THÔNG TƯ
Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư
trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam
_____________________
Ngày 14/4/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 22/1999/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài của Doanh nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể về quản lý ngoại hối đối với các doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài như sau:
I/ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1/ Thông tư này áp dụng đối với các Doanh nghiệp Việt Nam được phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp Nhà nước; Hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã; Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp (Sau đây gọi chung là Doanh nghiệp).
2/ Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng sau:
a. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
b. Doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức: cho vay tín dụng, mua cổ phiếu, ngân hàng, bảo hiểm không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
II. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN
3/ Để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp phải mở một tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi là Ngân hàng được phép). Mọi giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp phải thực hiện thông qua tài khoản này:
Phần thu:
a/ Ngoại tệ chuyển vào từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Doanh nghiệp để thực hiện việc góp vốn đầu tư hoặc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài;
b/ Lợi nhuận, doanh thu được chia và các khoản thu nhập hợp pháp khác có từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài của Doanh nghiệp chuyển về Việt Nam;
c/ Vốn đầu tư và vốn tái đầu tư chuyển về Việt Nam.
Phần chi:
a/ Chi chuyển ra nước ngoài để góp vốn đầu tư hoặc chuyển vốn đầu tư thực hiện dự án đầu tư;
b/ Chi chuyển vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Doanh nghiệp;
c/ Bán ngoại tệ cho các ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối.
4/ Việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ tại nước ngoài của dự án đầu tư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của nước tiếp nhận đầu tư và chỉ phục vụ các giao dịch có liên quan đến hoạt động của dự án đầu tư ở nước ngoài.
Trường hợp Doanh nghiệp có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải thực hiện theo quy định tại Mục I Chương V Phần thứ hai Thông tư 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16/4/1999 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về Quản lý ngoại hối.
III/ CHUYỂN VỐN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI CHUYỂN LỢI NHUẬN, VỐN ĐẦU TƯ VÀ TÁI ĐẦU TƯ VỀ VIỆT NAM
5/ Doanh nghiệp phải đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi đặt trụ sở chính về việc mở tài khoản ngoại tệ và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký tài khoản và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (Mẫu số 1);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng)
- Giấy phép đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao có công chứng);
- Văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp (kèm bản dịch tiếng Việt có dấu và chữ ký xác nhận của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc);
- Văn bản quy định tiến độ góp vốn đầu tư (ghi trong điều lệ hoặc hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư phê duyệt (nếu có) hoặc bản dự kiến tiến độ góp vốn đầu tư của doanh nghiệp được phép đầu tư ra nước ngoài).
Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố có trách nhiệm xác nhận việc mở tài khoản và đăng ký tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (Mẫu số 2) để nhà đầu tư Việt Nam làm cơ sở chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tài khoản đã mở ở ngân hàng được phép.
6/ Doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại các ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài góp vốn đầu tư trên cơ sở quy định tại Giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp.
7/ Hàng năm, Doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài phải chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác về nước trong thời hạn chậm nhất là 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính của nước tiếp nhận đầu tư.
Trường hợp không thể chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác về Việt Nam đúng thời hạn nêu trên, Doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo giải trình rõ lý do với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ kết hối đối với lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư tại nước ngoài theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
8/ Khi kết thúc dự án hoặc giải thể trước hạn, hoặc không triển khai được dự án, Doanh nghiệp phải chuyển vốn đầu tư, vốn tái đầu tư và các khoản thu được sau thanh lý về nước trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc thanh lý và phải báo cáo cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính về tình hình chuyển vốn, lợi nhuận và các thu nhập hợp pháp khác về Việt Nam của Doanh nghiệp.
Trường hợp không thể chuyển vốn về Việt Nam đúng thời hạn nêu trên, Doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo giải trình rõ lý do với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh/ thành phố nơi Doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
9/ Trường hợp Doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư hoặc kéo dài thời hạn đầu tư ở nước ngoài, sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư doanh nghiệp phải đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh/thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính về tình hình sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư hoặc kéo dài thời hạn đầu tư.
10/ Khi thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo yêu cầu của doanh nghiệp, Ngân hàng được phép có trách nhiệm kiểm tra văn bản xác nhận đăng ký mở tài khoản ngoại tệ và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của Doanh nghiệp theo quy định tại Điểm 5 Thông tư này. Ngân hàng được phép chỉ được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi Doanh nghiệp có văn bản xác nhận đăng ký mở tài khoản ngoại tệ và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
IV/ THÔNG TIN BÁO CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
11/ Hàng năm, trong thời hạn 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính của nước tiếp nhận đầu tư, Doanh nghiệp phải gửi cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi Doanh nghiệp đóng trụ sở chính báo cáo tài chính (trong đó có bảng tổng kết tài sản và kết quả kinh doanh lãi - lỗ của doanh nghiệp) có chứng nhận của cơ quan kiểm toán hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư.
12/ Hàng năm, chậm nhất vào các ngày 15/1 (đối với báo cáo 6 tháng cuối năm) và 15/7 (đối với báo cáo 6 tháng đầu năm) doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính tình hình hoạt động và thực hiện vốn đầu tư ra nước ngoài (Mẫu số 3).
13/ Hàng năm, chậm nhất vào các ngày 15/1 (đối với báo cáo 6 tháng cuối năm) và 15/7 (đối với báo cáo 6 tháng đầu năm) Ngân hàng được phép (thông qua trụ sở chính) phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) tình hình chuyển tiền ra nước ngoài và về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Doanh nghiệp (Mẫu số 4).
14/ Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các Doanh nghiệp đã thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện đăng ký tài khoản và tiến độ góp vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điểm 5 Thông tư này, đồng thời báo cáo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính tình hình thực hiện vốn đầu tư ra nước ngoài (mẫu số 3) cho tới thời điểm đó.
15/ Hàng năm, chậm nhất vào các ngày 20/1 (đối với báo cáo 6 tháng cuối năm) và 20/7 (đối với báo cáo 6 tháng đầu năm) chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thông qua Vụ Quản lý Ngoại hối) tình hình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp trên địa bàn (tình hình mở tài khoản, đăng ký chuyển vốn, tình hình thực hiện vốn đầu tư ra nước ngoài, những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị biện pháp xử lý).
16/ Doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài, Ngân hàng được phép nếu vi phạm các quy định của Thông tư này, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phát theo quy định tại Nghị định 20/2000/NĐ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng hoặc bị xử lý theo các quy định khác của pháp luật hiện hành.
V/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
17/ Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các quy định tại Mục II Chương III Phần thứ tư Thông tư 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16/4/1999 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý ngoại hối.
18/ Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài, trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, thực hiện Thông tư này./.