QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình
________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn hànhquy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2465/TTr-SNV ngày 30 tháng 10 năm 2024; Văn bản số 2727/SNV-VP ngày 29 tháng 11 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốccác sở, ban, ngành và tương đươngthuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng các chi cục, ban, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành và tương đương; Chủ tịch các Hội đặc thù thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình
(Kèm theo Quyết định số /2024/QĐ-UBND ngày tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình (sau đây gọi tắt là Cơ sở dữ liệu của tỉnh).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành và tương đương, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành và tương đương; các Hội đặc thù thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị).
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Cơ sở dữ liệu của tỉnh là hệ thống thông tin được thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm để tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan nhà nước các cấp.
Cơ sở dữ liệu của tỉnh được hình thành từ nguồn dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị nêu tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này.
2. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu của tỉnh là Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý tài khoản người dùng, xác nhận, phê duyệt sửa đổi nội dung, thay đổi trạng thái, khai thác Cơ sở dữ liệu trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
3. Tài khoản cơ quan là thông tin bao gồm tên đăng nhập và mật khẩu để các cơ quan, đơn vị đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu của tỉnh được giao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị để khai thác dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị.
4. Tài khoản cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây viết tắt là tài khoản cá nhân) là tên người dùng, mã định danh và mật khẩu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu của tỉnh. Thống nhất sử dụng số định danh cá nhân theo quy định tại Luật Căn cước công dân làm mã định danh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
6. Quản lý tài khoảnngười dùnglà việc tạo lập tài khoản cơ quan, tài khoản cá nhân; cấp, hạn chế, mở rộng hoặc hủy quyền truy cập của tài khoản vào Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
7. Nhập liệulà việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện công tác nhập thông tin của cá nhân vàoCơ sở dữ liệu của tỉnh.
8.Phê duyệt dữ liệu là thực hiện xác thực thông tin, dữ liệu bằng ký số trên Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
9.Ký số là việc sử dụng thiết bị lưu giữ thông tin chữ ký của mỗi cá nhân đã được mã hóa phục vụ việc sử dụng dịch vụ chữ ký số kết hợp với chức năng của Cơ sở dữ liệu của tỉnhđể ký các văn bản điện tử theo thẩm quyền trong Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
10. Khai thác cơ sở dữ liệulà việc thực hiện các chức năng tra cứu, tìm kiếm, xem thông tin hoặc tổng hợp các chỉ tiêu thống kê, báo cáo, xuất, in các kết quả trên Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Điều 4. Nguyên tắcquản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu của tỉnh
1. Công tác xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu của tỉnh là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân được nêu tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này; được thực hiện thống nhất, đồng bộ, khoa học, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kể từ khi được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động cho đến khi không còn làm việc tại các cơ quan nhà nước; bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; tập trung tối đa nguồn lực, rút ngắn thời gian trong việc thu thập, chỉnh sửa, cập nhật thông tin cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị.
2. Cơ sở dữ liệu của tỉnhđược lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thácdữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu của tỉnh tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật có liên quan và phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các quy định về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bảo đảm tính cập nhật, chính xác theo quy định của pháp luật. Dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quản lý theo độ hạn chế tiếp cận, mã hóa một số trường thông tin để bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin trong công tác cán bộ. Việc xác định độ hạn chế tiếp cận của dữ liệu thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức.
4. Người được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đồng ý bằng văn bản mới được truy cập, nghiên cứu, sử dụng và khai thác dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu của tỉnh theo quy định của pháp luật, trừ thông tin của cá nhân người đó hoặc pháp luật có quy định khác.
5. Việc kết nối và chia sẻ Cơ sở dữ liệu của tỉnh với các hệ thống thông tin khác thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 5. Các hành vi không được làm
1. Các hành vi theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, cụ thể:
a) Cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
b) Mua bán, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trái quy định của pháp luật.
c) Vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo vệ thông tin cá nhân khi kết nối, chia sẻ dữ liệu.
d) Làm sai lệch dữ liệu trong quá trình lưu chuyển dữ liệu từ cơ quan cung cấp dữ liệu tới cơ quan khai thác dữ liệu.
đ) Phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, làm gián đoạn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.
2. Các hành vi không được làmkháctheo quy định của pháp luật có liên quan.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC DỮ LIỆU, THÔNG TIN CỦA CƠ SỞ DỮ LIỆU CỦA TỈNH
Điều 6. Tạo lập, cập nhật và phê duyệt dữ liệu
1. Chuẩn hóa thông tin đầu vào, quản lý thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu của tỉnh về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy chế cập nhật, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước kèm theo Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Bộ Nội vụ.
2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm tạo lập tài khoản cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng mới, tiếp nhận, ký hợp đồng lao động với người lao động vào làm việc tại cơ quan, đơn vị.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm truy cập vào tài khoản cá nhân đã được tạo lập, nhập thông tin của mình vào Cơ sở dữ liệu của tỉnh; thông tin phải đầy đủ, thống nhất định dạng kỹ thuật, phản ánh đầy đủ, chính xác theo sơ yếu lý lịch, mẫu hợp đồng lao động đã được cấp có thẩm quyền quản lý xác nhận. Việc cập nhật thông tin, dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do có thay đổi, hiệu chỉnh thì cá nhân có trách nhiệm kịp thời cập nhật thông tin, dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu của tỉnh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có thông tin thay đổi kèm theo bản số hóa của tài liệu đã được người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận.
4. Trước ngày 25 hàng tháng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị hoặc người được người đứng đầu các cơ quan, đơn vịủy quyền bằng văn bản có trách nhiệm phê duyệt bằng ký số đối với hồ sơ mới được tạo lập hoặc hồ sơ cập nhật dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; đảm bảo phù hợp với quy định tại Quy chế này và việc phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
5. Trong thời hạn 5 ngày làm việc cuối hàng tháng, Giám đốc Sở Nội vụ hoặc người được Giám đốc Sở Nội vụ ủy quyền bằng văn bản có trách nhiệm phê duyệt bằng ký số tại Cơ sở dữ liệu của tỉnh và đồng bộ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý.
Điều 7. Quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu của tỉnh
1. Địa chỉ truy cập hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu của tỉnh tại địa chỉ: https://qlcbccvc.thaibinh.gov.vn.
2. Các cơ quan, đơn vị được khai thác, sử dụng dữ liệu tổng hợp, phân tích chung, dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình trong Cơ sở dữ liệu của tỉnh; các dữ liệu này được chia sẻ mặc định từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Cơ sở dữ liệu của tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Giao Sở Nội vụ là cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu của tỉnh để quản lý tài khoản người dùng; sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu của tỉnh để tổng hợp, phân tích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm và các nội dung khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu của tỉnh và với các hệ thống thông tin khác (nếu có) phục vụ cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khai thác thông tin theo quy định tại Quy chế này.
4. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được khai thác dữ liệu của mình; được truy cập, nghiên cứu, sử dụng và khai thác dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của tỉnh khi cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đồng ý bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trongCơ sở dữ liệu tỉnh khi được xuất theo định dạng văn bản điện tử, được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật thì văn bản điện tử đó có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.
Điều 8. Lưu trữ cơ sở dữ liệu
1. Dữ liệu công chức, viên chức, người lao động được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của tỉnh và được sao lưu định kỳ hàng tháng, tối thiểu ba tháng trên phương tiện lưu trữ chuyên dụng để dự phòng rủi ro.
2. Việc lưu trữ, sao lưu phải tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật về lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước, cơ yếu, bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, an toàn, an ninh thông tin.
Điều 9. Chuyển giao, tiếp nhận dữ liệu
1. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác từ các cơ quan, đơn vị do bộ, ngành quản lý hoặc do các tỉnh, thành phố khác quản lý về cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh thì đồng thời với việc chuyển giao hồ sơ theo quy định, cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan thực hiện như sau:
a) Kể từ ngày nhận chuyển giao hồ sơ theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 11 Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Bộ Nội vụ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tạo lập tài khoản cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức được tiếp nhận; có văn bản đề nghị để Sở Nội vụ đồng bộ dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức đó từ Cơ sở dữ liệu quốc gia của cơ quan, đơn vị cũ về Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
b) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra thông tin, dữ liệu và tổ chức thực hiện việc cập nhật thông tin, dữ liệu đối với cán bộ, công chức, viên chức được tiếp nhận theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi vị trí công tác chuyển đến cơ quan, đơn vị, bộ phận mới trong cùng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thì cơ quan,đơn vị đó có trách nhiệm điều chuyển hồ sơ trên hệ thống đến cơ quan, đơn vị, bộ phận mới (ngaysau khi văn bản có hiệu lực).
3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi công tác do bổ nhiệm, luân chuyển, điều động chuyển đến cơ quan, đơn vị mới (không bao gồm đối tượng tại khoản 1, khoản 2 Điều này) thì cơ quan, đơn vị sử dụng nơi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã công tác trước đây chuyển hồ sơ chuyển hồ sơ trên hệ thống đến cơ quan, đơn vị (ngay sau khi văn bản có hiệu lực).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống, cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm tạo lập, bàn giao tài khoản cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức để kiểm tra thông tin, dữ liệu, thực hiện cập nhật thông tin, dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Quy chế này.
4. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi công tác chuyển đến từ khối Đảng, đoàn thể hoặc từ cơ quan, đơn vị không cùng hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức (trong trường hợp không thể đồng bộ, chia sẻ dữ liệu) thì cơ quan, đơn vị thực hiện việc tạo lập hồ sơ mới cho cán bộ, công chức, viên chức, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy chế này.
5. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi công tác chuyển đến cơ quan, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều này; chuyển công tác ra khỏi cơ quan, đơn vị của Nhà nước; nghỉ hưu; thôi việc; qua đời thì cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện điều chỉnh tình trạng hồ sơ tương ứng trên Cơ sở dữ liệu của tỉnh; dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức đó vẫn phải được lưu trữ tại thư mục riêng trong Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Điều 10. Kết nối, chia sẻ dữ liệu
1. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan (nếu có) tổ chức xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
2. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia(sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước) theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
3. Giao Sở Nội vụ thực hiện ký số phê duyệt dữ liệu trước khi đồng bộ dữ liệu của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
1. Chấp hành quy định tại Quy chế này và các quy định của Đảng, pháp luật nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, khai thác , sử dụng Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
2. Chịu trách nhiệm cập nhật đúng, đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm tính xác thực của các dữ liệu, tài liệu cung cấp kèm theo dữ liệu cá nhân của mình trước pháp luật và trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cập nhật dữ liệu, thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu khi có sự thay đổi hoặc có sai sót đối với dữ liệu mình cung cấp.
3. Tự quản lý tài khoản cá nhân, thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản cá nhân để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Trường hợp quên mật khẩu hoặc tài khoản cá nhân có dấu hiệu bị đánh cắp mật khẩu thì báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại mật khẩu mới.
4. Áp dụng các biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật Cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Điều 12. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được giao thực hiện công tác quản lý Cơ sở dữ liệu của tỉnh; Cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị
1. Chấp hành quy địnhtại Điều 5 Quy chế này.
2. Thông qua nghiệp vụ kỹ thuật, tổ chức việc bảo quản, lưu trữ Cơ sở dữ liệu của tỉnh;Cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu của tỉnh; Cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị mình và Cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật.
3. Cung cấp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chính xác, kịp thời theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
4. Nghiên cứu, phát hiện các vấn đề chưa rõ hoặc mâu thuẫn trong Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu xem xét, xử lý.
5. Đôn đốc việc hoàn thiện đầy đủ các trường thông tin trong dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
6. Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo yêu cầu công việc.
7. Chịu trách nhiệm bảo đảm bí mật, an toàn thông tin của Cơ sở dữ liệu củatỉnh. Không tiết lộ, cung cấp thông tin tài khoản cơ quan, đơn vị và tài khoản người dung nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan, cấp có thẩm quyền về việc vi phạm các quy định về bảo đảm bí mật, an toàn thông tin.
8. Trường hợp vi phạm các quy định tại Quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
1. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này trong cơ quan và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Căn cứ tình hình thực tế các cơ quan, đơn vị ban hành các văn bản hướng dẫn (nếu cần thiết) theo thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý và tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Quản lý tài khoản được phân cấp; cấp, hạn chế, mở rộng hoặc hủy quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu theo phân cấp quản lý.
3. Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm traviệc thực hiện các quy địnhvề quản lý, sử dụng và khai thác dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Tham mưu xem xét, xử lý vi phạm cơ quan, đơn vị, cá nhân không cập nhật dữ liệu, có sai phạm trong cập nhật dữ liệu và bảo quản cơ sở dữ liệu theo phân cấp quản lý.
4. Chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ về công tác quản lý dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan cấp trên.
5. Định kỳ vào ngày 31 tháng 12 hàng năm, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) tình hình quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý (bao gồm cả cơ quan, đơn vị trực thuộc nếu có) theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Chủ trì, phối hợp với Sở thông tin và truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu; cập nhật, kết nối, chia sẻ, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu của tỉnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước phục vụ hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, thẩm quyền.
2. Sử dụng mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thái Bình theo quy định hiện hành về mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị phục vụ kết nối chia sẻ dữ liệu trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
3. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong quá trình cập nhật, quản lý và sử dụngCơ sở dữ liệu của tỉnh.
4. Quản lý tài khoản người dùng,cấp, hạn chế, mở rộng hoặc hủy quyền truy cập vào Cơ sở dữ liệu của tỉnh trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của cơ quan của cơ quan, đơn vị.
5. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu của tỉnh, của cơ quan, đơn vị.
6. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng, khai thác, phê duyệt dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu thuộc cơ quan, đơn vị và việcthực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.
7. Lập dự toán kinh phí hàng năm phục vụ duy trì, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu của tỉnh đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ và thực tế công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
8. Định kỳ hàng năm, trước ngày 31 tháng 01 năm sau báo cáo tình hình quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của năm trước liền kề gửi về Bộ Nội vụ để được hướng dẫn, giải quyết (bao gồm: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có được chia theo ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm; đề xuất kiến nghị các khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế này.
9. Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Quy chế này.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị nâng cấp, thuê dịch vụ phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh để đáp ứng tốt hơn trong công tác quản lý hồ sơ cán bộ theo quy định hiện hành của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.
2. Phối hợp với Sở Nội vụ đảm bảo hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu ổn định, thông suốt; đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp độ an toàn thông tin theo quy định để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia.
3. Phối hợp với Sở Nội vụ đánh giá an toàn thông tin cho phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; định kỳ kiểm tra lưu trữ và sao lưu dữ liệu trên phương tiện lưu trữ chuyên dụng để dự phòng rủi ro.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định kinh phí để thực hiện đầu tư nâng cấp, thuê dịch vụ phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, để bảo đảm duy trì cho hoạt động quản lý, sử dụng, khai thác, phê duyệt dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình hàng năm.
Điều 17. Điều khoản thi hành
1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh, thông tin kịp thời (bằng văn bản) về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./