QUYẾT ĐỊNH
Ban hành đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau Đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010-2015
______________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định 104/2005/QĐ-BNV, ngày 03/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND, ngày 23/3/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ sở nước ngoài;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 119/TTr-SNV, ngày 16 tháng 4 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
ĐỀ ÁN
Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND Ngày 22/4/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 05/12/2001 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Nghị quyết số 06-NQ về đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành chính sách đào tạo và thu hút nhân tài theo từng giai đoạn (Quyết định số 167/2000/QĐ-UBND, Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND và Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh). Theo đó, đối với công tác đào tạo sau đại học, tính từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã cử 399 cán bộ, công chức, viên chức đi học, gồm: Nghiên cứu sinh 09 người; thạc sĩ các ngành: 325 người; chuyên khoa I và chuyên khoa II: 65 người.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác hiện nay, nhất là đào tạo nâng chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Qua thống kê, đến năm 2009, toàn tỉnh có 26.644 cán bộ, công chức, viên chức, gồm khối đảng, đoàn thể: 965 người; khối hành chính: 1.740 người; khối đơn vị sự nghiệp: 16.376 người; cán bộ công chức cấp xã: 7.563 người. Trong đó, số người có trình độ sau đại học là 179 người (gồm tiến sĩ: 06 người, thạc sĩ và tương đương: 173 người), chiếm tỷ lệ 0,69%; số người có trình độ đại học và tương đương là 7.234 người, chiếm tỷ lệ 29%; số còn lại là trung cấp và chưa qua đào tạo; nếu tính số người đang đi học và chuẩn bị tốt nghiệp ra trường sắp tới thì toàn tỉnh chỉ có trên 350 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học. Ngoài ra đối với công tác cử cán bộ, công chức đi đào tạo ở nước ngoài, đến nay tỉnh chỉ cử được 05 người tham gia đào tạo trong đó trình độ tiến sĩ: 01; thạc sĩ 04.
Để thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Tây Ninh, cần phải có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và khoa học kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhanh nhạy, năng động, sáng tạo.
- Đội ngũ cán bộ là các chuyên gia đầu đàn về nghiên cứu và giảng dạy phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy tại các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ kiến thức và năng lực ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
- Đội ngũ các chuyên gia tư vấn cao cấp có khả năng phân tích, dự báo tình hình và đề ra các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, việc xây dựng Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài cho tỉnh Tây Ninh là rất cần thiết và cấp bách.
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung:
- Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, có năng lực và bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện tiếp cận và thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của các nước phát triển vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương.
- Đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có, trong đó ưu tiên tập trung đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị nhằm đáp ứng điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015 chọn cán bộ, công chức, viên chức, công chức dự bị, dự nguồn cán bộ công chức của tỉnh, có phẩm chất, năng lực và có triển vọng phát triển để cử đi đào tạo ở nước ngoài trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, với những ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Trong đó 10% trình độ tiến sĩ và 90% có trình độ thạc sĩ.
III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Đối tượng đào tạo:
a) Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách) đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ hoặc đại học hệ chính quy loại khá trở lên hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý.
b) Dự nguồn cán bộ, công chức có hộ khẩu tại Tây Ninh có trình độ thạc sĩ hoặc đại học hệ chính quy đạt loại khá trở lên.
Ưu tiên cho đối tượng là con liệt sĩ, con thương binh và gia đình có công với cách mạng thuộc các diện nêu trên.
2. Số lượng đào tạo:
Phấn đấu từ năm 2010 đến 2015 đào tạo 100 người; trong đó: Thạc sỹ: 90; Tiến sỹ: 10; trong đó mỗi năm đào tạo từ: 20-25 thạc sĩ và từ 02 đến 03 tiến sĩ.
3. Điều kiện và tiêu chuẩn:
a) Điều kiện và tiêu chuẩn chung:
- Có phẩm chất, đạo đức tốt; có lý lịch rõ ràng; hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;
- Có nguyện vọng trở thành cán bộ quản lý khoa học công nghệ, chuyên gia giỏi để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới;
- Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo, theo yêu cầu bố trí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo (được thực hiện bằng hợp đồng trách nhiệm theo quy định của pháp luật).
- Ưu tiên chọn cử đi đào tạo các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, dự nguồn cán bộ công chức thuộc các diện cụ thể sau:
+ Là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
+ Con của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và con của những người hưởng chính sách như thương binh, có tỉ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên.
b) Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể:
- Đối với đào tạo tiến sĩ: Có bằng thạc sĩ phù hợp hoặc gần với chuyên ngành đăng ký đào tạo.
- Đối với đào tạo thạc sĩ: Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, phù hợp với chuyên ngành đăng ký đào.
- Độ tuổi đối với người cử đi đào tạo thạc sĩ không quá 35 tuổi và tiến sĩ không quá 40 tuổi. Riêng đối với những người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng cấp sở, ngành, huyện, thị xã và tương đương trở lên được cộng thêm 05 tuổi.
- Đối với dự nguồn cán bộ công chức không quá 25 tuổi.
- Cán bộ, công chức, viên chức, dự nguồn cán bộ công chức được chọn cử đi học là những người đáp ứng được các điều kiện, theo quy định của cơ sở đào tạo nước ngoài (trong thi tuyển hoặc xét tuyển).
Các trường hợp đặc biệt khác do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
4. Ngành đào tạo:
Tập trung, ưu tiên đào tạo các lĩnh vực như sau:
- Quản trị kinh doanh: 10%.
- Hành chính công: 10%
- Luật: 05%
- Y tế: 10%
- Giáo dục: 10%
- Hạ tầng kinh tế đô thị: 05%
- Thiết kế quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, xây dựng và giao thông công chính: 10%
- Công nghệ thông tin; Điện - Điện tử - viễn thông - Năng lượng - Cơ khí - Cơ điện tử: 10%
- Sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản: 10%
- Kinh tế - tài chính - ngân hàng - quản lý dự án, bất động sản: 10%.
- Công nghệ sinh học, quản lý tài nguyên - môi trường: 10%.
Ngoài ra, theo yêu cầu và thời điểm cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định bổ sung ngành đào tạo phù hợp.
5. Phương thức đào tạo:
Việc cử đi đào tạo nước ngoài do Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các ngành chức năng của tỉnh thực hiện bằng hình thức liên kết với các cơ sở đào tạo công lập (Viện nghiên cứu khoa học, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trường đại học….), liên kết đào tạo với các trường đại học ở nước ngoài, qua các hình thức:
- Đào tạo toàn phần tại nước ngoài.
- Đào tạo bán phần (Một nửa thời gian ở trong nước và một nửa thời gian ở nước ngoài).
- Đào tạo du học tại chỗ (Đào tạo trong nước).
- Liên kết tổ chức lớp gửi chung với các tỉnh, thành phố, bộ, ngành (Nhất là Thành phố Hồ Chí Minh).
6. Nước gửi đi đào tạo:
Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Nga, Đức và các nước trong khu vực hoặc các nước khác theo quyết định của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
7. Quyền lợi và trách nhiệm của người được cử đi đào tạo:
a) Quyền lợi:
- Được cơ quan, đơn vị bố trí thời gian, sắp xếp công việc và tạo điều kiện thuận lợi để đi học.
- Thời gian cử đi học được hưởng tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành của Nhà nước, được nâng lương theo niên hạn (nếu là cán bộ, công chức, viên chức).
- Được tạm ứng kinh phí để thanh toán cho các khoản chi phí học tập, bao gồm:
+ Chi phí dịch vụ phải trả cho tổ chức thực hiện dịch vụ đào tạo ở trong nước.
+ Chi học phí và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
+ Đối với người được cử đi đào tạo toàn phần ở nước ngoài được tạm ứng thêm các khoản:
. Chi phí mua BHYT trong thời gian học tập ở nước ngoài.
. Chi phí ăn, ở, đi lại (Một lượt đi và về), lệ phí sân bay.
. Chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh (hộ chiếu, visa).
. Chi phí khác cần thiết phục vụ cho công tác học tập.
Các khoản trên được thanh quyết toán theo các quy định về quản lý tài chính hiện hành.
- Sau khi học xong được bố trí công tác phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
- Trường hợp sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, muốn tiếp tục học Tiến sĩ hoặc muốn ở lại nước ngoài từ 01 đến 02 năm để thực tập, trau dồi thêm nghề nghiệp phải được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý.
b) Trách nhiệm:
- Học viên được cử đi đào tạo phải chịu trách nhiệm chấp hành nghiêm túc nội quy của cơ sở đào tạo và pháp luật của nước sở tại.
- Trong quá trình đào tạo, người được đào tạo phải báo cáo kết quả học tập định kỳ về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ). Nếu kết quả học tập không đạt yêu cầu phải kéo dài thời gian đào tạo so với khóa học thì người học phải chịu các khoản chi phí phát sinh.
- Nếu người tham gia khóa đào tạo theo chương trình, hoàn thành khóa học và tốt nghiệp, có bản điểm hoặc biên bản Hội đồng nghiệm thu luận án đánh giá đạt yêu cầu thì được thanh toán số tiền đã tạm ứng.
- Người được cử đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp phải trở về công tác tại tỉnh theo như cam kết. Nếu tự ý bỏ học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về công tác tại tỉnh, thì phải bồi thường gấp 05 lần kinh phí do tỉnh chi cho việc học tập.
8. Quy trình cử cán bộ đi đào tạo:
Tỉnh chọn nước, chọn trường, chọn ngành đào tạo và cử cán bộ đi đào tạo, cấp phát kinh phí đào tạo. Việc chọn cử được thực hiện như sau:
- Cá nhân kê khai hồ sơ dự tuyển theo quy định. Có bản cam kết thực hiện các điều kiện của tỉnh.
- Bản đánh giá, nhận xét và công văn đề nghị cử đi học của đơn vị quản lý trực tiếp gửi về Sở Nội vụ.
- Sở Nội vụ tổng hợp thông qua Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh xem xét; Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình Ban Chỉ đạo tỉnh.
- Sau khi có ý kiến của Ban Chỉ đạo tỉnh, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, với các ngành chức năng có liên quan làm thủ tục giới thiệu ứng viên với các trường đại học nước ngoài và thực hiện các thủ tục quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi học ở nước ngoài theo quy định.
9. Kinh phí thực hiện đề án:
- Dự kiến mức kinh phí trung bình tạm tính để đào tạo:
+ 01 Tiến sĩ: khoảng 58.720 USD;
+ 01 Thạc sĩ: khoảng 38.680 USD; đào tạo bán phần: khoảng 8.000 USD đến 10.000USD.
- Bồi dưỡng ngoại ngữ: 1.000 USD/người
- Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án: 4.229.900 USD. Bình quân mỗi năm khoảng 845.980 USD.
- Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách tỉnh. Ngoài ra còn tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo của Chính phủ và học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nguồn kinh phí khác.
- Sở Nội vụ có trách nhiệm quản lý kinh phí đào tạo của Đề án và thực hiện chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo.
- Hàng năm Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí đào tạo cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện chi trả.
10. Tiến độ thực hiện đề án:
- Từ tháng 01/2010 đến tháng 04/2010: Thông qua phê duyệt đề án.
- Từ tháng 04/2010 đến tháng 06/2010: Chuẩn bị, thống kê, khảo sát nguồn nhân lực đầu vào.
- Từ tháng 6/2010 đến năm 2015: Thực hiện đề án.
IV. QUẢN LÝ VÀ BỐ TRÍ CÔNG TÁC SAU ĐÀO TẠO
1. Quản lý trong quá trình đào tạo:
Thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, qua báo cáo kết quả học tập của học viên, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành chức năng có liên quan theo dõi xuyên suốt quá trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện cũng như đời sống, tình hình học tập của những người được cử đi đào tạo nhằm tạo mọi điều kiện để học viên học tập đạt kết quả tốt nhất.
2. Phân công công tác sau đào tạo:
Kết hợp với công tác quy hoạch cán bộ, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy phân công công tác cho những học viên sau khi đào tạo phù hợp với ngành nghề, mục tiêu và năng lực sở trường nhằm phát huy năng lực phục vụ cho tỉnh.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (phụ trách văn hóa - xã hội) làm Phó Trưởng ban, các thành viên gồm thủ trưởng các ngành: Nội vụ, Ngoại vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo. Ban Chỉ đạo có tổ giúp việc do đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ làm tổ trưởng.
2. Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo trong việc đề xuất việc chọn nước, chọn trường, chọn ngành, chọn cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo.
3. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan liên kết với một số Trung tâm, trường Đại học trong nước để thực hiện việc đào tạo ngoại ngữ cho số cán bộ, công chức, viên chức được chọn cử đi đào tạo đạt trình độ theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh thể chế hóa nội dung đề án, chỉ đạo và phân công trách nhiệm các ngành chức năng chủ trì phối hợp triển khai thực hiện tốt đề án này. Hàng năm có đánh giá kết quả thực hiện và tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế và đề ra những biện pháp thực hiện có hiệu quả đề án.