• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2019
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 36/2018/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 25 tháng 12 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Pháp lệnh ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối;

Căn cứ Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2015 quy định về đầu tư ra nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) đối với khách hàng theo các hình thức đầu tư quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng bao gồm:

a) Ngân hàng thương mại;

b) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

c) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Khách hàng là nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (không bao gồm tổ chức tín dụng). Đối với nhà đầu tư là hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Điều 3. Áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan

Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với khách hàng để đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Thông tư này. Những nội dung không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quản lý ngoại hối, kiểm soát nội bộ, báo cáo thống kê, phân loại, trích lập dự phòng, xử lý rủi ro và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 4. Nhu cầu vay vốn đầu tư ra nước ngoài

Tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay đối với các nhu cầu sau:

1. Góp vốn điều lệ để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

2. Góp vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) ở nước ngoài.

3. Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.

4. Nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 5. Điều kiện vay vốn

Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay để đầu tư ra nước ngoài khi khách hàng đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân (bao gồm cả cá nhân là thành viên hoặc người đại diện được ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.

3. Có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng.

4. Có 2 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị vay vốn

 Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và các tài liệu khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.

Điều 7. Mức cho vay

1. Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu vay vốn, phương án đầu tư ra nước ngoài, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng.

2. Mức cho vay tối đa của tổ chức tín dụng không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng.

Điều 8. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng cung ứng vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng, thời hạn đầu tư của dự án, thời gian còn lại của Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương khác.

Điều 9. Đồng tiền cho vay, trả nợ

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về đồng tiền cho vay phù hợp với quy định pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay. Trường hợp trả nợ bằng đồng tiền khác, thì thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

Điều 10. Bảo đảm tiền vay

1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay được thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản ở nước ngoài do các bên thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc lựa chọn áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Phần thứ năm Bộ Luật dân sự.

Điều 11. Kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay

1. Tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật.

­2. Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng báo cáo kết quả hoạt động và tình hình sử dụng vốn vay hoặc cung cấp các tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay.

3. Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo đúng nội dung trong thỏa thuận vay vốn; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.

Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:

a) Đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;

b) Chủ trì, phối hợp xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến việc cho vay để đầu tư ra nước ngoài trong phạm vi Thông tư này.

2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc cho khách hàng vay để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay đầu tư ra nước ngoài; Xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật;

b) Kiểm soát tổ chức tín dụng trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư ra nước ngoài.

3. Vụ Quản lý ngoại hối:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước xử lý những vấn đề về chuyển tiền cho vay và các khoản khác có liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư ra nước ngoài.

4. Vụ Chính sách tiền tệ:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến việc cho vay đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

5. Các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước, theo chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý, có trách nhiệm phối hợp xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến việc cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019 và thay thế Thông tư số 10/2006/TT-NHNN ngày 21/12/2006 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng tín dụng/thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc thoả thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.