Sign In

CHỈ THỊ

V/v tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người và lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

_________________

 

Dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người và lở mồm long móng ở gia súc hiện có chiều hướng bùng phát trở lại và có khả năng lây lan nhanh thành diện rộng, nhất là trong tình hình, điều kiện thời tiết đang vào mùa mưa; thực tế hiện nay đã có một số địa phương trong nước tái phát dịch cúm gia cầm gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đáng lưu ý là vẫn còn một số địa phương có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo và thực hiện các biện pháp phòng, chống; đặc biệt là khi cho phép ấp nở trứng và chăn nuôi thủy cầm trở lại theo Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN, ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không quan tâm triển khai, thực hiện các biện pháp, phương thức chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học.

Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người và dịch lở mồm long móng ở gia súc; kiên quyết không để dịch bệnh tái phát, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, khôi phục, phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo ngành Thú y triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, cụ thể như sau:

Khẩn trương hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin ở gia súc, gia cầm theo kế hoạch, nhất là đối với đàn thủy cầm, đồng thời tổ chức rà soát toàn bộ số gia cầm mới tái đàn, chưa được tiêm phòng để tổ chức tiêm phòng bổ sung ngay theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có kế hoạch phối hợp chính quyền cơ sở triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở tất cả cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; vận động và bắt buộc cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, tiêu độc khử trùng môi trường, vệ sinh thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực chế biến gia súc, gia cầm. Chỉ đạo triển khai, giám sát, kiểm tra và tổng kết việc thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN, ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm.

Phối hợp các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ dịch bệnh từ cơ sở; tăng cường công tác kiểm dịch tận gốc, kiểm soát vệ sinh thú y, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, nhất là khu vực đô thị, các chợ đầu mối, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gà thả vườn, vịt chạy đồng. Thiết lập các chốt kiểm dịch và bảo đảm lực lượng để kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc có biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh.

Tiếp tục rà soát, lập quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến gia cầm tập trung trên địa bàn; tổ chức lại ngành chăn nuôi gia cầm gắn với giết mổ công nghiệp; không chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong các khu vực đô thị, đông dân cư; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc phòng, chống dịch bệnh và thay đổi phương thức chăn nuôi.

Phối hợp Sở Văn hóa Thông tin, các đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về diễn biến tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, sự nguy hại của dịch... cũng như phổ biến về chủ trương, biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ con người tránh nhiễm virrus cúm A đến tận cơ sở ấp, khóm, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học và hộ gia đình, nhất là người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm để mọi người dân hiểu rõ, tự giác hợp tác, chủ động và tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người và lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải xem phòng, chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc là công tác trọng tâm, thường xuyên của địa phương từ nay đến cuối năm 2007, có kế hoạch chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả; trong đó tập trung phòng dịch là chính, đồng thời triển khai nhanh các biện pháp kỹ thuật để khống chế, dập tắt ngay ổ dịch khi xảy ra, không để lây lan diện rộng. Thực hiện các biện pháp dài hạn, bền vững như quy hoạch vùng chăn nuôi hợp lý, phát triển giống gia súc, gia cầm sạch, kháng bệnh; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm; đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ đạo Trạm Thú y, chính quyền cơ sở phối hợp các lực lượng đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi; quản lý chặt chẽ các lò ấp nở con giống gia cầm, thủy cầm và đàn thủy cầm, đặc biệt là đàn thủy cầm ấp nở mới. Chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người theo kế hoạch hành động khẩn cấp đã được phê duyệt.

3. Sở Thương mại - Du Lịch sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm theo hướng bố trí buôn bán ở khu riêng, trước hết thực hiện tại các chợ trong thành phố, thị trấn. Sản phẩm gia cầm mua bán trên thị trường bắt buộc phải có bao gói, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm soát về vệ sinh thú y.

4. Công an tỉnh, Chi cục Quản lý Thị trường bố trí lực lượng, phối hợp cơ quan Thú y thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát thú y trên địa bàn nhất là kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trong vùng có dịch và khi có nguy cơ tái phát dịch.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng... đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo Quyết định số 394/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Sở Y tế lập phương án cụ thể và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị cần thiết tại chỗ, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống và điều trị dịch cúm A (H5N1) ở người, hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi có dịch xảy ra.

7. Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc; hướng dẫn sử dụng kinh phí và cấp kinh phí kịp thời, nhất là hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc theo quy định tài chính.

8. Sở Văn hóa Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Sóc Trăng cùng các phương tiện truyền thông đại chúng chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đưa tin tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho mọi người nắm rõ và tích cực thực hiện.

Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) HHHhhhHHssnsnxãmnasở người và lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, các tổ chức và nhân dân trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đạt hiệu quả nội dung Chỉ thị này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trương Minh Chánh