Sign In

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Ban hành Quy chế phát hành và sử dụng séc

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế phát hành và sử dụng séc, áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1996. Các quy định trước đây về phát hành và sử dụng séc đều bãi bỏ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

QUY CHẾ PHÁT HÀNH VÀ SỬ DỤNG SÉC

(Ban hành kèm theo Nghị định số: 30/CP ngày 09 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Séc là lệnh trả tiền của chủ tài khoản, được lập trên mẫu do Ngân hàng Nhà nước quy định, yêu cầu dơn vị thanh toán trích một số tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để trả cho người thụ hưởng có tên ghi trên séc hoặc người cầm séc.

Séc có thể chuyển nhượng theo những quy định trong Quy chế này:

Điều 2. Các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

Chủ tài khoản: Là người đứng tên mở tài khoản tiền gửi thanh toán và là chủ sở hữu hoặc là người đại diện chủ sở hữu số tiền ghi trên tài khoản đó.

Người phát hành séc: Là chủ tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc người được uỷ quyền, ký tên để phát hành tờ séc theo đúng quy định của pháp luật về uỷ quyền.

Người thụ hưởng séc: Là người có quyền sở hữu số tiền ghi trên séc.

Người chuyển nhượng séc: Là người chuyển quyền sở hữu số tiền ghi trên séc của mình cho người khác.

Đơn vị thanh toán: Là đơn vị giữ tài khoản tiền gửi thanh toán của chủ tài khoản, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ thanh toán.

Đơn vị thu hộ: Là đơn vị được phép nhận séc với tư cách làm đại lý cho người thụ hưởng séc để thu hộ tiền. Một đơn vị cùng hệ thống với đơn vị thanh toán khi tiếp nhận séc cũng được coi là dơn vị thu hộ.

Bảo chi séc: Là việc đơn vị thanh toán xác nhận tờ séc có đủ tiền thanh toán.

Séc ký danh: Là séc có ghi họ, tên người thụ hưởng séc.

Séc vô danh: Là séc không ghi họ, tên người thụ hưởng séc.

Điều 3. Người phát hành séc, người chuyển nhượng séc, người thụ hưởng séc là cá nhân hoặc đại diện pháp nhân.

Điều 4. Người phát hành séc, chuyển nhượng séc có trách nhiệm đối với tờ séc từ khi mình ký phát hành hoặc ký chuyển nhượng cho đến khi người thụ hưởng cuối cùng nhận đủ tiền.

Điều 5. Các thời hạn quy định trong Quy chế này bao gồm cả ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Nếu ngày kết thúc của thời hạn là ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ thì thời hạn được lùi vào ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ đó.

 

CHƯƠNG II

HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA TỜ SÉC

Điều 6. Tờ séc phải được in và ghi bằng tiếng Việt Nam và bao gồm các yếu tố sau đây:

mặt trước của tờ séc:

Chữ "Séc" được in bằng chữ in hoa;

Số séc;

Yêu cầu trả một số tiền được ghi bằng số và bằng chữ;

Họ, tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản của người phát hành séc;

Họ, tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản (nếu có) của người thụ hưởng séc.

Tên, địa chỉ của đơn vị thanh toán;

Nơi và ngày ký phát hành séc;

Chữ ký của người phát hành séc.

Mặt sau của tờ séc dùng để quy định việc chuyển nhượng.

Điều 7. Tờ séc hợp lệ phải có đầy đủ các yếu tố quy định tại Điều 6 của Quy chế này; không bị tẩy xoá, sửa chữa; số tiền bằng chữ và bằng số phải khớp nhau.

Điều 8. Việc sửa đổi, bổ sung các yếu tố của séc phải do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Các trường hợp ghi thêm vào tờ séc về lãi suất hoặc các điều kiện thanh toán là không hợp lệ.

Điều 9. Séc được dùng để:

Trả tiền cho người được ghi tên trên séc;

Trả tiền cho người cầm séc;

Rút tiền mặt tại đơn vị thanh toán.

Điều 10. Séc không được phép lấy tiền mặt khi tờ séc đã được gạch hai đường song song chéo góc ở phía trên bên trái hoặc đã được ghi từ "chuyển khoản" ở mặt trước của tờ séc.

Điều 11. Thời hạn hiệu lực thanh toán của tờ séc là 15 ngày.

 

CHƯƠNG III

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI PHÁT HÀNH SÉC

Điều 12. Chủ tài khoản được phép uỷ quyền cho người khác ký phát hành séc thay mình. Việc uỷ quyền phải được lập bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Người được uỷ quyền ký phát hành séc có quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được uỷ quyền.

Điều 13. Người phát hành séc phải bảo đảm trả toàn bộ số tiền đã ghi trên tờ séc.

Sau khi tờ séc được phát hành, nếu người phát hành séc là cá nhận bị chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì tờ séc vẫn có giá trị đòi thanh toán.

Trường hợp séc do đại diện pháp nhân phát hành, nếu pháp nhân đó bị giải thể, bị tuyên bố phá sản hoặc bị phong toả tài khoản thì tờ séc được chi trả theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 14. Người phát hành séc được quyền yêu cầu đơn vị thanh toán bảo chi tờ séc sẽ phát hành.

Việc bảo chi được thực hiện bằng cách đơn vị thanh toán ký xác nhận và đóng dấu "Bảo chi" vào mặt trước của tờ séc.

Khi yêu cầu bảo chi tờ séc, người phát hành séc phải làm thủ tục lưu ký số tiền ghi trên tờ séc vào một tài khoản riêng tại đơn vị thanh toán để chi trả cho người thụ hưởng séc.

Điều 15. Người phát hành séc làm mất séc phải thông báo ngay cho đơn vị thanh toán. Thông báo mất séc được coi là lệnh đình chỉ thanh toán séc.

Séc đã bị lợi dụng để rút tiền tại đơn vị thanh toán trước khi đơn vị thanh toán nhận được thông báo mất séc thì người làm mất séc phải chịu mọi thiệt hại.

 

CHƯƠNG IV

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THỤ HƯỞNG

Điều 16. Trong thời hạn hiệu lực thanh toán của tờ séc, người thụ hưởng séc có quyền trực tiếp nộp séc cho đơn vị thanh toán hoặc thông qua đơn vị thu hộ để đòi thanh toán. Trường hợp vì lý do bất khả kháng không thể nộp séc trong thời hạn hiệu lực thanh toán, khi hết thời gian bất khả kháng, người thụ hưởng séc phải nộp séc kịp thời cho đơn vị thành toán kèm theo xác nhận bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi cư trú hoặc nơi làm việc về lý do bất khả kháng.

Điều 17. Người thụ hưởng séc có quyền chuyển nhượng tờ séc cho người khác bằng cách ký tên vào nơi quy định cho việc chuyển nhượng ở mặt sau của tờ séc, trừ trưởng hợp người phát hành séc đã ghi cụm từ "không được phép chuyển nhượng".

Đối với séc ký danh khi chuyển nhượng phải ghi rõ họ, tên người được chuyển nhượng.

Người chuyển nhượng séc có quyền chấm dứt việc chuyển nhượng tiếp theo bằng cách ghi trước chữ ký của mình cụm từ "không tiếp tục chuyển nhượng".

Điều 18. Sau khi ký chuyển nhượng séc, nếu người chuyển nhượng séc là cá nhân bị chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì tờ séc vẫn có giá trị đòi thanh toán.

Trường hợp người chuyển nhượng séc là đại diện pháp nhân, nếu pháp nhân đó bị giải thể, bị tuyên bố phá sản hoặc bị phong toả tài khoản thì tờ séc được chi trả theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 19. Khi ký chuyển nhượng séc phải chuyển nhượng toàn bộ số tiền trên séc.

Điều 20. Đối với séc ký danh, người nhận chuyển nhượng khi nhận séc phải kiểm tra tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng.

Điều 21. Người thụ hưởng séc làm mất séc phải thông báo ngay cho đơn vị thanh toán và người phát hành séc. Thông báo mất séc được coi là lệnh đình chỉ thanh toán séc. Người thông báo mất séc phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc thông báo mất séc.

Người thụ hưởng séc được quyền đòi đơn vị thanh toán bồi thường trong trường hợp tờ séc đã bị lợi dụng để rút tiền tại đơn vị thanh toán sau khi đơn vị thanh toán đã nhận được thông báo mất séc.

Điều 22. Khi séc bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng séc có quyền yêu cầu đơn vị thanh toán xác nhận lý do.

 

CHƯƠNG V

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ THANH TOÁN

Điều 23. Đơn vị thanh toán khi nhận séc phải kiểm tra:

Tính hợp lệ của tờ séc;

Chữ ký của người phát hành séc;

Tính liên tục của dãy chữ ký đối với tờ séc ký danh.

Điều 24. Đơn vị thanh toán có quyền từ chối thanh toán séc trong các trờng hợp sau:

Tài khoản tiền gửi thanh toán không đủ tiền để thanh toán tờ séc;

Séc không hợp lệ;

Séc đã có lệnh đình chỉ thanh toán;

Séc đã hết thời hạn hiệu lực thanh toán;

Séc phát hành vượt quá thẩm quyền quy định tại văn bản uỷ quyền.

Đơn vị thanh toán phải lập phiếu từ chối thanh toán, ghi rõ lý do, trao cho người nộp séc cùng tờ séc bị từ chối thanh toán.

Điều 25. Đối với séc hợp lệ được nộp đòi thanh toán, đơn vị thanh toán có trách nhiệm thanh toán ngay. Nếu thanh toán chậm do lỗi của đơn vị thanh toán, gây thiệt hại cho người thụ hưởng thì đơn vị thanh toán phải bồi thường.

Điều 26. Đối với séc đã có lệnh đình chỉ thanh toán, nếu đơn vị thanh toán vẫn cho thanh toán tờ séc, gây thiệt hại cho chủ tài khoản hoặc người thụ hưởng thì đơn vị thanh toán phải bồi thường.

Đơn vị thanh toán có quyền kiện các cá nhân, pháp nhân có những hành vi gây thiệt hại cho đơn vị thanh toán và đòi bồi thường các thiệt hại mà họ đã gây cho mình.

 

CHƯƠNG VI

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐƠN VỊ THU HỘ

Điều 27. Đơn vị thu hộ séc khi nhận xét phải kiểm tra tính hợp lệ của tờ séc.

Đơn vị thu hộ được thu phí dịch vụ thanh toán séc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và không phải hoàn trả các khoản này khi séc bị từ chối thanh toán.

Điều 28. Đơn vị thu hộ có quyền từ chối nhận séc trong các trường hợp sau:

Séc không hợp lệ;

Séc đã hết thời hạn hiệu lực thanh toán.

Điều 29. Sau khi nhận séc, đơn vị thu hộ phải nộp séc ngay cho đơn vị thanh toán. Nếu nộp séc chậm gây thiệt hại cho người thụ hưởng, đơn vị thu hộ phải bồi thường. Trường hợp vì lý do bất khả kháng không thể nộp séc ngay, khi hết thời gian bất khả kháng, đơn vị thu hộ phải kịp thời nộp séc đơn vị thanh toán kèm theo văn bản xác nhận lý do bất khả kháng của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi đơn vị thu hộ đóng trụ sở.

 

CHƯƠNG VII

KHIẾU NẠI DO SÉC BỊ TỪ CHỐI THANH TOÁN

Điều 30. Trong trường hợp séc bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng séc có quyền khiếu nại người ký phát hành séc và những người chuyển nhượng séc để đòi lại số tiền ghi trên séc.

Đơn khiếu nại phải có phiếu từ chối thanh toán séc của đơn vị thanh toán kèm theo.

Điều 31. Đối với séc ký danh, người thụ hưởng séc phải gửi đơn khiếu nại đến người trực tiếp chuyển nhượng séc cho mình và người phát hành séc. Đơn khiếu nại chỉ có giá trị khi được lập và gửi trong vòng 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu từ chối thanh toán séc. Người chuyển nhượng séc nhận được đơn khiếu nại có trách nhiệm thông báo tiếp cho người chuyển nhượng séc trước mình trong vòng 4 ngày làm việc; việc thông báo của những người chuyển nhượng séc được tiếp tục như vậy cho đến người phát hành séc.

Đối với séc vô danh, người thụ hưởng séc phải gửi đơn khiếu nại đến người phát hành séc trong vòng 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu từ chối thanh toán séc.

Điều 32. Nếu vì lý do bất khả kháng, thời hạn gửi đơn khiếu nại được kéo dài cho tới khi thời gian bất khả kháng chấm dứt. Lý do bất khả kháng phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi người thụ hưởng cư trú hoặc làm việc.

Điều 33. Nếu séc bị từ chối thanh toán do đã hết thời hạn hiệu lực thanh toán, người thụ hưởng séc bị mất quyền khiếu nại trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Quy chế này. Tuy nhiên, tờ séc vẫn có giá trị làm căn cứ để người thụ hưởng kiện đòi tiền trước toà án.

Điều 34. Người nhận được đơn khiếu nại có trách nhiệm trả lời cho người thụ hưởng séc. Trường hợp chấp nhận thoả mãn đơn khiếu nại, người nhận đơn khiếu nại có trách nhiệm trả tiền cho người thụ hưởng séc và được quyền khiếu nại đòi tiền đối với những người chuyển nhượng séc trước mình (nếu có).

 

CHƯƠNG VIII

KIỆN VÀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

Điều 35. Sau khi gửi đơn khiếu nại đòi tiền, nếu không đồng ý với giải quyết của người bị khiếu nại, người thụ hưởng séc có quyền khởi kiện trước toà án đối với một hoặc tất cả những người có trách nhiệm với tờ séc.

Hồ sơ khởi kiện gồm:

Đơn kiện;

Tờ séc bị từ chối thanh toán;

Phiếu từ chối thanh toán séc do đơn vị thanh toán lập.

Điều 36. Người thụ hưởng có quyền kiện để được hưởng số tiền ghi trên séc và các khoản sau:

Tiền lãi của số tiền ghi trên séc tính theo lãi suất nợ quá hạn của lãi suất trần cho vay ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Thời gian tính lãi từ ngày người thụ hưởng nộp séc đòi thanh toán cho tới ngày được trả tiền;

Các khoản chi phí liên quan tới việc gửi đơn khiếu nại, chi phí khởi kiện do người thụ hưởng đã chi.

Điều 37. Người chuyển séc bị kiện có quyền kiện những người chuyển nhượng séc trước mình hoặc người phát hành séc để được trả lại toàn bộ số tiền mình đã trả và các khoản chi phí phát sinh đã chi.

Điều 38. Người bị kiện khi đã trả đủ tiền có quyền đòi lại tờ séc cùng các tài liệu liên quan đến vụ kiện.

Điều 39. Người thụ hưởng séc có quyền đòi tiền những người có trách nhiệm đối với séc trong vòng 3 tháng kể từ ngày séc bị từ chối thanh toán.

Người bị kiện có quyền kiện tiếp những người khác có trách nhiệm đối với séc trong vòng 3 tháng kể từ ngày vụ kiện xử mình kết thúc.

Nếu lý do bất khả kháng thì thời hiệu nêu trên được kéo dài cho đến khi chấm dứt thời gian bất khả kháng. Lý do bất khả kháng phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi người khởi kiện cư trú hoặc làm việc.

 

CHƯƠNG IX

NHỮNG ĐIỀU CẤM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 40. Nghiêm cấm những hành vi:

Giả mạo, sửa chữa séc;

Cố ý trao và nhận séc giả mạo, séc đã bị sửa chữa, séc đã hết thời hạn hiệu lực thanh toán, séc đã có lệnh đình chỉ thanh toán;

Phát hành séc vượt quá số tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán;

Thanh toán séc đã hết thời hạn hiệu lực thanh toán trừ trường hợp bất khả kháng nêu tại các điều 16 và 29 của Quy chế này;

Chuyển nhượng tờ séc đã hết thời hạn hiệu lực thanh toán hoặc tờ séc đã bị từ chối thanh toán.

Tổ chức, cá nhân vi phạm các điều cấm trên, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, cấm phát hành séc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Đơn vị thanh toán và đơn vị thu hộ vi phạm các quy định trong Quy chế này tuỳ theo mức độ vi phạm phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính, bị cấm làm nhiệm vụ, dịch vụ thanh toán séc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

 

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt