• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/11/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 18/03/2000
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 957/1997/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 11 tháng 11 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc cải tiến một số thủ tục về xuất cảnh
và giải quyết vấn đề người Việt Nam đã xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Nhằm cải tiến thêm một bước về công tác xuất cảnh, tránh phiền hà cho dân và giải quyết dứt điểm tình trạng công dân Việt Nam, trong đó có cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân... hiện đang lưu trú, làm ăn bất hợp pháp tại nước ngoài, nhất là các nước thuộc Liên Xô (cũ) và Đông Âu;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Công dân Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài (không phân biệt đối tượng, mục đích xuất cảnh và nước đến), nếu có đủ thủ tục xuất cảnh hợp lệ đều được xem xét cấp hộ chiếu theo các quy định hiện hành của Chính phủ.

Tuỳ theo mục đích của mỗi lần xuất cảnh, công dân chỉ được sử dụng một loại hộ chiếu thích hợp (theo một mã số cố định do cơ quan cấp hộ chiếu phát hành).

2. Công dân Việt Nam đã có hộ chiếu hợp lệ khi ra nước ngoài được miễn thị thực xuất cảnh và được qua lại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam.

Điều 2.

1. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang... (sau đây gọi tắt là cơ quan chủ quản) chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý nhân sự, quản lý hộ chiếu của cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân thuộc biên chế, tổ chức của mình (kể cả người trong diện hợp đồng lao động dài hạn) khi cử hoặc bảo lãnh cho họ ra nước ngoài về việc công hoặc việc riêng.

2. Các lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu chịu trách nhiệm không cho xuất cảnh và thu hồi hộ chiếu của những người thuộc đối tượng cấm xuất cảnh hoặc chưa được xuất cảnh ra nước ngoài; chuyển nộp kịp thời những hộ chiếu này về quản lý tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Nội vụ.

3. Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, thường xuyên hoặc định kỳ soát xét các đối tượng cấm xuất cảnh hoặc tạm thời chưa được xuất cảnh và thông báo kịp thời cho các lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Điều 3. Cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân thuộc biên chế các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang đã xuất cảnh ra nước ngoài (không phân biệt mục đích và thời điểm xuất cảnh), nếu tự nguyện xin ở lại hoặc tự ý không về nước đúng hạn (thời hạn do cơ quan chủ quản ấn định tuỳ theo yêu cầu công tác của cơ quan và phải ghi vào văn bản cử hoặc xác nhận bảo lãnh cho đi nước ngoài) thì chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày ở lại quá hạn, cơ quan chủ quản phải làm các thủ tục đưa ra khỏi biên chế và cắt các khoản quyền lợi ở trong nước (trừ những người đã được hưởng chế độ hưu trí). Nếu người ở lại là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm báo cáo với Đảng uỷ cùng cấp để có biện pháp xử lý về Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.

Điều 4. Người Việt Nam xuất cảnh đi nước ngoài không về nước đúng hạn, nếu muốn được bảo hộ quyền công dân Việt Nam thì phải đến khai báo tại Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gần nơi cư trú của mình nhất). Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm ghi sổ đăng ký, gia hạn giấy tờ tuỳ thân (nếu có yêu cầu) và thông báo về nước cho Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và cơ quan chủ quản biết (nếu là cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân).

Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao quy định thủ tục gia hạn, cấp đổi giấy tờ tuỳ thân cho công dân theo nguyên tắc quản lý thống nhất, chặt chẽ, bảo đảm an ninh, trật tự và nhanh chóng, tạo thuận lợi cho công dân được cư trú, làm ăn hợp pháp ở nước sở tại.

Điều 5. Cán bộ, nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh... được cử đi tu nghiệp và nâng cao trình độ ở nước ngoài do Nhà nước bảo đảm chi phí hoặc được phía nước ngoài đài thọ theo Hiệp định, thoả thuận giữa nước ta với nước ngoài (trừ trường hợp các tổ chức nước ngoài cho đi đào tạo để về làm việc cho họ tại Việt Nam), nếu không về nước đúng hạn thì ngoài việc xử lý theo quy định tại các Điều 3, 4 của Quyết định này, còn phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mức tiền bồi hoàn, biện pháp thu hồi và hoàn trả, kể cả biện pháp bảo lãnh của thân nhân và ký quỹ của đương sự trước khi xuất cảnh (nếu thấy cần thiết).

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.