THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
____________________________
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp quy định tại Tiểu dự án 1 Dự án 3 của Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 90/QĐ-TTg), gồm:
1. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (gọi tắt là Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp).
2. Hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng.
3. Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
a) Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
b) Hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
c) Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc, phương thức hỗ trợ
1. Hỗ trợ đúng đối tượng, nội dung quy định tại điểm a mục 3 phần III Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng thực hiện theo dự án.
Điều 4. Định mức kinh tế, kỹ thuật thực hiện dự án
1. Nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này được thực hiện theo định mức kinh tế, kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ưu tiên áp dụng định mức kinh tế, kỹ thuật do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
2. Trường hợp chưa có định mức kinh tế, kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Điều 5. Nội dung hỗ trợ dự án phát triển sản xuất nông nghiệp
1. Thực hiện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn chuyển giao kỹ thuật theo các lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo các lĩnh vực sau:
a) Trồng trọt: Giống cây trồng, giá thể trồng cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch;
b) Chăn nuôi: Con giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vắc xin, thuốc thú y phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, chế phẩm sinh học, hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất;
c) Lâm nghiệp: Giống cây trồng lâm nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón;
d) Khai thác ngư nghiệp: Hỗ trợ hầm bảo quản thủy sản khai thác trên tàu cá; ngư cụ đánh bắt;
đ) Nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ giống, thức ăn, vắc xin, hóa chất xử lý môi trường nuôi, chế phẩm sinh học, công cụ, dụng cụ sản xuất, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản;
e) Diêm nghiệp: Hỗ trợ vật tư, công cụ, dụng cụ trong sản xuất, chế biến muối.
3. Hỗ trợ xây dựng, quản lý dự án và các hỗ trợ khác theo định mức kinh tế, kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Điều 6. Nội dung hỗ trợ dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng
1. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn chuyển giao kỹ thuật, kiến thức sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, sản xuất nông nghiệp an toàn, sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Hỗ trợ theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này để phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng.
3. Hỗ trợ vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất trong sơ chế, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm để nâng cao giá trị nông sản, an toàn thực phẩm và đảm bảo dinh dưỡng.
4. Hỗ trợ xây dựng, quản lý dự án và các hỗ trợ khác theo định mức kinh tế, kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Điều 7. Tập huấn, tư vấn về quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả
1. Hỗ trợ xây dựng tài liệu tập huấn, tư vấn; xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn về quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
2. Hỗ trợ tổ chức tập huấn, tư vấn:
a) Quản lý tiêu thụ nông sản: quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm;
b) Thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả;
c) Áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất và chế biến sản phẩm;
d) Chính sách, pháp luật liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản; quản lý rủi ro về dịch bệnh, thiên tai, tài chính trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
đ) Các nội dung tập huấn, tư vấn khác phù hợp với địa phương và quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
3. Hỗ trợ tổ chức, quản lý các lớp tập huấn và các hỗ trợ khác theo quy định của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Điều 8. Xây dựng, thẩm định phê duyệt và tổ chức quản lý, giám sát, đánh giá dự án
1. Xây dựng, thẩm định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng thực hiện theo Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa, sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ t rợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
2. Tổ chức quản lý, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước;
b) Lập kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn 5 năm và hằng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với nguồn vốn được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá dự án; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc cập nhật các chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá dự án; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
đ) Định kỳ báo cáo giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dự án gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp quy định tại Thông tư này.
b) Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) tổng hợp theo quy định.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 7 năm 2022.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
3. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được phê duyệt theo Thông tư số 18/2017/TT- BNNPTNT ngày 9/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
5. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.