• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/05/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 20/09/2009
CHÍNH PHỦ
Số: 30/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 1 tháng 4 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

của cơ quan thuộc Chính phủ

_____________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

NGHỊ ĐỊNH:

ưĐiều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ làm việc và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.

Điều 2. Vị trí và chức năng

Cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập, bao gồm :

1. Cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động sự nghiệp để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ hoặc thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

1. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là người đứng đầu và lãnh đạo một cơ quan thuộc Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Chính phủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình;

Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ không ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước đối với những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà cơ quan thuộc Chính phủ đang quản lý do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là người giúp Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ trưởng vắng mặt, một Phó Thủ trưởng được Thủ trưởng ủy nhiệm lãnh đạo hoạt động của cơ quan.

Số lượng Phó Thủ trưởng ở mỗi cơ quan thuộc Chính phủ không quá 3 người. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn chung

1. Về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch :

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án quan trọng của cơ quan; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

c) Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn, nghiệp vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng trong các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực;

3. Về hợp tác quốc tế:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc đàm phán, ký, gia nhập, phê duyệt điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo quy định của pháp luật;

d) Cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và đoàn công tác ra nước ngoài theo kế hoạch hợp tác quốc tế;

đ) Tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

6. Về chế độ thông tin, báo cáo :

a) Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, chính sách, chế độ và pháp luật của nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực được giao;

b) Thực hiện chế độ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ.

7. Về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước :

a) Trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan;

c) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các tổ chức, đơn vị trực thuộc;

d) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;

đ) Bổ nhiệm có thời hạn 5 năm (hết thời hạn đó sẽ tiến hành bổ nhiệm lại), miễn nhiệm, kỷ luật người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật; quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc;

e) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền; chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong hoạt động của cơ quan;

g) Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật;

h) Kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

8. Về quản lý tài chính, tài sản :

a) Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định phân bổ, kiểm tra việc chi tiêu, chịu trách nhiệm quyết toán và có quyền điều chỉnh trong phạm vi tổng mức thu chi tài chính được phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng không được thay đổi mục tiêu kế hoạch được duyệt;

c) Thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật;

d) Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước giao.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn riêng của một số cơ quan thuộc Chính phủ

1. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

2. Tổ chức thực hiện việc giám định, đăng ký, cấp giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, xếp hạng tổ chức và một số nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật;

3. Kiểm tra, thanh tra theo ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý theo thẩm quyền đối với những quy định do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trái với các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác về ngành, lĩnh vực do cơ quan phụ trách;

ư4. Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng một số nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này trong nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan thuộc Chính phủ.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức

1. Cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này gồm:

a) Vụ, văn phòng, thanh tra;

b) Cục (không nhất thiết các cơ quan đều có);

c) Các tổ chức sự nghiệp.

2. Cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định này gồm :

a) Ban;

b) Văn phòng;

c) Các tổ chức sự nghiệp.

3. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ :

a) Các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này áp dụng nguyên tắc tổ chức và hoạt động như đối với các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19 và 21 Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

b) Tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không có phòng trực thuộc, không có con dấu riêng. Trường hợp cần thiết phải lập phòng trong tổ chức này, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Văn phòng của cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại khoản 1 và 2 Điều này có con dấu riêng; cơ cấu tổ chức của văn phòng có thể có phòng.

4. Số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức quy định tại khoản 1 và 2 Điều này không quá 3 người.

Điều 7. Chế độ làm việc và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

1. Cơ quan thuộc Chính phủ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ;

2. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của cơ quan và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó;

3. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về các công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công; chịu trách nhiệm khi có những khuyết điểm về quản lý và để xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, gây thiệt hại lớn trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình;

4. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình phụ trách và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề vượt quá thẩm quyền; tham dự các phiên họp Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu; phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khác, cơ quan trung ương các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; giải quyết các đề xuất, kiến nghị của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.