THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở y tế Quân đội và chế độ phụ cấp chống dịch
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (sau đây gọi tắt là Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg);
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở y tế Quân đội và chế độ phụ cấp chống dịch như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở y tế Quân đội và chế độ phụ cấp chống dịch.
2. Các cơ sở y tế trong Quân đội gồm:
a) Bệnh viện quân y, bệnh viện quân dân y, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện);
b) Viện Pháp y Quân đội;
c) Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm Y học dự phòng phía Nam, Đội Y học dự phòng thuộc các quân khu, quân đoàn (sau đây gọi chung là cơ sở y học dự phòng);
d) Đội điều trị, tiểu đoàn quân y, đại đội quân y, bệnh xá quân y, bệnh xá quân dân y;
đ) Tổ quân y có giường lưu; thường trực cấp cứu của quân y các cấp có giường lưu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong các cơ sở y tế Quân đội.
2. Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chống dịch.
Điều 3. Chế độ phụ cấp thường trực
1. Nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực
Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
2. Định mức nhân lực trong phiên trực
Định mức nhân lực trong phiên trực quy định dưới đây là định mức cao nhất. Các đơn vị, căn cứ vào công suất sử dụng giường bệnh để xác định số người trong phiên trực cho phù hợp; cụ thể như sau:
a) Đối với các bệnh viện đã được xếp hạng theo Quyết định của Bộ Quốc phòng hoặc chưa được xếp hạng, thực hiện định mức nhân lực trong một phiên trực theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
b) Viện Pháp y Quân đội: 03 người/phiên trực.
c) Đối với đội điều trị, tiểu đoàn quân y, đại đội quân y, bệnh xá quân y, bệnh xá quân dân y:
Dưới 10 giường bệnh: 02 người/phiên trực;
Từ 10 giường bệnh đến dưới 20 giường bệnh: 03 người/phiên trực;
Từ 20 giường bệnh trở lên: 05 người/phiên trực.
d) Đối với các cơ sở y học dự phòng:
- Viện Y học dự phòng Quân đội; Trung tâm Y học dự phòng phía Nam: 03 người/phiên trực;
- Đội Y học dự phòng thuộc các quân khu, quân đoàn: 02 người/phiên trực.
đ) Tổ quân y có giường lưu; thường trực cấp cứu của quân y các cấp có giường lưu: 01 người/phiên trực.
3. Chế độ đối với người tham gia thường trực
a) Chế độ phụ cấp thường trực
- Ngưòi tham gia thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế trong Quân đội được hưởng mức phụ cấp thường trực như sau:
+ Đối với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: Mức hưởng 115.000 đồng/người/phiên trực.
+ Đối với các bệnh viện hạng II; Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm học dự phòng phía Nam, Viện Pháp y Quân đội: Mức hưởng 90.000 đông/người/phiên trực.
+ Đối với các bệnh viện; đội y học dự phòng thuộc các quân khu, quân đoàn và các cơ sở y tế trong Quân đội có quy mô từ 20 giường trở lên: Mức hưởng 65.000 đồng/người/phiên trực.
+ Đối với các cơ sở y tế trong Quân đội còn lại: Mức hưởng 25.000 đồng/người/phiên trực.
- Mức phụ cấp thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt ở các cơ sở y tế trong Quân đội được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên tại khu vực thông thường của các cơ sở y tế cùng hạng; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, Tết được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Khu vực hồi sức cấp cứu và khu vực chăm sóc đặc biệt, cụ thể như sau:
+ Khu vực hồi sức cấp cứu bao gồm: Khoa hồi sức tích cực (kể cả bộ phận hồi sức tích cực ở các khoa khác); Khoa gây mê hồi sức; Khoa điều trị tích cực; Khoa cấp cứu lưu; Khoa chống độc; Khoa đột quỵ.
+ Khu chăm sóc đặc biệt bao gồm: Khoa Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương (All) thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Viện Y học cổ truyền Quân đội; chăm sóc trẻ sinh non tháng ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; khu chăm sóc bệnh nhân, tâm thần cấp tính ở các bệnh viện.
Ví dụ 1: Bác sĩ Trần Văn A làm việc tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện hạng I, được phân công trực 24/24 giờ. Phụ cấp thường trực của bác sĩ A được hưởng như sau:
- Trực vào ngày thường: 115.000 đồng.
- Trực vào Thứ 7, Chủ nhật: 149.500 đồng (115.000 đồng x 1,3).
Ví dụ 2: Bác sĩ Nguyễn Văn B làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện hạng đặc biệt, được phân công trực 24/24 giờ. Phụ cấp thường trực của bác sĩ B được hưởng như sau:
- Trực vào ngày thường: 172.500 đồng (115.000 đồng x 1,5).
- Trực vào Thứ 7, Chủ nhật: 224.250 đồng (172.500 đồng x 1,3).
- Trực vào ngày lễ, Tết: 310.500 đồng (172.500 đồng x 1,8).
Ví dụ 3: Bác sĩ Nguyễn Vãn C làm việc tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện hạng II, được phân công trực 16/24 giờ. Phụ cấp thường trực của bác sĩ C được hưởng như sau:
- Trực vào ngày thường: 67.500 đồng (90.000 đồng x 0,75).
- Trực vào Thứ 7, Chủ nhật: 87.750 đồng (67.500 đồng x 1,3).
- Trực vào ngày lễ, Tết: 121.500 đồng (67.500 đồng x 1,8).
b) Người tham gia thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn và được nghỉ bù theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
c) Người được huy động làm việc vào thời gian nghỉ bù thì được sắp xếp nghỉ bù vào thời gian khác, do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.
Điều 4. Chế độ phụ cấp chống dịch
1. Chế độ phụ cấp chống dịch, thường trực chống dịch đối với thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên; người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm trong Quân đội thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
2. Danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhóm C mà người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm trong Quân đội được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch, thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B thực hiện theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC- BLĐTBXH ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg (kèm theo Thông tư này).
3. Cơ sở khám, chữa bệnh truyền nhiễm trong Quân đội gồm: Bệnh viện chuyên khoa bệnh truyền nhiễm; khoa truyền nhiễm thuộc các bệnh viện và các cơ sở y tế khác có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm được Ban Chỉ đạo chống dịch có thẩm quyền quyết định huy động trong trường hợp có dịch.
4. Thời gian áp dụng phụ cấp chống dịch là số ngày thực tế tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm theo Danh mực của Bộ Y tế ban hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm, trong thời gian kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố dịch đến khi công bố hết dịch.
Điều 5. Chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật
Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
Điều 6. Nguyên tắc và trách nhiệm chi trả
1. Nguyên tắc chỉ trả
Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
2. Trách nhiệm chi trả
a) Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chi trả chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
b) Việc chi trả chế độ phụ cấp chống địch đối với thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong Quân đội do cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch chi trả.
Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tại các cơ sở y tế trong Quân đội đối với những người làm nhiệm vụ thường trực trong định mức nhân lực phiên trực quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ- TTg, Thông tư này và định mức giường bệnh thu dung điều trị đối với đối tượng A theo quy định của Bộ Quốc phòng do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo Luật Ngân sách Nhà nước và được hạch toán như sau:
- Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thường trực hạch toán vào mục 6100, tiểu mục 6114, tiết mục 00, ngành 00.
- Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật hạch toán vào mục 6100, tiểu mục 6116, tiết mục 60, ngành 00.
2. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật đối với những người làm nhiệm vụ thường trực ngoài định mức nhân lực quy định; khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, dịch vụ, do đơn vị tự cân đối bảo đảm.
3. Việc kết cấu chi phí chi trả phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ y tế thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT-BYT-BNV- BTC-BLDTBXH ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong Quân đội ngoài sử dụng nguồn ngân sách trong dự toán định mức giường bệnh được giao theo quy định của Bộ Quốc phòng còn được sử dụng nguồn thu tự chủ để chi trả chế độ phụ cấp thường trực, chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg. Trường hợp cơ sở y tế khám, chữa bệnh chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chế độ phụ cấp thường trực, chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh (hoặc chưa đầy đủ), sau khi đã sử dụng nguồn thu theo dự toán định mức giường bệnh được giao vả ngân sách tự chủ nhưng vẫn không bảo đảm nguồn thu để thực hiện các chế độ quy định tại Điều 2 và Điều 4 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, được ngân sách Nhà nước bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành.
5. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp chống dịch do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, được hạch toán vào mục 6100, tiểu mục 6114, tiết mục 00, ngành 00.
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng
a) Cục Chính sách/TCCT
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này; định kỳ 6 tháng, 01 năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.
b) Cục Quân y/BQP
Căn cứ vào quy định của Bộ Y tế về phân loại phẫu thuật, thủ thuật; Danh mục các thủ thuật được hưởng phụ cấp thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật hướng dẫn thực hiện đối với các cơ sở y tế trong Quân đội.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về thẩm quyền công bố dịch và hết dịch; thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp và huy động nguồn nhân lực tham gia chống dịch trong Quân đội.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và Thông tư này.
c) Cục Quân lực/BTTM, Cục Cán bộ/TCCT
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng xây dựng, điều chỉnh định mức giường bệnh đối với các cơ sở y tế trong Quân đội, trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định khi có sự thay đổi về nhiệm vụ; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Thông tư này.
d) Cục Tài chính/BQP
Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng thẩm định, tổng hợp nhu cầu kinh phí; kiểm tra, giám sát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và Thông tư này, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh.
2. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế thuộc quyền quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và Thông tư này.
b) Phê duyệt định mức nhân lực phiên trực đối với các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý; ban hành quy chế, tổ chức phân công phiên trực theo quy định.
c) Lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách của các đơn vị thuộc quyền, báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính, Cục Quân y) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
d) Chỉ đạo cơ quan Chính trị chủ trì (cơ quan Chính sách làm thường trực), phối hợp với các cơ quan chức năng (Quân y, Cán bộ, Quân lực, Tài chính) hướng dẫn, quản lý việc triển khai thực hiện Thông tư này.
đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện; chủ động giải quyết những vướng mắc, phát sinh; định kỳ kỳ 6 tháng, 01 năm tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức thực hiện về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách, Cục Quân y).
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 10 năm 2014 và thay thế Thông tư số 294/2003/TT-BQP ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù đối với quân nhân, công chức, viên chức chuyên môn quân y.
2. Chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Thông tư này được tính hưởng từ ngày 15 tháng 02 năm 2012.
a) Đối với trường hợp đã hưởng chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg thì được tính hưởng mức chênh lệch tăng thêm của các loại phụ cấp so với mức hưởng quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
b) Trên cơ sở hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT- BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kèm theo Phụ lục Thông tư này, các cơ quan, đơn vị báo cáo nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg; khi có Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền thì tổ chức chi trả cho đối tượng.
3. Đối với các bệnh viện đã có Quyết định ban hành biểu tổ chức biên chế quy định số lượng giường A thì thực hiện định mức phiên trực theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp chưa ban hành biểu tổ chức biên chế quy định số lượng giường A thì thực hiện theo biểu biên chế hiện hành.
4. Người làm nhiệm vụ tại cơ sở y tế thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ được thực hiện các chế độ phụ cấp quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách/TCCT) để xem xét, giải quyết./.