• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2023
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 149/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 10 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành

 vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước

__________________

 

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 37 Luật xử lý vi phạm hành chính và điểm đ, khoản 5, Điều 4 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây viết tắt là Nghị định số 185/2013/NĐ-CP); hướng dẫn việc xử lý số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước (NSNN).

2. Việc xác định số lợi bất hợp pháp đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

3. Việc xác định số lợi bất hợp pháp đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá thực hiện theo quy định tại Thông tư 31/2014/TT-BTC ngày 07/3/2014 của Bộ Tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định tại Điều 37 Luật xử lý vi phạm hành chính và điểm đ, khoản 5, Điều 4 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính

1. Việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện và ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo từng lần.

Điều 4. Số lợi bất hợp pháp

Số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 37 Luật xử lý vi phạm hành chính và điểm đ, khoản 5, Điều 4 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP là khoản lợi ích mà tổ chức, cá nhân thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, gồm:

1. Tiền.

2. Giấy tờ có giá.

3. Tài sản và vật có giá.

Điều 5. Xác định số lợi bất hợp pháp là tiền

1. Số lợi bất hợp pháp thu được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm hành chính.

2. Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định nhân (x) với đơn giá. Cụ thể:

a) Số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ đã thực hiện được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền xử phạt;

b) Đơn giá được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự;

Trường hợp không xác định được số lượng, khối lượng, đơn giá, số lợi bất hợp pháp thu được là số tiền tổ chức, cá nhân thu được.

3. Trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định hàng hóa là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả hoặc cung cấp dịch vụ kinh doanh có điều kiện: số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định nhân (x) với đơn giá.

4. Ngoài hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 3 Điều này, trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định hàng hóa hoặc dịch vụ khác: số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định nhân (x) với đơn giá trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó).

Điều 6. Xác định số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá

1. Số lợi bất hợp pháp thu được bằng giấy tờ có giá là toàn bộ giấy tờ có giá mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi vi phạm hành chính.

2. Giấy tờ có giá quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Trái phiếu

b) Hối phiếu

c) Tín phiếu

d) Kỳ phiếu

đ) Séc

e) Công trái

g) Các loại chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán.

h) Các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của Luật chuyên ngành.

3. Số lợi bất hợp pháp được xác định bằng tổng giá trị theo mệnh giá của từng loại giấy tờ có giá cùng mệnh giá, theo công thức sau:

Tổng giá trị = giá trị theo mệnh giá1 x số lượng1 + giá trị theo mệnh giá2 x số lượng2 + … + giá trị theo mệnh gián x số lượngn

Trong đó:

a) Số lượng1 là số lượng của giấy tờ có giá cùng mệnh giá nhóm thứ nhất;

b) Số lượng2 là số lượng của giấy tờ có giá cùng mệnh giá nhóm thứ hai;

c) Số lượngn là số lượng của giấy tờ có giá cùng mệnh giá nhóm thứ n.

4. Trường hợp giấy tờ có giá đã được chuyển nhượng, số lợi bất hợp pháp được xác định bằng tiền thực tế thu được tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp giấy tờ có giá đã tiêu hủy, số lợi bất hợp pháp được xác định theo giá trị sổ sách của tổ chức phát hành giấy tờ có giá tại thời điểm tiêu hủy.

Điều 7. Xác định số lợi bất hợp pháp là tài sản, vật có giá

1. Số lợi bất hợp pháp bằng tài sản hoặc vật có giá là tài sản hoặc vật có giá mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi vi phạm hành chính.

2. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tại Điều 163, Điều 174, Điều 175 và Điều 181 Bộ Luật dân sự.

3. Vật có giá quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tại Điều 176, Điều 177, Điều 178, Điều 179, Điều 180 Bộ Luật dân sự.

4. Trường hợp tài sản hoặc vật có giá không phải hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đã được chuyển nhượng, tiêu thụ hoặc tiêu hủy trước thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định xử lý, số lợi bất hợp pháp được xác định bằng tiền tương đương giá trị thị trường của tài sản, vật có giá cùng loại hoặc xác định theo giá trị sổ sách của tài sản, vật có giá (nếu không có giá trị thị trường) hoặc xác định bằng giá trị tiền của tài sản, vật có giá ghi trên tờ khai xuất khẩu, tờ khai nhập khẩu (nếu là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) của tổ chức, cá nhân vi phạm sau khi trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp tài sản hoặc vật có giá là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đã được chuyển nhượng hoặc tiêu thụ trước thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định xử lý, số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng số tiền mà tổ chức, cá nhân nhận được khi thực hiện chuyển nhượng.

Điều 8. Xử lý số lợi bất hợp pháp trong trường hợp sung vào NSNN

Việc xử lý số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là tiền, giấy tờ có giá, tài sản và vật có giá tại Thông tư này để sung vào ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2014. Trường hợp có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả từ ngày Thông tư này có hiệu lực, việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu thực hiện tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì việc dẫn chiếu thực hiện theo các văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.