Sign In

CHỈ THỊ

 Về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

___________________

 

Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được quan tâm triển khai thực hiện. Các tổ hòa giải được thành lập ở hầu hết các ấp, khóm, tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng lên; hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Thông qua hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; góp phần vào việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải ở một số địa phương chưa được chú trọng; nhiều tổ hòa giải được thành lập nhưng hoạt động chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao; công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật, điều kiện bảo đảm cho các hòa giải viên tuy có quan tâm nhưng chưa được thực hiện thường xuyên... Nguyên nhân chủ yếu là do sự quan tâm và nhận thức của một số ít cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; việc bố trí kinh phí dành cho công tác hòa giải (chế độ bồi dưỡng, tập huấn, trang bị tài liệu nghiệp vụ cho tổ hòa giải, hòa giải viên...) ở một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; việc lưu trữ, thống kê vụ việc hòa giải chưa đi vào nề nếp; đã gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế; tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các công tác sau:

 

1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở

Các Sở ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường phổ biến, quán triệt sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác này trong việc giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư. Trong đó tập trung phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 03/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; Công văn số 708-CV/TU, ngày 18/6/2014 của Thường trực Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể về công tác hòa giải ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở.

2. Tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, thống kê tình hình tổ chức, số lượng hòa giải viên làm cơ sở đánh giá và nhân rộng mô hình hòa giải ở cơ sở đã hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn và thành lập thêm các tổ hòa giải mới đối với những ấp, khóm có nhu cầu thành lập mới phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, đặc điểm dân cư; bảo đảm mỗi ấp, khóm, khu, tổ dân phố có ít nhất một tổ hòa giải và mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Riêng đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Việc bầu, công nhận hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải phải đảm bảo tiêu chuẩn, thực hiện theo đúng quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đúng quy định; phối hợp rà soát và tham mưu việc bố trí công chức làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở một cách hợp lý, bảo đảm ở mỗi cấp đều có công chức tham mưu quản lý nhà nước về công tác hòa giải.

c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát đội ngũ công chức tham mưu công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở các cấp; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo tổ chức cấp dưới phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên và nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở

a) Các ngành, các cấp tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phân bổ kinh phí hợp lý; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã:

- Chủ động làm tốt công tác tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải cơ sở trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

- Tùy tình hình thực tế địa phương, Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cuộc thi hòa giải viên giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh.

- Đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên đảm bảo thiết thực, hiệu quả; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

- Biên soạn và cung cấp thường xuyên những tài liệu về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, sổ tay hòa giải chuyên đề về các lĩnh vực có nhiều mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong thực tiễn cho các tổ hòa giải và tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh.

c) Khuyến khích đội ngũ luật sư, luật gia và những người am hiểu pháp luật, người có uy tín ở địa phương, chức sắc trong tôn giáo, tham gia vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.

d) Phấn đấu hằng năm có trên 95% tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 90%. Việc hòa giải phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

đ) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cấp dưới phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở tại địa phương hoạt động có hiệu quả.

4. Kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở

a) Uỷ ban nhân dân các cấp kịp thời bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, huy động nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định mức chi bảo đảm hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Thông tư số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Sở Tài chính hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí để triển khai công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời kiểm tra việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định.

5. Công tác kiểm tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở

a) Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê định kỳ 06 tháng, hằng năm hoặc đột xuất về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

b) Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo, thống kê định kỳ 06 tháng, hằng năm hoặc đột xuất về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định và hướng dẫn của các cơ quan có liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với hoạt động hòa giải cơ sở theo quy định của pháp luật; phát động phong trào thi đua và biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.

c) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sóc Trăng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; biểu dương, điển hình những gương tiên tiến, tiêu biểu, tích cực hoạt động trong công tác hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.  

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc tham mưu kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở ngành, đoàn thể tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để hướng dẫn, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 02/2010/CT-UBND ngày 29/12/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tăng cường hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Thành Nghiệp