trực tiếp trong hội nghị.
- Các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin và tư liệu được cung cấp theo pháp luật hiện hành và phải nộp lại tất cả các tư liệu được cung cấp sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 5. Cuộc họp Hội đồng chỉ có giá trị khi đa số 2/3 thành viên có mặt. Các thành viên vắng mặt có quyền gửi ý kiến đánh giá và bỏ phiếu (gửi trong phong bì dán kín) gửi trực tiếp cho Chủ tịch Hội đồng hoặc thư ký Hội đồng, ý kiến này được đọc trong cuộc họp Hội đồng thẩm định.
Trường hợp cần thiết Hội đồng có thể đề nghị thành lập tiểu Hội đồng giúp việc chuẩn bị và được coi như trù bị.
Điều 6. Sau khi thẩm định xong Chủ tịch Hội đồng và thư ký lập báo cáo trình Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố những ý kiến đóng góp và kiến nghị của Hội đồng, để Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét quyết định khi cấp giấy phép.
Điều 7. Cấp giấy phép: cơ quan nào ra quyết định thành lập Hội đồng thì cơ quan đó ra quyết định cấp giấy phép.
- Đối với cấp Trung ương: Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định phê chuẩn và cấp giấy phép thẩm định.
- Đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định phê chuẩn và cấp giấy phép thẩm định.
Các giấy phép thẩm định cần nêu ra thời gian, nội dung và yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng các vấn đề về môi trường đã được đề xuất trong báo cáo ĐTM và phân công cơ quan theo dõi giám sát việc thực hiện.
Điều 8. Các thành viên Hội đồng và các thành viên tiểu Hội đồng được hưởng thù lao theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
Điều 9. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Hội đồng tự giải tán.