• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2019
BỘ XÂY DỰNG
Số: 06/2011/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sơn La, ngày 21 tháng 6 năm 2011

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiến trúc, quy hoạch

xây dựng thực thi Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa

thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng

______________________________________

 

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 06/2002/NĐ-CP ngày 14/01/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh đo lường;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc quy hoạch xây dựng thực thi Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/12/2010 về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng (sau đây viết tắt là Thông tư số 05/2010/TT-BXD):

1. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Điều kiện để được công nhận là cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng

Để được xem xét, công nhận là cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng, ngoài việc phải đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ, các cơ sở đào tạo còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:

1. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng: đảm bảo các phòng học có quy mô, tiện nghi phù hợp với số lượng học viên và các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.

2. Tài liệu giảng dạy:

a) Nội dung tài liệu giảng dạy do cơ sở đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng biên soạn phải phù hợp với chương trình khung theo quy định tại Phụ lục số 1 của Thông tư này;

b) Tài liệu giảng dạy phải ghi tên của cơ sở đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng, được in, đóng thành quyển;

c) Có tối thiểu 03 bộ đề kiểm tra trắc nghiệm của chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng.

3. Giảng viên: các giảng viên tham gia giảng dạy phải có trình độ từ đại học trở lên. Mẫu kê khai danh sách và thông tin về đội ngũ giảng viên theo quy định tại Phụ lục số 2 của Thông tư này.

4. Quản lý đào tạo:

a) Có bộ máy quản lý đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ để tổ chức các khóa bồi dưỡng; lưu trữ hồ sơ học viên, hồ sơ tài liệu liên quan tới công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng;

b) Có quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng;

c) Có người phụ trách khóa học có kinh nghiệm trong việc tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng hoặc tập huấn nghiệp vụ về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động xây dựng.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 4 như sau:

“Điều 4. Hồ sơ đăng ký

1. Các cơ sở có nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 của Thông tư này lập 01 bộ hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Xây dựng để được xem xét, công nhận là cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng.

2. Hồ sơ đăng ký gồm:

b) Hồ sơ pháp lý: Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập đối với cơ sở không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quy định chức năng nhiệm vụ hoặc đăng ký hoạt động khoa học.

Trường hợp các giấy tờ trên là bản sao không có chứng thực thì cơ sở đào tạo phải xuất trình bản chính để đối chiếu khi có yêu cầu.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Thẩm định và công nhận cơ sở đào tạo

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng theo quy định thì thông báo, hướng dẫn một lần bằng văn bản để cơ sở đào tạo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn bổ sung hồ sơ là 10 ngày làm việc. Sau thời hạn trên nếu cơ sở đào tạo không cung cấp đủ hồ sơ theo quy định thì hồ sơ đăng ký được coi là không hợp lệ.

2. Bộ Xây dựng thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đăng ký của cơ sở đào tạo. Trước khi họp Hội đồng, Bộ Xây dựng có thể tổ chức kiểm tra trực tiếp năng lực của cơ sở đào tạo theo nội dung quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định để công nhận cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và đưa lên Website của Bộ Xây dựng.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 13 như sau:

“Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng

1. Người đề nghị cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này tới Sở Xây dựng nơi đăng ký cấp chứng chỉ.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Xây dựng kiểm tra và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ là 10 ngày làm việc.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 15 như sau:

“Điều 15. Cấp lại chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng

3. Thủ tục cấp lại chứng chỉ

a) Người xin cấp lại chứng chỉ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này tới Sở Xây dựng nơi đã cấp chứng chỉ. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Xây dựng kiểm tra và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ. Sở Xây dựng xem xét, cấp lại chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng cho các cá nhân đủ điều kiện theo quy định trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình (sau đây viết tắt là Thông tư số 25/2009/TT-BXD):

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

"Điều 3. Điều kiện năng lực để công nhận cơ sở đào tạo

1. Tư cách pháp nhân: Các cơ sở đào tạo từ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên, các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, các viện, học viện, trung tâm nghiên cứu có chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành xây dựng; các trung tâm có chức năng đào tạo thuộc các Hội nghề nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng.

Đối với các pháp nhân khác được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ xem xét cụ thể trên cơ sở nhu cầu và tình hình thực tế để công nhận.

2. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo:

a) Đảm bảo các phòng học có quy mô và tiện nghi phù hợp với số lượng học viên và các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập.

b) Có các phòng thí nghiệm hoặc các băng đĩa hình để giới thiệu về các thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (đối với bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC).

3. Giảng viên

a) Cơ sở đào tạo phải có ít nhất 40% giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn trên tổng số giảng viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC.

b) Tiêu chuẩn: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nội dung tham gia giảng dạy; Giảng viên tham gia giảng dạy kỹ năng QLDA và GSTC phải có kinh nghiệm thực tế từ 7 năm trở lên hoạt động trong các lĩnh vực quản lý dự án, quản lý kinh tế xây dựng; khảo sát, thiết kế; thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng công trình; nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành xây dựng.

c) Một giảng viên chỉ được ký hợp đồng tham gia giảng dạy không quá 03 chuyên đề cho một chương trình quản lý dự án hoặc giám sát thi công xây dựng. Đối với giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn không được hợp đồng với quá 03 cơ sở đào tạo trong cùng một thời gian.

d) Giảng viên tham gia giảng dạy các chuyên đề về quản lý dự án và giám sát thi công phải đăng ký với Bộ Xây dựng theo Phiếu đăng ký giảng viên tại Phụ lục số 1 của Thông tư này.

đ) Danh sách giảng viên đăng ký với Bộ Xây dựng sẽ được đăng trên Trang thông tin điện tử "Quản lý hoạt động xây dựng" của Bộ Xây dựng; đồng thời sẽ được thông báo cho các Sở Xây dựng biết để theo dõi, quản lý.

4. Tài liệu giảng dạy

a) Tài liệu giảng dạy phải được in, đóng thành quyển kèm theo bộ đề kiểm tra của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC.

b) Nội dung tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung quy định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Tài liệu giảng dạy phải do các giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy hoặc các chuyên gia đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này.

d) Các tài liệu giảng dạy phải ghi rõ họ và tên, chức danh, nơi công tác của người biên soạn.

5. Quản lý đào tạo:

a) Có bộ máy quản lý đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ để tổ chức các khoá bồi dưỡng, lưu trữ hồ sơ học viên, hồ sơ tài liệu liên quan tới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC.

b) Có quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ.

c) Có người phụ trách khoá học có kinh nghiệm 5 năm trở lên trong việc tổ chức các khoá bồi dưỡng hoặc tập huấn nghiệp vụ về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động xây dựng.”

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 4 như sau:

"Điều 4. Hồ sơ đăng ký

2. Hồ sơ đăng ký gồm: Các tài liệu chứng minh và thuyết minh của cơ sở đào tạo thể hiện việc đáp ứng điều kiện năng lực nêu tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Công văn đề nghị đăng ký cơ sở đào tạo nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc giám sát thi công xây dựng công trình theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư này;

đ) Danh sách giảng viên (kèm theo Phiếu đăng ký giảng viên theo mẫu tại Phụ lục số 1 của Thông tư này), kèm theo hợp đồng giảng dạy hoặc hợp đồng lao động."

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

"Điều 5. Quy trình thực hiện công nhận cơ sở đào tạo

1. Cơ sở đào tạo nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ gốc đăng ký và 02 bộ hồ sơ sao chụp tại Bộ Xây dựng.

2. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, đơn vị tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng theo quy định thì thông báo, hướng dẫn một lần bằng văn bản để cơ sở đào tạo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định để công nhận cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án hoặc giám sát thi công.

3. Bộ Xây dựng thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đăng ký của cơ sở đào tạo. Trước khi họp Hội đồng, Bộ Xây dựng có thể tổ chức kiểm tra trực tiếp năng lực của cơ sở đào tạo theo nội dung quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

4. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ Xây dựng quyết định công nhận bằng văn bản và đưa lên Website của Bộ Xây dựng các cơ sở đào tạo đủ điều kiện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án hoặc giám sát thi công.

Đối với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công, trong Quyết định có thể công nhận cơ sở đào tạo được bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công một hoặc nhiều chuyên ngành xây dựng (dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật; giao thông; thuỷ lợi, thuỷ điện).”

4. Bổ sung Phụ lục số 1, Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này vào Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 của Bộ Xây dựng.

5. Bổ sung nội dung “tổ chức đào tạo tại” vào Phụ lục số 3, Phụ lục số 4 của Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 của Bộ Xây dựng.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2009/TT-BXD):

1. Sửa đổi khoản 3 Điều 2 như sau:

“Điều 2. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

3. Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý trước ngày 15 tháng 12 hàng năm theo mẫu tại Phụ lục số 5 của Thông tư này.”

2. Sửa đổi khoản 4 Điều 3 như sau:

Điều 3. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục số 6 của Thông tư này.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4 như sau:

“Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư trong trường hợp trực tiếp quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý dự án

6. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp tại địa phương

a) Chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo và gửi qua đường bưu điện tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp tại địa phương về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; báo cáo khi hoàn thành đưa công trình xây dựng vào sử dụng, vận hành, khai thác; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục số 7 của Thông tư này. (thời điểm gửi báo cáo tính theo dấu bưu điện nơi đi).

b) Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp tại địa phương nhận báo cáo và gửi phiếu tiếp nhận cho chủ đầu tư theo mẫu tại Phụ lục số 8 của Thông tư này, qua đường bưu điện trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo (thời điểm nhận báo cáo căn cứ theo dấu công văn đến).”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 như sau:

“Điều 21. Phân loại sự cố công trình, trình tự báo cáo và giám định để xác định nguyên nhân sự cố

2. Trình tự báo cáo và giám định để xác định nguyên nhân sự cố công trình

a) Chủ đầu tư đối với công trình đang thi công, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng đối với công trình đang sử dụng, vận hành, khai thác có trách nhiệm lập báo cáo nhanh sự cố công trình và gửi qua đường bưu điện tới các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp quy định tại Điều 35 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP trong vòng 24 giờ, kể từ khi xảy ra sự cố (thời điểm gửi báo cáo tính theo dấu bưu điện nơi đi).

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo nhanh sự cố đối với công trình xây dựng cấp I, cấp II, cấp III; Bộ Xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo nhanh sự cố công trình xây dựng cấp I và cấp II. Sau khi nhận được báo cáo, các cơ quan tiếp nhận theo phân cấp phải gửi phiếu tiếp nhận qua đường bưu điện cho chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo (thời điểm nhận báo cáo căn cứ theo dấu công văn đến).

c) Phân cấp cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn hoặc tổ chức giám định để xác định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền đối với mọi sự cố;

- Bộ Xây dựng hoặc cơ quan được uỷ quyền đối với sự cố cấp I và cấp II khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ này.”

5. Phụ lục số 5, Phụ lục số 6, Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư này thay thế Phụ lục số 1, Phụ lục số 2, Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2009/TT-BXD.

6. Bổ sung Phụ lục 8 ban bành kèm theo Thông tư này vào Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2008/TT-BXD ngày 17/6/2008 hướng dẫn, đánh giá, công nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu (sau đây viết tắt là Thông tư số 15/2008/TT-BXD)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Mục IV như sau:

“IV. Trình tự lập hồ sơ, đánh giá, đề nghị công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu

1. Chủ đầu tư lập hồ sơ đánh giá tình hình thực hiện theo các tiêu chí của Khu đô thị mới kiểu mẫu. Hồ sơ gồm:

a) Bản báo cáo tổng hợp tự đánh giá việc thực hiện theo các tiêu chí của khu đô thị mới đề nghị công nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu;

b) Bản sao có chứng thực Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500;

c) Bản sao có chứng thực Quyết định hoặc văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền;

d) Một số hình ảnh minh họa theo các tiêu chí.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Mục IV như sau:

“IV. Trình tự lập hồ sơ, đánh giá, đề nghị công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu

4. Đề nghị công nhận:

Căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng, chủ đầu tư tổng hợp và gửi Bộ Xây dựng một (01) bộ hồ sơ đề nghị công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu. Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình (theo mẫu tại Phụ lục số 9 của Thông tư này);

b) Hồ sơ quy định tại mục IV.1;

c) Bản tổng hợp điều tra xã hội như quy định tại mục IV.2.c;

d) Biên bản đánh giá, cho điểm của Hội đồng như quy định tại mục IV.3.c;

đ) Ý kiến, kiến nghị bằng văn bản của UBND cấp huyện, cấp xã quản lý địa bàn Khu đô thị mới về việc công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu.

3. Sửa đổi, bổ sung Mục V như sau:

“V. Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận

1. Bộ Xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận, vào sổ và viết phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu. Trong thời gian 03 ngày làm việc, Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn một lần bằng văn bản để chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (thời gian này không tính vào thời hạn giải quyết thủ tục hành chính).

2. Trong quá trình thẩm định, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án Khu đô thị mới đề nghị công nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu; tổ chức thẩm định, ra quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

3. Chủ đầu tư nhận kết quả tại Bộ Xây dựng.”

4. Bổ sung mẫu Tờ trình đề nghị công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu tại Phụ lục số 9 ban hành kèm theo Thông tư này vào Thông tư số 15/2008/TT-BXD ngày 17/6/2008 của Bộ Xây dựng.

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 297: 2003 “Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Tiêu chuẩn công nhận” ban hành kèm theo Quyết định số 11/2003/QĐ-BXD ngày 12/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là Quyết định số 11/2003/QĐ-BXD):

1. Giải thích mục 4.6 như sau:

“4.6. Môi trường:

a) Phòng thí nghiệm phải có điều kiện môi trường trong phòng (nhiệt độ, độ ẩm…) phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật; phải đảm bảo thông thoáng và nồng độ hơi, mùi từ các thí nghiệm hóa học ra môi trường xung quanh phải đảm bảo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

b) Đối với các phòng thí nghiệm có thiết bị gây tiếng ồn (máy sàng, máy trộn, máy kéo nén, máy cưa cắt…), độ ồn phải đảm bảo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Không cho phép đặt phòng thí nghiệm trong nhà chung cư.”

2. Sửa đổi mục 4.7 như sau:

“4.7 Quản lý chất lượng:

Sau 01 năm kể từ khi được cấp quyết định công nhận, phòng thí nghiệm phải có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 hoặc ISO/IEC 17025 và phải duy trì hệ thống này trong suốt quá trình hoạt động”.

3. Huỷ bỏ các nội dung tại mục 5.1.c; mục 6, mục 7, mẫu đơn xin công nhận phòng thí nghiệm tại Phụ lục I và mẫu báo cáo khả năng và tình hình hoạt động của phòng thí nghiệm tại Phụ lục K kèm theo Quyết định số 11/2003/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD):

1. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Cơ sở quản lý phòng thí nghiệm phải đăng ký công nhận bổ sung khi có nhu cầu mở rộng, thu hẹp năng lực hoạt động hoặc thay đổi địa điểm đặt phòng thí nghiệm. Hồ sơ công nhận bổ sung phòng thí nghiệm tuân theo các nội dung được quy định tại chương II của Quy chế này.”

2. Sửa đổi Điều 6 như sau:

“Điều 6. Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đã qua đánh giá, nếu đạt các yêu cầu theo quy định của Quy chế này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét, cấp quyết định công nhận.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Hồ sơ đăng ký công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (theo mẫu tại Phụ lục số 10 của Thông tư này);

b) Bản sao Quyết định thành lập phòng thí nghiệm của cơ sở quản lý trực tiếp;

c) Bản sao Quyết định bổ nhiệm trưởng phòng thí nghiệm;

d) Bản sao chứng chỉ đào tạo của trưởng phòng thí nghiệm, các thí nghiệm viên hay công nhân kỹ thuật thí nghiệm do cơ quan có chức năng đào tạo cấp;

đ) Báo cáo khả năng tình hình hoạt động của phòng thí nghiệm (theo mẫu tại Phụ lục số 12 của Thông tư này);

e) Bản vẽ mặt bằng phòng thí nghiệm (mặt bằng với kích thước phòng, vị trí các thiết bị thí nghiệm, vị trí lưu mẫu…);

g) Bản sao hợp đồng mua, hóa đơn và biên bản bàn giao thiết bị thí nghiệm và đo lường của phòng thí nghiệm; Bản sao Quyết định của cấp có thẩm quyền đối với các thiết bị được điều chuyển từ cơ quan khác;

h) Bản sao hợp đồng sử dụng lao động đối với cán bộ quản lý và nhân viên thí nghiệm được đăng ký trong hồ sơ;

Đối với bản sao các loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ sẽ được đối chiếu với bản chính trong quá trình đánh giá phòng thí nghiệm.”

4. Sửa đổi Điều 9 như sau:

“Điều 9. Hồ sơ đăng ký công nhận bổ sung gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận bổ sung (theo mẫu tại Phụ lục số 11 của Thông tư này);

b) Danh mục các phép thử bổ sung, tiêu chuẩn kỹ thuật; Chứng chỉ kiểm định/hiệu chuẩn các thiết bị bổ sung; Bản sao (không cần công chứng) tài liệu chứng minh trang thiết bị được mua hoặc điều chuyển từ cơ quan khác; Chứng chỉ thí nghiệm viên thực hiện các phép thử bổ sung;

c) Báo cáo khả năng và tình hình hoạt động của phòng thí nghiệm (theo mẫu tại Phụ lục số 12 của Thông tư này);

d) Bản vẽ mặt bằng phòng thí nghiệm và bố trí thiết bị thí nghiệm (trường hợp thay đổi địa điểm đặt phòng thí nghiệm);”

5. Sửa đổi Điều 10 như sau:

“Điều 10. Hồ sơ công nhận và công nhận bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được gửi trực tiếp tại Bộ Xây dựng hoặc qua đường bưu điện. Nếu hồ sơ không đáp ứng các yêu cầu theo quy định, trong vòng 07 ngày làm việc, cơ quan đánh giá công nhận phải trả lời bằng văn bản cho cơ sở quản lý phòng thí nghiệm để bổ sung và hoàn thiện hồ sơ. Công tác đánh giá tại phòng thí nghiệm sẽ được tiến hành trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.”

6. Sửa đổi Điều 12 như sau:

“Điều 12. Đánh giá phòng thí nghiệm bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quyết định thành lập phòng thí nghiệm, quyết định bổ nhiệm trưởng phòng thí nghiệm;

2. Đối chiếu hợp đồng mua, hóa đơn và biên bản bàn giao trang thiết bị thí nghiệm/văn bản điều chuyển trang thiết bị của cấp có thẩm quyền; hợp đồng lao động của các cán bộ quản lý và nhân viên thí nghiệm được đăng ký;

3. Xác định sự phù hợp với tiêu chuẩn TCXDVN 297-2003, bao gồm: điều kiện môi trường làm việc của phòng thí nghiệm; chứng chỉ đào tạo cán bộ quản lý và các nhân viên thí nghiệm; tình trạng thiết bị và chứng chỉ kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị; các tiêu chuẩn và tài liệu kỹ thuật của phòng thí nghiệm đối với nội dung đăng ký của cơ sở;

4. Kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm, bao gồm: quy trình khảo sát, lấy mẫu tại hiện trường; hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị và quy trình thí nghiệm cho mỗi phép thử; các sổ sách ghi chép (giao nhận mẫu; kết quả quá trình thí nghiệm; lưu mẫu); phiếu kết quả thí nghiệm; chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng của phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn TCVN 9001: 2000 hoặc ISO/IEC 17025 (đối với các cơ sở đã hoạt động 1 năm, kể từ ngày có quyết định công nhận và đề nghị đăng ký công nhận bổ sung).”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

“Điều 17. Phiếu kết quả thí nghiệm do cơ sở thiết lập theo yêu cầu của các phép thử, nhưng phải có các thông tin và nội dung cơ bản sau:

1. Tên cơ sở quản lý phòng thí nghiệm;

2. Tên và địa chỉ phòng thí nghiệm, mã số LAS-XD (ghi theo quyết định công nhận);

3. Số hợp đồng kinh tế hoặc văn bản yêu cầu của đơn vị yêu cầu thí nghiệm;

4. Tên dự án/công trình/hạng mục công trình được khảo sát, lấy mẫu, thí nghiệm. Đối với các thí nghiệm phục vụ nghiên cứu/tự kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất thì ghi rõ mục đích thí nghiệm.

5. Tên cán bộ giám sát của Chủ đầu tư trong quá trình lẫy mẫu, thí nghiệm;

6. Loại mẫu thí nghiệm;

7. Tiêu chuẩn và thiết bị thí nghiệm;

8. Kết quả thí nghiệm;

9. Thời gian lập phiếu kết quả thí nghiệm;

10. Chữ ký của: nhân viên thí nghiệm và trưởng phòng thí nghiệm;

11. Chữ ký của người có thẩm quyền và dấu pháp nhân của cơ sở quản lý phòng thí nghiệm.”

8. Huỷ bỏ Điều 7, Điều 23, Điều 29.

9. Mẫu đơn tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này thay thế mẫu đơn xin công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD.

10. Bổ sung mẫu đơn đề nghị công nhận bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng tại Phụ lục số 11; mẫu đơn báo cáo khả năng và tình hình hoạt động của phòng thí nghiệm tại Phụ lục số 12 vào Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.

Điều 7. Xử lý chuyển tiếp

1. Đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng

a) Các cơ sở đào tạo đã được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải đăng ký lại. Các cơ sở chưa được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nếu đăng ký để được công nhận cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng thì thực hiện theo Thông tư này.

b) Các cá nhân đã được cấp hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải đăng ký lại. Các cá nhân chưa được cấp chứng chỉ trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nếu đăng ký để được cấp hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng thì thực hiện theo Thông tư này.

2. Đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình

Các cơ sở đào tạo đã được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải đăng ký lại. Các cơ sở chưa được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nếu đăng ký để được công nhận là cơ sở đào tạo về quản lý dự án hoặc giám sát thi công thì thực hiện theo Thông tư này.

3. Đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đã được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải công nh ận lại. Các phòng thí nghiệm chưa được công nhận hoặc muốn được đề nghị công nhận bổ sung thì thực hiện theo Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Lại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.