Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) tỉnh Tây Ninh

_______________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

Căn cứ Quyết định số 2044/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT, ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1362/TTr-UBND, ngày 04 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Tây Ninh; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) tỉnh Tây Ninh với những nội dung chủ yếu sau:

I. Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 đạt được một số kết quả như sau:

1. Đất nông nghiệp

Đất sản xuất nông nghiệp: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 262.035,38 ha, đã thực hiện được 267.983,59 ha, bằng 102,27 % kế hoạch; trong đó đất trồng lúa được duyệt là 84.709,83 ha, thực hiện được 83.497,52 ha, đạt 98,57 % so với kế hoạch và đất trồng cây lâu năm kế hoạch được duyệt là 108.176,64 ha, thực hiện được 122.891,07 ha, đạt 113,6 % so với kế hoạch. Quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đất nông nghiệp giảm theo quy hoạch để chuyển sang đất phi nông nghiệp, trong đó chủ yếu chuyển sang đất ở, công nghiệp, phát triển hạ tầng, đất sản xuất kinh doanh.

Đất lâm nghiệp: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 68.906,31 ha, đã thực hiện được 71.959,23 ha, bằng 104,43 % so với kế hoạch. Chỉ tiêu này phản ánh quá trình bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong những năm qua đã phát huy hiệu quả.

Đất nuôi trồng thủy sản: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 1.701,29 ha, đã thực hiện được 1.630,22 ha, bằng 95,82 % so với kế hoạch. Chỉ tiêu đất này phù hợp với xu hướng đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng lên hình thành vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô tập trung.

Đất nông nghiệp khác: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 912,76 ha, đã thực hiện được là 965,82 ha, bằng 105,81 % so với kế hoạch. Do thời gian qua trên địa bàn Tỉnh đã hình thành nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi.

2. Đất phi nông nghiệp

Đất ở: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 10.250,88 ha đã thực hiện được 9.047,02 ha, bằng 88,26 % so với kế hoạch. Trong đó đất ở đô thị kế hoạch được duyệt là 1.523,47 ha đã thực hiện được 1.191,63 ha, bằng 78,22 % kế hoạch, đất ở nông thôn kế hoạch được duyệt là 8.727,41 ha đã thực hiện được 7.855,39 ha, đạt 90,01 % kế hoạch. Quá trình phát triển dân cư trong thời gian qua trên địa bàn Tỉnh là khá cao, đặc biệt là quá trình chuyển mục đích người dân trong khu dân cư. Phần diện tích chưa đạt theo kế hoạch do các khu, cụm dân cư có quy mô lớn; các khu, cụm dân cư dọc biên giới, các khu đô thị có quy hoạch đất ở nhưng chưa thực hiện được.

Đất chuyên dùng: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 34.758,88 ha đã thực hiện được 26.048,60 ha, bằng 74,94 % so với kế hoạch, trong đó đất khu, cụm nghiệp được duyệt là 7.156,35 ha, thực hiện 5.064,29 ha, đạt 70,77 % so với kế hoạch, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh được duyệt là 4.242,94 ha, thực hiện được 1.956,94 ha, đạt 46,12 % so với kế hoạch. Đất có mục đích công cộng được duyệt 19.779,80 ha, thực hiện được 16.863,21 ha, đạt 85,25 %. Quỹ đất này trong thời gian qua tăng lên đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở và sản xuất kinh doanh đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội nhất định. Tuy vậy chỉ tiêu đạt được là chưa cao, một số công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở giáo dục, văn hóa, y tế, TDTT, chợ chưa thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành được duyệt. Khu, cụm công nghiệp chưa triển khai hết các chỉ tiêu quy hoạch, trong các khu cụm công nghiệp hình thành mới tỷ lệ lấp đầy chưa cao, mạng lưới thương mại dịch vụ và du lịch chưa triển khai hết các hạng mục đã quy hoạch.

Xu hướng sắp tới sẽ phát triển mạnh quỹ đất này để phù hợp với tiến trình hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Đất tôn giáo, tín ngưỡng: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 147,06 ha đã thực hiện được 188,71 ha, bằng 128,32 % so với kế hoạch.

Đất nghĩa trang, nghĩa địa: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 835,41 ha đã thực hiện được 664,27 ha, bằng 79,51 % so với kế hoạch, do một số hạng mục đất nghĩa trang nghĩa địa trên địa bàn các huyện chưa thực hiện được.

Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 25.370,41 ha đã thực hiện được 25.373,15 ha, bằng 100,01 % so với kế hoạch.

Đất phi nông nghiệp khác: Điều chỉnh quy hoạch được duyệt là 10,59 ha đã thực hiện được 17,78 ha, bằng 167,89 % so với kế hoạch.

3. Đất chưa sử dụng

Điều chỉnh quy hoạch được duyệt xác định không còn đất chưa sử dụng, tuy vậy theo kiểm kê năm 2010 và thống kê năm 2011 vẫn còn 88,44 ha, đất bằng chưa sử dụng 88,29 ha và đất đồi núi chưa sử dụng 0,15 ha.

(Chi tiết từng nội dung theo phụ lục 1 đính kèm)

II. Tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 -2015) của tỉnh Tây Ninh

Quan điểm lập quy hoạch, kế hoạch:

1. Sử dụng đất khoa học, trên quan điểm tiết kiệm, hiệu quả, cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

2. Sử dụng đất gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế xã hội, phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khai thác có hiệu quả lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, công nghiệp và vị trí của tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng đến năm 2020 Tây Ninh là một tỉnh công nghiệp và tận dụng tiềm năng, thế mạnh đất đai của vùng để tạo bước đột phá.

3. Đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành, trong đó ưu tiên quỹ đất cho phát triển Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Cơ sở hạ tầng - Đô thị và Khu dân cư nông thôn trên cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất một cách hợp lí để mang lại hiệu quả cao.

4. Duy trì và bảo vệ đất nông nghiệp, lâm nghiệp truyền thống canh tác có năng suất cao. Tăng diện tích trồng cây nông nghiệp lâu năm, vùng chuyên canh có giá trị trên những vùng đất thích hợp; nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, gắn với bảo vệ an ninh lương thực. Cân đối tỷ lệ cây nông nghiệp lâu năm với hàng năm, tăng hệ số quay vòng của đất nhằm tăng diện tích cây trồng và thu hút công lao động. Gắn sản phẩm nông nghiệp với công nghiệp chế biến.

5. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo các mô hình tiên tiến, năng suất cao, phát triển trang trại theo hướng tăng diện tích nhóm cây công nghiệp, chuyển một phần diện tích lúa có năng suất thấp thường bị úng ngập sang nuôi trồng thủy sản và các cây con khác có hiệu quả hơn.

(Các chỉ tiêu cụ thể theo phụ lục 2 đính kèm)

III. Nội dung Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015)

Căn cứ vào chỉ tiêu quy hoạch và nhu cầu sử dụng trong ngắn hạn, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) theo phụ lục 3 đính kèm.

IV. Các biện pháp, giải pháp thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015)

1. Giải pháp về chính sách đất đai

- Hoàn thành công tác đo đạc, tập trung đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập hồ sơ địa chính 02 huyện còn lại (Tân Biên, Tân Châu) làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tiến đến mô hình quản lý đất đai hiện đại.

- Hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó tập trung rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, các đơn vị văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, các nông lâm trường. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra đất đai, thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sau giao đất, cho thuê đất.

- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, đặc biệt là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp xã và cấp huyện theo hướng đảm bảo khai thác sử dụng đất có hiệu quả đất đai và bền vững tài nguyên, môi trường; tăng cường công tác hậu kiểm sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, khắc phục triệt để quy hoạch treo, xử lý kịp thời các dự án được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai sau 12 tháng. Tăng cường công tác thẩm định trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm rõ tính khả thi và hiệu quả của các công trình sử dụng đất trọng điểm. Đồng thời xây dựng cơ chế kiểm tra liên ngành về công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Tập trung giải quyết tranh chấp đất đai, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai và khiếu nại tố cáo. Tiếp tục đẩy mạnh, giải quyết dứt điểm và không để tái lại tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng sai mục đích kéo dài. Đồng thời, tiến hành giao đất lâm nghiệp (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán. Ưu tiên khoán cho hộ định canh định cư­, hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Khuyến khích nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng mới, chăm sóc bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

- Có chính sách đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích phát triển vùng chuyên canh cây lúa nhằm duy trì diện tích đất trồng lúa nước có năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực. Hỗ trợ chính sách về thuế sử dụng đất và các khoản tiền có liên quan đến sử dụng đất ưu tiên theo ngành nghề, đặc biệt chính sách thuế mở theo hướng thu hút đầu tư; tạo điều kiện để nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; gắn việc chuyển đổi đất đai với chuyển đổi lao động.

- Có chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, trung tâm thương mại, siêu thị...; xem xét miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản và những năm tiếp theo dựa trên nguyên tắc ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

- Đổi mới chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các quy định hiện hành.

2. Giải pháp về vốn đầu tư

Tạo nguồn thu từ đất để phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên cần đầu tư để quản lý sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, đúng quy hoạch sử dụng đất.

3. Giải pháp về nguồn lực

Coi trọng phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng để thu hút các dự án đầu tư có trình độ công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Chú trọng việc gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động, thực hiện đào tạo theo địa chỉ, đảm bảo người lao động có việc làm phù hợp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề với giới thiệu việc làm.

4. Giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường

- Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

- Thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, các giải pháp quản lý chất thải, quy hoạch các khu thu gom, xử lý chất thải, nước thải; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất trong khai thác khoáng sản đồng thời tăng cường công tác quan trắc và phân tích môi trường ở các khu vực trọng điểm.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó khai thác hợp lý quỹ đất đai, bảo vệ đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

- Áp dụng

 kỹ thuật canh tác tổng hợp phù hợp trong sử dụng đất nông nghiệp. Áp dụng mô hình nông, lâm, thủy sản kết hợp để chống xói mòn, rửa trôi, hủy hoại đất. Đẩy mạnh khai thác đất chưa sử dụng. Giao đất cụ thể đến các đối tượng trực tiếp sử dụng đất.

- Sử dụng các biện pháp đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là tại các khu vực phát triển đô thị, công nghiệp và có mật độ xây dựng cao.

- Chú trọng công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp xã hội, kiến tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm quy định về môi trường; kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường.

V. Tổ chức thực hiện

1. Trên cơ sở phư­ơng án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 của tỉnh đã đư­ợc Chính phủ phê duyệt, tiến hành tổ chức công bố, thông báo công khai rộng rãi ph­ương án và các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến các ngành, tổ chức, đoàn thể địa phương và nhân dân trong tỉnh biết để thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy định của Luật Đất đai.

2. Tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh phù hợp với phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, đồng thời phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa ph­ương để đảm bảo tính đồng bộ trong toàn hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

3. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, phát triển quỹ đất.

4. Đưa công nghệ tin học vào quản lý quy hoạch và theo dõi cập nhật quy hoạch sử dụng đất.

5. Phân cấp cụ thể trách nhiệm về quản lý quy hoạch theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) và theo từng ngành, từng mục đích sử dụng,…

6. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn quản lý công tác Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho cán bộ địa chính, đặc biệt là cấp xã.

7. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất của địa phương để kịp thời xử lý việc sử dụng đất không đúng với quy hoạch được duyệt và thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

8. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng người dân sử dụng đất, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ, các chính sách đền bù thỏa đáng, kịp thời đối với đất đai cần thu hồi.

9. Rà soát điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đai của các ngành phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và huyện, đồng thời tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về đất đai để tổ chức tốt việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất ở các cấp trong thời kỳ 2011 - 2020 theo quy định của Luật Đất đai.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh tiến hành các thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Hùng Việt