Sign In

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác hỗ trợ, khuyến khích phát triển lĩnh vực

 kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

_____________________

Trong những năm gần đây, kinh tế tập thể của tỉnh mà nồng cốt là kinh tế hợp tác xã đã có sự phát triển nhất định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về yêu cầu và vai trò của kinh tế tập thể đối với nền kinh tế được nâng lên. Ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã hình thành những hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đã phát triển được một số mô hình hợp tác xã mới có sự chú trọng hơn đến việc liên kết, hợp tác cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác của địa phương còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Một số hợp tác xã hoạt động yếu kém, hình thức, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, qui mô nhỏ, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn chưa được cụ thể hóa; nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong một bộ phận Đảng viên, công chức và nhân dân còn thấp, sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với kinh tế tập thể chưa đúng mức.

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Thông tri số 15-TT/TU ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:

1. Các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc và đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể mà chủ yếu là kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể đối với cán bộ và quần chúng nhân dân trong tỉnh; phải làm cho nhân dân hiểu biết rõ kinh tế tập thể là thành phần kinh tế của dân, do dân tự nguyện góp vốn, góp sức để sản xuất, kinh doanh và phân chia lợi nhuận; động viên nhân dân tự nguyện liên kết, thành lập các loại hình kinh tế hợp tác từ thấp đến cao, từ đơn giản đến đa ngành nghề, lĩnh vực, nhất là các mô hình sản xuất, kinh doanh có lợi thế, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường.

Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh phối hợp với các Ban Đảng, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Sở ngành, Đoàn thể hữu quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương có trách nhiệm đề ra và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động và khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có chiều sâu và hiệu quả.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Sở ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hàng năm theo nội dung Nghị định số 88/2005/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp củng cố, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

3. Sở  Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

4. Các Sở ngành liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, trợ giúp, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại… đối với các loại hình kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã và tổ hợp tác.

5. Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp các Sở ngành liên quan tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể; thực hiện vai trò đầu mối và phối hợp với các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, xã viên và người lao động trong các hợp tác xã; tổ chức tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế hợp tác phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh trong các thành viên Liên minh Hợp tác xã; định kỳ hàng quý, sáu tháng và năm báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để được chỉ đạo thực hiện.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp các ngành liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; thực hiện lồng ghép có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất hàng năm, triển khai thực hiện các loại hình, mô hình kinh tế hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết công tác phát triển kinh tế tập thể hàng năm và giai đoạn để rút kinh nghiệm, phổ biến và khuyến khích phát triển rộng trên địa bàn.

7. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Thành Hiệp