• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/12/1985
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 281-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 12 tháng 12 năm 1985

 

 

 

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 281-HĐBT
NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 1985 VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CAO-SU TRONG KẾ HOẠCH 1986-1990 VÀ
ĐẾN NĂM 2000

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V và thực hiện kế hoạch Nhà nước 1981-1985, trong mấy năm qua, ngành sản xuất cao-su đã có bước phát triển đáng kể. Tính đến nay đã có 150.000 hécta cao-su, trong đó 60. 000 hécta đang khai thác, hàng năm sản xuất khoảng 50.000 tấn cao-su để xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, thủ công nghiệp trong nước.

Đồng thời, đã xây dựng được một cơ sở vật chất kỹ thuật về vườn cây, cơ sở chế biến, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, và một đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tương đối đông đảo, lực lượng máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng chuyên ngành khá lớn.

Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, lao động và có truyền thống về trồng cao-su. Để phát huy các ưu thế và cơ sở vật chất kỹ thuật trên đây nhằm phát triển sản xuất cao-su thành ngành sản xuất lớn, sản phẩm cao su thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực quan trọng của nước ta, Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

1. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch mở rộng sản xuất nhằm đạt mục tiêu sản lượng 1 triệu tấn cao su/năm, với quy mô diện tích khoảng 600.000 héc ta. Trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, tuỳ theo nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế và khả năng đầu tư mà tính toán việc phát triển thêm cho hợp lý.

Trong kế hoạch 1986-1990, phải bố trí kế hoạch mở rộng quy mô diện tích trồng mới với mức tối thiểu là 160.000 hécta để cùng với diện tích hiện có đạt cho được sản lượng 500.000 - 600.000 tấn cao-su năm 2000. Cần trồng tập trung vào các địa bàn chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam bộ (Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh) và một phần ở các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc) để hình thành các vùng sản xuất chuyên môn hoá cao. Ngoài quy mô diện tích do Trung ương đầu tư và trực tiếp quản lý (bao gồm cả Tổng cục Cao-su và lực lượng quân đội chuyên trách làm kinh tế), khuyến khích các địa phương có điều kiện trồng cao-su huy động mọi nguồn vốn và lao động tại chỗ và liên doanh, liên kết để phát triển sản xuất cao-su nhằm bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp, thủ công nghiệp địa phương và tăng khối lượng cao-su xuất khẩu.

2. Căn cứ vào mục tiêu lâu dài và kế hoạch trồng mới 5 năm 1986-1990 trên đây, Tổng cục Cao-su cùng Bộ Quốc phòng (Binh đoàn xây dựng kinh tế Tây Nguyên) phối hợp với các ngành liên quan như Uỷ ban phân vùng kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp,... và các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc... để quy hoạch đất đai cụ thể, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và triển khai việc thực hiện.

Trong việc bố trí đất đai trồng cao-su, nhất là ở các tỉnh miền Đông cần chú ý đến tình hình thuỷ lợi được cải thiện do có các công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, Phước Hoà và thuỷ điện Trị An mà bố trí cơ cấu cây trồng cho hợp lý. Nói chung, những nơi có nguồn nước cần ưu tiên cho sản xuất các loại cây ngắn ngày, có yêu cầu độ ẩm cao phải tưới nước thường xuyên và có hiệu quả kinh tế lớn. Nhưng, cần bảo đảm cho diện tích cao-su được tập trung để thuận tiện cho việc chế biến mủ.

Không được phá rừng gỗ và rừng lâm sản có giá trị khác để trồng cao su.

3. Phải coi trọng việc chăm sóc và tăng cường công tác quản lý đối với diện tích cao-su đang khai thác về các mặt: làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chống cháy, chống mất cắp mủ, cải tiến kỹ thuật khai thác, chế biến, và quản lý tốt lao động để nâng cao sản lượng và chất lượng cao su.

Đối với diện tích cao-su đã sắp hết chu kỳ khai thác, năng suất thấp.. ., cần thực hiện biện pháp kích thích bằng hoá chất để phát huy hết khả năng sản xuất mủ trước khi thanh lý. Việc tiến hành thanh lý cũng phải có kế hoạch chặt chẽ để không ảnh hưởng đến sản lượng cao-su khai thác hàng năm. Đồng thời, phải chú ý tận thu tốt gỗ, củi... để tạo vốn đầu tư trồng lại, và không đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư mới.

Đối với diện tích cao-su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản phải áp dụng đầy đủ các biện pháp thâm canh, trồng dặm, bảo đảm trên 90% cây tốt. Cần có biện pháp thích hợp thực hiện chính sách khoán đến nhóm và người lao động. Quản lý chặt chẽ các vườn cây và có biện pháp chăm sóc cần thiết bảo đảm kế hoạch dựa vào khai thác có lợi.

Việc trồng mới cao-su phải bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật thâm canh ngay từ đầu. Phải hết sức coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là phổ biến nhanh những giống mới có năng suất cao, chống bệnh, áp dụng rộng rãi kỹ thuật trồng bầu, trồng stum, hạn chế trồng hạt, nhằm đạt tỷ lệ sống cao, cây phát triển đồng đều, định hình nhanh, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản và đưa vào khai thác sớm. Thực hiện tốt biện pháp trồng cây chắn gió, cây phủ đất (cỏ kalô-C, tiga... ) chống xói mòn, nhất là ở Tây Nguyên.

Cần có kế hoạch tận dụng khả năng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực, cây thực phẩm khi cao-su chưa khép tán như lạc, đậu, ngô, khoai, rau quả... để giải quyết một số nhu cầu tại chỗ và có thêm sản phẩm hàng hoá xuất khẩu tạo vốn phát triển cao-su.

4. Phải có quy hoạch và kế hoạch xây dựng cơ sở chế biến mủ phù hợp với kế hoạch khai thác; xây dựng các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa trung, đại tu xe máy và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác. Ngoài nguồn cung ứng thiết bị, máy móc, phụ tùng theo các chương trình hợp tác kinh tế với nước ngoài, cần chú ý tận dụng năng lực cơ khí của ngành, của Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Quốc phòng, các ngành khác và địa phương để chế tạo thiết bị chế biến, sản xuất phụ tùng thay thế trong nước, hạn chế việc nhập khẩu, nhất là nhập khẩu bằng ngoại tệ tư bản.

5. Cao-su là vật tư chiến lược cho nên cần phải được thống nhất quản lý vào Nhà nước. Tổng cục Cao-su có trách nhiệm cùng các địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh việc cải tạo xã hội chủ nghĩa và sắp xếp lại tổ chức sản xuất, kinh doanh theo tinh thần các Chỉ thị số 4598-V2 ngày 30-10-1980 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 180-CP ngày 4-5-1981 của Hội đồng Chính phủ về cải tạo các vườn cao-su và các cơ sở chế biến tư nhân, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp cụ thể nhanh chóng hoàn thành việc cải tạo trong năm 1985.

Đi đôi với cải tạo khu vực sản xuất tư nhân, Tổng cục Cao su cần phối hợp với các ngành Hoá chất, Công nghiệp, Thủ công nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các địa phương tổ chức sắp xếp lại sản xuất các mặt hàng từ nguyên liệu cao-su trong các xí nghiệp quốc doanh cũng như tập thể. Việc cung cấp cao su cho các địa phương, các ngành và cơ sở sản xuất quốc doanh và tập thể phải được thực hiện theo kế hoạch của Nhà nước; khắc phục mọi sơ hở làm thất thoát cao-su ra thị trường như hiện nay.

6. Về lao động. Để thực hiện chương trình phát triển sản xuất trên đây, nhu cầu về lao động rất lớn. Trước hết, phải rất chú trọng tận dụng khả năng lao động tại chỗ, bao gồm con em công nhân, cán bộ ngành cao-su, người tại địa phương (bao gồm cả đồng bào dân tộc ít người). Tuỳ theo tình hình cụ thể mà tuyển dụng vào biên chế, hợp đồng thời vụ, hoặc khoán việc. Đồng thời, tổ chức đưa lao động nơi khác đến, chú ý đưa lực lượng lao động trẻ, khoẻ trong diện huy động làm nghĩa vụ lao động và trong quân đội lên trước để tiến hành các công việc về xây dựng cơ bản, sau đó, khuyến khích họ đưa gia đình đi theo và đưa các loại lao động khác đến sản xuất. Việc điều động lao động phát triển ngành sản xuất cao-su phải đồng bộ cả lao động phát triển nông nghiệp lẫn công nghiệp, dịch vụ, và các lĩnh vực khác bảo đảm các yêu cầu phát triển xã hội để tạo điều kiện ổn định sản xuất lâu dài như giáo dục, y tế, văn hoá, thương nghiệp...

7. Về cán bộ. Phải có quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kinh tế, kỹ thuật, và công nhân lành nghề. Các trường đại học, cao đẳng nông nghiệp, kinh tế và kỹ thuật ở phía Nam cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kinh tế, kỹ thuật cao-su; trước mắt mở ngay khoa cao-su ở trường Đại học Nông nghiệp 4 và trường đại học Tây Nguyên.

Củng cố hai trường trung học đã có và thành lập thêm trường trung học nghiệp vụ quản lý và các trường công nhân kỹ thuật cho ngành cao-su. Ngoài ra, cần mở rộng việc bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo tại nông trường, xí nghiệp bằng hình thức luyện tay nghề, thi thợ giỏi.

Đối tượng tuyển sinh cần chú trọng cán bộ, công nhân viên, con em cán bộ, công nhân viên ngành sản xuất cao-su và con em đồng bào địa phương vùng sản xuất cao-su.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cần có chính sách ưu tiên cần thiết trong việc tuyển chọn và đào tạo. Bộ Giáo dục cần có chương trình giáo dục hướng nghiệp về cao su cho các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học trong vùng chuyên canh cao-su.

8. Phải quan tâm tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, cán bộ về ăn, mặc, ở, học hành, bảo hộ lao động, y tế, đi lại... Chú ý giải quyết tốt việc phòng trừ bệnh sốt rét và dịch hạch.

Phải tổ chức áp dụng rộng rãi chính sách khoán trong các xí nghiệp công nghiệp, nông trường, cơ sở dịch vụ... đến phân xưởng, đội, tổ và người lao động. Giúp đỡ cho cán bộ, công nhân phát triển kinh tế gia đình để cải thiện đời sống.

Tổng cục Cao-su cùng Bộ Lao động và Bộ Tài chính nghiên cứu các chế độ lương bậc, phụ cấp và các chế độ ưu tiên cần thiết khác, đặc biệt là ở những vùng khí hậu khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt có nhiều khó khăn trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

9. Về chính sách kinh tế.

Ngoài nguồn vốn đầu tư thực hiện dưới hình thức hợp tác kinh tế của các nước như trên đã nói, để tăng cường khả năng đầu tư ở trong nước, Nhà nước bổ sung một số chính sách sau đây: ngành cao su được phép sử dụng toàn bộ quỹ phát triển sản xuất (đã trừ các khoản trích theo chế độ), toàn bộ quỹ khấu hao cơ bản, lãi từ sản xuất phụ, sản phẩm trồng xen trên diện tích trồng cao su, kể cả sản phẩm trồng xen xuất khẩu. Cho ngành dược sử dụng một phần lợi nhuận xuất khẩu và vật tư để phát triển sản xuất theo Nghị quyết về đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu số 177-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 15-6-1985.

Các địa phương có nhiều diện tích cao-su, ngoài quyền lợi về lợi nhuận của các xí nghiệp trích nộp như chính sách đã ban hành cho ngân sách địa phương còn được ưu tiên cung cấp nguyên liệu cao-su cho sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp địa phương.

10. Mở rộng hình thức hợp tác phát triển sản xuất cao-su với các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là với Liên Xô theo phương thức các nước anh em cho vay vốn bằng vật tư, thiết bị, một phần hàng hoá thiết yếu và trả nợ bằng cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su.

Đồng thời, tăng cường hợp tác giúp đỡ Cam-pu-chia khôi phục, phát triển sản xuất cao su.

Nghiên cứu hình thức mở rộng việc hợp tác với các nước khác, trước hết là các nước dân tộc chủ nghĩa, để khai thác giống mới và vốn đầu tư phát triển công nghiệp chế biến.

11. Tổng cục Cao su là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước, có trách nhiệm quản lý tổ chức sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước. Tổng cục cần củng cố tổ chức, tăng cường cán bộ có chất lượng và cải tiến lề lối làm việc để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành với chương trình to lớn nói trên. Phải củng cố các Công ty, xí nghiệp, nông trường, nâng cao tinh thần chủ động trong sản xuất và có ý thức trách nhiệm tài chính, nhằm sản xuất, kinh doanh có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt chú ý tăng cường công tác nghiên cứu kinh tế kỹ thuật để phục vụ tốt sự nghiệp phát triển sản xuất.

Tổng cục Cao-su, chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan đề ra những văn bản hướng dẫn cần thiết và tổ chức thực hiện tốt nội dung Nghị quyết này.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Mười

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.