• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 27/01/2012
CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
Số: 06/2000/QĐ-CHK
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sơn La, ngày 3 tháng 2 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành ‘Quy chế về nhân viên xác nhận

hoàn thành bảo dưỡng’ (QCHK-66)

__________________

 

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 1995;

Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 25 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;

Theo đề nghị của các ông Trưởng ban An toàn hàng không và Trưởng phòng Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là ‘Quy chế về nhân viên xác nhận hoàn thành bảo dưỡng’.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2000. Bãi bỏ các văn bản trước đây trái với Quy chế này.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, thủ trưởng các doanh nghiệp, các tổ chức bảo dưỡng tàu bay và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

CỤC TRƯỞNG
(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Sâm

 


QUY CHẾ

VỀ NHÂN VIÊN XÁC NHẬN HOÀN THÀNH BẢO DƯỠNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 06/2000/QĐ-CHK ngày 03 tháng 02 năm 2000

của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam)

_________________________

 

LỜI NÓI ĐẦU

QCHK 66 được soạn thảo dựa vào nội dung của JAR 66 của các nhà Chức trách hàng không Châu Âu.

NỘI DUNG

Phần 1 - Các yêu cầu

Phần 2 - Cách thực hiện và tài liệu giải thích (CTH và GT)

Phụ lục 1,2.

Ghi chú:

QCHK-66 được soạn thảo trên cơ sở Quy chế về nhân viên xác nhận hoàn thành bảo dưỡng của các nhà Chức trách Hàng không Châu Âu (JAR-66)

Phần 1.

CÁC YÊU CẦU

1. Khái quát

Phần này nêu các quy định đối với nhân viên ký xác nhận hoàn thành công việc bảo dưỡng tầu bay.

2. Cách trình bày

2.1. Cuối mỗi trang có ghi ngày ban hành hoặc số thứ tự của mỗi lần thay đổi một nội dung nào đó.

2.2. Lời giải thích được thể hiện bằng khuôn chữ nhỏ hơn.

Phần 2.

CÁCH THỨC THỰC HIỆN VÀ TÀI LIỆU GIẢI THÍCH

1. Khái quát

1.1. Phần này gồm các Cách thức thực hiện (CTH) và Tài liệu giải thích (GT) đã được thống nhất đưa vào QCHK 66.

1.2. Nếu một điều khoản của QCHK không có Cách thức thực hiện hoặc Tài liệu giải thích, có nghĩa là không cần tài liệu bổ sung.

2. Cách trình bày

2.1. Mỗi trang trong Cách thức thực hiện và Tài liệu giải thích đều có ghi ngày công bố hoặc số thứ tự của mỗi lần thay đổi một nội dung nào đó.

2.2 Cách thức thực hiện và Tài liệu giải thích ở Phần II sử dụng cùng hệ thống đánh số với các điều khoản liên quan trong Phần I. Các số này đi cùng các chữ viết tắt CTH hoặc GT nhằm phân biệt với các điều khoản trong QCHK.

2.3. Cách thức thực hiện và Tài liệu giải thích được định nghĩa như sau:

Cách thức thực hiện (CTH) đưa ra một hoặc vài cách thức, tuy nhiên không nhất thiết phải là cách duy nhất để đáp ứng một yêu cầu nào đó.

Tài liệu giải thích (GT) giúp giải thích ý nghĩa của một yêu cầu.

2.4. Lời chú giải không thuộc nội dung của CTH và GT được thể hiện bằng khuôn chữ nhỏ hơn.

QCHK 66.1 Khái quát

Xem CTH 66.1

a. QCHK 145 quy định nhân viên thay mặt Tổ chức bảo dưỡng được phê chuẩn theo QCHK 145 (sau đây gọi là tổ chức bảo dưỡng) ký xác nhận hoàn thành bảo dưỡng (sau đây gọi là nhân viên xác nhận) cho phép tầu bay vào khai thác sau khi công việc bảo dưỡng đã hoàn thành.

b. Nhân viên xác nhận cho phép khai thác phải được đào tạo phù hợp với các yêu cầu của QCHK 66, trừ trường hợp nêu ở khoản (c), (d) và (e) dưới đây.

c. Nhân viên được phép ký xác nhận theo quy chế hàng không ban hành trước ngày hiệu lực của QCHK 66 có thể tiếp tục các quyền hạn này.

d. Nhân viên đang tham dự khoá học cơ bản hoặc khoá huấn luyện loại đã được phê chuẩn trước ngày hiệu lực của QCHK 66 theo quy chế hàng không hiện hành, có thể tiếp tục học phù hợp với các quy định này. Các văn bằng sau đợt huấn luyện nói trên sẽ được công nhận để được quyền xác nhận theo QCHK 66.1(c).

e. Nhân viên xác nhận nêu ở khoản (c) và (d) nói trên được tiếp tục quyền hạn, trường hợp bổ sung thêm các mức/tiểu mức cơ bản khác vào quyền hạn đã có, sẽ áp dụng các yêu cầu bổ sung của QCHK 66. Nhân viên xác nhận được huấn luyện phù hợp với khoản (c) và (d) có thể bổ sung phạm vi được uỷ quyền về các loại tầu bay mới phù hợp với Điều lệ kỹ thuật có hiệu lực trước ngày hiệu lực của QCHK-66.

f. Mặc dù có khoản (c), (d) và (e), các nhân viên xác nhận có thể được tiếp tục các quyền hạn đã nêu, song phải được cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK-66 trên cơ sở bằng cấp đã có mà không phải qua kiểm tra trong thời hạn nói tại QCHK-66.3(d). Trong giấy phép bảo dưỡng tầu bay này phải nêu các giới hạn kỹ thuật theo QCHK-66, song không thay đổi các quyền hạn hiện có. Các giới hạn kỹ thuật sẽ được xoá bỏ sau khi thực hiện tốt kỳ kiểm tra chuyển loại tương ứng.

QCHK 66.3 Hiệu lực

a. QCHK 66 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2000.

b. Sau 3 năm (thời kỳ chuyển tiếp) kể từ ngày hiệu lực nêu ở khoản (a) tất cả các nhân viên làm việc theo quy định tại QCHK 66.1(b) và (e) phải tuân thủ theo QCHK 66.

c. Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam có thể cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 trong thời gian chuyển tiếp nói ở khoản QCHK-66.3(b)

d. Các nhân viên nói tại QCHK-66.1(f) trong khoảng thời gian 10 năm kể từ sau khi kết thúc thời hạn chuyển tiếp nói tại khoản QCHK-66.3(b) phải chuyển đổi giấy phép cũ sang giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK-66.

QCHK 66.5 Định nghĩa

QCHK 66 áp dụng các định nghĩa sau đây:

1. ‘giấy phép bảo dưỡng tầu bay‘: là văn bằng khẳng định người mang văn bằng này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kinh nghiệm của QCHK 66 đối với các tầu bay mức cơ bản và năng định loại tầu bay nêu trong văn bằng đó.

Ghi chú: Để được phép ký xác nhận cho phép khai thác sau bảo dưỡng cho tầu bay vận tải hàng không thương mại, ngoài giấy phép bảo dưỡng tầu bay còn phải có chứng chỉ do tổ chức bảo dưỡng theo QCHK-145 cấp.

2. ‘Xác nhận‘ : Ký chứng nhận cho phép tầu bay vào khai thác sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng.

3. ‘Quy trình nội bộ ‘ : Các quy trình và thủ tục áp dụng trong Tổ chức bảo dưỡng được phê chuẩn theo QCHK 145, phù hợp với Tài liệu giải trình Tổ chức bảo dưỡng trong phạm vi được phê chuẩn.

4. ‘Cục Hàng không’: Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

5. ‘Chứng chỉ xác nhận’: là văn bằng do tổ chức bảo dưỡng cấp cho phép cá nhân ký xác nhận cho phép tầu bay vào khai thác sau khi công việc bảo dưỡng đã hoàn thành.

QCHK 66.10 Phạm vi áp dụng

a. QCHK 66 đưa ra các yêu cầu về kiến thức đối với các nhân viên được Tổ chức bảo dưỡng uỷ quyền xác nhận cho phép khai thác phù hợp với QCHK 145.50.

Các nhân viên xác nhận phải có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 và chứng chỉ xác nhận còn hiệu lực. Giấy phép bảo dưỡng là chứng thực cho kiến thức và kinh nghiệm, chứng chỉ là chứng thực cho quyền hạn ký xác nhận của từng nhân viên này.

b. Để được cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo Quy chế này, người xin cấp Giấy phép bảo dưỡng tầu bay phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại các điều QCHK 66.15, QCHK 66.25 và QCHK 66.30, tương ứng với các mức hoặc các tiểu mức nêu tại QCHK 66.20.

Mức/các tiểu mức nêu tại QCHK 66.20 và các năng định loại tầu bay nói tại điều QCHK-66.45 (nếu có) sẽ được ghi vào Giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66.

Ghi chú: Năng định loại tầu bay không phải là điều kiện bắt buộc đối với giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK-66, song là điều kiện bắt buộc đối với chứng chỉ xác nhận theo QCHK-145.

c. Chứng chỉ xác nhận phải phù hợp với khoản (b) trên đây, với các điều QCHK 66.40, QCHK 66.45, QCHK 66.50 và QCHK 66.55.

Ghi chú: Trong QCHK-145 có nêu các yêu cầu huấn luyện bổ sung để cấp chứng chỉ xác nhận.

d. QCHK 66 chỉ áp dụng đối với các nhân viên xác nhận cho phép khai thác máy bay và trực thăng với trọng lượng cất cánh tối đa từ 5700 kg trở lên.

Ghi chú: Máy bay và trực thăng với trọng tải cất cánh tối đa dưới 5700kg, khí cầu và các thiết bị tàu bay, như động cơ, động cơ phụ và cánh quạt sẽ được xem xét sau.

QCHK 66.13 Đơn xin cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay

a. Người xin cấp hoặc bổ sung giấy phép bảo dưỡng tầu bay phải gửi cho Cục Hàng không đơn xin cấp hoặc xin bổ sung giấy phép bảo dưỡng tầu bay viết theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Phần 2.

b. Người làm đơn phải đáp ứng các yêu cầu nêu tại QCHK 66.10(b) và phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật.

c. Cục Hàng không cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66, hoặc Cục Hàng không cũng có thể uỷ quyền cho tổ chức bảo dưỡng thực hiện các điều kiện cần thiết đối việc cấp giấy phép đó.

Ghi chú: Việc cấp chứng chỉ xác nhận do tổ chức bảo dưỡng thực hiện sau khi kiểm tra sự phù hợp với các nội dung thích hợp trong QCHK 145 và QCHK 66.

QCHK 66.15 Tư cách pháp lý

Xem GT 66.15

a. Nhân viên xác nhận phải từ 21 tuổi trở lên.

b. Nhân viên xác nhận phải có khả năng đọc, viết và giao tiếp ở mức hiểu được bằng ngôn ngữ dùng trong tài liệu kỹ thuật, trong quy trình nội bộ hỗ trợ cho việc viết xác nhận cho phép khai thác.

QCHK 66.20 Các mức và quyền hạn xác nhận

Xem GT 66.20

a. Nhân viên xác nhận phải thực hiện đúng quy trình của Tổ chức bảo dưỡng và chỉ được xác nhận trong phạm vi được uỷ quyền.

b. Nhân viên xác nhận được huấn luyện theo QCHK 66 và có giấy phép bảo dưỡng tầu bay còn hiệu lực sẽ được tổ chức bảo dưỡng cấp chứng chỉ cho một hoặc nhiều mức sau đây:

1. Nhân viên có chứng chỉ mức A được ký cho phép khai thác sau bảo dưỡng định kỳ ngoại trường nhỏ và sửa chữa hỏng hóc đơn giản, như nêu ở QCHK 145, trong giới hạn nhiệm vụ ghi cụ thể trong chứng chỉ. Quyền hạn xác nhận chỉ trong phạm vi công việc mà người đó đã thực hiện. Mức A chia ra thành các tiểu mức phụ thuộc vào việc kết hợp của máy bay, trực thăng, động cơ tuốc bin và động cơ piston.

2. Nhân viên có chứng chỉ mức B1 được ký cho phép khai thác sau bảo dưỡng ngoại trường, bao gồm cấu trúc thân tầu bay, động cơ, hệ thống điện và hệ thống cơ giới, thay khối các thiết bị điện tử, kiểm tra đơn giản nhằm xác định khả năng làm việc của các thiết bị này. Mức B1 được chia ra thành các mức nhỏ hơn phù hợp với việc kết hợp máy bay, trực thăng, động cơ tuốc bin và động cơ piston.

3. Nhân viên có chứng chỉ mức B2 được ký cho phép khai thác sau bảo dưỡng ngoại trường đối với hệ thống điện, điện tử.

Ghi chú: Chứng chỉ mức B1 cho phép xác nhận các tiểu mức A tương ứng. Chứng chỉ mức B2 có thể xác nhận tất cả các tiểu mức A cơ giới, điện, điện tử phù hợp với các yêu cầu tiểu mức A tương ứng.

4. Nhân viên có chứng chỉ mức C được ký cho phép khai thác sau bảo dưỡng nội trường. Chứng chỉ này có hiệu lực đối với toàn bộ tầu bay và tất cả các hệ thống.

Ghi chú: QCHK 145 quy định rõ các nhân viên có nhiệm vụ hỗ trợ cho nhân viên xác nhận mức C trong bảo dưỡng nội trường và nêu yêu cầu đối với nhân viên mức B1 và B2.

QCHK 66.25 Yêu cầu về kiến thức cơ bản

Xem CTH 66.25 và GT 66.25

a. Để được cấp hoặc bổ sung quyền hạn vào giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66, người làm đơn phải đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra kiến thức ở trình độ được Cục Hàng không chấp nhận về các môn học phù hợp với từng mức nêu ở QCHK 66.20

b. Các mức kiến thức liên quan trực tiếp đến tính phức tạp của việc xác nhận phù hợp với từng mức nói tại điều QCHK 66.20, có nghĩa là mức A phải chứng minh kiến thức có giới hạn nhưng đầy đủ, mức B1 và B2 phải chứng minh kiến thức hoàn chỉnh về các môn học phù hợp. Nhân viên xác nhận mức C phải đáp ứng các yêu cầu kiến thức liên quan của mức B1 và B2.

Ghi chú: Nội dung chi tiết các mức kiến thức A, B1 và B2 được nêu tại Phụ lục 1, Phần 2.

c. Cục Hàng không sẽ tính toàn bộ hoặc một phần yêu cầu về kiến thức cơ bản và tổ chức kiểm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với tiêu chuẩn kiến thức theo QCHK 66.

QCHK 66.30 Yêu cầu về kinh nghiệm

Xem CTH 66.30

a. Nhân viên xác nhận phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay dân dụng phù hợp với giấy phép bảo dưỡng tầu bay mà mình xin cấp. Căn cứ kết quả từng đợt huấn luyện mà người làm đơn đã tham gia, Cục Hàng không sẽ giảm các yêu cầu tối thiểu này. Đối với mức A, B1 và B2 phải là kinh nghiệm thực tế, nghĩa là kinh nghiệm trực tiếp tham gia bảo dưỡng tầu bay.

b. Kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay dân dụng tối thiểu nói tại khoản (a) trên đây đối với mức A là 3 năm, đối với mức B1 và B2 là 5 năm.

c. Kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay dân dụng mức C là ít nhất 3 năm làm nhân viên xác nhận mức B1 hoặc B2 trong bảo dưỡng ngoại trường, hoặc cộng sự cho nhân viên mức C trong bảo dưỡng nội trường, hoặc kết hợp cả hai. Kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay dân dụng tối thiểu của nhân viên xác nhận mức C đã có bằng tốt nghiệp về các môn kỹ thuật ở trường đại học hoặc trên đại học được Cục Hàng không công nhận là 3 năm về nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo dưỡng tầu bay, trong đó có 6 tháng thực tập bảo dưỡng nội trường.

d. Tất cả các nhân viên xác nhận phải có ít nhất một năm kinh nghiệm hiện tại về bảo dưỡng tầu bay của mức/ tiểu mức mà họ xin cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66.

e. Cục Hàng không sẽ chấp nhận kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay ngoài môi trường bảo dưỡng tầu bay dân dụng nếu chúng tương đương với kinh nghiệm quy định trong QCHK 66, nhưng phải có kinh nghiệm bổ sung về bảo dưỡng tầu bay dân dụng nhằm đảm bảo sự hiểu biết về môi trường bảo dưỡng này.

QCHK 66.40 Duy trì hiệu lực của giấy phép bảo dưỡng tầu bay

Xem CTH và GT 66.40

Nhân viên xác nhận phải có giấy phép bảo dưỡng tầu bay còn hiệu lực phù hợp với QCHK 66.

QCHK 66.45 Đào tạo và năng định loại/ nhiệm vụ

Xem CTH và GT 66.45

a. Nhân viên xác nhận mức A phải có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 phù hợp trước khi được cấp chứng chỉ về một loại tầu bay cụ thể. Chứng chỉ này chỉ được cấp sau khi hoàn thành tốt đợt huấn luyện nhiệm vụ mức A do tổ chức bảo dưỡng theo QCHK 145 hoặc tổ chức huấn luyện được chấp nhận, thực hiện.

b. Nhân viên xác nhận mức B1 và B2 phải có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 có năng định loại phù hợp trước khi được tổ chức bảo dưỡng cấp chứng chỉ về một loại tầu bay cụ thể. Các năng định sẽ được cấp sau khi hoàn thành tốt đợt huấn luyện loại tầu bay mức B1 hoặc B2 do Cục Hàng không hoặc tổ chức huấn luyện bảo dưỡng được chấp nhận phù hợp phê chuẩn.

c. Nhân viên xác nhận mức C phải có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 có năng định loại phù hợp trước khi được tổ chức bảo dưỡng cấp chứng chỉ về một loại tầu bay cụ thể. Các năng định sẽ được cấp sau khi hoàn thành tốt đợt huấn luyện loại tầu bay mức C do Cục Hàng không hoặc tổ chức huấn luyện bảo dưỡng được chấp nhận phù hợp phê chuẩn, trừ trường hợp nhân viên mức C đã có bằng tốt nghiệp đại học như nói tại QCHK 66.30(c).

d. Kết thúc khoá huấn luyện nhiệm vụ hoặc huấn luyện loại tầu bay được phê chuẩn người tham gia khoá huấn luyện phải qua kiểm tra đánh giá kết quả.

QCHK 66.50 Yêu cầu về sức khoẻ

Xem GT 66.50

Nhân viên xác nhận không được thực hiện quyền hạn trong chứng chỉ nếu tình trạng sức khoẻ không tốt về thể chất và tinh thần, không đủ khả năng hoặc nghi ngờ không đủ khả năng để thực hiện các quyền hạn đó.

QCHK 66.55 Căn cứ để cấp chứng chỉ ký xác nhận cho phép tầu bay vào khai thác

Xem CTH 66.55

Nhân viên xác nhận đạt yêu cầu trong khoá huấn luyện phù hợp với QCHK 66 sẽ được Cục Hàng không cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay. Giấy phép này là một trong những căn cứ để tổ chức bảo dưỡng tầu bay cấp chứng chỉ xác nhận. Nhân viên xác nhận phải xuất trình giấy phép trong khoảng thời gian quy định khi người có thẩm quyền yêu cầu.

QCHK 66.60 Trường hợp được công nhận tương đương

Xem CTH 66.60

Cục Hàng không có thể miễn trừ một số yêu cầu cho các cá nhân khi xét thấy tình trạng hiện tại không thuộc phạm vi điều chỉnh của QCHK 66 và tuỳ thuộc vào các điều kiện bổ sung mà Cục Hàng không cho là cần thiết để đảm bảo được công nhận tương đương.

QCHK 66.65 Thu hồi, đình chỉ, hoặc giảm giới hạn bảo dưỡng và quyền hạn ký xác nhận trong giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 và trong chứng chỉ xác nhận.

Xem CTH 66.65

a. Căn cứ vào các lý do chính đáng, sau khi đã xác minh, Cục Hàng không có thể thu hồi, đình chỉ hoặc giảm quyền hạn trong giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66, hoặc chỉ thị cho tổ chức bảo dưỡng thu hồi, đình chỉ, giảm quyền hạn trong chứng chỉ xác nhận, nếu thấy người có giấy phép và chứng chỉ không đủ khả năng, không còn phù hợp để thực hiện trách nhiệm nêu trong giấy phép và chứng chỉ đó nữa. Các bước thực hiện như sau:

1. Trước khi thu hồi hoặc giảm quyền hạn trong giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66, hoặc trước khi chỉ thị cho tổ chức bảo dưỡng, Cục Hàng không sẽ thông báo bằng văn bản ít nhất trước 28 ngày cho các bên liên quan về dự định này, về lý do thu hồi/giảm. Các bên liên quan có thể giải thích và Cục Hàng không sẽ xem xét các giải thích đó.

2. Trong trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn đối với việc khai thác tàu bay, Cục Hàng không có thể tạm thời đình chỉ giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 mà không cần báo trước, sau đó mới thực hiện các bước quy định ở khoản (a) (1) trên đây.

b. Nhân viên không có đủ khả năng, không phù hợp khi có bằng chứng rõ ràng về việc cố ý vi phạm một trong các điểm sau đây:

1)Giả mạo giấy tờ để xin giấy phép bảo dưỡng tàu bay theo QCHK 66 và/ hoặc chứng chỉ xác nhận hoàn thành bảo dưỡng theo QCHK 145.

2) Không hoàn thành được công việc bảo dưỡng theo yêu cầu và không báo sự việc này cho người có trách nhiệm.

3) Không thực hiện công việc bảo dưỡng theo yêu cầu vì không phát hiện được hỏng hóc và không báo cáo sự việc này cho tổ chức bảo dưỡng.

4) Không tuân thủ quy trình bảo dưỡng.

5) Giả mạo hồ sơ bảo dưỡng.

6) Ký xác nhận cho phép khai thác khi biết công việc bảo dưỡng nêu trong giấy phép chưa được thực hiện hoặc khi chưa kiểm tra kết quả bảo dưỡng.

7) Thực hiện công việc bảo dưỡng hoặc xác nhận cho phép khai thác khi đang bị ảnh hưởng của rượu hoặc các chất kích thích khác.

CTH 66.1 Khái quát

Xem QCHK 66.1

1. Chứng chỉ xác nhận cho phép tầu bay vào khai thác sau bảo dưỡng hoặc các văn bằng nói tại các khoản (c), (d) hoặc (e) của QCHK 66.1 cho phép duy trì các quyền hạn ký xác nhận đã có từ trước, tuy không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của QCHK 66. Các quyền hạn này có thể tiếp tục có hiệu lực mà không thay đổi hay hạn chế phạm vi công việc đã được cho phép từ trước khi có QCHK 66. Những người có chứng chỉ hoặc các văn bằng khác do Cục Hàng không cấp có thể chuyển các quyền hạn này trong phạm vi các tổ chức bảo dưỡng, song cần lưu ý khoản (f) của QCHK 66.1 quy định chứng chỉ và các văn bằng đó phải được thay thế bằng giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 trong khoảng thời gian đã nêu.

2. Trường hợp nhân viên xác nhận làm việc theo quy định tại QCHK 66.1 (c) hoặc (d) muốn bổ sung loại tầu bay và/hoặc nhiệm vụ như cho phép tại khoản (e) của QCHK 66.1 trong phạm vi các mức hoặc tiểu mức cơ bản hiện có, sẽ tiếp tục áp dụng các yêu cầu về đào tạo loại và/hoặc nhiệm vụ trong quy chế hàng không dân dụng Việt Nam trước khi có QCHK 66.

3. Trường hợp nhân viên xác nhận làm việc theo quy định tại QCHK 66.1 (c) hoặc (d) muốn bổ sung thêm các mức/tiểu mức cơ bản vào văn bằng như cho phép tại QCHK 66.1(e), sẽ áp dụng các yêu cầu bổ sung tương ứng của QCHK 66. Các nhân viên này phải qua một khoá huấn luyện được phê chuẩn và/hoặc qua kiểm tra bổ sung một số môn.

4. Nhân viên có văn bằng được cấp trước QCHK 66 nhưng phù hợp với khoản (c) hoặc (d) của QCHK 66.1 sẽ được cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 như quy định tại QCHK 66.1(f) về mức hoặc tiểu mức tương ứng không phải qua kiểm tra, trừ trường hợp giấy phép đó có các giới hạn liên quan đến các môn kỹ thuật ngoài phạm vi kiến thức của nhân viên đó. Ví dụ, một nhân viên có giấy phép hoặc chứng chỉ cấp trước khi có QCHK 66 được phép xác nhận cho phép khai thác thân và động cơ tầu bay nhưng không được phép xác nhận hệ thống điện vì người đó không tham gia hoặc không đạt trong kỳ kiểm tra hệ thống điện. Điều này có nghĩa là nhân viên đó sẽ được cấp giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 mức B1 với giới hạn không có hệ thống điện. Như vậy nhân viên đó vẫn còn tất cả các quyền hạn chứng nhận hiện có nhưng có giới hạn so với nội dung của QCHK 66.

5. Nhân viên có các văn bằng cấp trước khi có QCHK 66 phù hợp với QCHK 66.1(c) hoặc (d) muốn chuyển văn bằng này thành giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 không có giới hạn nêu tại khoản 4 trên đây phải qua kiểm tra các nội dung của QCHK 66 không có trong văn bằng cũ về mức hoặc tiểu mức liên quan mà mình xin cấp.

GT 66.15(b) Tư cách pháp lý

Xem QCHK 66.15(b)

1. Nhân viên xác nhận phải có kiến thức chung về ngôn ngữ sử dụng trong tổ chức bảo dưỡng, kể cả các thuật ngữ chung về hàng không của ngôn ngữ đó. Trình độ kiến thức phải ở mức:

- Đọc và hiểu các chỉ dẫn, tài liệu kỹ thuật sử dụng trong tổ chức bảo dưỡng;

- Ghi chép kỹ thuật và các tài liệu bảo dưỡng, sao cho những người có liên quan có thể hiểu được;

- Đọc & hiểu các quy trình nội bộ;

- Giao tiếp ở mức không bị hiểu nhầm khi thực hiện quyền hạn được uỷ quyền.

2. Trong tất cả mọi trường hợp mức hiểu biết phải ngang bằng với mức phê chuẩn trong chứng chỉ.

CTH 66.20(b) Các mức và quyền hạn xác nhận

Xem QCHK 66.20 (b)

1. Nhân viên xác nhận có thể được cấp chứng chỉ theo QCHK 145 về các mức hoặc tiểu mức cơ bản theo QCHK 66 đã có và các năng định loại nêu trong giấy phép bảo dưỡng tầu bay, trên cơ sở các giấy tờ tài liệu có hiệu lực khi cấp chứng chỉ và việc đáp ứng các yêu cầu về duy trì hiệu lực nói tại điều QCHK 66.40.

2. Tên gọi và chức năng của từng mức như sau:

Mức A: Nhân viên xác nhận bảo dưỡng ngoại trường.

Mức B1: Nhân viên xác nhận bảo dưỡng ngoại trường cơ giới.

Mức B2: Nhân viên xác nhận bảo dưỡng ngoại trường điện, điện tử.

Mức C: Nhân viên xác nhận bảo dưỡng nội trường.

Các tên gọi được Cục Hàng không hoặc Tổ chức bảo dưỡng theo QCHK 145 chấp nhận có thể khác với các tên gọi nêu trên, nhưng quyền hạn của các mức A, B1, B2 và C phải đúng như đã nêu tại điều QCHK 66.20.

3. Mỗi nhân viên xác nhận có thể được phép ký xác nhận một mức hoặc nhiều mức, nếu đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức của từng mức đó.

4. Các công việc được phép thực hiện quy định tại QCHK 66.20(b)(1) do nhân viên có chứng chỉ mức A ký cho phép tầu bay vào khai thác sau bảo dưỡng hoặc sau khắc phục hỏng hóc đơn giản đã được quy định trong QCHK 145 và được Cục Hàng không chấp nhận, QCHK 145 đã nêu danh mục các ví dụ điển hình đối với các công việc nói trên.

5. Đối với chứng chỉ loại A, bảo dưỡng ngoại trường hạn chế được hiểu là khối lượng và mức độ các công việc kiểm tra nhỏ hơn định kỳ dạng A, ở dạng bảo dưỡng này, các việc kiểm tra chức năng có thể do tổ bay tiến hành nhằm đảm bảo khả năng khai thác của hệ thống. Trong trường hợp loại tầu bay đó không được kiểm soát bởi chương trình bảo dưỡng xây dựng trên nguyên tắc định kỳ A/B/C/D, bảo dưỡng ngoại trường hạn chế được hiểu là khối lượng và mức độ các công việc kiểm tra từ nhỏ hơn đến bằng định kỳ tuần hoặc tương đương.

6. Nhân viên có chứng chỉ mức B1 và B2 được phép xác nhận việc khắc phục hỏng hóc bất thường và kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thực hiện trong điều kiện bảo dưỡng ngoại trường. Ngoài ra các nhân viên này còn được phép xác nhận việc sửa chữa hỏng hóc phát sinh khi kiểm tra bảo dưỡng định kỳ đã nêu.

7. Nhân viên có chứng chỉ mức B1 được phép xác nhận các công việc liên quan đến hệ thống điện, điện tử, với điều kiện khả năng làm việc của hệ thống có thể được thiết lập bởi thiết bị tự kiểm tra đơn giản, bởi các hệ thống/thiết bị kiểm tra khác trên máy bay hoặc thiết bị kiểm tra đơn giản tại sân. Không được xác nhận việc khắc phục hỏng hóc các thiết bị kiểm tra đòi hỏi phải ra quyết định khi áp dụng - trừ quyết định đơn giản bay/không bay. Mức B2 còn phải được huấn luyện như mức A nhằm thực hiện các nhiệm vụ cơ giới đơn giản và có thể chứng nhận cho các nhiệm vụ đó.

8. Các tiểu mức của A và B1:

A1 và B1.1 Máy bay động cơ tuốc bin.

A2 và B1.2 Máy bay động cơ piston.

A3 và B1.3 Trực thăng động cơ tuốc bin.

A4 và B1.4 Trực thăng động cơ piston.

9. Nhân viên có chứng chỉ mức C được xác nhận cho phép tầu bay vào khai thác sau khi hoàn thành bảo dưỡng định kỳ nội trường. Cơ sở cửa việc xác nhận này là công việc bảo dưỡng đã kết thúc và các nhân viên mức B1, B2 đã ký xác nhận hoàn thành bảo dưỡng thuộc chuyên môn mà họ chịu trách nhiệm. Chức năng mang tính nguyên tắc của nhân viên xác nhận mức C là đảm bảo tất cả các công việc bảo dưỡng theo yêu cầu đã được nhân viên mức B1 và B2 chứng nhận là đầy đủ và ký hoàn thành trước khi ký xác nhận cho phép khai thác. Nhân viên mức C nếu có chứng chỉ mức B1 và B2 có thể thực hiện cả hai chức năng này trong bảo dưỡng nội trường.

GT 66.25(a) Các yêu cầu về kiến thức cơ bản.

Xem QCHK 66.25(a)

Các kỳ kiểm tra kiến thức cơ bản có thể do Cục Hàng không hoặc do tổ chức huấn luyện được phê chuẩn phù hợp thực hiện, trừ trường hợp Cục uỷ quyền cho tổ chức huấn luyện được phê chuẩn phù hợp thực hiện tất cả các đợt kiểm tra này.

CTH 66.25(c) Yêu cầu về kiến thức cơ bản.

Xem QCHK 66.25(c)

1. Đối với người đã có bằng tốt nghiệp đại học về các môn hàng không, cơ khí hoặc điện ở các trường đại học hoặc trên đại học được công nhận, nhu cầu kiểm tra phù thuộc vào các môn học nêu tại Phụ lục 1. Các trường đại học hoặc trên đại học được công nhận là các trường được Cục Hàng không công nhận có chất lượng giáo dục đào tạo cao và đúng chuẩn mực.

2. Kiến thức và các kỳ kiểm tra đã qua, ví dụ về hàng không quân sự và trong thời gian học nghề, sẽ được tính nếu chúng tương đương với kiến thức nêu tại Phụ lục 1.

CTH 66.30 (a),(b), (c) Yêu cầu về kinh nghiệm.

Xem QCHK 66.30(a),(b),(c)

1. Người làm đơn phải đáp ứng các yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu sau đây:

a) Đối với nhân viên xác nhận mức A:

(i) có một năm kinh nghiệm thực tế bảo dưỡng hiện tại về tầu bay và kết thúc khoá huấn luyện cơ bản được phê chuẩn; hoặc

(ii) có hai năm kinh nghiệm thực tế bảo dưỡng hiện tại về tầu bay và kết thúc khoá huấn luyện công nhân lành nghề phù hợp về kỹ thuật phi hàng không; hoặc

(iii) ba năm kinh nghiệm thực tế bảo dưỡng hiện tại về tầu bay đối với người trước đó không qua khoá huấn luyện kỹ thuật phù hợp.

b) Đối với nhân viên xác nhận mức B1 hoặc B2:

(i) có hai năm kinh nghiệm thực hành bảo dưỡng hiện tại về tầu bay và kết thúc khoá huấn luyện cơ bản được phê chuẩn; hoặc

(ii) có ba năm kinh nghiệm thực hành bảo dưỡng hiện tại về tầu bay và kết thúc khoá huấn luyện công nhân lành nghề phù hợp về kỹ thuật phi hàng không; hoặc

(iii) có năm năm kinh nghiệm thực tế bảo dưỡng hiện tại về tầu bay đối với người trước đó không qua khoá huấn luyện kỹ thuật phù hợp.

c) Đối với nhân viên xác nhận mức C:

(i) có 3 năm kinh nghiệm với tư cách nhân viên xác nhận mức B1 hoặc B2, nghĩa là kinh nghiệm xác nhận bảo dưỡng ngoại trường với chức năng nhân viên xác nhận mức B1 hoặc B2, hoặc với tư cách mức B1, B2 cộng sự cho nhân viên xác nhận mức C trong bảo dưỡng nội trường, hoặc kết hợp cả hai; hoặc

(ii) 3 năm kinh nghiệm đối với người có bằng tốt nghiệp đại học về các môn khoa học hàng không, cơ khí hoặc điện, của các trường đại học hoặctrên đại học được Cục Hàng không công nhận, nghĩa là làm việc trong môi trường bảo dưỡng tầu bay dân dụng với các nhiệm vụ tiêu biểu, gồm giám sát bảo dưỡng, lập kế hoạch bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng, lưu giữ hồ sơ, kiểm soát các phụ tùng dự trữ và phát triển kỹ thuật.

2. Kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay đang khai thác là kinh nghiệm có liên quan đến nhiệm vụ bảo dưỡng các tầu bay đang được khai thác trong hãng, trong các tổ chức vận tải hàng không.

3. Thời gian huấn luyện bổ sung ở lớp học có thể được tính vào thời gian kinh nghiệm thực tế.

4. Công nhân lành nghề là người kết thúc tốt khoá huấn luyện được Cục Hàng không chấp nhận, về chế tạo, sửa chữa, đại tu hoặc kiểm tra thiết bị cơ giới, điện, điện tử. Khoá huấn luyện này phải bao gồm huấn luyện cách sử dụng dụng cụ và thiết bị đo.

CTH 66.30(d) Yêu cầu về kinh nghiệm

Xem QCHK 66.30(d)

1. Để được coi là có kinh nghiệm hiện tại, ít nhất 50% thời gian kinh nghiệm theo yêu cầu phải có được trong 12 tháng ngay trước ngày làm đơn xin giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66. Phần kinh nghiệm còn lại phải có được trong vòng 7 năm trước khi làm đơn.

2. Các loại tầu bay khác nhau có thể được coi là đặc thù khi cấu trúc và hoạt động của thân, động cơ, các hệ thống, kể cả hệ thống điện, điện tử của tầu bay có cùng công nghệ.

CTH 66.30(e) Yêu cầu về kinh nghiệm

Xem QCHK 66.30(e)

1. Nhân viên xác nhận mức A phải có tối thiểu 6 tháng kinh nghiệm bổ sung về bảo dưỡng tầu bay dân dụng. Nhân viên xác nhận mức B1 và B2 phải có tối thiểu 12 tháng kinh nghiệm bổ sung về bảo dưỡng tầu bay dân dụng.

2. Kinh nghiệm bảo dưỡng tầu bay ở ngoài môi trường bảo dưỡng tầu bay dân dụng có thể gồm kinh nghiệm về bảo dưỡng tàu bay trong ngành hàng không quân sự, bảo vệ bờ biển, cảnh sát... hoặc sản xuất tầu bay.

CTH 66.40 Duy trì hiệu lực giấy phép bảo dưỡng tầu bay

Xem QCHK 66.40

Cục Hàng không chỉ công nhận giấy phép bảo dưỡng tầu bay do Cục Hàng không cấp, thay đổi hoặc gia hạn và người có giấy phép đã ký bằng bút mực vào giấy phép sau khi kiểm tra tính chính xác các nội dung ghi trong giấy phép.

GT 66.40 Duy trì hiệu lực của giấy phép bảo dưỡng tầu bay

Xem QCHK 66.40

1. Giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 có thời hạn hiệu lực 5 năm. Sau 5 năm người có giấy phép phải làm đơn xin Cục Hàng không xem xét gia hạn hiệu lực giấy phép theo Mẫu 19, Phụ lục 2.

2. Tổ chức bảo dưỡng cấp chứng chỉ xác nhận theo QCHK 145 khi thấy đã phù hợp với các mục tương ứng trong QCHK 145 và QCHK 66. Khi cấp chứng chỉ, tổ chức bảo dưỡng phải đảm bảo người được cấp đã có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 còn hiệu lực. Về việc tiếp tục hiệu lực của chứng chỉ cần quan tâm đúng mức đến thời gian kinh nghiệm bảo dưỡng và huấn luyện phù hợp với QCHK 145.

3. Nơi nào Cục Hàng không cho phép sử dụng giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 làm cơ sở để cho phép tầu bay không yêu cầu phải bảo dưỡng tại tổ chức bảo dưỡng theo QCHK 145 vào khai thác, cần chứng minh 6 tháng kinh nghiệm bảo dưỡng trong thời hạn 2 năm để đảm bảo hiệu lực của giấy phép đó. Trong trường hợp không thể chứng minh được kinh nghiệm bảo dưỡng này, Cục Hàng không sẽ quy định các điều kiện để thiết lập lại hiệu lực của giấy phép.

CTH 66.45 (a) Huấn luyện và năng định loại / nhiệm vụ.

Xem QCHK 66.45(a)

Đối với nhân viên xác nhận mức A yêu cầu phải qua huấn luyện từng loại tầu bay cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ được uỷ quyền nêu ở QCHK 66.20 (b) (1). Phải huấn luyện về thực hành và lý thuyết phù hợp với nhiệm vụ được giao. Cuối đợt huấn luyện phải có kiểm tra và / hoặc đánh giá nhận xét của tổ chức huấn luyện được phê chuẩn.

CTH 66.45(b) Huấn luyện và năng định loại / nhiệm vụ.

Xem QCHK 66.45(b)

1. Khoá huấn luyện loại cho nhân viên xác nhận mức B1 và B2, và nhân viên bảo dưỡng nội trường được đào tạo tương đương, sẽ được phê chuẩn nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu dưới đây. Khoá huấn luyện thông thường chia thành lớp cơ giới (thân tầu bay và động cơ) cho nhân viên xác nhận mức B1, và lớp điện, điện tử cho nhân viên xác nhận mức B2. Phải tổ chức huấn luyện về hệ thống điện, điện tử có giới hạn cho nhân viên xác nhận mức B1, nếu các nhân viên này sẽ được uỷ quyền thay thế cả khối các thiết bị điện, điện tử ở ngoại trường. Nhân viên xác nhận ở cả hai mức đều phải qua huấn luyện về hệ thống điện. Huấn luyện loại tầu bay tối thiểu phải tương ứng với mức 3 của ATA 104, nếu áp dụng.

2. Khoá huấn luyện phải cung cấp đầy đủ, chi tiết kiến thức về tầu bay, các bộ phận chính, các hệ thống (tất cả các hệ thống hiện có phù hợp với ATA 100, nếu áp dụng), các thiết bị bên trong, kể cả các vấn đề liên quan khi làm việc, các thông báo và chỉ dẫn kỹ thuật, huấn luyện khi hệ thống đang làm việc nhằm hiểu được tài liệu kỹ thuật và các quy trình bảo dưỡng.

3. Phải có kiến thức về việc kiểm tra và hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố môi trường như khí hậu nóng lạnh, gió, độ ẩm,. v. v.

4. Huấn luyện thực tế phải gồm huấn luyện thực hành bảo dưỡng tầu bay, lắp đặt thiết bị, điều chỉnh, thay thế các thiết bị cả khối ở ngoại trường, xử lý sự cố, sửa chữa hỏng hóc nhỏ và kiểm tra chức năng các hệ thống. Thời gian huấn luyện thực hành là 4 tháng đối với nhân viên xác nhận chưa có kinh nghiệm thực tế về cấu trúc và hệ thống tầu bay tương ứng, kể cả động cơ, song cũng có thể giảm xuống mức tối thiểu là 2 tuần đối với nhân viên xác nhận đã có những kinh nghiệm đã nêu. Chương trình vừa huấn luyện vừa làm việc cũng có thể đáp ứng yêu cầu huấn luyện thực hành này. Huấn luyện thực hành có thể thực hiện tại tổ chức bảo dưỡng hoặc tại nơi chế tạo tầu bay, hoặc kết hợp cả hai, nhưng việc huấn luyện phải là một phần trong chương trình huấn luyện một loại tầu bay cụ thể đã được Cục Hàng không trực tiếp phê chuẩn hoặc phê chuẩn qua tổ chức bảo dưỡng đã được phê chuẩn.

5. Để được cấp năng định loại tầu bay người làm đơn phải có khả năng:

a. Thông qua kiểm tra trình bày chi tiết kiến thức về các hệ thống áp dụng (phù hợp với ATA 100), cách vận hành và bảo dưỡng các hệ thống đó.

b. Đảm bảo xác nhận một cách an toàn cho bảo dưỡng ngoại trường, kiểm tra công việc hàng ngày phù hợp với tài liệu bảo dưỡng và các hướng dẫn liên quan, các nhiệm vụ phù hợp với loại tầu bay, ví dụ như xử lý sự cố, sửa chữa, điều chỉnh, thay thế, lắp đặt thiết bị và kiểm tra chức năng.

c. Sử dụng đúng tất cả các tài liệu kỹ thuật tầu bay.

GT 66.45 (b),(c) Huấn luyện và năng định loại/ nhiệm vụ

Xem QCHK 66.45 (b),(c)

Trong năng định loại cấp cho nhân viên xác nhận thường có danh mục loại hoặc loạt tàu bay (kể cả động cơ) như trong năng định loại của tổ chức bảo dưỡng, và trong các khoá huấn luyện loại.

CTH 66.45 (c) Huấn luyện và năng định loại/ nhiệm vụ.

Xem QCHK 66.45 (c)

Huấn luyện loại cho nhân viên xác nhận mức C có thể ở mức tổng quát, tối thiểu tương đương với mức I của ATA 104, nếu áp dụng, với điều kiện người làm đơn trước đó đã tham gia một khoá huấn luyện đầy đủ theo mức III của ATA 104 về loại tầu bay có cùng công nghệ. Thông thường không phải qua huấn luyện thực hành. Nhân viên xác nhận mức C có thể không thực hiện nhiệm vụ của mức B1 và B2, hoặc tương đương ở cơ sở bảo dưỡng nội trường, trừ khi họ có bằng cấp phù hợp và đã qua huấn luyện loại phù hợp với mức III của ATA104.

GT 66.45(d) Huấn luyện và năng định loại/ nhiệm vụ.

Xem QCHK 66.45 (d)

Việc kiểm tra năng định loại tầu bay mức B1, B2 hoặc mức C có thể do tổ chức huấn luyện được phê chuẩn hoặc do Cục Hàng không thực hiện, trừ khi Cục Hàng không uỷ quyền hoàn toàn cho tổ chức huấn luyện thực hiện.

GT 66.50 Yêu cầu về sức khoẻ

Xem QCHK 66.50

1. Quan điểm của y tế cho rằng rượu có trong máu với bất cứ số lượng nào cũng ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định. Trách nhiệm của tất cả các nhân viên xác nhận là đảm bảo họ không bị ảnh hưởng bất lợi.

2. Việc sử dụng bất cứ loại tân dược hợp pháp nào, kể cả thuốc chữa bệnh và chữa rối loạn, có ảnh hưởng bất lợi đến khả năng ra quyết định của người sử dụng, đều phải có hướng dẫn của y tế. Không được sử dụng bất cứ loại thuốc kích thích nào.

3. Nhân viên xác nhận có trách nhiệm đảm bảo tình trạng sức khoẻ của họ không ảnh hưởng bất lợi đến khả năng chứng nhận công việc của mình. Thị lực, kể cả khả năng phân biệt màu sắc, nếu áp dụng, đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực này.

4. Trong phạm vi văn bản QCHK 66, điều kiện tinh thần có nghĩa là phẩm chất tâm lý, đặc biệt trong khi làm việc, hoặc mọi yếu tố về tính cách liên quan.

GT 66.55 Căn cứ để cấp chứng chỉ xác nhận cho phép tầu bay vào khai thác

Xem QCHK 66.55

Người có thẩm quyền là người có trách nhiệm làm rõ nhân viên xác nhận đã có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 cùng với phạm vi công việc ghi trong giấy phép hay chưa. Người có thẩm quyền bao gồm cả tổ chức bảo dưỡng với mục đích huấn luyện để cấp/sửa đổi chứng chỉ xác nhận theo QCHK 145 và nhân viên kiểm tra của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Thời gian quy định là 5 ngày làm việc.

CTH 66.60 Trường hợp được công nhận tương đương

Xem QCHK 66.60

Mọi trường hợp được công nhân tương đương đều phải được Cục Hàng không chấp nhận về nguyên tắc.

CTH 66.65 Thu hồi, đình chỉ hoặc giảm giới hạn bảo dưỡng và quyền hạn ký xác nhận trong giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo QCHK 66 và trong chứng chỉ xác nhận.

Xem QCHK 66.65

Các quy trình về thu hồi, đình chỉ hoặc giảm giới hạn bảo dưỡng trong giấy phép bảo dưỡng và quyền hạn ký xác nhận trong chứng chỉ xác nhận được nêu trong tài liệu quản lý/ hướng dẫn của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cục trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Sâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.