NGHỊ QUYẾT
Về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh
đến năm 2020 và định hướng 2030
_____________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Du lịch ban hành năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2044/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020;
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 04 tháng 10 năm 2012 của Tỉnh ủy Tây Ninh về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1863/TTr-UBND, ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc thông qua Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
I. Quan điểm phát triển du lịch
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.
Chiến lược phát triển thị trường khách du lịch tỉnh Tây Ninh là phát triển đồng thời cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa; chú trọng khai thác thị trường khách có lưu trú và duy trì thị trường khách tham quan.
Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch là xây dựng sản phẩm du lịch mới cho các cụm du lịch, tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại khu, điểm du lịch trọng điểm để làm điểm nhấn thu hút khách du lịch và đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Tây Ninh gắn liền với tài nguyên du lịch sinh thái và di tích lịch sử, tâm linh.
Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo tồn tài nguyên nhân văn.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch.
II. Mục tiêu phát triển du lịch
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đưa ngành du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi một cách căn bản cơ cấu kinh tế của tỉnh; hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cạnh tranh được với các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Vương quốc Campuchia và một số nước trong khu vực ASEAN.
Phát triển du lịch gắn liền với công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt chú ý đến giải quyết việc làm và nâng cao trình độ dân trí.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1 Thu hút số lượng khách du lịch đến Tây Ninh
Đến năm 2015, Tây Ninh đón khoảng 1,6 triệu lượt khách có lưu trú (trong đó khách quốc tế khoảng 13 ngàn lượt) và hơn 3,2 triệu lượt khách tham quan.
Đến năm 2020, đón khoảng 2,2 triệu lượt khách có lưu trú (trong đó khách quốc tế khoảng 16 ngàn lượt) và hơn 4,1 triệu lượt khách tham quan.
Đến năm 2030, đón khoảng 4,0 triệu lượt khách có lưu trú (trong đó khách quốc tế khoảng 34 ngàn lượt) và hơn 6,1 triệu lượt khách tham quan.
2.2 Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch
Giai đoạn ngắn hạn 2013 - 2015 đối với khách có lưu trú tăng trưởng 23%, trong đó khách quốc tế là 22,5%, khách nội địa là 23% và khách tham quan là 10,3%.
Giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 đối với khách có lưu trú tăng trưởng 15,9%, trong đó khách quốc tế là 15,6%, khách nội địa là 16,2% và khách tham quan là 15,6%.
Giai đoạn dài hạn 2021 - 2030 đối với khách có lưu trú tăng trưởng 12,4%, trong đó khách quốc tế là 12,6%, khách nội địa là 12,4% và khách tham quan là 15,5%.
2.3 Ngày lưu trú của khách du lịch
Giai đoạn 2013 - 2015, ngày lưu trú đối với khách du lịch quốc tế là 1,90 ngày/khách, khách du lịch nội địa là 1,50 ngày/khách.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngày lưu trú đối với khách du lịch quốc tế là 2,00 ngày/khách, khách du lịch nội địa là 1,60 ngày/khách.
Giai đoạn 2021 - 2030, ngày lưu trú đối với khách du lịch quốc tế là 2,30 ngày/khách, khách nội địa là 1,90 ngày/khách.
2.4 Nguồn thu từ khách du lịch và thu nhập du lịch (GDP du lịch)
Giai đoạn 2013 - 2015: Tốc độ tăng trưởng doanh thu là 25%. Tổng thu từ khách du lịch là 1.162 tỷ đồng. Thu nhập du lịch (GDP du lịch) là 813 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng doanh thu là 17,2% .Tổng thu từ khách du lịch là 2.296 tỷ đồng. Thu nhập du lịch (GDP du lịch) là 1.607 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2030: Tốc độ tăng trưởng doanh thu là 16,8%. Tổng thu từ khách du lịch là 7.334 tỷ đồng. Thu nhập du lịch (GDP du lịch) là 5.134 tỷ đồng.
2.5 Phát triển chất lượng cơ sở lưu trú
Giai đoạn 2013 - 2015: Cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên có 140 phòng.
Giai đoạn 2016 - 2020: Cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên có 220 phòng.
Giai đoạn 2021 - 2030: Cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên có 1.425 phòng.
2.6 Tạo ra việc làm cho xã hội
Giai đoạn 2013 - 2015: Giải quyết được khoảng 6.000 người làm việc có liên quan đến ngành du lịch trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.200 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 3.800 người.
Giai đoạn 2016 - 2020: Giải quyết được khoảng 7.400 người làm việc có liên quan đến ngành du lịch trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.600 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 4.800 người.
Giai đoạn 2021 - 2030: Giải quyết được khoảng 21.000 người làm việc có liên quan đến ngành du lịch trong đó lao động trực tiếp khoảng 7.000 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 14.000 người.
III. Định hướng đầu tư phát triển du lịch
1. Lĩnh vực cần quan tâm đầu tư vào du lịch
1.1 Phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch có chất lượng cao như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, các khu du lịch và loại hình du lịch; xây dựng các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch;
1.2 Đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa;
1.3 Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các làng nghề truyền thống;
1.4 Đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên du lịch, môi trường;
1.5 Đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch, nghiên cứu khai thác thị trường khách du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch;
1.6 Đầu tư công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh.
2. Phát triển sản phẩm du lịch
2.1 Sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng;
2.2 Sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hóa;
2.3 Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái Vườn Quốc gia, đồng quê, miệt vườn;
2.4 Sản phẩm du lịch làng nghề;
2.5 Sản phẩm du lịch thương mại, công vụ;
2.6 Sản phẩm gắn liền với loại hình du lịch thăm thân, khám chữa bệnh;
2.7 Sản phẩm ẩm thực Tây Ninh.
3. Các dự án ưu tiên đầu tư
3.1 Dự án Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen;
3.2 Dự án điểm du lịch Quốc gia di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam;
3.3 Dự án Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát;
3.4 Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Dầu Tiếng;
3.5 Dự án Khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh - Núi Bà Đen;
3.6 Dự án Khu du lịch sinh thái Bàu Cà Na;
3.7 Dự án Khu công viên du lịch sinh thái bến Trường Đổi;
3.8 Dự án Khu du lịch sinh thái Mộc Bài;
3.9 Dự án Khu du lịch sinh thái Trảng Bàng (Trưởng Chừa);
3.10 Dự án Khu du lịch sinh thái miệt vườn sông Vàm Cỏ Đông;
3.11 Dự án Làng nghề truyền thống bánh tráng phơi sương Trảng Bàng;
3.12 Các điểm dừng chân và các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách du lịch.
4. Nhu cầu vốn đầu tư
4.1 Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2030 là 16.919 tỷ đồng
4.2 Phân kỳ vốn cho các giai đoạn
Giai đoạn 2013 - 2015: 1.400 tỷ đồng
Giai đoạn 2016 - 2020: 3.177 tỷ đồng
Giai đoạn 2021 - 2030: 12.342 tỷ đồng
IV. Các nhóm giải pháp
1. Về vốn đầu tư phát triển
1.1 Tăng số lượng vốn và cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển du lịch Tây Ninh chiếm từ 10-15% (bao gồm vốn Trung ương và địa phương).
1.2 Thực hiện các chính sách ưu đãi hợp lý để huy động nguồn vốn đầu tư từ tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo đủ nguồn vốn với cơ cấu 85-90% vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
2. Về cơ chế chính sách cho phát triển du lịch
Cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; cơ chế và chính sách về thuế; cơ chế, chính sách về khai thác thị trường du lịch; chính sách xuất nhập cảnh, hải quan; chính sách xã hội hóa du lịch; chính sách phát triển gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.
3. Về phát triển nguồn nhân lực
Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch hợp lý; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch.
4. Về tăng cường năng lực xúc tiến quảng bá du lịch
Xây dựng hình ảnh du lịch Tây Ninh; liên kết xúc tiến, quảng bá với các đơn vị và thị trường khác nhau về du lịch, nhất là hợp tác liên kết vùng (Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) đồng thời tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch chung của tỉnh và riêng cho doanh nghiệp.
5. Về tổ chức quản lý quy hoạch và quản lý kinh doanh du lịch
Công bố, tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cho các khu du lịch, đặc biệt là Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, điểm du lịch Quốc gia.
6. Về ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch trên địa bàn; xây dựng 01 trang web riêng cho ngành du lịch; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến hiện đại vào công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh du lịch.
7. Về hợp tác liên kết vùng
Tổ chức hợp tác liên kết vùng trong các lĩnh vực: Đầu tư du lịch, kinh doanh, xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo và nâng cao năng lực, liên kết trong vùng du lịch Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, liên kết với các trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế.
8. Về tổ chức hoạt động kinh doanh
Đối với kinh doanh lữ hành: Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch, các hãng lữ hành khu vực tổ chức xây dựng được các hãng, văn phòng đại diện lữ hành trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập các văn phòng đại diện lữ hành của tỉnh tại các thị trường trọng điểm du lịch. Liên kết cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn với các hãng lữ hành, dịch vụ hàng không, các văn phòng đại diện của nước ngoài tại Việt Nam hoặc là đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để đón khách du lịch đến Tây Ninh.
Đối với kinh doanh lưu trú: Nâng cao chất lượng, cải tạo, nâng cấp số lượng cơ sở lưu trú hiện có đạt tiêu chuẩn, tiến hành xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên với các cơ chế, chính sách ưu tiên; mở rộng các loại hình du lịch cộng đồng đối với nghề và làng nghề truyền thống; đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch.
Điều 2. Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, thay thế Nghị quyết số 11/2009/NQ-HĐND, ngày 10/4/2009 về Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đúng quy định.
Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua.