NGHỊ QUYẾT
Về chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động
của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
______________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Thực hiện Công văn số 643/VPQH-KHTC ngày 06 tháng 3 năm 2019 của Văn phòng Quốc hội về việc thực hiện chế độ đối với Đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội sau khi Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH có hiệu lực;
Xét Tờ trình số 1241/TTr-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Thống nhất thông qua nội dung chi, mức chi đảm bảo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH) tỉnh Tây Ninh, như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Đoàn ĐBQH bao gồm: chi lấy ý kiến tham gia dự án luật; công tác giám sát, khảo sát; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội và một số nội dung chi khác phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH.
2. Đối tượng áp dụng
Đại biểu Quốc hội, công chức, nhân viên giúp việc Đoàn ĐBQH, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được mời tham gia các hoạt động của Đoàn ĐBQH thì được hưởng các chế độ theo quy định này.
Điều 2. Nguyên tắc chung về chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội
1. Kinh phí chi cho hoạt động của Đoàn ĐBQH do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo từ nguồn kinh phí phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH được giao hàng năm.
2. Lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí được phân bổ, đảm bảo đúng, đầy đủ và kịp thời về nội dung chi, mức chi, đối tượng chi theo các chế độ tại Nghị quyết này.
3. Các chế độ đối với hoạt động của Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội không quy định trong Nghị quyết này được thực hiện theo các quy định hiện hành.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI,
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 3. Chi hỗ trợ đối với đại biểu Quốc hội
Thực hiện các nội dung và mức chi theo quy định tại Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội; Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản điều chỉnh mức chi hỗ trợ đối với đại biểu Quốc hội thì áp dụng theo quy định hiện hành.
Riêng chế độ khoán chi họp đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương: 4.000.000 đồng/người/tháng.
Điều 4. Chi các hoạt động của Đoàn ĐBQH
Các nội dung và mức chi của Đoàn ĐBQH thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản điều chỉnh mức chi các hoạt động của Đoàn ĐBQH thì áp dụng theo quy định hiện hành.
Riêng đối với chế độ tặng quà đối với các đối tượng chính sách - xã hội được quy định như sau: Mức chi cho tập thể, cá nhân thực hiện theo quy định của tỉnh. Tổng số tiền quà tặng thăm hỏi các đối tượng tối đa là 150.000.000 đồng/năm.
Mục 2
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 5. Chi lấy ý kiến tham gia dự án luật
1. Chi họp góp ý: 100.000 đồng/người/buổi.
2. Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của dự án luật: mức chi tối đa là 800.000 đồng/báo cáo/dự án.
Điều 6. Chi cho công tác giám sát, khảo sát
1. Chi xây dựng văn bản giám sát, khảo sát:
Chi bồi dưỡng xây dựng báo cáo kết quả giám sát, khảo sát (gồm Quyết định, đề cương báo cáo và báo cáo kết quả) với mức chi 500.000 đồng/cuộc giám sát, khảo sát.
2. Chi cho thành viên tham gia đoàn giám sát, khảo sát:
Trong thời gian thực hiện giám sát, khảo sát, ngoài chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật hiện hành, chế độ chi đối với đoàn giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH được quy định như sau:
a) Thành viên tham dự (Lãnh đạo Văn phòng, công chức phục vụ công tác giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH): 100.000 đồng/người/buổi;
b) Nhân viên phục vụ, lái xe: 50.000 đồng/người/buổi.
3. Chi các cuộc họp giám sát, khảo sát:
Chi các cuộc họp giám sát, khảo sát (ngoài thời gian hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều này) chế độ chi đối với thành viên tham dự là 100.000 đồng/người/buổi.
4. Chi giám sát văn bản quy phạm pháp luật:
Mức chi áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chi cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Riêng báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện mức chi tối đa là 500.000 đồng/báo cáo.
5. Chi giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Chi xây dựng báo cáo xử lý đơn thư: 300.000 đồng/báo cáo;
b) Chi xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện mức chi tối đa là 500.000 đồng/báo cáo;
c) Chi xác minh, thu thập thông tin: 80.000 đồng/người/buổi.
6. Chi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri:
Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo đề xuất xử lý, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thực hiện mức chi tối đa là 350.000 đồng/báo cáo.
Riêng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội thực hiện mức chi tối đa là 500.000 đồng/báo cáo.
Điều 7. Chi tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội
1. Chi cho công chức, nhân viên phục vụ tiếp xúc cử tri
Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành, công chức, nhân viên phục vụ tiếp xúc cử tri được chi bồi dưỡng, mức chi cụ thể như sau:
a) Công chức phục vụ tiếp xúc cử tri: 100.000 đồng/người/buổi;
b) Phục vụ, lái xe: 50.000 đồng/người/buổi.
2. Chi xây dựng báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri: Đối với báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, ngành, giới,...với mức chi tối đa 300.000 đồng/báo cáo; đối với báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ của cả Đoàn với mức chi tối đa 500.000 đồng/báo cáo.
Điều 8. Chi tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
1. Chi tiếp công dân
Trường hợp công chức, nhân viên trực tiếp phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân tại địa phương, mức chi 140.000 đồng/ngày/người.
2. Chi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ chi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Riêng đối với xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ khiếu nại, tố cáo trình hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện mức chi tối đa là 400.000 đồng/vụ, việc.
Điều 9. Chi xây dựng báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội
Báo cáo định kỳ (6 tháng, năm, nhiệm kỳ) của Đoàn ĐBQH trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện mức chi tối đa là 500.000 đồng/báo cáo.
Điều 10. Các cuộc họp toàn thể của Đoàn đại biểu Quốc hội
Đại biểu được mời dự và công chức, nhân viên trực tiếp phục vụ các cuộc họp toàn thể của Đoàn ĐBQH (không bao gồm họp về góp ý vào dự án luật) đối với thành viên tham dự thực hiện mức chi 100.000 đồng/người/buổi.
Điều 11. Chế độ công tác phí
Thực hiện theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 29/3/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 13. Điều khoản thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa IX, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 22 tháng 7 năm 2019/.