• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/08/1992
BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Số: 604-CNNg/QLTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sơn La, ngày 13 tháng 8 năm 1992

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Quy định nguyên tắc thủ tục xin khai thác nước

dưới đất và đăng ký công trình khai thác nước dưới đất.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

- Căn cứ Pháp lệnh về Tài nguyên Khoáng sản ngày 28-7-1989;

- Căn cứ Nghị định số 95/HĐBT ngày 25-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Pháp lệnh về Tài nguyên Khoáng sản;

- Căn cứ Nghị định số 130/HĐBT ngày 30-4-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng;

- Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Ban hành kèm theo quyết định này quy định nguyên tắc xin khai thác nước dưới đất và đăng ký công trình khai thác nước dưới đất.

Điều 2. - Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương và các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY ĐỊNH

NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC XIN KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ ĐĂNG

KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 604-CNNg/QLTN ngày 13-8-1992)

 

I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trong quy định này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nước dưới đất là nước thiên nhiên tồn tại, lưu thông trong lòng đất (tầng chứa nước) và có thể lộ ra trên mặt đất, bao gồm các loại nước khoáng, nước nóng, nước công nghiệp, nước nhạt, nước lợ.

2. Nước khoáng là những nước thiên nhiên có thành phần và tính chất đặc biệt (chứa một số hợp phần muối ion, khí, chất hữu cơ với hàm lượng lớn, nhiệt độ và tính phóng xạ...) có hoạt tính sinh học, có tác dụng chữa bệnh hoặc tăng cường sức khoẻ cho con người.

3. Nước nóng là nước dưới đất có nhiệt độ cao (lớn hơn 30 độ C) ổn định theo các mùa và được dùng làm nguồn nhiệt năng.

4. Nước công nghiệp là những loại nước dưới đất có chứa các thành phần vật chất có thể dùng làm nguyên liệu điều chế các nguyên tố quí hiếm như Br, I, Bo...

5. Nước nhạt, nước lợ là những loại nước dưới đất dùng để ăn uống sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

6. Khu khai thác nước dưới đất là khu vực được bố trí các công trình khai thác kể cả phạm vi ảnh hưởng đến chế độ động thái nguồn nước khi được khai thác.

7. Công trình khai thác nước dưới đất là cái giếng đào, giếng khoan hoặc các điểm lộ nước dưới đất được xây dựng để khai thác nước dưới đất.

8. Khai thác tập trung qui mô vừa và lớn là khai thác một hay nhiều công trình (giếng khoan) với qui mô cung cấp cho nhiều hộ sử dụng với lưu lượng lớn hơn 1000 m3/ngày.

9. Khai thác đơn lẻ qui mô nhỏ là khai thác tại một công trình với qui mô chỉ đáp ứng chỉ một hoặc một số ít hộ sử dụng với lưu lượng nước dưới 1000 m3/ngày.

10. Hộ khai thác nước dưới đất là một tổ chức hoặc cá nhân được làm chủ giấy phép khai thác nước dưới đất hợp pháp. Hộ khai thác có thể là nhà máy nước, một cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị quân đội... hoặc hộ gia đình.

11. Hộ thi công là doanh nghiệp được Nhà nước cho phép nhận thầu thi công công trình khai thác nước dưới đất cho hộ khai thác. Hộ khai thác có thể tự thi công nếu có hội đủ các điều kiện là Hộ thi công.

12. Hộ tiêu thụ là hộ sử dụng nước, hộ tiêu thụ có thể đồng thời là hộ khai thác (nếu chỉ khai thác để sử dụng).

Điều 2. - Các tổ chức và cá nhân, muốn được quyền khai thác nước dưới đất, kể cả cải tạo các lỗ khoan điều tra địa chất, địa chất thuỷ văn thành giếng khoan khai thác nước dưới đất đều phải làm thủ tục xin khai thác và đăng ký công trình khai thác nước dưới đất theo qui định này, trừ trường hợp khai thác nước nhạt, nước lợ để ăn uống, sinh hoạt (không phải để bán) bằng giếng đào hoặc giếng khoan với chiều sâu không vượt quá 15 m kể từ mặt đất.

Điều 3. - Thẩm quyền cho phép khai thác nước dưới đất được quy định như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cấp giấy phép đối với những công trình khai thác nước khoáng, nước nóng, nước công nghiệp, nước uống để xuất khẩu, các công trình khai thác nước nhạt, nước lợ tập trung qui mô vừa và lớn với lưu lượng lớn hơn 1000 m3/ngày. Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước cấp giấy phép khai thác thử nghiệm và giấy phép thi công công trình khai thác nước dưới đất nói ở khoản này.

2. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) cấp giấy phép đối với những công trình khai thác nước nhạt, nước lợi đơn lẻ qui mô nhỏ với lưu lượng không quá 1000 m3/ngày.

Điều 4. - Mọi công trình khai thác nước dưới đất đều phải được đăng ký tại Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước hoặc tại Chi cục khu vực trực thuộc Cục (nếu có) hoặc tại cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản cấp tỉnh theo qui định này.

Điều 5. - Việc khai thác nước dưới đất có thể bị đình chỉ, giấy phép khai thác có thể bị thu hồi khi việc khai thác không đảm bảo các qui định về việc bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và môi trường liên quan hoặc sử dụng không đúng mục đích đã đăng ký, kể cả trường hợp giấy phép khai thác nước dưới đất được cấp không đúng thẩm quyền.

II - THỦ TỤC XIN KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 6. - Tổ chức, cá nhân muốn được khai thác nước khoáng, nước nóng, nước công nghiệp, nước uống để xuất khẩu và nước nhạt, nước lợ có lưu lượng lớn hơn 1000 m3/ngày phải gửi đến Cục Quản lý Tài nguyên khoáng sản Nhà nước hoặc Chi cục trực thuộc Cục. Hồ sơ xin khai thác nước dưới đất gồm:

1. Đơn xin khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục số 1).

2. Luận chứng kinh tế kỹ thuật, hoặc đề án khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục số 2).

3. Bản đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất tỷ lệ 1/5.000 - 1/25.000 (xem mẫu phụ lục số 3) 4 bộ.

4. Các văn bản xác nhận chất lượng công dụng của nước dưới đất của cơ quan y tế có thẩm quyền.

5. Bản sao quyết định phê duyệt trữ lượng khai thác nước của HĐXDTLKS hoặc của Bộ Công nghiệp nặng.

6. Công văn thoả thuận về việc khai thác sử dụng nước dưới đất của Bộ Xây dựng (nếu khai thác qui mô lớn phục vụ đô thị), hoặc thoả thuận của Bộ Thuỷ lợi (nếu khai thác phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cây công nghiệp).

Điều 7. - Tổ chức, cá nhân muốn được khai thác nước nhạt, nước lợ, tại các giếng khoan riêng lẻ có lưu lượng nhỏ hơn 1000 m3/ngày phải gửi đến UBND tỉnh (hoặc cơ quan được UBND tỉnh uỷ quyền) hồ sơ xin khai thác nước dưới đất gồm:

1. Đơn xin khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục 1).

2. Đề án khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục 2).

3. Bản đồ khu vực và vị trí giếng khoan khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục số 3) 4 bộ.

4. Văn bản xác nhận chất lượng nước của Sở Y tế.

5. Bản sao quyền sử dụng đất đai nơi đặt giếng khoan khai thác (nếu khu đất đặt giếng khoan khai thác không thuộc quyền sử dụng của hộ xin khai thác thì phải có văn bản thoả thuận giữa hộ xin phép và hộ được quyền sử dụng đất có xác nhận của cơ quan công chứng địa phương).

6. Bản sao quyết định phê duyệt hoặc đánh giá trữ lượng nước khai thác (nếu có).

Điều 8. - Đối với chương trình khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt nông thôn, cơ quan thực hiện chương trình có trách nhiệm làm thủ tục xin khai thác nước dưới đất theo kế hoạch đã được UBND tỉnh duyệt hàng năm. Hồ sơ xin khai thác nước gửi về UBND tỉnh (hoặc cơ quan được UBND tỉnh uỷ quyền) gồm:

1. Đơn xin khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục 1)

2. Đề án khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục 2)

3. Bản đồ vị trí giếng khoan và khu vực khai thác nước dưới đất (xem mẫu phụ lục số 7)

4. Bảng tổng hợp thống kê vị trí giếng khoan và tên hộ gia đình được đặt giếng khoan khai thác nước (xem mẫu phụ lục số 6)

Điều 9. - Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin khai thác nước dưới đất, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thực tế hiện trường, chuẩn bị văn bản hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Trường hợp không đủ điều kiện để cho khai thác thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin khai thác có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho hộ xin khai thác biết.

Điều 10. - Việc cấp giấy phép khai thác đối với các trường hợp:

1. Công trình xin khai thác đã có trước (giếng khoan cải tạo từ lỗ khoan tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất) đã có đủ tài liệu địa chất, địa chất thuỷ văn cột địa tầng địa chất thuỷ văn, tài liệu bơm nước thí nghiệm kết quả mẫu hoá học và vi trùng của nước) thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuẩn bị văn bản trình cấp trên ra quyết định cho phép khai thác.

2. Công trình xin khai thác còn chưa thi công, (chưa có tài liệu thực tế địa chất, địa chất thuỷ văn) thì sau khi xin ý kiến người có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác và xem xét nếu đủ điều kiện cơ quan tiếp nhận hồ sơ ra quyết định cho phép thi công. Sau khi kết thúc thi công có đủ tài liệu thực tế địa chất, địa chất thuỷ văn đã được phê duyệt hoặc đánh giá theo quy định thì hộ khai thác phải nộp đầy đủ tài liệu thực tế cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để xem xét trình cấp có thẩm quyền ra quyết định cho phép khai thác.

Điều 11. - Quyết định cho phép khai thác nước dưới đất và hồ sơ kèm theo được lưu giữ tại:

- Hộ khai thác nước dưới đất.

- Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước.

- Chi cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước - khu vực.

- UBND tỉnh (cơ quan được UBND tỉnh uỷ quyền).

III - THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 12. Những công trình khai thác nước dưới đất đang khai thác nhưng chưa có giấy phép khai thác theo qui định này, cũng như những công trình khai thác nước dưới đất do UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đều phải làm thủ tục đăng ký công trình khai thác nước dưới đất tại Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước hoặc Chi cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước khu vực (nếu có). Những công trình khai thác nước dưới đất do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cấp giấy phép đều phải đăng ký tại cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản cấp tỉnh.

Điều 13. - Hồ sơ, tài liệu để đăng ký công trình khai thác nước dưới đất được qui định cụ thể như sau:

1. Những công trình khai thác nước dưới đất đang sử dụng nhưng chưa có giấy phép khai thác theo qui định này, lập bốn bộ hồ sơ nộp cho cơ quan đăng ký, hồ sơ gồm:

a) Bản đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (phụ lục số 4).

b) Bản đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất (xem phụ lục số 5).

c) Bản sao các văn bản pháp lý cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng công trình khai thác nước và quyền sử dụng đất nơi xây dựng công trình khai thác.

d) Thiết đồ địa chất, địa chất thuỷ văn và cấu trúc các giếng khoan khai thác kể cả lỗ khoan quan trắc động thái nước và giếng khoan khai thác đã bị bỏ.

e) Tài liệu về lưu lượng, mực nước, chất lượng nước, chế độ khai thác và thiết bị dùng để khai thác.

2. Các công trình khai thác nước đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác thì nộp toàn bộ hồ sơ xin phép và quyết định cho phép của UBND tỉnh cho cơ quan đăng ký để đăng ký công trình khai thác nước dưới đất.

3. Đối với Chương trình khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt nông thôn thì cơ quan thực hiện chương trình tại địa phương có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký công trình khai thác nước dưới đất tại Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước hoặc tại Chi cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước khu vực, tài liệu đăng ký gồm:

a) Bản sao đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (xem phụ lục số 8).

b) Bảng tổng hợp thống kê các giếng khoan khai thác nước (xem phụ lục số 6).

c) Bản đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất (xem phụ lục số 9).

Điều 14. - Sau khi công trình khai thác nước dưới đất đã được đăng ký, hồ sơ đăng ký sẽ được lưu giữ tại:

- Hộ khai thác nước dưới đất.

- Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước.

- Chi cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước khu vực.

- UBND tỉnh (cơ quan được UBND tỉnh uỷ quyền)

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. - Qui định này có hiệu lực trong phạm vi cả nước kể từ ngày ban hành. Những qui định hướng dẫn trước đây của các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, UBND các cấp trái với qui định này đều bị bãi bỏ.

Điều 16. - Sau 90 ngày kể từ ngày ban hành qui định này những hoạt động khai thác nước dưới đất không có giấy phép khai thác hoặc chưa làm thủ tục đăng ký công trình khai thác nước dưới đất theo qui định này đều bị coi là khai thác trái phép và bị xử lý theo qui định của pháp luật.

Điều 17. - Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước, cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Lum

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.