• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/12/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 106/2004/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tây Ninh, ngày 9 tháng 11 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự

an toàn giao thông do ngân sách Trung ương cấp

 

Căn cứ Nghị định số 36/2001/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị; Nghị định số 39/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Nghị định số 40/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia), Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí từ ngân sách Trung ương cấp để các Bộ, cơ quan trung ương tham gia trực tiếp vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1- Thông tư  này áp dụng đối với Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia) được Chính phủ giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2- Kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương bảo đảm. Nguồn kinh phí này phải được sử dụng đúng mục đích, nội dung phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia).

 

3- Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và theo quy định tại Thông tư này.      

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Nội dung chi:

1.1- Bộ Công an:

a- Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mức chi không quá 300.000 đồng/người/tháng. Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban đêm (bao gồm cả lực lượng cảnh sát giao thông chống đua xe trái phép ban đêm), mức chi không quá 30.000 đồng/người/đêm.   

b- Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

c- Chi tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chi hỗ trợ huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ về trật tự an toàn giao thông.

d- Chi hợp tác quốc tế, chi hỗ trợ các hoạt động kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

e- Chi in ấn tài liệu, biểu mẫu, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

f- Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện, xăng dầu phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Việc mua sắm thực hiện theo đúng các chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.

g- Chi hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp sở chỉ huy, đội, trạm kiểm soát giao thông; sửa chữa trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự  an toàn giao thông.

h- Chi hỗ trợ việc biên soạn, sửa đổi, bổ sung các văn bản  quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

i- Chi khác.

1.2- Bộ Giao thông vận tải (Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia):

1.2.1- Chi hoạt động của Văn phòng thường trực Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia.

1.2.2- Chi bảo đảm trật tự  an toàn giao thông quốc gia:

a- Chi họp định kỳ sơ kết, tổng kết về trật tự an toàn giao thông.

b- Chi khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích suất sắc trong công tác bảo đảm trật tự  an toàn giao thông quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia.

c- Chi cho công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bao gồm cả việc hỗ trợ in ấn tài liệu giảng dạy cho học sinh các cấp để đưa pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào các trường học.

d- Chi cho công tác xây dựng các chương trình, đề án về bảo đảm trật tự  an toàn giao thông và tổ chức thí điểm ứng dụng các giải pháp vào thực tiễn.

e- Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi về công tác bảo đảm trật tự  an toàn giao thông.

f- Chi hợp tác quốc tế về trật tự an toàn giao thông.

g- Chi cho việc khắc phục khẩn cấp hậu quả những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

h- Chi hỗ trợ công tác đào tạo nghiệp vụ về trật tự an toàn giao thông.

i- Chi hỗ trợ việc biên soạn, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

k- Chi hỗ trợ chi phí cho hoạt động kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

 

2- Lập, chấp hành và quyết toán nguồn kinh phí:

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí do ngân sách trung ương cấp cho Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia) để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị, trật tự an toàn giao thông đường thuỷ và đường sắt thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và Thông tư liên tịch số 54/2004/TTLT-BTC-BCA ngày10/6/2004 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công an hướng dẫn lập, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước và quản lý tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh. Ngoài ra cần lưu ý một số điểm như sau :

2.1- Lập dự toán:

2.1.1- Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm lập dự toán chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cùng với việc lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm gửi báo cáo cho Bộ Tài chính. Cụ thể:

a- Căn cứ nội dung chi quy định tại điểm 1.1, mục 1 Phần II, Bộ Công an lập dự toán chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ và gửi báo cáo cho Bộ Tài chính.

b- Căn cứ nội dung chi quy định tại điểm 1.2, mục 2 Phần II, Uỷ ban an toàn giao thông lập dự toán chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ và gửi báo cáo cho Bộ Tài chính.

      

2.1.2- Căn cứ dự toán do Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải lập, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho các Bộ  từ nguồn chi Sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương.

2.2- Cấp phát kinh phí:

Căn cứ dự toán được Chính phủ giao và chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành và định mức quy định tại Thông tư này, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phân bổ dự toán cho các đơn vị trực thuộc gửi Bộ Tài chính để thẩm tra theo chế độ quy định.

 

Việc cấp phát kinh phí được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 54/2004/TTLT-BTC-BCA ngày10/6/2004 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công an.

           

2.3- Việc quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông hàng năm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; Thông tư số 10/2004/TT-BTC ngày 19/2/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ngân sách các cấp; và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác khoá sổ kế toán và quyết toán hàng năm.

           

2.4- Đối với các khoản đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí này thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành đối với từng nguồn vốn tương ứng                 

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 12/2002/TT-BTC ngày 04 tháng 2 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương cấp.

Đối với các địa phương, việc sử dụng số thu từ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm  về trật tự an toàn giao thông thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tá

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.