NGHỊ QUYẾT
Thông qua Đề án phát triển kinh tế tập thể
tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020
____________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;
Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác;
Căn cứ Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của Hợp tác xã, thành lập mới Hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của Hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp;
Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;
Xét Tờ trình số 108/TTr-UBND ngày 30/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020, với một số nội dung chính sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
- Đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong khu vực kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
- Phát triển đa dạng các loại hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để huy động tối đa các nguồn lực phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác, Hợp tác xã; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, tuyên truyền phát triển và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hàng năm thành lập mới 100 Tổ hợp tác trở lên và từ 20 đến 25 Hợp tác xã, trong đó ít nhất có 15 Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có Hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến bền vững ở các địa phương trong giai đoạn 2017 – 2020.
- Xây dựng từ 3 Liên hiệp Hợp tác xã trở lên trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chế biến chè, rau, củ, quả, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản, với phương thức tổ chức sản xuất kiểu mới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có thương hiệu mạnh trên địa bàn tỉnh.
- Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đến năm 2020 trong Tổ hợp tác, Hợp tác xã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2016.
- Đến năm 2020, số cán bộ quản lý Hợp tác xã, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có trình độ đại học đạt 20% trở lên; trình độ cao đẳng, trung cấp đạt 40% trở lên.
II. Phương hướng phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020
Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, nòng cốt là các Hợp tác xã với hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa gắn với phát triển làng nghề và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tăng cường liên kết, hợp tác giữa “4 nhà” (Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà nước). Khuyến khích thành lập mới Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trên các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của địa phương, gắn với xây dựng mô hình điểm hoạt động hiệu quả; phát huy vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; giảm nghèo, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương.
III. Giải pháp chủ yếu
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể để tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế tập thể, góp phần quan trọng trong giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của các thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
2. Phát triển kinh tế tập thể, hạt nhân là Hợp tác xã kiểu mới giữ vai trò liên kết các hộ thành viên.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã kiểu mới.
4. Tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
5. Tăng cường thu hút nguồn nhân lực tham gia quản lý Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, và trên đại học về làm việc tại Hợp tác xã.
6. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ: Thành lập mới Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, Liên hiệp Hợp tác xã; có cơ chế hỗ trợ tín dụng; tạo điều kiện về đất đai; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ giống cây con, chế biến sản phẩm và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
7. Huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
8. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, xây dựng các điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tập thể.
IV. Cơ chế đặc thù của tỉnh về hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là Hợp tác xã), Liên hiệp Hợp tác xã
- Quy mô từ 7 đến 20 thành viên: Hỗ trợ 10 triệu đồng/HTX
15 HTX/năm x 10 triệu đồng/HTX x 4 năm = 600 triệu đồng.
- Quy mô từ 21 đến 50 thành viên: Hỗ trợ 20 triệu đồng/HTX
5 HTX/năm x 20 triệu đồng/HTX x 4 năm = 400 triệu đồng;
- Quy mô từ 51 thành viên trở lên: Hỗ trợ 30 triệu đồng/HTX
5 HTX/năm x 30 triệu đồng/HTX x 4 năm = 600 triệu đồng;
- Liên hiệp Hợp tác xã: Hỗ trợ 50 triệu đồng/LHHTX
4 LHHTX/giai đoạn x 50 triệu đồng/LHHTX = 200 triệu đồng.
V. Khái toán kinh phí thực hiện Đề án: 88.688 triệu đồng, trong đó:
- Kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh: 52.708 triệu đồng.
- Kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương: 35.980 triệu đồng.
(Chi tiết có phụ biểu 01 và 02 kèm theo)
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành, hoàn chỉnh Đề án và triển khai thực hiện Nghị quyết. Định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017./.