• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/07/1995
CHÍNH PHỦ
Số: 368/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tây Ninh, ngày 22 tháng 6 năm 1995

CHỈ THỊ

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước

Chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước và các đoàn thể, hội quần chúng có sử dụng kinh phí do ngân sách cấp tổ chức thực hiện ngay một số việc dưới đây:

1. Trong việc xây dựng trụ sở cơ quan:

- Tạm hoãn xây dựng mới trụ sở cơ quan như đã quy định tại Quyết định số 829-TTg ngày 30-12-1994 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp buộc phải xây mới, thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm xây dựng cơ bản của Nhà nước và chỉ được sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong kế hoạch năm.

- Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn trụ sở làm việc, phòng làm việc của các loại cơ quan, cán bộ các cấp và việc sử dụng hội trường, phòng họp, nhà khách... trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương quy hoạch các khu, phòng làm việc; lập kế hoạch tu sửa các công trình hiện có và chuẩn bị cải tạo, xây dựng mới khi có điều kiện. Trước mắt, cần sắp xếp bố trí lại các cơ sở hiện có, đảm bảo nơi làm việc hợp lý, tiết kiệm, trang nghiêm và thiết thực. Các cơ quan, tổ chức đã được sắp xếp lại chỉ được sử dụng số diện tích trụ sở phù hợp với số biên chế mới; số diện tích dôi ra phải giao trả Chính phủ quản lý; Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt Chính phủ nhận, quản lý và trình Chính phủ việc phân phối sử dụng số diện tích đó.

Trong năm 1995 và nửa đầu năm 1996, Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Xây dựng có kế hoạch thu hồi và phương án sử dụng phần diện tích trụ sở, nhà khách dôi ra do việc tổ chức sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tiến hành những công việc tương tự.

2. Trong việc mua sắm, sử dụng ô-tô con:

- Trong 2 năm 1995-1996, tạm đình chỉ việc mua sắm ô-tô con cho các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước và những đoàn thể, hội quần chúng có sử dụng nguồn vốn trợ cấp của ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cắt ngay khoản kinh phí đã bố trí mua sắm ô-tô con trong kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 1995. Tất cả các cơ quan, đơn vị phải tiến hành kiểm kê số ô-tô hiện có, phân loại và tự cân đối, điều hoà trong nội bộ ngành, địa phương. Việc điều hoà số ô-tô con, nếu là giữa các doanh nghiệp thì thực hiện bằng hình thức mua, bán; nếu là giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp thì điều động tăng giảm vốn, ngân sách không cấp thêm.

Trong trường hợp đặc biệt, việc mua sắm ô-tô con phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Thủ trưởng cơ quan chủ quản trình Thủ tướng chính phủ phải chịu trách nhiệm về những hệ quả của việc mua sắm này. Các doanh nghiệp Nhà nước nếu được phép mua, phải trang trải bằng vốn tự có (không phải ngân sách cấp).

- Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức tổng kiểm kê toàn bộ số xe ô-tô con thuộc tài sản Nhà nước hiện có ở các cơ quan, đoàn thể sử dụng ngân sách Nhà nước (riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tiến hành tổng kiểm kê số xe hiện có ở mỗi Bộ, xây dựng phương án điều hoà, báo cáo Bộ Tài chính). Bộ Tài chính tổng hợp lại và xây dựng chế độ quản lý, phương án điều hoà giữa các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ chậm nhất vào cuối quý III năm 1995.

- Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chế độ sử dụng ô-tô con, có tiêu chuẩn rõ ràng cho từng cấp; đồng thời có chính sách khuyến khích cán bộ sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi công tác trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để thực hiện thống nhất trong cả nước.

3. Trong việc mua sắm đồ dùng, trang bị phương tiện làm việc của cơ quan:

- Việc mua sắm đồ dùng, phương tiện làm việc của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, hội quần chúng, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo thiết thực, không được vượt quá kế hoạch được duyệt đầu năm.

- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cùng Bộ Tài chính chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về trang, thiết bị, phương tiện làm việc theo đặc điểm, tính chất công việc của từng loại cơ quan thuộc các cấp khác nhau, nhằm từng bước đảm bảo điều kiện làm việc chính quy và hiện đại nhưng tiết kiệm.

4. Trong việc sử dụng điện, điện thoại, Fax:

- Kho bạc Nhà nước chỉ thanh toán tiền điện trong định mức được duyệt hàng năm cho các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đoàn thể, hội quần chúng có nhận trợ cấp của ngân sách Nhà nước; không thanh toán tiền điện cho cán bộ, công nhân viên sử dụng tại gia đình, tập thể cơ quan.

Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Năng lượng xây dựng và ban hành định mức sử dụng điện cho từng loại cơ quan, đơn vị, từng loại công chức, viên chức trong cả nước áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 1996.

- Việc sử dụng điện thoại, điện báo, Fax cho việc công phải đảm bảo tiết kiệm. Không dùng công quỹ để chi trả cước phí điện thoại, điện báo, Fax cho việc riêng.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Tổng cục Bưu điện ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn được mắc điện thoại công vụ đặt tại nhà riêng cho các đối tượng thực sự có nhu cầu giải quyết công việc ngoài giờ hành chính. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đoàn thể soát lại số máy điện thoại hiện có để sắp xếp bố trí lại đúng quy định. Gọi điện thoại ra nước ngoài vì việc công chỉ được thực hiện sau khi Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.

5. Trong việc sử dụng nhà công vụ:

Để từng bước thực hiện chế độ nhà công vụ, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xây dựng Quy chế Nhà công vụ phân biệt rành mạch giữa nhà công vụ và nhà riêng, xác định chức danh, tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ và chế độ cho từng cấp sử dụng nhà công vụ; rà soát quỹ nhà hiện có (biệt thự cũ), trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi chưa có nhà công vụ, nhà đang sử dụng của các chức danh có tiêu chuẩn nhà công vụ tạm xem là nhà "kiêm công vụ"; người được sử dụng nhà "kiêm công vụ" chỉ phải trả tiền nhà đã được tính trong cơ cấu tiền lương.

6. Trong việc chi tiêu hội nghị, tiếp khách:

a) Chi tiêu hội nghị:

Tất cả các ngành, các cấp phải cân nhắc chặt chẽ, hết sức hạn chế việc tổ chức các cuộc hội nghị, liên hoan kỷ niệm ngày thành lập và hội thảo cả về nội dung, số người tham dự và thời gian tiến hành. Các cuộc hội nghị tổng kết, liên hoan, kỷ niệm và hội thảo của các Bộ, ngành do ngân sách đài thọ toàn bộ hay một phần chi phí, nếu triệu tập toàn quốc thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ; nếu triệu tập toàn tỉnh, thành phố thì phải được phép của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc chi tiêu cho hội nghị, hội thảo phải theo đúng các chế độ, tiêu chuẩn do Bộ Tài chính quy định và đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị, không được bổ xung thêm ngoài kế hoạch, ngoài tiêu chuẩn bằng bất kỳ nguồn kinh phí nào. Nghiêm cấm các khoản chi quà tặng, tiền bồi dưỡng, hoặc tiền ăn trưa cho những người đang hưởng lương Nhà nước có tham dự hội nghị (trừ báo cáo viên các hội thảo khoa học có quy định riêng), các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trang trí ngoài quy định... Đại biểu đến dự họp phải tự trả tiền ăn, ở bằng công tác phí và một phần tiền lương của mình. Tất cả các cuộc họp, hội nghị không dùng thuốc lá và rượu, bia để giải khát.

b) Chi tiếp khách:

- Tất cả các cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng chế độ chi tiêu tiếp khách đã được quy định. Chỉ tặng quà cho khách đến thăm và làm việc trong trường hợp thực sự cần thiết theo thông lệ quốc tế về lễ tân đối với khách nước ngoài.

- Đơn giản hoá thủ tục đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cán bộ cấp trên về làm việc ở các địa phương và cơ sở. Tổ chức đón và làm việc cần thiết thực. Bỏ những hình thức huy động đông người tiếp đón, tốn kém tiền của và thời gian. Cơ cấu đoàn đi cần gọn nhẹ, gồm những người có liên quan trực tiếp đến nội dung làm việc.

- Khi làm việc với khách nước ngoài, không dùng rượu, bia, thuốc lá (trừ một số trường hợp thuộc thông lệ quốc tế). Bộ Tài chính quy định mức tiền ăn, tiền thuê phòng ngủ và đi lại đối với khách nước ngoài do ta đài thọ chi phí. Riêng dối với cán bộ của cơ quan chủ trì đón tiếp và làm việc với khách nước ngoài, nếu có dẫn đoàn đi địa phương, cơ sở mà phải ở lại thì cũng phải dùng tiền công tác phí để thanh toán một phần các khoản tiền ăn, ngủ như các trường hợp đi công tác khác.

c) Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi các định mức chi tiêu cho hội nghị, hội thảo, các cuộc họp, và chế độ tiếp khách (kể cả khách nước ngoài) của các cấp áp dụng thống nhất trong cả nước theo tinh thần trên với nguyên tắc tiết kiệm.

7. Trong việc đi công tác nước ngoài:

- Các cơ quan có chức năng cấp phép cho các đoàn đi nước ngoài phải tính toán chặt chẽ số lượng, đối tượng cụ thể, nội dung công việc để tránh trùng lặp, tốn kém.

- Các chi phí cho đoàn đi công tác nước ngoài thuộc kinh phí Nhà nước cấp phải được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm và phải được cơ quan tài chính cấp phát từng trường hợp cụ thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Bộ Tài chính rà soát, bổ sung hoặc sửa đổi quy định và định mức chi tiêu (kể cả quà tặng cho bạn) của các đoàn đi công tác nước ngoài do phía ta tự lo kinh phí.

8. Các khoản chi hành chính khác theo đúng tiêu chuẩn, định mức do Bộ Tài chính quy định.

9. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các doanh nghiệp Nhà nước:

Các Hội đồng Quản trị, các Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước phải tăng cường quản lý các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt chú ý những lĩnh vực dưới đây:

a) Giám sát chặt chẽ việc mua bán thiết bị, vật tư, hàng hoá. Phát hiện và xử lý kịp thời việc nâng giá mua, hạ giá bán, giả mạo chứng từ để ăn chia phần chênh lệch. Tổng Giám đốc, Giám đốc và ban kiểm soát phải trực tiếp chịu trách nhiệm khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước phát hiện những sai trái này.

Các chi phí về giao dịch, ký kết hợp đồng, hoa hồng môi giới, tiền thưởng phải được quản lý chặt chẽ, có đầy đủ chứng từ hợp pháp để chứng minh và phải báo cáo trung thực với các cơ quan quản lý và kiểm soát có thẩm quyền. Không được lấy công quỹ để trích nộp hoặc tặng biếu cho các cơ quan quản lý cấp trên ngoài quy định của Nhà nước.

b) Nghiêm cấm các cơ quan quản lý doanh nghiệp buộc các doanh nghiệp nộp lên cho cơ quan sai chế độ tài chính để chi tiêu ngoài kế hoạch, ngân sách đã bố trí.

Nghiêm cấm các tổ chức của Nhà nước, các đoàn thể các cấp yêu cầu các doanh nghiệp tuỳ tiện quyên góp mang tính chất ép buộc để lập các quỹ chi tiêu sai chế độ tài chính.

Giao cho Bộ Tài chính ban hành sớm các quy định về chi phí quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước.

10. Tổ chức thực hiện:

- Ngoài những vấn đề đã nêu trên, vấn đề rất quan trọng để tiết kiệm chi tiêu là việc chỉnh đốn tổ chức, thu gọn đầu mối, giảm nhẹ biên chế, đổi mới phong cách làm việc, giảm tối đa cách điều hành bằng các cuộc hội họp, bàn bạc kéo dài và phải đề ra được những chủ trương công tác thiết thực, có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản,... Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về các chủ trương, kế hoạch trong các mặt công tác không thiết thực, gây lãng phí thời gian và tiền của.

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể có hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.

- Các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội từ Trung ương tới địa phương phải tự mình xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các biện pháp cụ thể cho từng khâu, từng thời gian. Hàng tháng phải kiểm điểm, tổng hợp đánh giá tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để động viên khen thưởng kịp thời hoặc xử lý những trường hợp sử dụng tài sản, công quỹ lãng phí và phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên. Cơ quan quản lý cấp trên phải kiểm tra hướng dẫn các đơn vị cấp dưới trực thuộc thực hiện kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị. Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên phải liên đới chịu trách nhiệm về việc tham ô, lãng phí của cấp dưới.

- Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi tiến độ và kết quả thực hiện tiết kiệm của các ngành, các cấp, định kỳ 3 tháng 1 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các hình thức khen thưởng, kỷ luật thích đáng; đồng thời khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định về kiểm soát chi, phân biệt rõ trách nhiệm, quyền hạn của người chuẩn chi và kế toán Kho bạc Nhà nước, thực hiện từng bước cơ chế mọi khoản chi tiêu của ngân sách Nhà nước đều phải thanh toán qua Kho bạc. Trước mắt mọi khoản mua sắm đồ dùng, trang bị, phương tiện làm việc của cơ quan (kể cả ô-tô con) có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thực hiện theo phương thức đấu giá công khai có đại diện cơ quan tài chính cùng cấp chứng kiến. Kế toán Kho bạc Nhà nước chỉ xuất tiền thanh toán khi có đầy đủ hồ sơ và kế hoạch chi tiêu về mua sắm, hồ sơ đấu giá... và các chứng từ mua sắm hợp lệ, rõ ràng. Kế toán Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối thanh toán đối với những hồ sơ và chứng từ không hợp lệ. Nếu chi sai chế độ mà vẫn được thanh toán thì kế toán Kho bạc Nhà nước phải sử dụng tiền cá nhân để bồi thường.

- Định kỳ hàng quý các Phó Thủ tướng phụ trách các khối kiểm tra và chỉ đạo tiến độ, kết quả thực hiện tiết kiệm thuộc khối mình phụ trách. Đối với các khối trọng điểm, đơn vị trọng điểm, Chính phủ sẽ xem xét báo cáo và có ý kiến chỉ đạo trong từng thời gian.

- Các cơ quan báo chí, thông tấn, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương kịp thời đưa ra công luận những cá nhân, đơn vị vi phạm Chỉ thị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị này.

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.