• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/05/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 14/2006/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tây Ninh, ngày 10 tháng 4 năm 2006

CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc triển khai thực hiện Nghị định số 161/2005/NĐ-CP

ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ "Quy định chi tiết và

hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy

phạm pháp luật và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật"

Ngày 27 tháng 12 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2005/NĐ-CP "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật" (sau đây gọi tắt là Nghị định 161/CP). Đây là Nghị định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 161/CP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ, ngành), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), khẩn trương triển khai những công việc sau đây:

1. Tổ chức quán triệt nội dung Nghị định 161/CP đến toàn thể cán bộ, công chức trong Bộ, ngành, lĩnh vực mình phụ trách;

2. Thực hiện nghiêm túc các quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19 và Điều 20 của Nghị định 161/CP về lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định. Đồng thời, đổi mới công tác lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng: lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 03 tháng, 06 tháng và 01 năm của Bộ, ngành mình; chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để đưa vào chương trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh mục những văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành. Dự thảo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành và của Chính phủ phải được thẩm tra trên cơ sở tổng kết quá trình vận động khách quan của các quan hệ xã hội mà các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ điều chỉnh; dự báo tác động kinh tế - xã hội; nguồn lực tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác bảo đảm thi hành khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực; kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những dự án, dự thảo chưa cần thiết hoặc không bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo; mặt khác, cần bổ sung kịp thời vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật những dự thảo, dự án nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc của công tác quản lý ngành, lĩnh vực;

3. Tăng cường công tác thẩm định của Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành; thẩm tra của Văn phòng Chính phủ đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả thẩm định của Bộ Tư pháp và của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành; thẩm tra của Văn phòng Chính phủ phải bảo đảm khách quan, độc lập, khoa học, có sức thuyết phục cao và là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành có trách nhiệm thẩm định và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với dự án, dự thảo thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trưởng ban soạn thảo phải dành thời gian thích đáng cho việc chỉ đạo, nghiên cứu cho ý kiến trực tiếp đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, địa phương mình;

5. Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với các dự án, dự thảo và ý kiến của các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với những dự án, dự thảo liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của dân và doanh nghiệp;

6. Có kế hoạch thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng soạn thảo, hoạch định chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở ngành, lĩnh vực mình phụ trách;

7. Đối với các Ban soạn thảo: các Ban soạn thảo phải đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng các dự án, dự thảo. Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo chất lượng nội dung, tiến độ xây dựng, soạn thảo của các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thành viên Chính phủ là Trưởng ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc không bảo đảm chất lượng và tiến độ soạn thảo, trình Chính phủ các dự án, dự thảo.

Thực hiện triệt để các quy định của Nghị định 161/CP về Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời là Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành. Đối với các dự án, dự thảo có nhiều vấn đề cần quy định chi tiết thì Trưởng ban soạn thảo dự án phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân công các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành. Đối với những dự án luật, pháp lệnh có điều, khoản cần Chính phủ quy định chi tiết thì Ban soạn thảo phải trình dự thảo văn bản quy định chi tiết cùng với dự thảo luật, pháp lệnh để Chính phủ xem xét;

8. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định 161/CP về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; thời hạn thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ; hồ sơ, thủ tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự thảo Nghị định quy định những vấn đề hết sức cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh;

9. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng Thông tư liên tịch để quy định chi tiết về bảo đảm kinh phí trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định; kinh phí xây dựng, thẩm định, thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và kinh phí rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 161/CP. Thông tư này phải ban hành trước ngày 30 tháng 6 năm 2006 và thay thế Thông tư số 15/2001/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2001 của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật";

10. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng Quy chế thẩm định, Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 30 tháng 5 năm 2006;

11. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng Quy chế thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 31 tháng 7 năm 2006; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp chấn chỉnh Ban soạn thảo hoặc đưa ra khỏi chương trình công tác của Chính phủ những dự án, dự thảo có chất lượng thấp, không khả thi hoặc không bảo đảm tiến độ soạn thảo; có trách nhiệm thực hiện và đôn đốc việc thực hiện các quy định tại Điều 8, 10 và Điều 11 của Nghị định 161/CP về đăng Công báo, gửi, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật.

12. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.