NGHỊ QUYẾT
Về việc thông qua bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn Tỉnh Tây Ninh năm 2014
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP, ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Thông tư 145/2007/TT-BTC, ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP, ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC, ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2853/TTr-UBND, ngày 25 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc xây dựng bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ ngày 01/01/2014; Báo cáo của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 với những nội dung như sau:
Phần I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
I. PHÂN VÙNG, PHÂN LOẠI, PHÂN VỊ TRÍ ĐẤT
1. Phân vùng, phân loại xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã)
Tỉnh Tây Ninh có 08 huyện và 01 thị xã với tổng số 95 xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào điều kiện hạ tầng giao thông và khoảng cách từ trung tâm xã đến huyện lỵ, tỉnh lỵ, các xã được phân chia thành 03 loại (xã loại I, xã loại II và xã loại III) gồm: 17 xã loại I, 56 xã loại II và 22 xã loại III.
Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho tất cả các loại đất trừ đất phi nông nghiệp ở đô thị.
2. Phân khu vực trong xã: Mỗi loại xã được phân thành 3 khu vực.
Tiêu chí phân loại khu vực: Theo cấp hạng của các tuyến đường (quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, đường liên xã, đường bao quanh chợ, đường liên ấp, đường nội bộ) và khả năng sinh lợi.
Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho đất phi nông nghiệp ở nông thôn.
3. Phân loại đô thị
a) Đô thị loại III: Phường 1, 2, 3, phường IV và phường Hiệp Ninh của thị xã Tây Ninh;
b) Đô thị loại V gồm thị trấn của 08 huyện: Hòa Thành, Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng và Bến Cầu.
Trong đó: Một số tuyến đường trong các thị trấn nếu có khả năng sinh lợi cao được xếp tương đương với các tuyến đường của đô thị loại III và loại IV.
4. Phân loại đường phố và đường giao thông ngoài đô thị
a) Đường phố của thị xã và thị trấn của các huyện trong tỉnh được phân thành 04 loại từ đường phố loại 1 đến đường phố loại 4.
b) Đường giao thông ngoài đô thị:
- Quốc lộ: Đường do Trung ương quản lý.
- Tỉnh lộ: Đường do tỉnh quản lý.
- Đường huyện, đường liên huyện (không thuộc tỉnh lộ): Đường do huyện quản lý.
- Đường xã (đường giao thông nối từ trung tâm xã đến khu dân cư của ấp hoặc đường nối các cụm dân cư giữa các ấp trong xã): đường do xã quản lý.
- Đường liên xã (không thuộc đường huyện, đường liên huyện): Đường giao thông nối các xã liền kề do xã quản lý.
- Đường nội bộ trong ấp: Đường nội bộ trong xóm thuộc ấp.
5. Phân vị trí đất
a) Đất nông nghiệp: Trong từng loại xã được phân thành 3 vị trí từ vị trí 1 đến vị trí 3 theo tiêu chí độ rộng nền đường (bắt đầu từ đường lớn hơn 9 mét và từ 3,5 mét đến dưới 09 mét) và khoảng cách từ mép đường hiện trạng theo chiều sâu vào mỗi bên.
Một số quy định cụ thể về phân vị trí đất:
- Vị trí 1: Đất nông nghiệp từ mép đường hiện trạng của quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường liên huyện, đường xã, đường liên xã có độ rộng nền đường từ 09 mét trở lên, vào sâu mỗi bên 100 mét.
- Vị trí 2: có 02 tiêu chí phân loại.
+ Đất nông nghiệp từ mép đường hiện trạng của quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường liên huyện, đường xã, đường liên xã có độ rộng nền đường từ 3,5 mét đến dưới 09 mét, vào sâu mỗi bên 100 mét.
+ Đất nông nghiệp tiếp giáp vị trí 1 vào sâu mỗi bên 200 mét.
- Vị trí 3: Đất nông nghiệp không thuộc vị trí 1 và 2.
b) Đất phi nông nghiệp ở nông thôn
- Một số quy định để xác định trung tâm xã, cụm dân cư
+ Trung tâm xã trong quy định này lấy điểm tiếp giáp giữa lối vào chợ của xã với đường giao thông chính để làm cơ sở xác định khoảng cách từ trung tâm xã đến vị trí đất (hoặc vị trí cửa chợ nếu cửa chợ tiếp giáp đường giao thông chính). Trường hợp xã chưa có chợ thì lấy điểm tiếp giáp giữa lối vào Ủy ban nhân dân xã với đường giao thông chính để làm cơ sở xác định (hoặc vị trí cổng UBND xã nếu cổng UBND xã tiếp giáp đường giao thông chính).
+ Khu dân cư tập trung trong quy định này là khu dân cư có từ 30 hộ gia đình trở lên có đất ở hoặc nhà ở hoặc đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở liền kề dọc theo các tuyến đường giao thông, theo từng cụm riêng lẻ được xác định đến ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng tiếp giáp đất nông nghiệp.
- Phân vị trí tại khu vực I: Có 3 vị trí
+ Vị trí 1: Đất có mặt tiền tiếp giáp với quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện hoặc đường liên huyện (đường nhựa), đường bao quanh chợ hoặc khu thương mại và dịch vụ (các loại đường trên gọi tắt là đường giao thông chính) khi có một trong 4 tiêu chí sau:
Đất nằm trong phạm vi bán kính tính từ trung tâm xã theo mỗi phía của đường giao thông chính 0,5 km;
Đất nằm trong phạm vi cách ranh giới đất khu thương mại và dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất theo đường giao thông về mỗi phía 0,5 km;
Đất nằm trong phạm vi khu thương mại và dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ;
Đất nằm trong phạm vi cách trung tâm đầu mối giao thông chính, chợ đầu mối theo các tuyến đường giao thông chính về mỗi phía 0,5 km.
+ Vị trí 2:
Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường huyện hoặc đường liên huyện (trừ đường nhựa), đường xã hoặc đường liên xã (đường nhựa) nằm trong phạm vi bán kính tính từ trung tâm xã theo mỗi phía của đường 0,5 km;
Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông chính nằm trong phạm vi từ giáp vị trí 1 đến 01 km theo đường giao thông chính.
+ Vị trí 3: Đất các vị trí còn lại của khu vực I.
- Phân vị trí tại khu vực II: Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường xã hoặc đường liên xã (trừ các tuyến đường quy định tại khu vực I) được phân chia thành 3 vị trí như sau:
+ Vị trí 1: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư tập trung, mà khu dân cư đó gắn liền với một trong những cơ quan hoặc tổ chức sau: Ủy ban nhân dân xã, chợ, trường cấp 2 trở lên, trạm y tế xã, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;
+ Vị trí 2: Đất trong phạm vi khu dân cư tập trung, nhưng không thuộc khu dân cư tập trung quy định tại vị trí 1 khu vực II;
+ Vị trí 3: Đất các vị trí còn lại của khu vực II.
- Phân vị trí tại khu vực III: Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường nội bộ trong ấp (không thuộc các tuyến đường quy định tại khu vực I, khu vực II) và các khu vực còn lại (không thuộc khu vực I, khu vực II) được phân chia thành 3 vị trí như sau:
+ Vị trí 1: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư tập trung, mà khu dân cư đó gắn liền với một trong những cơ quan hoặc tổ chức sau: Ủy ban nhân dân xã, chợ, trường học, trạm y tế xã;
+ Vị trí 2: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư tập trung không thuộc khu dân cư quy định tại vị trí 1;
+ Vị trí 3: Đất các vị trí còn lại.
c) Một số quy định cụ thể khi xác định vị trí đất phi nông nghiệp ở nông thôn
- Đất phi nông nghiệp mặt tiền là thửa đất có ít nhất một ranh (cạnh) của thửa đất giáp với đường giao thông chính. Trường hợp thửa đất mặt tiền (không phải là đất ở) tách ra thành nhiều thửa, mà các thửa đất sau khi được tách ra thuộc quyền sử dụng của một chủ thì tất cả các thửa tách ra nằm trong phạm vi 100 mét tính từ mép đường hiện trạng đều thuộc đất mặt tiền;
- Mép đường hiện trạng là mép đường tính từ ta-luy đắp mỗi bên theo hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ hoàn công được xét duyệt, hoặc mép đường đã giải tỏa, hoặc mép đường hoàn chỉnh có lề đường cố định, hoặc mép đường đã có văn bản của cấp thẩm quyền công bố thu hồi đất;
- Đường liên huyện là tuyến đường liên thông từ hai huyện trở lên. Đường liên xã là tuyến đường liên thông từ hai xã trở lên. Đường nội bộ là đường hẻm hoặc đường nhánh của các tuyến đường chính, nhưng không thuộc đường xã, đường liên xã.
d) Đất phi nông nghiệp ở đô thị
Được phân chia vị trí theo tiêu chí sau:
- Đất mặt tiền đường phố (vị trí 1): Trong phạm vi 50 mét đầu tính từ mép đường hiện trạng của cùng 01 thửa đất, trường hợp chiều sâu thửa đất (chiều dài) nhỏ hơn 50 mét thì đất mặt tiền được xác định đến hết thửa đất đó. Các vị trí tiếp theo không quy định cụ thể vị trí 2, 3 mà tùy thuộc vào loại hẻm, độ rộng của hẻm và độ sâu của hẻm mà thửa đất đó tiếp giáp;
- Đất sau 50 mét mặt tiền đường phố (sau vị trí 1): Là đất nằm trong cùng thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường phố;
- Đất trong hẻm: Vị trí đất và giá đất tùy thuộc vào loại hẻm (hẻm chính, hẻm phụ).
6. Quy định về khu vực đất giáp ranh
Đất tại khu vực đất giáp ranh được xác định từ đường phân địa giới hành chính giữa các huyện, thị xã vào sâu địa phận mỗi huyện, thị xã:
a) Đối với đất nông nghiệp 300 mét;
b) Đối với đất phi nông nghiệp ở nông thôn 200 mét;
c) Đối với đất phi nông nghiệp ở đô thị 100 mét.
II. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT
1. Thửa đất có nhiều cách xác định giá đất khác nhau thí áp dụng mức giá cao nhất.
2. Trường hợp đất phi nông nghiệp mà thửa đất có 2 mặt tiền trở lên thì tính thêm hệ số K.
III. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ ĐẤT NÔNG NGHIỆP
1. Đất nông nghiệp: Đất nông nghiệp bao gồm
a) Đất sản xuất nông nghiệp: Đất trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm;
b) Đất lâm nghiệp: Đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
c) Đất nuôi trồng thủy sản;
d) Đất nông nghiệp khác.
2. Giá đất nông nghiệp
a) Đất nông nghiệp trong từng loại xã trên địa bàn tỉnh được phân theo 03 vị trí đất tương ứng với 03 mức giá đất;
b) Giá đất trong các trường hợp sau được quy định bằng mức giá đất trồng cây lâu năm ở vị trí 1 cùng loại xã trong tỉnh:
- Đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được xác định là đất ở thuộc khu vực nông thôn (ở các xã);
- Đất nông nghiệp trong phạm vi khu dân cư nông thôn đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Trường hợp đất nông nghiệp nằm trong phạm vi khu dân cư nông thôn chưa có quy hoạch được xét duyệt thì xác định theo ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư.
c) Giá đất trong các trường hợp sau được quy định bằng 02 lần mức giá đất trồng cây lâu năm ở vị trí 1 cùng loại xã trong tỉnh:
- Đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được xác định là đất ở thuộc khu vực đô thị (ở các phường, thị trấn);
- Đất nông nghiệp trong phạm vi địa giới hành chính phường, trong phạm vi khu dân cư thị trấn đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Trường hợp đất nông nghiệp nằm trong phạm vi khu dân cư thị trấn chưa có quy hoạch được xét duyệt thì xác định theo ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư.
d) Giá đất nông nghiệp quy định tại điểm b, c khoản 2 mục III áp dụng đối với thửa đất có chiều dài (chiều sâu) nhỏ hơn hoặc bằng 100 m. Trường hợp thửa đất có chiều dài (chiều sâu) lớn hơn 100 m thì giá đất sau 100m bằng 50% giá đất trong phạm vi 100 m đầu.
đ) Giá đất nông nghiệp khác được tính giá như đất nông nghiệp liền kề cùng vị trí.
IV. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP
1. Giá đất phi nông nghiệp tại đô thị: Được xác định dựa vào vị trí đất.
a). Đất mặt tiền đường phố (vị trí 1): Giá đất được tính bằng giá đất của bảng giá đất phi nông nghiệp ở đô thị;
b) Đất trong hẻm: Giá đất trong hẻm được xác định theo tỷ lệ % so với giá đất mặt tiền của đường phố đó;
c) Đất sau 50m mặt tiền đường phố (sau vị trí 1): Giá đất được tính bằng 40% giá đất mặt đường phố;
d) Trường hợp giá đất ở tại đô thị nhỏ hơn giá đất ở tối thiểu tại đô thị thì tính bằng giá đất quy định tại khoản 2 mục IV.
2. Giá đất ở tối thiểu tại đô thị
a) Giá đất ở tối thiểu tại đô thị loại 3 bằng 120.000 đồng/m2 (một trăm hai mươi ngàn đồng một mét vuông)
b) Giá đất ở tối thiểu tại đô thị loại 5 bằng 100.000 đồng/m2 (một trăm ngàn đồng một mét vuông).
3. Giá đất phi nông nghiệp tại nông thôn
a) Giá đất được xác định theo loại xã, khu vực trong xã và vị trí trong từng khu vực;
b) Đất phi nông nghiệp tại nông thôn từ mét thứ nhất đến mét thứ 100 của thửa đất: giá đất được xác định theo mức giá tương ứng với vị trí đất. Từ sau mét thứ 100 tiếp theo trong cùng một thửa đất: Giá đất được xác định bằng 50 % giá đất trong phạm vi 100 mét.
4. Giá đất phi nông nghiệp tại nông thôn (trên địa bàn các xã) nhưng nằm ở trục đường giao thông chính (có tên đường và giá đất trong bảng giá đất huyện, thị xã)
a) Đối với đất ở
- Thửa đất tiếp giáp đường giao thông chính tính từ mép đường hiện trạng đến mét thứ 50 hoặc hết chiều sâu thửa đất nếu thửa đất có chiều sâu nhỏ hơn 50 mét xác định là vị trí 1, áp dụng bảng giá đất phi nông nghiệp mặt tiền đường giao thông chính của tuyến đường đó.
- Từ sau mét thứ 50 trong cùng thửa đất tiếp giáp đường giao thông chính, giá đất bằng 50% giá đất trong phạm vi 50m đầu tiếp giáp đường giao thông chính.
- Từ sau thửa đất tiếp giáp đường giao thông chính (không phân biệt độ sâu của thửa đất tiếp giáp đường giao thông chính) thì căn cứ vào loại xã, loại khu vực, loại vị trí để xác định giá đất.
b) Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp
- Thửa đất tiếp giáp đường giao thông chính tính từ mép đường hiện trạng đến mét 50 hoặc hết chiều sâu thửa đất nếu thửa đất có chiều sâu nhỏ hơn 50 mét xác định là vị trí 1, áp dụng bảng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mặt tiền đường giao thông chính của tuyến đường đó (70% giá đất ở).
- Thửa đất có chiều dài hơn 50 m thì từ sau 50m đầu đến mét 100 của thửa đất được tính bằng 75% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của đường giao thông chính; sau 100m được tính bằng 50% giá đất trung bình cộng của 100m đầu.
V. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ ĐẤT KHU VỰC GIÁP RANH
1. Đất giáp ranh thuộc loại đất nào thì áp dụng theo giá của loại đất đó, nếu có các điều kiện về tự nhiên, hạ tầng và mục đích sử dụng giống nhau thì tính mức giá như nhau.
2. Đất tại khu vực giáp ranh mà các điều kiện về tự nhiên, hạ tầng không giống nhau thì giá đất của 2 huyện, thị xã giáp ranh có cùng mục đích sử dụng được tính như sau:
a) Đối với huyện, thị xã giáp ranh có giá đất cao hơn thì áp dụng mức giá của huyện, thị xã có giá đất cao hơn;
b) Đối với huyện, thị xã giáp ranh có giá đất thấp hơn thì trong phạm vi giáp ranh theo quy định được áp dụng giá bình quân của giá đất thuộc 2 huyện, thị xã giáp ranh.
VI. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
1. Đất trong hẻm có độ rộng của hẻm không đều nhau
a) Đối với các hẻm có độ rộng của từng đoạn không đồng đều nhau mà độ rộng của vị trí đầu hẻm tiếp giáp đường giao thông chính (đối với hẻm chính) hoặc đầu hẻm tiếp giáp hẻm chính (đối với hẻm phụ) nhỏ hơn bên trong hẻm thì lấy độ rộng đầu hẻm làm tiêu chí tính tiền sử dụng đất của hẻm đó;
b) Trường hợp độ rộng của vị trí đầu hẻm tiếp giáp đường giao thông chính (đối với hẻm chính) hoặc đầu hẻm tiếp giáp hẻm chính (đối với hẻm phụ) lớn hơn bên trong hẻm thì lấy theo độ rộng bình quân của đoạn hẻm tương ứng với chiều ngang thửa đất làm tiêu chí tính tiền sử dụng đất của thửa đất đó;
c) Trường hợp hẻm có nhiều đoạn có độ rộng khác nhau mà vị trí đầu hẻm tiếp giáp đường giao thông chính (đối với hẻm chính) hoặc tiếp giáp hẻm chính (đối với hẻm phụ) lớn hơn bên trong thì tiêu chí tính tiền sử dụng đất các đoạn bên trong là độ rộng đoạn hẻm nhỏ nhất tính từ đầu hẻm vào đến thửa đất. (nguyên tắc nếu đoạn phía ngoài của hẻm có vị trí nhỏ nhất thì bên trong phải theo vị trí nhỏ nhất trở xuống).
2. Đất của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hình thành do nhận chuyển nhượng của nhiều chủ sử dụng mà các thửa đất bị chia cắt bởi thửa đất khác thì giá đất để tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất được tính như sau:
a) Nếu thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường giao thông chính (hoặc đường hẻm) thì giá đất của thửa đất được tính theo giá đất của đường giao thông đó. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của nhiều thửa đất tiếp giáp với nhiều mặt tiền đường khác nhau nhưng giữa các thửa đất bị chia cắt bởi các thửa đất khác đã được chuyển mục đích sử dụng thì áp dụng giá đất cho từng thửa đất theo từng vị trí đất khác nhau, không gộp chung diện tích đất của nhiều thửa đất (trong đó có cả những thửa đất đã chuyển mục đích sử dụng) để tính giá đất;
b) Nếu thửa đất không tiếp giáp mặt tiền giao thông chính (hoặc đường hẻm) thì giá đất theo vị trí, khu vực, loại xã của thửa đất đó. Cách tính giá đất của những thửa đất bị chia cắt áp dụng như điểm a.
Phần II
GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT
1. Giá đất trồng lúa nước (kèm theo Phụ lục I).
Giá cao nhất 45.000 đồng/m2, giá thấp nhất 18.000 đồng/m2.
2. Giá đất trồng cây hàng năm (kèm theo Phụ lục I).
Giá cao nhất 49.000 đồng/m2, giá thấp nhất 22.000 đồng/m2.
3. Giá đất trồng cây lâu năm (kèm theo Phụ lục I).
Giá cao nhất 65.000 đồng/m2, giá thấp nhất 28.000 đồng/m2.
4. Giá đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (kèm theo Phụ lục I)
Giá cao nhất 22.000 đồng/m2, giá thấp nhất 9.000 đồng/m2.
5. Giá đất nuôi trồng thủy sản (kèm theo Phụ lục I).
Giá cao nhất 34.000 đồng/m2, giá thấp nhất 13.000 đồng/m2.
6. Giá đất ở nông thôn (kèm theo Phụ lục II).
Giá cao nhất 1.120.000 đồng/m2, giá thấp nhất 50.000 đồng/m2.
7. Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn
Tính bằng 0,7 lần (70%) giá đất ở tại nông thôn.
Giá cao nhất 784.000 đồng/m2, giá thấp nhất 35.000 đồng/m2.
8. Giá đất ở tại đô thị và các trục đường giao thông chính ngoài khu vực đô thị (kèm theo Phụ lục III).
Giá cao nhất: 11.000.000 đồng/m2, giá thấp nhất: 120.000 đồng/m2.
9.Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị
Tính bằng 0,8 lần (80%) giá đất ở tại đô thị.
Giá cao nhất 8.800.000 đồng/m2, giá thấp nhất 96.000 đồng/m2.
10. Giá đất khu Thương mại – Công nghiệp cửa khẩu Mộc Bài đã thu hồi đất giao cho Dự án (kèm theo Phụ lục IV).
Có hai loại đất gồm: Đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Giá cao nhất: 1.040.000 đồng/m2, giá thấp nhất: 190.000 đồng/m2
11. Giá đất khu Công nghiệp Trảng Bàng: (kèm theo Phụ lục IV).
Giá đất: 1.040.000 đồng/m2.
12. Giá đất khu Thương mại Cửa khẩu Xa Mát đã thu hồi đất giao cho Dự án (kèm theo Phụ lục IV).
Có hai loại đất gồm: Đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Giá cao nhất: 240.000 đồng/m2, giá thấp nhất: 190.000 đồng/m2.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết này đúng quy định.
Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua./.