QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH
V/v ban hành quy định thu nộp, quản lý và sử dụng
quỹ bảo trợ trẻ em
----------
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
-Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
-Căn cứ Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 16/8/1991;
-Thi hành Nghị quyết số 07 ngày 26/7/1995 của HĐND tỉnh khoá 12, kỳ họp thứ 3 V/v lập Quỹ Bảo trợ trẻ em.
-Để tăng cường nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu trong chương trình Hành động vì trẻ em.
-Xét đề nghị của UBBV và chăm sóc trẻ em tỉnh
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định của UBND tỉnh thu nộp, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Điều 2: Uỷ ban BV&CSTE tỉnh chủ trì phối kết hợp với các ngành có liên quan của tỉnh hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để các tổ chức, cơ sở và cá nhân thực hiện.
Điều 3: Quyết định có hiệu lực từ 1/1/1996, các Quyết định trước đây của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh liên quan đến Quỹ Bảo trợ trẻ em trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4: Chánh văn phòng UBND tỉnh, các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan thuộc tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng tại tỉnh. Chủ tịch UBND Huyện, Thị xã, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
Chủ tịch
(Đã ký)
Vũ Xuân Trường
|
QUY ĐỊNH
V/V THU NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM
(Kèm theo Quyết định số:643 ngày 28/12/1995 của UBND tỉnh)
Điều1: Tất cả các công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, các đoàn thể Nhân dân; cán bộ, sĩ quan và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang Nhân dân; Hộ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh thương mại dịch vụ, xã viên HTX tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, xây dựng giao thông vận tải, các đối tượng hưởng chế độ hưu trí trong toàn tỉnh (kể cả các cơ quan TW đóng tại tỉnh) hàng năm có trách nhiệm đóng góp xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em Tỉnh Thái Bình.
Điều 2: Khuyến khích sự tự nguyện đóng góp từ thiện nhân đạo của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các tổ chức từ thiện và cá nhân ở trong và ngoài nước, (kể cả những đối tượng thuộc diện miễn đóng góp ở trong tỉnh) vào Quỹ Bảo trợ trẻ em của Tỉnh.
Điều 3: Mức đóng góp hàng năm như sau:
a)Mỗi công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các công ty trách nhiệm hữu hạn, cán bộ, sĩ quan và những người hưởng lương trong các lực lượng vũ trang Nhân dân, đóng góp một ngày lương cơ bản.
b)Mỗi xã viên HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp xây dựng, giao thông vận tải đóng góp 8.000đ.
c)Mỗi hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ góp tối thiểu là 15.000đ.
d)Mỗi hộ sản xuất nông nghiệp đóng góp tiền (theo giá thuế nông nghiệp trung bình trong năm) bằng 1kg thóc/1 sào đất canh tác nhân với số diện tích hộ gia đình nhận khoán ổn định lâu dài
đ) Mỗi người hưởng chế độ hưu trí đóng góp 1 ngày lương.
Điều 4: Miễn đóng góp cho các thương binh nặng, bệnh binh nặng gia đình liệt sĩ, lão thành cách mạng, các hộ già cả neo đơn, quá khó khăn những người tàn tật, mất sức lao động.
Điều 5: Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập ở 3 cấp: Tỉnh, huyện (Thị xã),và xã (phường, thị trấn).
Các đối tượng ghi ở mục a Điều 3 thuộc cấp nào do cấp ấy thu (riêng các cơ quan TW đóng tại tỉnh nộp vào Quỹ cấp tỉnh). Các hộ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh thương mại, dịch vụ, các xã viên HTX tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, xây dựng giao thông vận tải, các đối tượng hưu trí do cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp thu và trích nộp về huyện, thị xã 30%.
Điều 6; Số tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện nhân đạo của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đoàn thể nhân dân, cá nhân và tổ chức nhân đạo khác... Cho cấp nào thì cấp đó được nhận, nhưng cấp được nhận phải báo cáo về cấp tỉnh để tiện theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh.
Điều 7: Quỹ Bảo trợ trẻ em được thu nộp bằng tền hoặc hiện vật, gửi vào tài khoản cùa cấp quản lý tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 8: Ở mỗi cấp (Tỉnh, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn), phải thành lập Hội đồng Bảo trợ Quỹ, gồm một số Ban, ngành có liên quan do Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng (riêng cấp xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND làm Chủ tịch Hội đồng), Chủ nhiệm uỷ ban BVCSGDTE cấp đó làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng và một số nhân viên giúp việc (do UBBV&Chăm sóc trẻ em các cấp lựa chọn làm kiêm nghiệm).
Hội đồng Bảo trợ Quỹ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát và quyết định vviệc chi tiêu của Quỹ vào các chương trình "Vì trẻ em" do Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các đề xuất và hàng năm báo cáo kết quả huy động, chi tiêu về UBND tỉnh.
Điều 9: Quỹ Bảo ượ trẻ em của cấp nào do Hội đồng Bảo trợ Quỹ ở cấp đó trực tiếp quản lý và sử dụng vào đúng mục đích Bảo vệ và chăm sóc Giáo dục trẻ em với các chương trình chủ yếu sau:
1.Chương trình cải thiện đời sống cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, trẻ em nghèo, vùng bị thiên tai và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đột xuất.
2.Chương trình dinh dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
3.Chương trình xây đựng các điểm vui chơi giải trí, trung tâm văn hoá cho trẻ em ở vùng khó khăn.
4.Chương trình phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.
5.Chương trình Quỹ khuyến học cho trẻ em học giỏi có năng khiếu nhưng gia đình nghèo.
Điều 10: Hàng năm được trích 5% tổng thu được để phục vụ công tác quản lý, khen thưởng hoạt động xây dựng Quỹ.
Điều 11: Những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình vận động và xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em sẽ được xét khen thưởng, những hành vi tiêu cực trong việc quản lý và sử dụng Quỹ sẽ bị xử lý nghiêm minh, tuỳ theo mức độ vi phạm, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật.