Sign In
THÔNG TƯ
Hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá"
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Để phù hợp với đặc thù quản lý và sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư; Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” như sau:
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thông tư này áp dụng cho các Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm (sau đây gọi là Ban QLDA) thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Điều 2. Chi phí quản lý dự án là nguồn kinh phí cần thiết cho Ban QLDA để tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng và được thực hiện từ khi có Quyết định thành lập Ban QLDA.
Điều 3.Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo Ban QLDA thực hiện quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, dân chủ công khai và minh bạch; chấp hành đúng chế độ quản lý tài chính – đầu tư – xây dựng của Nhà nước và các quy định tại Thông tư này.
Các khoản chi cho cá nhân quy định tại Thông tư này chỉ áp dụng cho cán bộ Ban QLDA trong thời gian tham gia thực hiện Đề án.
Điều 4. Cơ quan Tài chính các cấp, cơ quan quản lý về đầu tư xây dựng công trình cấp trên theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn Ban QLDA tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Cơ quan Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn kiểm soát và thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ cho các dự án đầu tư của 11 xã thí điểm theo quy định của Thông tư này.
PHẦN II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Định mức chi phí quản lý dự án.
Thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có)
Điều 6. Nguồn kinh phí trích cho chi phí quản lý dự án.
Dự án đầu tư sử dụng nguồn kinh phí đầu tư thuộc nguồn vốn nào thì dự toán chi phí quản lý dự án được trích từ nguồn vốn đó (theo tỷ lệ của từng nguồn vốn trong Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình được duyệt).
Điều 7. Chế độ chi tiêu.
Thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính hiện hành đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và quy định cụ thể tại Thông tư này (trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố không ban hành chế độ riêng thì được áp dụng theo các văn bản quy định của Bộ Tài chính, hiện nay là các Thông tư: số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, số 127/2007/TT-BTC ngày 21/10/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007; số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước và các văn bản hướng dẫn chế độ chi tiêu khác của cơ quan có thẩm quyền) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Điều 8. Nội dung dự toán chi phí quản lý dự án.
1. Các khoản phụ cấp lương: như làm đêm, thêm giờ, phụ cấp kiêm nhiệm, thù lao quản lý dự án,...  theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
a) Đối với phụ cấp kiêm nhiệm, thù lao quản lý dự án:
- Căn cứ mức độ thời gian tham gia quản lý của từng cán bộ và nguồn chi phí quản lý dự án cụ thể để tính tỷ lệ % được hưởng cho những người trực tiếp thực hiện các công việc thuộc quản lý dự án nhưng không hưởng lương từ dự án, bao gồm cán bộ Ban QLDA, cán bộ xã và cán bộ được cấp trên (tỉnh, huyện) tăng cường giúp xã. Mức chi phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án một tháng cho một cá nhân tối đa bằng 50% tiền lương và phụ cấp lương một tháng của cá nhân đó (kể cả trường hợp kiêm nhiệm quản lý nhiều dự án); mức chi này tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/tháng. Tỷ lệ thời gian kiêm nhiệm được xác định trong văn bản cử cán bộ tham gia.
- Trường hợp cán bộ tham gia Ban QLDA (theo Quyết định của cấp có thẩm quyền) không hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước thì được hưởng mức thù lao không quá 500.000 đồng/người/tháng. Mức chi cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã xem xét, quyết định trên cơ sở mức chi thực tế của địa phương và nguồn kinh phí quản lý dự án.
 b) Đối với phụ cấp làm thêm giờ: phải tuân thủ quy định của Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Chi tiền thưởng: thưởng thường xuyên, thưởng đột xuất (nếu có) và các chi phí liên quan đến khen thưởng theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Chi thanh toán dịch vụ công cộng: những chi phí trực tiếp phục vụ cho quản lý Đề án như tiền điện, tiền nước, vệ sinh môi trường, các dịch vụ khác theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Chi mua vật tư văn phòng: thực hiện theo mức khoán như sau:
a) Khoán kinh phí văn phòng phẩm sử dụng chung cho Ban QLDA là 200.000 đồng/tháng.
b) Khoán kinh phí văn phòng phẩm trực tiếp cho cá nhân thuộc Ban QLDA sử dụng là 25.000 đồng/người/tháng.
5. Chi thanh toán thông tin, tuyên truyền, liên lạc: mức khoán trực tiếp cho cá nhân thuộc Ban QLDA là 50.000 đồng/người/tháng.
6. Chi phí hội nghị: theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
7. Chi thanh toán công tác phí: theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Chi phí thuê mướn: những chi phí trực tiếp phục vụ cho quản lý Đề án như thuê phương tiện đi lại, thiết bị phục vụ các loại, thuê chuyên gia và giảng viên, ...: theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
9. Chi phí khác (nếu có): bao gồm các chi phí trực tiếp phục vụ cho quản lý Đề án và các chi phí khác như nộp thuế, phí, lệ phí, tiếp khách, ... theo quy định hiện hành đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
10. Dự phòng: bằng 10% của dự toán.
Điều 9.  Phương pháp lập dự toán chi phí quản lý dự án.
Để đảm bảo sử dụng chi phí quản lý dự án tiết kiệm và có hiệu quả; hàng năm, Ban QLDA thực hiện việc lập dự toán chi phí quản lý dự án, trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự toán để làm căn cứ thực hiện.
1. Lập Bảng tính kinh phí quản lý dự án theo Mẫu số 01/DT.QLDA (đính kèm):
- Căn cứ tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt, định mức chi phí quản lý dự án hiện hành theo Quyết định công bố của cơ quan có thẩm quyềnđể xác định chi phí quản lý dự án của dự án (hiện nay theo quy định tại Bảng số 1: Định mức chi phí quản lý dự án ban hành kèm theo Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng – đính kèm), văn bản cử cán bộ tham gia Ban QLDA và Quyết định thành lập Ban QLDA.
- Dự kiến phân bổ chi phí quản lý dự án cho các năm triển khai thực hiện dự án.
2. Lập Bảng tính kinh phí quản lý dự án sử dụng trong năm kế hoạch theo Mẫu số 02/DT.QLDA (đính kèm).
3. Lập Bảng tính phụ cấp kiêm nhiệm và thù lao quản lý năm theo Mẫu số 03/DT.QLDA (đính kèm).
4. Lập dự toán chi phí quản lý dự án năm theo Mẫu số 04/DT.QLDA (đính kèm). 
Điều 10. Thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án.
1. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán thực hiện như sau: Ban QLDA lập dự toán, gửi phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thẩm định. Trên cơ sở văn bản thẩm định dự toán của phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã kiểm tra, rà soát và phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án gửi các đơn vị liên quan để thực hiện. 
2. Hồ sơ thẩm định dự toán chi phí quản lý dự án:
- Văn bản đề nghị phê duyệt; quyết định thành lập Ban QLDA; quyết định phê duyệt dự án đầu tư; quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư.
- Bảng tính kinh phí quản lý dự án theo Mẫu số 01/DT.QLDA.
- Bảng tính kinh phí quản lý dự án sử dụng trong năm kế hoạch theo Mẫu số 02/DT.QLDA.
- Bảng tính chi phí phụ cấp kiêm nhiệm và thù lao quản lý năm theo Mẫu số 03/DT.QLDA
- Dự toán chi phí quản lý dự án năm theo Mẫu số 04/DT.QLDA.
3. Nội dung thẩm định dự toán chi phí quản lý dự án:
- Thẩm định nội dung công việc, phương pháp tính toán, sự phù hợp trong việc phân bổ mức chi cho các năm trong Bảng tính chi phí quản lý dự án theo Mẫu số 01/DT.QLDA.
- Thẩm định sự phù hợp trong Bảng tính kinh phí quản lý dự án sử dụng trong năm kế hoạch theo Mẫu số 02/DT.QLDA.
- Thẩm định sự phù hợp trong Bảng tính phụ cấp kiêm nhiệm và thù lao quản lý trong năm kế hoạch theo Mẫu số 03/DT.QLDA.
 - Thẩm định sự phù hợp của các nội dung chi trong dự toán theo Mẫu số 04/DT.QLDA.
4. Quyết định phê duyệt dự toán chi phí quản lý năm theo Mẫu số 05.QĐ/DT.QLDA (đính kèm) được gửi tới Ban QLDA, cơ quan thanh toán và các đơn vị có liên quan để thực hiện.
Điều 11. Kiểm soát thanh toán chi phí quản lý dự án.
Kho bạc Nhà nước huyện thực hiện kiểm soát thanh toán chi phí quản lý dự án theo chế độ thanh toán vốn đầu tư, chế độ quản lý tài chính hiện hành và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
Điều 12. Thẩm tra, phê duyệtquyết toán chi phí quản lý dự án.    
1. Thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán thực hiện như sau: Ban QLDA lập quyết toán, gửi phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thẩm tra. Trên cơ sở văn bản thẩm tra quyết toán của phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã kiểm tra, rà soát và xem xét, quyết định phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án gửi các đơn vị liên quan để thực hiện. 
2. Hồ sơ quyết toán:     
- Văn bản đề nghị phê duyệt quyết toán;
- Báo cáo quyết toán chi phí quản lý dự án năm kế hoạch theo Mẫu số 01/QT.QLDA (đính kèm).
- Các chứng từ chi tiêu phát sinh trong năm.
3. Thẩm tra quyết toán chi phí quản lý dự án:
- Thẩm tra việc sử dụng nguồn vốn chi phí quản lý dự án.
- Thẩm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa số liệu đề nghị quyết toán trong Báo cáo quyết toán chi phí quản lý dự án năm kế hoạch theo Mẫu số 01/QT.QLDA với định mức được trích và dự toán chi phí quản lý dự án được duyệt hoặc được điều chỉnh (nếu có);
- Thẩm tra về tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ chi tiêu theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Thẩm tra sự phù hợp của phân bổ giá trị quyết toán cho các dự án cụ thể thực hiện trong năm kế hoạch.
4. Quyết định phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án:
- Quyết định phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án theo Mẫu số 02.QĐ/QT.QLDA (đính kèm).
- Quyết toán chi phí quản lý toàn dự án khi dự án hoàn thành được phê duyệt chung trong Quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.
5. Phân bổ chi phí quản lý dự án:
- Đối với chi phí quản lý dự án chung phân bổ cho các dự án theo tỷ lệ tương ứng với giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu trong năm kế hoạch.
- Giá trị phân bổ chi phí quản lý dự án hàng năm của dự án được tổng hợp vào giá trị quyết toán chi phí quản lý dự án khi quyết toán dự án hoàn thành. 
Điều 12. Kiểm tra.
1. Đơn vị quản lý tài chính đầu tư thuộc địa phương có kế hoạch tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án tại Ban QLDA thuộc phạm vi quản lý.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và Ban QLDA định kỳ tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư ở đơn vị.
Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
1. Trách nhiệm của Ban QLDA:
- Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án.
- Thực hiện việc lập dự toán, quyết toán chi phí quản lý dự án theo nội dung quy định tại Thông tư này.
2. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước:
- Kho bạc Nhà nước huyện: chịu trách nhiệm kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư theo quy định về thanh toán vốn đầu tư, phù hợp chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
- Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố: hướng dẫn, kiểm tra việc kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư theo quy định về thanh toán vốn đầu tư tại Kho bạc Nhà nước huyện.
3. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới huyện:
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, Tổ giúp việc và các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn Ban QLDA xã tổ chức quản lý các dự án theo đúng các quy định của Nhà nước và quy định tại Thông tư này.
- Thường xuyên, định kỳ và đột xuất kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại Ban QLDA xã.
4. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban nhân dân huyện và Uỷ ban nhân dân xã: thường xuyên kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý; có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư.
5. Trách nhiệm của cơ quan tài chính:
- Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện: hướng dẫn, kiểm tra Ban QLDA, Kho bạc Nhà nước huyện về việc chấp hành chế độ chi tiêu; thẩm định dự toán, thẩm tra quyết toán chi phí quản lý quản lý dự án.
- Sở Tài chính: kiểm tra Ban QLDA, phòng Tài chính – Kế hoạch huyện về việc chấp hành chế độ chi tiêu; định kỳ báo cáo kết quả đối với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính.
Phần III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời bổ sung, sửa đổi./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Chí