PHÁP LỆNH
Thủ đô Hà Nội
Để xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2000;
Pháp lệnh này quy định về Thủ đô Hà Nội.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí Thủ đô Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này quy định mục tiêu, cơ chế chính sách, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Điều 3. Mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô
1. Xây dựng, phát triển Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
2. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững.
3. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế.
4. Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.
5. Phát triển kinh tế Thủ đô với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hợp lý; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
6. Tập trung làm lành mạnh, trong sạch môi trường văn hóa - xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Điều 4. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô
1. Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân Thủ đô, là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn có trách nhiệm góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
2. Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ của nhân dân cả nước.
Chính phủ chỉ đạo, phân công, tổ chức phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương, các địa phương trong cả nước huy động các nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Điều 5. Chính sách đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô
1. Nhà nước xác định Thủ đô là địa bàn trọng điểm được tập trung đầu tư đặc biệt các nguồn lực để bảo đảm thực hiện các mục tiêu quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh này.
2. Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô.
Điều 6. Hợp tác quốc tế xây dựng, phát triển Thủ đô
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới để xây dựng, phát triển Thủ đô.
Chương II
PHÁT TRIỂN KINH TẾ, GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ,
VĂN HÓA - XÃ HỘI CỦA THỦ ĐÔ
Điều 7. Phát triển kinh tế
1. Chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô được hoạch định dài hạn và cho từng giai đoạn, bảo đảm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát huy thế mạnh của Thủ đô làm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
2. Nhà nước có chính sách:
a) Phát triển đa dạng và nâng cao trình độ, chất lượng các ngành dịch vụ, tập trung đầu tư phát triển dịch vụ thông tin, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, bảo hiểm, hàng không, bưu chính, viễn thông và các dịch vụ khác; xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm hàng hóa bán buôn, xuất - nhập khẩu, trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng của cả nước;
b) Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm mới, có hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh, ít gây ô nhiễm môi trường; tập trung đầu tư phát triển các ngành hàng có khả năng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh phía Bắc và cả nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu;
c) Phát triển nông nghiệp và kinh tế ngoại thành theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, các nghề, làng nghề truyền thống, làng nông nghiệp du lịch sinh thái; đầu tư phát triển công nghệ mới, tạo giống mới phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
3. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các quy định ưu đãi đối với các ngành trọng điểm, khuyến khích phát triển cho từng thời kỳ, từng ngành dịch vụ và sản xuất hàng hóa.
Điều 8. Phát triển giáo dục và đào tạo
1. Phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục và đào tạo ở Thủ đô với cơ sở vật chất hiện đại để Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực và có dân trí cao.
2. Nhà nước có chính sách:
a) Đầu tư xây dựng một số trường đại học, cao đẳng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới;
b) Phát triển đa dạng các loại hình giáo dục, các loại hình đào tạo; đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ, công nhân kỹ thuật.
3. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các quy định khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở Thủ đô.
Điều 9. Phát triển khoa học và công nghệ
1. Phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử, sinh học, cơ khí - tự động hóa, công nghệ sản xuất và sử dụng vật liệu mới.
2. Nhà nước có chính sách:
a) Đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới;
b) Phát triển và mở rộng thị trường công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh và hoạt động quản lý.
3. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các quy định ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ ở Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tài năng, trí tuệ và khả năng sáng tạo của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia giỏi.
Điều 10. Phát triển văn hóa - xã hội
1. Phát triển văn hóa - xã hội của Thủ đô nhằm tạo lập môi trường văn hóa - xã hội văn minh, lành mạnh.
2. Nhà nước có chính sách:
a) Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu phố cổ tiêu biểu ở Thủ đô; xây dựng các viện bảo tàng, tượng đài văn hóa, lịch sử, cách mạng, công viên, khu vui chơi giải trí, thư viện hiện đại và các công trình văn hóa nghệ thuật khác để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần ngày càng cao của nhân dân;
b) Phát triển hệ thống y tế, khám chữa bệnh đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân; đẩy mạnh công tác y học dự phòng chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cải tạo, nâng cấp các trung tâm y tế; xây dựng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hiện đại, chất lượng cao;
c) Đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao hiện đại, các trung tâm thể dục thể thao đủ điều kiện phục vụ các hoạt động thể dục thể thao trong nước và quốc tế; phát triển thể dục thể thao quần chúng và xây dựng mạng lưới thể dục thể thao cơ sở.
3. Chính phủ phân công trách nhiệm và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng quy chế quản lý, đầu tư và sử dụng các cơ sở văn hóa, y tế, thể dục thể thao trên địa bàn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội của Thủ đô.
Chương III
QUẢN LÝ VÀ XÂY DỰNG,
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CỦA THỦ ĐÔ
Điều 11. Quản lý quy hoạch Thủ đô
1. Thủ đô được xây dựng, phát triển theo quy hoạch chung do Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ vào quy hoạch chung của Thủ đô, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lập quy hoạch chi tiết các quận, huyện, các khu dân cư và các khu vực phát triển mới; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn, quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lập kế hoạch hằng năm để tổ chức thực hiện quy hoạch.
2. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện quy hoạch chi tiết, bảo đảm xây dựng đồng bộ các khu đô thị mới theo quy hoạch; ban hành các quy định quản lý xây dựng và trật tự đô thị.
Trong trường hợp cần thiết và được Chính phủ cho phép, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung nhằm bảo đảm sự phát triển đồng bộ của Thủ đô.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trên địa bàn phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật và các quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về quy hoạch, quản lý xây dựng và trật tự đô thị.
Điều 12. Quản lý tài nguyên, đất đai, sông, hồ
1. Tài nguyên, đất đai, sông, hồ trên địa bàn Thủ đô được khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch chung.
2. Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Trực tiếp quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, sông, hồ trên địa bàn;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hằng năm về sử dụng tài nguyên, đất đai, sông, hồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và dân sinh;
c) Ban hành các quy định để bảo vệ và tổ chức khai thác có hiệu quả tài nguyên, đất đai, sông, hồ trên địa bàn;
d) Quản lý, theo dõi và xử lý kịp thời các biến động về tài nguyên, đất đai, sông, hồ trên địa bàn.
3. Người sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích được giao, thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về đất đai.
Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích xây dựng, phát triển Thủ đô theo quy hoạch, người sử dụng đất có nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành và được đền bù theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Quản lý và xây dựng, phát triển nhà
1. Xây dựng, phát triển nhà trên địa bàn phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại và nâng cao đời sống của nhân dân.
2. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:
a) Hằng năm công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch đầu tư của Nhà nước về cải tạo các khu đô thị cũ và xây dựng các khu đô thị mới;
b) Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, lựa chọn mô hình kinh doanh, phát triển nhà ở, các khu dân cư, các khu đô thị mới phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ, từng loại đối tượng; chú trọng xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; mở rộng thị trường kinh doanh bất động sản;
c) Quản lý các loại quỹ nhà trên địa bàn.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nhà thuộc các hình thức sở hữu phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về quản lý nhà.
Điều 14. Quản lý và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị
1. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được Nhà nước xếp vào loại đặc biệt quan trọng và tập trung đầu tư xây dựng đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy hoạch chung; ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đô thị, xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới thông tin, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường ở Thủ đô.
2. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:
a) Lập kế hoạch đầu tư, tổ chức quản lý thống nhất hoạt động đầu tư, khai thác, sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn theo sự phân cấp của Chính phủ;
b) Phân công, phân cấp quản lý theo thẩm quyền và ban hành các quy định khuyến khích đầu tư; xây dựng quy chế khai thác, sử dụng cho từng loại công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Điều 15. Quản lý và bảo vệ môi trường
1. Môi trường của Thủ đô được bảo vệ, phát triển bền vững, bảo đảm đô thị xanh, sạch, đẹp, cân bằng sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường nơi ở, nơi làm việc và các khu vực công cộng.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội:
a) Đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị quan trắc môi trường;
b) Hằng năm tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động môi trường và có giải pháp đầu tư phù hợp.
4. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:
a) Ban hành các quy định bảo vệ môi trường, quản lý những nguồn phát sinh gây tác hại đến môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường;
b) Tổ chức di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường đến nơi phù hợp; cải tạo môi trường ở đường phố, làng, xã; khắc phục tại chỗ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường;
c) Bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái; phát triển mạng lưới công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn.
Điều 16. Quản lý dân cư
1. Dân cư trên địa bàn được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung, phù hợp đặc điểm của Thủ đô.
2. Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:
a) Ban hành các quy định ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có trình độ cao, chuyên gia giỏi sinh sống, làm việc trên địa bàn;
b) Ban hành các quy định về quản lý di dân; quy định các biện pháp kiểm soát và hạn chế nhập cư tự phát, trái pháp luật vào Thủ đô;
c) Ban hành các quy định về quản lý lao động; có biện pháp tạo nhiều việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp; ưu đãi người có công với nước; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội;
d) Ban hành quy chế quản lý dân cư trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ
Điều 17. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho xây dựng, phát triển Thủ đô
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách đầu tư đặc biệt về ngân sách và các nguồn tài chính khác cho Thủ đô; bố trí nâng dần tỷ lệ phân bổ ngân sách trong từng giai đoạn ổn định 3 năm.
Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách vượt kế hoạch hằng năm theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng, phát triển.
2. Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách được Nhà nước phân bổ và thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước dưới nhiều hình thức để thực hiện các chương trình, dự án xây dựng, phát triển Thủ đô.
Điều 18. Các nguồn vốn hỗ trợ
Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô trên cơ sở các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.
Điều 19. Các biện pháp tài chính khác
Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được thực hiện một số biện pháp tài chính sau đây để xây dựng, phát triển Thủ đô:
1. Phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô;
2. Sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công trình phúc lợi công cộng theo quy định của pháp luật;
3. Lập Quỹ xây dựng, phát triển Thủ đô;
4. Trong trường hợp cần thiết, được vay vốn từ các nguồn tài chính của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô theo quy định của pháp luật.
Chương V
TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG,
PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ THỦ ĐÔ
Điều 20. Trách nhiệm của Chính phủ
1. Chính phủ có trách nhiệm:
a) Trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch chung, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; ưu tiên giải quyết kịp thời những vấn đề có liên quan đến Thủ đô; quyết định đầu tư ngân sách cho các nội dung được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 9, khoản 1 Điều 14, điểm d khoản 1 Điều 20 và điểm a khoản 2 Điều 21 của Pháp lệnh này;
b) Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển Thủ đô; chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô; huy động Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia, phối hợp, hỗ trợ Thủ đô trong từng lĩnh vực cụ thể;
c) Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước theo ngành và lãnh thổ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô;
d) Chỉ đạo quy hoạch xây dựng khu Trung tâm hội nghị quốc tế, Trụ sở Quốc hội, Bảo tàng Cách mạng, Trung tâm thể dục thể thao quốc gia và trụ sở các cơ quan trung ương để phục vụ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của đất nước.
2. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và quản lý đô thị của Thủ đô.
Điều 21. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương trong cả nước
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Lập kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành;
b) Phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khi xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô và triển khai các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để bảo đảm quản lý thống nhất theo quy hoạch;
c) Phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế đối ngoại.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương có trách nhiệm:
a) Căn cứ vào quy hoạch chung, tập trung đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tương xứng với vị thế Thủ đô;
b) Phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chăm lo điều kiện sinh sống của cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của mình sống trên địa bàn.
3. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác với Thủ đô phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng, phát triển Thủ đô.
Điều 22. Trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
1. Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô;
b) Phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ bảo đảm cho các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước;
- c) Mở rộng hoạt động đối ngoại, xây dựng các chương trình, kế hoạch để chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; xây dựng chiến lược đối ngoại của Thủ đô trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước;
d) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.
2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý, điều hành công tác xây dựng và quản lý đô thị của Thủ đô.
Điều 23. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống ở Thủ đô có trách nhiệm tham gia xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Pháp lệnh này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Điều 24. Trách nhiệm bảo vệ Thủ đô
1. Bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức và công dân.
2. Căn cứ vào nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Thủ đô trong mọi tình huống.
3. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và tổ chức lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 25. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27. Hiệu lực thi hành
Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 2 năm 2001.
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 28. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này./.