Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và
kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Tây Ninh

_____________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Xét tờ trình số 3263/TTr-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Tây Ninh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

Thống nhất thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Tây Ninh với những nội dung cơ bản như sau:

Chương I

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH,

KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 1. Quan điểm

1. Sử dụng đất mang lại hiệu quả cao, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ và từng bước cải thiện môi trường đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Phối hợp, liên kết với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý các vấn đề về môi trường) để thực hiện nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Tây Ninh.

3. Bố trí sử dụng đất không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến năm 2020), mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lâu dài, đặc biệt đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế sang khu vực dịch vụ; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao như: cơ khí chính xác, điện tử, hoá dược và sản phẩm từ cao su, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản thực phẩm (ưu tiên chế biến tinh).

4. Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, công viên cây xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng văn minh hiện đại. Duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt đất rừng phòng hộ, quỹ đất sản xuất nông nghiệp và đất di tích danh thắng nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển bền vững.

Điều 2. Mục tiêu

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, gắn kết với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hướng đến việc phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Tây Ninh sẽ xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

4. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải có tính khả thi cao, phù hợp với tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa của tỉnh.

5. Sử dụng đất trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với định hướng sử dụng đất cả nước.

Chương II

PHƯƠNG ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020)

Điều 3. Đối với đất nông nghiệp

Chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 330.051 ha, thấp hơn 16.174 ha so với hiện trạng năm 2015. Trong đó:

1. Đất trồng lúa: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 có diện tích 70.679 ha, thấp hơn 5.645 ha so với hiện trạng năm 2015 (đất chuyên trồng lúa nước có diện tích 48.686 thấp hơn 119 ha so với hiện trạng)

2. Đất rừng phòng hộ: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 29.659 ha, cao hơn 2.880 ha so với hiện trạng.

3. Đất rừng đặc dụng: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 31.644 ha, thấp hơn 81 ha so với hiện trạng.

4. Đất rừng sản xuất: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 10.313 ha, thấp hơn 3.146 ha so với hiện trạng.

5. Đất nuôi trồng thủy sản: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 2.620 ha, cao hơn 561,3 ha so hiện trạng.

Điều 4. Đối với đất phi nông nghiệp

Chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 74.074 ha, cao hơn 16.924 ha so với hiện trạng năm 2015. Trong đó:

1. Đất quốc phòng: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 1.548 ha, cao hơn 584 ha so với hiện trạng.

2. Đất an ninh: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 946 ha, cao hơn 380 ha so với hiện trạng.

3. Đất khu công nghiệp: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 4.416 ha, cao hơn 2.543 ha so với hiện trạng.

4. Đất cụm công nghiệp: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 1.160 ha, cao hơn 921 ha so với hiện trạng.

5. Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản 833 ha, cao hơn 576 ha so với hiện trạng.

6. Đất phát triển hạ tầng: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 21.534 ha cao hơn 5.235 ha so với hiện trạng. Gồm:

+ Đất xây dựng cơ sở văn hóa: 349 ha, cao hơn 272 ha so với hiện trạng.

+ Đất xây dựng cơ sở y tế: 104 ha, cao hơn 57 ha so với hiện trạng.

+ Đất xây dựng cơ sở giáo dục - đào tạo: 689 ha, cao hơn 239 ha so với hiện trạng.

+ Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao: 807 ha, cao hơn 657 ha so với hiện trạng.

7. Đất di tích lịch sử - văn hóa: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 452 ha cao hơn 94 ha so với hiện trạng.

8. Đất danh lam thắng cảnh: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 43 ha, không thay đổi so với hiện trạng.

10. Đất bãi thải, xử lý chất thải: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 177 ha cao hơn 101 ha so với hiện trạng.

11. Đất ở đô thị: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 1.834 ha, cao hơn 515 ha so với hiện trạng.

12. Đất cơ sở tôn giáo: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 196 ha cao hơn 3,5 ha so với hiện trạng.

13. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 950 ha cao hơn 226 ha so hiện trạng.

Điều 5. Đối với đất chưa sử dụng

Đến năm 2020, diện tích đất chưa sử dụng của toàn tỉnh sẽ được đầu tư đưa vào sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp.

Điều 6. Đối với đất đô thị

Chỉ tiêu điều chỉnh đến năm 2020 là 11.269 ha, cao hơn 2.469 ha so với hiện trạng.

(Chi tiết cụ thể tại phụ lục I kèm theo)

Điều 7. Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020)

Trên cơ sở phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Tây Ninh được xây dựng phân bổ theo từng năm.

(Chi tiết cụ thể tại phụ lục II kèm theo)

Chương III

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Điều 8. Về cơ chế chính sách

Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về: tài chính; ưu đãi các dự án thực hiện xã hội hóa; tạo quỹ đất sạch nhằm huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế; mở rộng diện thanh toán quỹ đất để đổi lấy công trình theo hình thức xây dựng - chuyển giao; hoàn thiện quy hoạch đô thị; khuyến khích sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.

Điều 9. Về nguồn lực và khoa học công nghệ

Bố trí đủ nhân sự, có lộ trình và giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai cho các cấp, nhất là cán bộ, công chức làm công tác quy hoạch, kế hoạch. Hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai.

Điều 10. Về quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Cùng với việc ban hành các biện pháp chế tài trong quản lý và thực hiện quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật về môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định; quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa, quỹ đất dự trữ cho phát triểu đô thị, phát triển công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, sân gofl theo quy hoạch được duyệt.

Điều 11. Về bảo vệ cải tạo đất đai và bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao; hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường.

2. Ứng dụng công nghệ và thiết bị tin học để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý và khắc phục các vi phạm về môi trường.

3. Các giải pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Phát triển nhiều mảng xanh lớn tại những vùng đất thấp, tận dụng tối đa những phần đất trống để tạo mảng xanh cho đô thị, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát lũ và làm giảm nhiệt độ đô thị.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Tây Ninh trình Chính phủ phê duyệt.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa IX kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2016./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thành Tâm