• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/09/2011
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 35/2011/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 11 tháng 8 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về trao và nhận học bổng, trợ cấp cho người học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

_______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về trao và nhận học bổng, trợ cấp cho người học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về trao và nhận học bổng, trợ cấp cho người học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: Nguyên tắc tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp; tiếp nhận học bổng, trợ cấp; xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp; quyền và trách nhiệm của người học được nhận học bổng, trợ cấp; trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục; trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo.

2. Học bổng, trợ cấp quy định tại Thông tư này là học bổng, trợ cấp được tài trợ không hoàn lại bằng tiền hoặc hiện vật từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (sau đây gọi chung là nhà tài trợ) cho người học trong các cơ sở giáo dục với mục đích để hỗ trợ, khuyến khích người học phấn đấu học tập, rèn luyện và phát triển sự nghiệp giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các hình thức tài trợ sau:

a) Tài trợ trực tiếp cho người học không thông qua cơ sở giáo dục hoặc các cơ quan quản lý giáo dục;

b) Tài trợ cho người học tham gia tham quan, du lịch, giao lưu hoặc các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoài chương trình đang học tại cơ sở giáo dục;

c) Các tài trợ cho hoạt động chung của nhà trường.

Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp

1. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhà tài trợ trong việc hỗ trợ người học vì mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục.

2. Việc xét chọn đảm bảo công bằng, công khai, đúng đối tượng; không tạo ra các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người học và khó khăn cho cơ sở giáo dục.

3. Việc trao tặng đảm bảo tính trang trọng, nghiêm túc, linh hoạt phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế, khuyến khích người học tích cực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Điều 4. Tiếp nhận học bổng, trợ cấp

1. Cơ quan tiếp nhận học bổng, trợ cấp, gồm:

a) Cơ quan quản lý giáo dục, nếu được nhà tài trợ thông qua. Cơ quan quản lý giáo dục hướng dẫn các cơ sở giáo dục xét chọn người học để nhận học bổng, trợ cấp theo chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã thống nhất với nhà tài trợ;

b) Các cơ sở giáo dục, nếu được tài trợ trực tiếp.

2. Cơ quan tiếp nhận học bổng, trợ cấp thương thảo với nhà tài trợ về các yêu cầu cụ thể đối với các bên liên quan, thống nhất với nhà tài trợ bằng văn bản tài trợ học bổng, trợ cấp, đưa ra tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục xét chọn học bổng, trợ cấp cho người học, cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan.

Điều 5. Xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp

1. Xét chọn học bổng, trợ cấp

a) Cơ sở giáo dục thông báo rộng rãi và niêm yết công khai trong toàn cơ sở giáo dục để người học biết về chương trình học bổng, trợ cấp;

b) Tùy yêu cầu của từng chương trình học bổng, trợ cấp, việc lựa chọn người học nhận học bổng, trợ cấp có thể do Hội đồng xét chọn học bổng, trợ cấp của cơ sở giáo dục giới thiệu hoặc theo đề nghị của người học thông qua ý kiến của tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm, khoa, phòng ban chức năng và các tổ chức đoàn thể của cơ sở giáo dục;

c) Thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của người học tiến hành xét, cấp học bổng, trợ cấp theo tiêu chí và số lượng đã quy định; trực tiếp điều phối các nguồn học bổng, trợ cấp và đối tượng tiếp nhận để tránh người học được nhận cùng lúc học bổng, trợ cấp từ nhiều chương trình;

d) Thủ trưởng cơ sở giáo dục phê duyệt danh sách người học được nhận học bổng, trợ cấp sau khi thống nhất với nhà tài trợ. Trong trường hợp tài trợ thông qua cơ quan quản lý giáo dục thì danh sách đề nghị của cơ sở giáo dục được gửi cho cơ quan quản lý giáo dục để thống nhất với nhà tài trợ. Danh sách được xét chọn phải được niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục.

2. Hình thức trao học bổng, trợ cấp

Tùy điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục và các chương trình học bổng, trợ cấp việc trao học bổng, trợ cấp cho người học có thể thực hiện bằng các hình thức:

a) Tổ chức buổi lễ trao học bổng, trợ cấp;

b) Tổ chức trao nhân dịp tổ chức các hoạt động tại cơ sở giáo dục;

c) Cấp tiền mặt trực tiếp cho người học hoặc chuyển qua thẻ ATM;

d) Các hình thức chuyển tiền hợp pháp khác.

Điều 6. Quyền và trách nhiệm của người học được nhận học bổng, trợ cấp

1. Quyền của người học được nhận học bổng, trợ cấp

a) Được thông tin về các chương trình học bổng, trợ cấp; đề đạt nguyện vọng chính đáng của mình và bình đẳng trong việc nhận học bổng, trợ cấp nếu đáp ứng yêu cầu của chương trình;

b) Được quyền khiếu nại đến Thủ trưởng cơ sở giáo dục, nhà tài trợ hoặc các cơ quan có thẩm quyền nếu nhận thấy việc xét chọn học bổng, trợ cấp không đúng quy định.

2. Trách nhiệm của người học được nhận học bổng, trợ cấp

a) Trung thực khi đăng ký tham gia chương trình;

b) Sử dụng nguồn kinh phí tài trợ đúng mục đích; thực hiện đúng cam kết với nhà tài trợ hoặc cơ sở giáo dục (nếu có); tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện;

c) Báo cáo kịp thời với thủ trưởng cơ sở giáo dục khi nhà tài trợ có các yêu cầu khác với mục tiêu ban đầu của học bổng, trợ cấp được nhận.

Điều 7. Quyền và trách nhiệm của nhà tài trợ

1. Quyền của nhà tài trợ

a) Được tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ người học vì mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

c) Được thông tin đầy đủ về việc triển khai chương trình học bổng, trợ cấp;

d) Được đảm bảo quyền lợi theo văn bản thỏa thuận đã thống nhất với đơn vị tiếp nhận học bổng, trợ cấp phù hợp với pháp luật Việt Nam.

2. Trách nhiệm của nhà tài trợ

a) Thực hiện đúng cam kết trong văn bản thỏa thuận với đơn vị tiếp nhận học bổng, trợ cấp;

b) Không tự ý đưa thêm các thủ tục phức tạp hoặc các hình thức tổ chức không phù hợp với quy mô của học bổng, trợ cấp và bản sắc văn hoá Việt Nam.

Điều 8. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục

1. Tích cực tìm các nguồn tài trợ và có biện pháp khuyến khích các nhà tài trợ hỗ trợ người học có điều kiện kinh tế khó khăn, người học thuộc diện chính sách, người học là người tàn tật và khuyến khích tài năng.

2. Căn cứ quy định của Thông tư này và điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục, ban hành các quy định về quy trình, thủ tục xét chọn và trao học bổng, trợ cấp của cơ sở giáo dục; phân công nhiệm vụ cho đơn vị làm đầu mối trong việc tiếp nhận, xét chọn và trao học bổng, trợ cấp.

3. Thành lập Hội đồng xét chọn học bổng, trợ cấp của cơ sở giáo dục do đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục làm chủ tịch, đại diện các phòng, ban chức năng và Ban đại diện cha mẹ học sinh (đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên) hoặc đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên (đối với trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục đại học).

4. Phối hợp với nhà tài trợ tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tài trợ về học bổng, trợ cấp cho người học.

5. Theo dõi, lưu giữ, quản lý hồ sơ và tổ chức tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp cho người học theo quy định tại khoản 2, Điều 5 của Thông tư này, hàng năm tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trước ngày 01 tháng 8 về các học bổng, trợ cấp cho người học đã tiếp nhận trong năm học.

Điều 9. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

1. Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện việc tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp theo quy định tại Thông tư này.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp cho người học của các cơ sở giáo dục trực thuộc.

3. Tổng hợp kết quả thực hiện việc tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp cho người học của các cơ sở giáo dục trực thuộc, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30 tháng 8 hàng năm.

4. Tổ chức tuyên dương, vinh danh hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng, trợ cấp cho người học.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2011.

Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc đại học, học viện, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Quang Quý

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.