• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/06/2024
HĐND TỈNH TÂY NINH
Số: 73/2024/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tây Ninh, ngày 28 tháng 5 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

Quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh,      giai đoạn 2024 - 2025

______________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 12

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 5 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Căn cứ Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Xét Tờ trình số 1447/TTr-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2024 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2024 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình OCOP).

2. Đối tượng áp dụng

a) Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể bao gồm: các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương;

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

Trường hợp cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau (kể cả các chương trình, dự án khác), đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 3. Chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh

1. Đối tượng hỗ trợ

Đối tượng tại điểm a khoản 2 Điều 1 có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh.

2. Nội dung hỗ trợ

Hỗ trợ một lần kinh phí biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị dùng để bảo quản, trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh, với diện tích tối thiểu 20m2 và có ít nhất 50% số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh.

3. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50.000.000 đồng/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Điều 4. Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh

1. Đối tượng hỗ trợ

Đối tượng tại điểm a khoản 2 Điều 1 có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 03 sao và còn thời hạn.

2. Nội dung hỗ trợ

Hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP sau khi có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc đăng ký nhãn hiệu.

3. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ 35.000.000 đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại.

Điều 5. Chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem

1. Đối tượng hỗ trợ

Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao và còn thời hạn.

2. Nội dung hỗ trợ

Hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn bao bì, tem các sản phẩm OCOP sau khi cung cấp đầy đủ hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn thực hiện công việc thiết kế, in ấn bao bì, in tem.

3. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ cho sản phẩm đạt OCOP 03 sao, 04 sao, 05 sao tương ứng với 10.000.000 đồng/sản phẩm; 20.000.000 đồng/sản phẩm; 30.000.000 đồng/sản phẩm. Mỗi sản phẩm chỉ được hỗ trợ một lần ở cùng mức độ sao được công nhận, trường hợp được công nhận nâng hạng sao thì được hưởng thêm phần chênh lệch giữa hai mức độ sao.

Điều 6. Chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên

1. Đối tượng hỗ trợ

Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện tham gia hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện.

2. Nội dung hỗ trợ

Hỗ trợ kinh phí cho các thành viên tham gia hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện.

3. Mức hỗ trợ

a) Đối với Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện

Chủ tịch Hội đồng: 1.500.000 đồng/lần đánh giá;

Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng: 1.000.000 đồng/lần đánh giá.

b) Đối với Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện

Tổ trưởng: 1.000.000 đồng/lần đánh giá;

Thành viên: 700.000 đồng/lần đánh giá.

Điều 7. Kinh phí hỗ trợ

Từ nguồn kinh phí thường xuyên Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ Đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tuyên truyền và giám sát thực hiện Nghị quyết.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Các nội dung chi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo Điều 87 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn trong Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của văn bản mới.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa X, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 28 tháng 5 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 6 năm 2024.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thành Tâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.