• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/05/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 41/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sơn La, ngày 8 tháng 4 năm 2014

 

THÔNG TƯ

Quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

________________

 

Căn cứ Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10923/VPCP-KTTH ngày 26 tháng 12 năm 2013 về việc chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý tài chính

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng theo pháp luật Việt Nam, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Nguồn thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được miễn nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hạch toán tập trung toàn hệ thống, thực hiện thu, chi và quyết toán thu chi tài chính theo các nội dung quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 3. Chế độ trách nhiệm

Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý an toàn vốn và tài sản, sử dụng vốn, chấp hành chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chương II

QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN

Mục 1 – Quản lý vốn

Điều 4. Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi, các nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

1. Vốn điều lệ:

a) Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác;

b) Khi có yêu cầu thay đổi mức vốn điều lệ, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính để Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Quỹ dự phòng nghiệp vụ được hình thành từ các nguồn sau:

a) Tiền thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm;

b) Thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để trang trải chi phí hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này;

c) Các khoản tiền bảo hiểm không có người nhận theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi;

d) Số tiền còn lại (nếu có) từ việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này;

đ) Chênh lệch thu chi tài chính còn lại hàng năm sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 17 Thông tư này (nếu có).

3. Quỹ đầu tư phát triển.

4. Vốn khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Vốn tiếp nhận hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp luật liên quan;

b) Vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có);

c) Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản (nếu có);

d) Chênh lệch thu chi chưa phân bổ cho các quỹ (nếu có);

đ) Vốn hợp pháp khác.

Điều 5. Nguyên tắc sử dụng vốn

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, phát triển vốn.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vốn và tài sản hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình biến động vốn và tài sản trong quá trình hoạt động, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân đối với các trường hợp làm thất thoát vốn, hư hỏng, mất mát tài sản.

3. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ hoạt động của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 30% giá trị vốn điều lệ và quỹ đầu tư phát triển hạch toán trên sổ sách kế toán. Việc đầu tư và mua sắm tài sản cố định phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, đảm bảo thực hành tiết kiệm chống lãng phí và trong phạm vi kế hoạch năm được Hội đồng quản trị phê duyệt.

4. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đ­ược sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải theo dõi, hạch toán riêng các khoản thu được từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi này.

5. Quỹ dự phòng nghiệp vụ được sử dụng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể tiếp nhận hỗ trợ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản hướng dẫn.

Mục 2 – Quản lý tài sản

Điều 6. Kiểm kê, đánh giá lại tài sản

1. Kiểm kê tài sản:

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải tổ chức kiểm kê tài sản định kỳ hoặc đột xuất khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; sau khi xảy ra thiên tai, địch họa; hoặc vì lý do nào đó gây ra biến động tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hoặc theo quy định của Nhà nước. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải thống kê tài sản thừa, thiếu, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xử lý kiểm kê tài sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đánh giá lại tài sản:

a) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Việc đánh giá lại tài sản phải theo đúng các quy định của Nhà nước. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giá trị do đánh giá lại tài sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 7. Khấu hao tài sản cố định

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng số tiền khấu hao tài sản cố định đã trích để tái đầu tư thay thế, đổi mới tài sản cố định và sử dụng cho các mục tiêu khác theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

Điều 8. Xử lý tổn thất tài sản

Mọi tổn thất tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (trừ tổn thất thuộc cam kết bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) phải được lập biên bản xác định giá trị tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo nguyên tắc sau:

1. Nếu tổn thất do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

3. Giá trị tổn thất sau khi đã thu hồi và bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của các tổ chức bảo hiểm, phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ.

4. Những trường hợp tổn thất do thiên tai hoặc nguyên nhân bất khả kháng gây thiệt hại nghiêm trọng; tổn thất do không thu hồi được các khoản đã cho vay trước ngày 01/01/2013, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không thể khắc phục được thì Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lập phương án xử lý tổn thất báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản tổn thất tài sản, trường hợp để các khoản tổn thất tài sản không được xử lý thì Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 9. Cho thuê tài sản cố định

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quyền cho thuê tài sản theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Việc sử dụng tài sản để cho thuê phải tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 10. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quyền chủ động nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn.

2. Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định hoặc ủy quyền theo cơ chế phân công của Hội đồng quản trị phương án, phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại dưới 50% vốn điều lệ thực có của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhưng không quá mức dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức phân cấp cho Hội đồng quản trị thì Hội đồng quản trị báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định.

Điều 11. Xử lý số tiền thu được từ thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản

1. Việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Số tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu được từ thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được sử dụng theo thứ tự sau:

a) Hoàn lại các khoản Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cho vay hỗ trợ và bảo lãnh trước ngày 01/01/2013 đối với các tổ chức này;

b) Phần còn lại (nếu có) bổ sung vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Chương III

THU NHẬP, CHI PHÍ

Điều 12. Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là các khoản phải thu, có hoá đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ, bao gồm:

1. Thu hoạt động tài chính: trích một phần nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hàng năm để hạch toán vào thu nhập. Căn cứ đề nghị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định mức cụ thể được trích trong từng thời kỳ.

2. Thu hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi:

a) Thu tiền phạt tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm về xác định số phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp và thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định;

b) Thu lãi từ các khoản đã thực hiện cho vay hỗ trợ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trước ngày 01/01/2013.

3. Thu hoạt động khác:

a) Thu thanh lý, nhượng bán tài sản;

b) Thu cho thuê tài sản;

c) Thu phí dịch vụ tư vấn, đào tạo cán bộ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

d) Các khoản thu khác.

Điều 13. Hạch toán khoản thu từ đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mở tài khoản theo dõi riêng số tiền thu được từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi.

2. Cuối mỗi tháng hoặc quý, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam căn cứ vào tỷ lệ được phép trích để trang trải chi phí hoạt động trên số tiền thu được từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này và số tiền thu được từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của tháng, quý đó để tạm trích và hạch toán vào thu nhập (bằng tỷ lệ nhân với (x) số thu từ đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi); hạch toán số thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi còn lại vào quỹ dự phòng nghiệp vụ. Trường hợp tỷ lệ được trích từ số tiền thu được của hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để trang trải chi phí hoạt động chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tạm trích vào thu nhập theo mức bằng 80% tỷ lệ được trích của năm trước liền kề.

3. Cuối năm, căn cứ vào số tiền thu được từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm hạch toán chính xác số thu vào thu nhập và thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để bù đắp chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

4. Sau khi có Báo cáo kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm của Kiểm toán Nhà nước hoặc các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về thu chi tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trường hợp số thu từ đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi có thay đổi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh việc phân bổ số thu vào thu nhập và thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để bù đắp chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Điều 14. Các khoản chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là các khoản phải chi cần thiết cho hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, có hoá đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ và nằm trong kế hoạch tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm định hàng năm. Các khoản chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm:

1. Chi trả lãi tiền vay đối với các khoản vốn đi vay trong trường hợp vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 12 Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi.

2. Chi phí dịch vụ thanh toán, ủy thác.

3. Chi phí liên quan đến việc tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

4. Chi trả phí dịch vụ thu nợ (nếu có) cho các tổ chức được phép thực hiện dịch vụ thu nợ theo quy định của pháp luật để thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi, các khoản nợ mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cho vay trước ngày 01/01/2013 và các khoản nợ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành chủ nợ khi tham gia thanh lý tài sản của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản theo quy định của pháp luật.

5. Chi chênh lệch tỷ giá theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định của pháp luật.

6. Chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách về bảo hiểm tiền gửi. Nội dung và mức chi được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tổng mức chi của khoản chi này không vượt quá 3% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ.

7. Chi cho cán bộ:

a) Chi phí tiền lương, thù lao của Viên chức quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

b) Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản chi mang tính chất tiền lương phải trả cho người lao động do Hội đồng quản trị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

c) Chi tiền ăn ca cho cán bộ, nhân viên theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

d) Chi cho lao động nữ theo chế độ quy định;

đ) Chi trang phục giao dịch, căn cứ mức chi tối đa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt trong kế hoạch tài chính hàng năm, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định mức chi cụ thể đối với chi trang phục giao dịch, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả;

e) Chi bảo hộ lao động theo quy định;

g) Chi trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm;

h) Chi khám chữa bệnh định kỳ cho người lao động và các khoản chi y tế theo chế độ quy định;

i) Chi thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm;

k) Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản đóng góp khác theo chế độ quy định;

8. Chi hoạt động quản lý, bao gồm:

a) Chi vật tư văn phòng;

b) Chi về cước phí bưu điện, truyền tin, điện báo, thuê kênh truyền tin, telex, fax trả theo hóa đơn của cơ quan bưu điện;

c) Chi điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan, môi trường;

d) Chi xăng dầu;

đ) Chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị theo quy định hiện hành của pháp luật và phải gắn với hoạt động của Bảo hiềm tiền gửi Việt Nam. Các khoản chi này không quá 5% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ;

e) Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước theo chế độ quy định của pháp luật đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

g) Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài: Thực hiện trong phạm vi kế hoạch đoàn ra được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí;

h) Chi đào tạo, tập huấn cán bộ: Thực hiện trong phạm vi kế hoạch đào tạo, tập huấn cán bộ được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;

i) Chi nghiên cứu khoa học: Thực hiện trong phạm vi kế hoạch nghiên cứu khoa học được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

k) Chi về thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước thực hiện trong phạm vi kế hoạch năm được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt;

l) Chi phí thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

m) Chi tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế do nguyên nhân khách quan bất khả kháng;

n) Chi thưởng sáng kiến cải tiến, thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Mức thưởng do Tổng giám đốc quyết định căn cứ vào hiệu quả công việc trên mang lại nhưng không được cao hơn số tiết kiệm chi phí do công việc đó mang lại trong 01 năm;

o) Chi cho công tác bảo vệ môi trường;

p) Chi án phí, lệ phí thi hành án;

q) Chi phí quản lý khác theo quy định.

9. Chi về tài sản:

a) Chi trích khấu hao tài sản cố định: Căn cứ vào quy định của pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định đối với doanh nghiệp, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định cụ thể tỷ lệ trích khấu hao đối với từng loại tài sản trong quy chế tài chính nội bộ cho phù hợp với đặc thù hoạt động;

b) Chi về mua bảo hiểm tài sản;

c) Chi mua sắm công cụ lao động;

d) Chi bảo dưỡng và sửa chữa tài sản: Mức chi hàng năm tối đa không quá 5% giá trị tài sản cố định bình quân trong năm;

đ) Chi trả tiền thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài sản giữa bên cho thuê và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trường hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí theo số năm sử dụng tài sản;

e) Chi về thanh lý, nhượng bán tài sản (bao gồm giá trị còn lại của tài sản và các chi phí thanh lý, nhượng bán);

g) Chi cho khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã được bù đắp bằng các nguồn theo chế độ quy định.

10. Các khoản chi phí khác:

a) Chi phí cho tổ chức Đảng, đoàn thể trong trường hợp nguồn kinh phí của các tổ chức này không đủ trang trải chi phí hoạt động theo chế độ quy định;

b) Chi phòng cháy chữa cháy, quốc phòng an ninh;

c) Chi nộp thuế, phí, lệ phí;

d) Chi đóng phí hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia theo mức phí do các hiệp hội này quy định;

đ) Các chi phí hợp lý, hợp lệ khác cần thiết cho hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, phát sinh trong quá trình hoạt động, chưa quy định tại Thông tư này do Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 15. Các khoản Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không được hạch toán vào chi phí

1. Các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật do cá nhân gây ra không mang danh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

2. Các khoản chi không liên quan đến hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các khoản chi không có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ.

3. Các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ.

4. Các khoản chi không hợp lý, hợp lệ khác.

Chương IV

CHÊNH LỆCH THU CHI TÀI CHÍNH VÀ TRÍCH LẬP CÁC QUỸ

Điều 16. Chênh lệch thu chi

Chênh lệch thu chi tài chính thực hiện trong năm là kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, được xác định giữa tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong năm.

Điều 17. Xử lý chênh lệch thu chi tài chính hàng năm

Chênh lệch thu chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phân phối như sau:

1. Bù đắp chênh lệch thu nhỏ hơn chi các năm trước.

2. Số còn lại coi như 100% được xử lý như sau:

a) Trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển cho đến khi quỹ đầu tư phát triển bằng mức vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

b) Trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi.

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại A thì mức trích tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại B thì mức trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại C thì mức trích tối đa không quá 1 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không thực hiện xếp loại thì không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Tỷ lệ phân chia vào hai quỹ khen thưởng và phúc lợi do Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định.

c) Trích lập quỹ thưởng Ban điều hành.

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại A thì mức trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện của Viên chức quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại B thì mức trích tối đa không quá 01 tháng lương thực hiện của Viên chức quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại C hoặc không thực hiện xếp loại thì không được trích lập quỹ thưởng Viên chức quản lý.

d) Số còn lại được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển. Khi quỹ đầu tư phát triển đạt mức quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì số chênh lệch thu chi còn lại sau khi trích quỹ khen thưởng và phúc lợi, quỹ thưởng Ban quản lý điều hành sẽ bổ sung vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

3. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn nhà nước và hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 18. Nguyên tắc sử dụng các quỹ được trích lập từ chênh lệch thu chi

1. Quỹ đầu tư phát triển dùng để bổ sung vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Quỹ khen thưởng dùng để:

a) Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ cho cán bộ, công nhân viên. Mức thưởng do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định sau khi có ý kiến của Công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trên cơ sở năng suất lao động, thành tích công tác của mỗi cán bộ, công nhân viên trong Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

b) Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Mức thưởng do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định;

c) Thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Mức thưởng do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định.

Thẩm quyền quyết định các mức thưởng nêu tại khoản a, b và c nêu trên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Quỹ phúc lợi dùng để:

a) Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

b) Chi cho các hoạt động phúc lợi của tập thể người lao động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

c) Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội.

Việc sử dụng quỹ phúc lợi do Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

4. Quỹ thưởng Ban quản lý điều hành được sử dụng để thưởng cho Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Mức thưởng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định gắn với hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chương V

CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ,

KIỂM TOÁN VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

Điều 19. Kế toán, thống kê

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Năm tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 dương lịch.

Điều 20. Kế hoạch tài chính

1. Hàng năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến kế hoạch tài chính trước ngày 31 tháng 07 năm trước năm kế hoạch, gồm:

a) Kế hoạch nguồn vốn hoạt động (kèm thuyết minh chi tiết về tình hình biến động của nguồn vốn hoạt động dự kiến cho năm kế hoạch);

b) Kế hoạch thu nhập - chi phí (kèm theo thuyết minh chi tiết về các mục thu - chi và các định mức chi tiêu cụ thể dự kiến cho năm kế hoạch);

c) Kế hoạch xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định (kèm theo thuyết minh chi tiết về dự kiến xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định và cân đối các nguồn vốn);

d) Kế hoạch lao động, tiền lương - thu nhập.

2. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thẩm định kế hoạch tài chính và giao một số chỉ tiêu cơ bản làm căn cứ để Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt kế hoạch tài chính. Các chỉ tiêu cơ bản được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm:

a) Tổng thu nhập;

b) Tổng chi phí;

c) Chi tiết một số khoản thu – chi, gồm:

- Chi trang phục giao dịch;

- Chi công tác phí;

- Chi nghiên cứu khoa học;

- Chi đào tạo và tập huấn cán bộ;

- Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước.

3. Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt kế hoạch tài chính sau khi có ý kiến thẩm định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong quá trình thực hiện kế hoạch tài chính, trường hợp không thực hiện được các chỉ tiêu tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao, bao gồm tổng thu nhập, tổng chi phí và các khoản chi tiêu chi tiết nêu tại khoản 2 Điều này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 21. Chế độ báo cáo

Định kỳ (quý, năm) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi các Báo cáo nghiệp vụ, Báo cáo thống kê, Báo cáo tài chính và các Báo cáo định kỳ, đột xuất khác theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê.

1. Các loại báo cáo:

a) Bảng cân đối tài khoản cấp III;

b) Bảng cân đối kế toán (bảng tổng kết tài sản);

c) Báo cáo kết quả hoạt động;

d) Thuyết minh Báo cáo tài chính:

- Tình hình tăng giảm tài sản cố định;

- Thực hiện lao động, tiền lương - thu nhập;

- Tình hình tăng, giảm biến động nguồn vốn, sử dụng vốn;

- Tình hình trích lập và sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ.

đ) Báo cáo về đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại hàng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của các báo cáo này.

3. Thời hạn gửi báo cáo, nơi gửi báo cáo:

a) Báo cáo quý gửi chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý và gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Báo cáo năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Hội đồng quản trị thông qua và gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất trong vòng 45 ngày từ ngày kết thúc năm tài chính.

Điều 22. Kiểm toán

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ theo quy định hiện hành.

2. Báo cáo quyết toán tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán. Kết quả và báo cáo kết quả thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải được gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Thực hiện thanh tra tài chính theo quy định của pháp luật về thanh tra tài chính.

2. Kiểm tra, đánh giá tình hình chấp hành chế độ tài chính nhằm hoàn thiện chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi mức vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam căn cứ đề nghị của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

4. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý các vấn đề về tài chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 24. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; định kỳ hàng quý, năm thông báo cho Bộ Tài chính tình hình tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các vi phạm (nếu có) về chế độ tài chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát, các biện pháp xử lý các vi phạm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

a) Quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong phạm vi thẩm quyền của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính vượt thẩm quyền;

c) Căn cứ quy định của pháp luật và đặc thù hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để quy định, hướng dẫn việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Điều khoản chuyển tiếp

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xử lý số dư quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại thời điểm 31/12/2012 theo quy định tại Thông tư 180/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp.

2. Số dư quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển sau khi trích lập theo kết quả tài chính năm 2013, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển thành vốn điều lệ cấp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2014 và áp dụng từ năm tài chính 2014.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 62/2008/TT-BTC ngày 08 tháng 07 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Thông tư số 229/2009/TT-BTC ngày 08 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 62/2008/TT-BTC.

3. Căn cứ vào quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, trong vòng 120 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải ban hành quy chế tài chính nội bộ để làm căn cứ thực hiện.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Nghiệp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.