• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2010
HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN
Số: 18/2010/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 20 tháng 7 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

Về việc Thông qua Quy hoạch phát triển Điện lưc tỉnh Thái Nguyên

giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020

__________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Điện lực năm 2004;

Xét Tờ trình số: 26/TTr-UBND ngày 26/6/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020 (Có tóm tắt Quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020; triển khai tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XI, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2010./.

 

CHỦ TỊCH
(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Vượng

 

 

TÓM TẮT

 

Đề án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên

giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 18/2010/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2010

của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên, khóa XI)

_____________________

CƠ SỞ PHÁP LÝ CHỦ YẾU ĐỂ LẬP QUY HOẠCH

- Luật Điện lực năm 2004;

- Nghị định số: 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;

- Quyết định số: 58/2007/QĐ-TTg ngày 04/5/2007 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.

- Tổng sơ đồ phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2006-2015 có xét triển vọng đến 2025 (Tổng sơ đồ VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2006;

- Nghị quyết số: 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ;

- Văn bản số 1854/TTg-KTN ngày 08/10/2009 của Thủ Tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

- Quyết định số: 42/2005/QĐ-BCN ngày 30/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực;

- Quyết định số: 341/QĐ-UBND ngày 11/02/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và các quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh có liên quan.

I. TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.1. Tên đề án: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020.

1.2. Địa điểm thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

1.3. Sự cần thiết lập quy hoạch

1.3.1. Khối lượng đầu tư

Khối lượng xây dựng đã thực hiện cơ bản đúng kế hoạch đề ra trong đề án quy hoạch giai đoạn 2006 - 2010.

- Đường dây 220KV:

+ Xây dựng mới đường dây 220KV Tuyên Quang-Thái Nguyên; Đường dây 220 KV Hà Giang - Thái Nguyên.

+ Cải tạo đường dây 220KV Sóc Sơn-Thái Nguyên.

- Đường dây 110kV:

+ Xây dựng mới đường dây mạch kép đi trạm XM Thái Nguyên; Đường dây 110KV cấp điện cho trạm 110KV Gang Thép (từ lộ 171&172-E6.2).

+ Cải tạo, nâng tiết diện lên AC400 đường dây mạch kép Thái Nguyên-Sóc Sơn.

(Lưới điện 220KV và 110KV đã tăng thêm 76km đường dây 220kV; 60 km đường dây 110kV).

- Trạm biến áp 110KV:

+ Xây dựng mới trạm biến áp 110KV Phú Lương; trạm biến áp 110kV Sông Công; Trạm 110kv Xi măng Thái Nguyên; Trạm Gang Thép (quy mô công suất thay đổi thành 2x63MVA; dự kiến trong đề án quy hoạch là 2x50MVA). Nâng công suất trạm Đán lên (40+25) MVA;

+ Bổ sung mới thêm trạm 110kV Xi măng Quán Triều (1x20MVA) (Đang lập dự án đầu tư).

+ Trạm 110KV Đại Từ do Dự án Núi Pháo đang chuẩn bị triển khai nên vào chậm so với đề án quy hoạch giai đoạn 2006-2010.

- Lưới trung thế 35, 22 KV:

+ Xây dựng được thêm 311,8 km.

+ Lưới điện 10KV và 6KV đang cải tạo và chuyển đổi thành lưới điện 22KV (hoàn thành vào cuối năm 2010).

(Trung bình mỗi năm lưới điện của tỉnh Thái Nguyên tăng thêm 129,2km đường dây trung thế)

- Trạm biến áp tiêu thụ: Tổng số trạm biến áp tiêu thụ tăng thêm 288 trạm/ 71.303KVA.

- Lưới điện hạ thế: Khối lượng đường dây hạ thế tăng khoảng 2.767 km.

1.3.2. Về phụ tải điện

- Điện thương phẩm: Năm 2009 đạt 1.119,6 triệu kWh, Pmax đạt 215MW, trong đó điện công nghiệp - xây dựng chiếm 70%; Năm 2010, dự ước đạt 1.299 triệu KWh, Pmax 245 MW, trong đó điện công nghiệp - xây dựng chiếm 80%; . Tăng trưởng bình quân điện thương phẩm giai đoạn 2006-2010 ước đạt 9,9%, thấp hơn so với trong quy hoạch (dự báo tăng trưởng điện thương phẩm 13,3%/năm).

- Nhu cầu điện đến năm 2010 thấp hơn mức dự báo trong quy hoạch giai đoạn 2006-2010 khoảng 200 triệu KWh, do một số nguyên nhân sau:

+ Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp và xây dựng làm giảm sản lượng điện tiêu thụ. Đặc biệt là Công ty Gang thép Thái Nguyên (chiếm trên 30% sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh) do tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn nên sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất thép nên kế hoạch mở rộng của Công ty chậm hơn so với dự kiến, chuyển sang giai đoạn 2009-2011.

+ Khai thác khoáng sản Núi Pháo hiện nay cũng bị chậm lại do chưa có nhà đầu tư.

+ Các thành phần tiêu thụ điện khác: Quản lý tiêu dùng dân cư, thương mại-dịch vụ, khác & nông nghiệp tăng trưởng theo đúng như đã dự báo trong đề án quy hoạch.

- Hiện tại, điện thương phẩm bình quân trên đầu người của tỉnh Thái Nguyên đạt 1110kWh/người/năm, gấp khoảng 1,1 lần so với bình quân chung toàn quốc.

1.3.3. Hiện trạng nguồn, lưới điện

a) Về nguồn điện:

Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên được cấp từ hai nguồn: Nguồn điện mua từ Trung Quốc và nguồn điện Việt Nam. Cũng do tình hình thiếu điện chung của cả nước, tỉnh Thái Nguyên là nơi điều chỉnh tải giữa 2 nguồn điện mua từ Trung Quốc và nguồn điện Việt Nam.

- Nguồn điện Việt Nam cấp cho tỉnh Thái Nguyên từ các nguồn:

+ Thủy điện Thác Bà (công suất 3 x 36MW) qua đường dây 110KV Thác Bà - Tuyên Quang - Thái Nguyên;

+ Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn (công suất 2 x 57,5MW);

+ Nhà máy Thủy điện Hồ Núi Cốc (công suất 3 x 630KW), vận hành năm 2008; Trạm 220KV Sóc Sơn qua đường dây 110KV Sóc Sơn - Gò Đầm.

- Nguồn điện mua Trung Quốc: công suất mua tối đa 200MW, trong vòng 10 năm (đến 2017) truyền tải qua các đường dây 220kV: sử dụng một mạch đường dây mạch kép dài 205 km, dây dẫn AC400 và AC2 x 330 Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên và sử dụng một mạch đường dây mạch kép Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên dài 130km dây phân pha AC 2x330mm2. Các đường dây này đấu nối về trạm biến áp 220kV Thái Nguyên. Hiện tại phần lớn phụ tải của tỉnh Thái Nguyên được cấp điện từ nguồn điện mua từ Trung Quốc, phần phụ tải Thái Nguyên còn lại được cấp điện từ nguồn điện Việt Nam. Điện năng mua từ Trung Quốc được cấp cho hầu hết các trạm 110kV Thái Nguyên (trừ trạm 110kV Gia Sàng) và cấp ngược lên phía bắc cho trạm Phú Lương và tỉnh Bắc Kạn.

- Trạm 220KV: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 1 trạm biến áp 220/110/22kV Thái Nguyên gồm 2 máy biến áp 2 x 250MVA. Hiện tại phần điện của trạm bị tách làm 2 phía: phía hòa vào hệ thống điện Việt Nam và phía nhận điện mua của Trung Quốc; 01 MBA mua điện từ Trung Quốc và 01 MBA hòa lưới điện Việt Nam. Các nhà máy điện: Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Cao Ngạn đấu vào thanh cái 110kV của MBA thuộc phía Việt Nam. Trạm 220kV Thái Nguyên còn có 2 MBA 110/35/22kV - 2 x 63MVA.

b) Về lưới điện

- Lưới điện 220KV:

Tỉnh Thái Nguyên liên kết với hệ thống điện quốc gia qua 4 hướng tuyến/7 đường dây 220KV, xuất tuyến từ trạm 220KV Thái Nguyên:

+ Thái Nguyên - Sóc Sơn, dây phân pha AC 2 x 330;

+ Thái Nguyên - Bắc Giang, dây mạch đơn AC 400;

+ Thái Nguyên - Sóc Sơn - Tuyên Quang, dây phân pha AC 2 x 330;

+ Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang, mạch kép, dây phân pha AC 2x330. Tổng chiều dài là 155Km.

Các đường dây 220KV truyền tải công suất mua điện từ Trung Quốc và của các nhà máy thủy điện về lưới điện Việt Nam.

- Lưới điện 110KV: Tổng chiều dài là 210Km.

Từ thanh cái 110KV của trạm 220 Thái Nguyên có 6 xuất tuyến 110KV gồm:

+ Lộ 171 và 172: Thái Nguyên - Sóc Sơn, dây dẫn AC 400, chiều dài tuyến 39,2Km. Hai lộ này cấp điện cho trạm 110KV Đán (E6.4); trạm 110 Gia Sàng (E6.1); trạm 110 Lưu Xá (E6.5); trạm 110KV Gò Đầm (E6.3) và trạm 110KV (E6.7).

+ Lộ 173: Thái Nguyên - Tuyên Quang, mạch đơn, dây dẫn AC 185, chiều dài tuyến 90Km;

+ Lộ 174: Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, dây dẫn AC 185, chiều dài tuyến 166,6Km; từ nguồn điện mua của Trung Quốc cấp cho trạm 110KV Phú Lương và trạm 110KV Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn);

+ Lộ 177 và 178: Thái Nguyên - Quang Sơn, mạch kép, dây dẫn AC 185, chiều dài tuyến 17Km; từ nguồn điện mua của Trung Quốc cấp cho trạm 110KV xi măng Thái Nguyên (Quang Sơn);

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên còn được cấp điện từ trạm 220 Sóc Sơn qua đường dây 110KV Sóc Sơn - Gò Đầm, dây dẫn AC 185, chiều dài tuyến 24,7 Km.

- Trạm 110KV: Thái Nguyên hiện có 08 trạm 110KV tổng công suất 448,5 MVA, gồm

+ Trạm 110KV Đán (E6.4), quy mô công suất (40+25) MVA110/22KV; nhận điện từ trạm 220KV Thái Nguyên qua 2 đường dây 110KV - lộ 171 và 172 (chủ yếu từ lộ 171). Trạm 110KV Đán là nguồn chính cấp điện cho khu vực phía Bắc thành phố Thái Nguyên, thông qua các đường dây 22 kV. Pmax trạm hiện tại là 31,5 MW.

+ Trạm 110KV Lưu Xá (E6.5), quy mô công suất (1 x 40MVA -110/35/22KV; nhận điện từ trạm 220KV qua 2 đường dây 110KV - lộ 171 và 172. Hiện tại trạm chủ yếu cấp điện cho sản xuất của Công ty Gang thép Thái Nguyên; ngoài ra còn cấp điện cho một số phụ tải thuộc phía Nam thành phố Thái Nguyên và khu Công nghiệp Sông Công qua các đường dây 35, 22kV. Hiện tại trạm đã đầy tải.

+ Trạm 110 Gò Đầm (E6.3), quy mô công suất 1 x 25MVA - 110/22/6KV và 1 x 63MVA - 110/35/22KV và 10,5MVA - 35/6KV; nhận điện từ 2 nguồn: từ trạm 220KV Thái Nguyên qua tuyến dây 110KV-lộ 171 và từ trạm 220KV Sóc Sơn qua tuyến dây 110 KV - lộ 172. Hiện tại trạm là nguồn chính cấp cho thị xã Sông Công, KCN Sông Công, một phần huyện Phổ Yên và Phú Bình qua các đường dây 35, 22, 6KV; Pmax hiện tại của trạm là 52 MW.

+ Trạm 110KV Gia Sàng (E6.1), quy mô công suất (50+20)MVA-110/35/6KV; nhận điện từ 2 đường dây 110KV, lộ 171 và 172 (chủ yếu cấp từ lộ 172). Máy biến áp 50MVA cấp điện cho Công ty Gang thép Thái Nguyên qua lộ 304; Máy 20MVA cấp điện cho Công ty CP thép Gia Sàng. Pmax cuả trạm hiện tại là 52 MW

+ Trạm 110KV Phú Lương (E6.6), quy mô công suất 1 x 25MVA-110/35/22KV; nhận điện từ đường dây 110KV Thái Nguyên - Bắc Kạn (lộ 174); cấp điện cho các huyện Phú Lương, Định Hóa. Pmax của trạm hiện tại là 16 MW.

+ Trạm 110 KV Sông Công (E6.7), quy mô công suất 1 x 40MVA -110/35/22KV; nhận điện từ 2 đường dây 110KV, lộ 171 và 172; cấp điện cho huyện Phổ Yên và huyện Phú Bình. Pmax cuả trạm hiện tại là 17 MW.

+ Trạm 110KV XM Thái Nguyên (E6.8), quy mô công suất 2 x 25MVA - 110/35/6KV; nhận điện từ 2 đường dây 110KV lộ 177 và 178; chủ yếu cấp điện cho nhà máy xi măng Thái Nguyên, xi măng La Hiên và một số phụ tải các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai.

+ Trạm 110 Gang Thép (E6.9), quy mô 2 x 63MVA - 110/35/6KV.

- Trong số 8 trạm 110KV có 6 trạm được cấp nguồn từ đường dây 171 và 172 mua điện Trung Quốc và một đường cấp điện nguồn Việt Nam, (trong đó lộ 171 cấp điện mua từ Trung Quốc). Hiện tại chỉ có trạm 110KV Gia Sàng nhận điện Việt Nam; các trạm 110 KV còn lại đều nhận điện Trung Quốc.

- Lưới trung áp:

Lưới trung áp gồm 4 cấp điện áp 35, 22, 10, 6 KV tổng chiều dài gần 1.879km.

+ Lưới 35KV chiếm tỷ trọng lớn nhất (48,8% lưới điện trung áp); Lưới 35KV vừa là lưới truyền tải cấp điện cho các trạm trung gian, vừa là lưới phân phối cấp trực tiếp cho các trạm biến áp tiêu thụ, các trạm chuyên dùng.

+ Lưới 22KV chiếm tỷ lệ 28,8%, chủ yếu phát triển ở khu vực thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, huyện Định Hóa.

+ Lưới 10, 6KV sau các trạm trung gian 35KV, kết cấu hình tia, thiếu khả năng hỗ trợ nguồn. Ngành điện đang nỗ lực cải tạo, loại bỏ lưới 10, 6KV.

- Trạm biến áp trung gian 35/10 và 35/6KV: Toàn tỉnh hiện có 16 trạm/30 máy với tổng dung lượng 132.400KVA, với các máy biến áp có dung lượng 1000, 1.800, 2.500, 3.200, 5.600 và 7.500 KVA.

+ Trạm biến áp phân phối 35, 22, 10 và 6 KV: Tỉnh Thái Nguyên hiện có 1.346 trạm, 1.377 máy biến áp với tổng dung lượng 446.776 KVA; công suất trung bình 330KVA/trạm.

(Trong tổng số trạm phân phối, số trạm đã có cấp điện áp 22KV chiếm 52,7% về dung lượng, cấp điện áp 35KV chiếm 30,3%, cấp điện áp 10; 6KV là 16,9%)

c) Khả năng liên kết lưới điện tỉnh Thái Nguyên với lưới điện khu vực trong hệ thống điện quốc gia:

Tỉnh Thái Nguyên hiện được liên kết với hệ thống điện quốc gia qua 4 tuyến/7 đường dây 220KV: trong đó 3 tuyến tải điện từ nguồn điện Việt Nam (Sóc Sơn - Thái Nguyên, Tuyên Quang - Thái Nguyên và Thái Nguyên - Bắc Giang) và 2 mạch tải điện Trung Quốc: Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên và Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên. Trong trường hợp một trong các đường dây này bị sự cố, trạm 220KV Thái Nguyên sẽ được cấp điện từ đường dây kia nên độ an toàn cung cấp điện cao.

* Lưới cao thế 110 KV: Đồng bộ với việc mua điện Trung Quốc, 2 tuyến đường dây 110kV Sóc Sơn - Thái Nguyên cấp điện cho phần lớn các trạm 110kV của Thái Nguyên cũng được cải tạo thành đường dây mạch kép, tiết diện AC400 (lộ 171 và 172). Tuy nhiên do tình trạng thiếu nguồn chung của cả nước nên Thái Nguyên là nơi điều chỉnh tải nhận nguồn điện từ Trung Quốc. Hiện tại toàn bộ các trạm biến áp 110kV đấu vào 2 đường dây 110KV-171 và 172 (trừ trạm 110kV Gia Sàng) đều được cấp từ điện Trung Quốc, dẫn đến tình trạng quá tải càng nặng nề. Vì vậy, cần tính toán các phương án kết cấu lưới hợp lý, giảm tải cho các đường dây 110KV - lộ 171 và 172.

+ Từ thanh cái 110kV của trạm 220kV Thái Nguyên còn có 2 xuất tuyến 110 khu vực cấp điện cho các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng và nhận điện từ Tuyên Quang. Do vậy lưới 110 kV của tỉnh Thái Nguyên có liên kết mạnh với các tỉnh khác và hỗ trợ cấp điện cho nhau ở chế độ vận hành bình thường cũng như khi sự cố và làm tăng độ tin cậy của lưới 110kV khu vực. Tuy nhiên, đường dây 110kV Tuyên Quang - Thái Nguyên tải điện từ Thác Bà về hiện bị quá tải, cần sớm cải tạo nâng tiết diện dây.

1.3.4. Nhận xét chung

Giai đoạn 2006-2010, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xây dựng được thêm 2 trạm 110kV, và năm 2010 dự kiến thêm 03 trạm 110KV; các tuyến đường dây 110kV hầu hết xây dựng theo đúng quy hoạch.

+ Một số trạm 110kV do mức độ tăng trưởng phụ tải chậm lại nên tiến độ vào chậm hơn so với dự kiến (trạm 110KV Đại Từ).

+ Điện năng thương phẩm tăng chậm hơn tốc độ dự báo do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, một số phụ tải lớn đã được dự kiến không vào đúng tiến độ.

1.3.5. Sự cần thiết lập quy hoạch

Trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những bước phát triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; làm thay đổi cơ bản đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo ra động lực phát triển cho toàn tỉnh. Kinh tế liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện cho Thái Nguyên phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp luyện kim, khai thác khoáng sản, cơ khí và sản xuất vật liệu xây dựng, tạo tiền đề cho các ngành khác phát triển.

Việc lập Đề án "Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020" có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội cũng như về mặt an ninh chính trị. Đề án đã dự báo nhu cầu cung cấp điện thương phẩm đến 2020 trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của phương án tăng trưởng cao về kinh tế. Đề án đã đưa ra sơ đồ hiện trạng cũng như sự phát triển của các nguồn điện hiện có và dự kiến trong giai đoạn quy hoạch (bao gồm cả các nguồn điện cấp chung cho các tỉnh lân cận). Làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển lưới điện của tỉnh.

Để đáp ứng được sự phát triển phụ tải của tỉnh trong tương lai khi một số cơ sở công nghiệp lớn như Công ty gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II; Khu Công nghiệp Sông Công mở rộng giai đoạn II; Khai thác Vonfram và đa kim Núi Pháo; Khu công nghiệp chế xuất, đô thị và dịch vụ Yên Bình; Khu Công nghiệp Tây Phổ Yên; Khu Công nghiệp Nam Phổ Yên; Khu Công nghiệp Điềm Thụy…đi vào hoạt động thì việc tăng cường các nguồn 220KV, 110KV mới và phát triển lưới điện cao thế, trung thế theo quy hoạch đề ra là đòi hỏi cấn thiết.

1.4. Quan điểm phát triển điện lực

- Phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh trong điều kiện hội phập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân; Đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi.

- Bảo đảm chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt coi trọng tiết kiệm điện năng từ khâu truyền tải, phân phối và sử dụng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng nguồn phát điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt đối với vùng sâu vùng xa.

- Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào phát triển lưới điện giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Tiến hành tính toán, dự báo nhu cầu điện trong từng giai đoạn, thiết kế sơ đồ cải tạo và phát triển nguồn và lưới điện của tỉnh đến giai đoạn quy hoạch, đưa ra các giải pháp phát triển ngắn hạn và dài hạn bao gồm:

+ Các trung tâm cấp nguồn gồm các trạm 220-110KV tại các khu vực trong tỉnh phù hợp với từng vùng phụ tải;

+ Hệ thống lưới điện trung thế tại các khu vực bao gồm xây dựng mới và cải tạo để giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện;

+ Đưa ra khối lượng xây dựng mới và cải tạo lưới điện, vốn đầu tư xây dựng trong từng giai đoạn;

+ Phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án, đưa ra kiến nghị và giải pháp thực hiện.

1.5. Mục tiêu phát triển điện lực

1.5.1. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

a) Tăng trưởng kinh tế

Kinh tế tỉnh Thái Nguyên thời gian vừa qua có bước phát triển đáng kể. Theo giá cố định 1994, tổng sản phẩm trong nước GDP của Thái Nguyên năm 2009 là 5.737,2 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2001-2009 của tỉnh Thái Nguyên là 10,06%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 9,13%/năm và giai đoạn 2006 - 2009 là 11,04%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước cùng kỳ (7,75%/năm). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2009: công nghiệp - xây dựng tăng 15,14%; dịch vụ - thương mại là 11,7%; nông - lâm - thủy sản là 4,0%.

Năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP toàn tỉnh là 9,1%/năm, trong đó ngành Công nghiệp - xây dựng tăng 11,69%/năm, Dịch vụ - thương mại là 10,06%/năm và Nông - lâm - thủy sản là 3,08%/năm.

b) Tình hình hoạt động của các Khu, cụm công nghiệp

- Các khu công nghiệp: Ngoài khu công nghiệp Sông Công, Chính phủ cho phép xây dựng đến năm 2020 các Khu công nghiệp: Quyết Thắng, Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên và Khu công nghiệp Điềm Thuỵ. Ngoài ra tỉnh cũng đang lập quy hoạch Tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị Yên Bình ở huyện Phổ Yên - Phú Bình có quy mô khoảng 2350 ha.

+ Hiện tại Khu công nghiệp SôngCông đã thu hút được 34 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký quy đổi ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó số vốn thực hiện quy đổi ước đạt 1.300 tỷ đồng. Trong tổng số 34 dự án có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn lại là dự án vốn trong nước.

+ Khu công nghiệp Nam Phổ Yên  thu hút 2 dự án đầu tư sản xuất phụ tùng ô tô của công ty TNHH Xuân Kiên (VINASUKI) có tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.200 tỷ đồng.

- Các Cụm công nghiệp: Để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt quy hoạch phát triển 22 cụm công nghiệp và các điểm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã với tổng diện tích 1.206,13 ha.

+ Có 15 Cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chi tiết với tổng diện tích 562 ha; 01 cụm công nghiệp đang lập quy hoạch chi tiết và 01 cụm công nghiệp đang tiến hành lập hồ sơ xin thành lập theo quy định của Nhà nước.

+ Đến nay, các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu hút 37 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký quy đổi khoảng 5.171,9 tỷ đồng (03 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), có 21 dự án đã đầu tư xây dựng. Riêng Cụm công nghiệp An Khánh số 1 huyện Đại Từ và cụm công nghiệp Nam Hòa huyện Đồng Hỷ tuy mới được thành lập nhưng đã được đăng ký lấp đầy 100% do thu hút được một số dự án lớn (NĐ An Khánh, công suất 100MW, tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, hiện đang GPMB)

+ Đã có 14 cụm công nghiệp được các nhà đầu tư đăng ký xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng vốn đăng ký 1.001,621 tỷ đồng, trong đó cụm công nghiệp Động Đạt - Đu đã khởi công xây dựng .

1.5.2. Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2020

a) Định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên đến 2020

- Xây dựng Thái Nguyên trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục của Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội.

- Phấn đấu đến trước năm 2020, Thái Nguyên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với GDP bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước và tăng gấp 4 lần so với năm 2010, thu ngân sách đủ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.

- Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư tập trung theo hướng hiện đại.

- Phát triển kinh tế kết hợp với công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.

b) Mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

* Mục tiêu: Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và chủ động hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Phát triển nông nghiệp, nông thôn mới toàn diện, hiện đại và bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là với đồng bào thiểu số, miền núi, vùng sâu, xa.

* Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP): Giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt mức 12-13%/năm, trong đó: Công nghiệp-xây dựng tăng 16,5%; dịch vụ tăng 13,5%; Nông, lâm nghiệp tăng 4,5%. Giai đoạn 2016-2010: GDP tăng bình quân 11-12%/năm.

- Cơ cấu kinh tế: Đến năm 2015, Công nghiệp-xây dựng 46,5%; Dịch vụ 38,5%; Nông, lâm nghiệp 15%;

- Giá trị SXCN tăng bình quân 20% trở lên; Giá trị xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 20%; Giá trị SXNN tăng bình quân hàng năm 6% trở lên.

1.5.3. Mục tiêu phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020

- Đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2015 sản lượng điện thương phẩm đạt 2.360 triệu kWh; Năm 2020 đạt 3.867 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2010-2015 là 13,2%; Giai đoạn 2015-2020 là 10,4%.

- Đẩy nhanh chương trình đưa điện về nông thôn phấn đấu đến trước năm 2015 đạt 100% số hộ nông thôn có điện.

1.6. Dự báo nhu cầu điện

1.6.1. Phương pháp dự báo

Nhu cầu điện của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn quy hoạch được dự báo theo 2 phương pháp:

+ Phương pháp tính trực tiếp được sử dụng cho giai đoạn 2010-2015, 2016-2020.

+ Phương pháp hệ số đàn hồi được dùng để kiểm chứng lại kết quả của phương pháp trực tiếp trong giai đoạn 2010-2015 và dự báo nhu cầu điện của tỉnh trong giai đoạn từ 2016-2020.

Đối với giai đoạn 2010-2015, 2016-2020 đề án tính toán dự báo nhu cầu phụ tải theo 2 phương án: Phương án cao, phương án cơ sở tương ứng với 2 phương án phát triển kinh tế xã hội trong đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020"

1.6.2. Phân vùng phụ tải

+ Căn cứ vào đặc điểm địa hình tự nhiên, phân vùng phát triển kinh tế hiện tại và dự kiến phát triển trong tương lai.

+ Căn cứ vào khả năng cấp điện của các trung tâm nguồn trạm 110kV hiện tại và phương thức vận hành lưới điện cũng như dự kiến xây dựng các nguồn trạm mới trong giai đoạn đến 2010-2015 và có xét đến 2020.

- Vùng phụ tải I: phía bắc tỉnh Thái Nguyên, bao gồm huyện Phú Lương, huyện Định Hóa và huyện Đại Từ. Đây là vùng phát triển công nghiệp khai khoáng và dịch vụ du lịch có khu du lịch Hồ Núi Cốc.

- Vùng phụ tải II: Vùng phụ tải thành phố Thái Nguyên. Đây là vùng trung tâm và là vùng phát triển công nghiệp lớn nhất tỉnh: phát triển công nghiệp luyện kim, khai khoáng, và các ngành công nghiệp nhẹ khác (gồm Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP thép Gia Sàng, NM giấy Hoàng Văn Thụ, XN ván dăm). Trong tương lai vùng này sẽ có thêm Khu công nghiệp Quyết Thắng và rất nhiều các cụm công nghiệp khác như: Cao Ngạn, Tân Lập, Tân Long, Nam Hòa.

- Vùng phụ tải III: gồm các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai. Đây là vùng phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tại vùng phụ tải ngoài 2 nhà máy sản xuất Xi măng lớn là Xi măng Thái Nguyên và Xi măng La Hiên, còn có các nhà máy Xi măng khác như Xi măng Núi Voi, Xi măng Cao Ngạn

- Vùng phụ tải IV: phía nam tỉnh Thái Nguyên, dọc theo quốc lộ số 3 đoạn từ Hà Nội đi Thái Nguyên, bao gồm thị xã Sông Công, huyện Phổ Yên và huyện Phú Bình. Đây là vùng công nghiệp phát triển nhanh. Hiện tại tại vùng phụ tải này có Khu công nghiệp Sông Công đang hoạt động, là Khu công nghiệp lớn nhất tỉnh. Trong những năm tới sẽ xuất hiện một loại các Khu công nghiệp mới như: Khu công nghiệp Tây Phổ Yên, Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, Khu công nghiệp Điềm Thụy và hàng loạt các cụm công nghiệp nhỏ chạy dọc theo đường quốc lộ thuộc huyện Phổ Yên. Đặc biệt tỉnh đang lập quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp chế xuất, đô thị và dịch vụ Yên Bình có quy mô lớn nhất cả nước tại vùng này.

1.6.3. Nhu cầu phụ tải toàn tỉnh Thái Nguyên

TT

Hạng mục

Đơn vị

2010

2015

2020

 

Pmax toàn tỉnh

MW

245

440

715

1

Nhu cầu phụ tải vùng 1

MW

34

79

128

2

Nhu cầu phụ tải vùng 2

MW

146

26,6

296,5

3

Nhu cầu phụ tải vùng 3

MW

42

64

89

4

Nhu cầu phụ tải vùng 4

MW

72

120

225

-  Điện thương phẩm bình quân đầu người: Năm 2010 đạt 1.110kWh/ người/năm; năm 2015 đạt 1.915kWh/ người/năm; năm 2020 đạt 2.980kWh/ người/năm.

1.7. Sơ đồ phát triển điện lực

1.7.1. Đề xuất các phương án phát triển điện lực

a) Phương án 1 (tương ứng với phụ tải được dự báo ở phương án cao): Là phương án đáp ứng tối đa cho các nhu cầu phụ tải phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các phụ tải công nghiệp lớn, các Khu công nghiệp: Sông Công, Quyết Thắng, Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên, Điềm Thụy, Khu công nghiệp đô thị Yên Bình ..., các cụm công nghiệp được xây dựng mới hoặc mở rộng theo đúng tiến độ và quy mô dự kiến... Đây là phương án sẽ có thể xảy ra khi có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội và nguồn vốn đầu tư không bị hạn chế.

b) Phương án 2 (tương ứng với phụ tải được dự báo theo phương án cơ sở): Là phương án đáp ứng tối đa cho các khu vực dân cư, khu vực công nghiệp có tính khả thi cao, các đề án đã được Nhà nước hoặc UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt và bảo lãnh tài chính. So với phương án 1, phương án 2 bên cạnh việc đáp ứng tối đa cho các khu vực dân cư và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tính khả thi cao, các đề án đã được nhà nước phê duyệt và bảo lãnh về mặt tài chính còn xét các tác động không thuận lợi mang tính khách quan dẫn đến nhu cầu phụ tải của các Khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và một số công trình khác thấp hơn phương án 1.

c) Nhận xét và chọn phương án: Trong những năm tới, tỉnh Thái Nguyên với chủ trương đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện, nâng cao nhịp độ và chất lượng tăng trưởng, phấn đấu chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2020 GDP trên đầu người cao hơn mức bình quân của toàn quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đề ra. Phương án 2 so với phương án 1 khác nhau chủ yếu ở các phụ tải lớn: phụ tải các Khu Công nghiệp. Chênh lệch giữa 2 phương án phụ tải cao và cơ sở là 25 MW năm 2015 và 70 MW năm 2020. Trạm 110kV cấp cho các phụ tải này là trạm Gò Đầm, Sông Công và trạm xây dựng mới Phú Bình. Nếu theo phương án phụ tải cơ sở thì các trạm này vận hành hơi non tải, còn theo phương án phụ tải cao thì đầy tải hơn. Như vậy phương án 2 vẫn đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh của phụ tải toàn tỉnh theo dự báo và có độ dự phòng cũng như có khả năng đáp ứng nhanh những đột biến trong trường hợp nền kinh tế của tỉnh phát triển vượt các chỉ tiêu đề ra theo phương án cao.

Với những nhận xét trên, đề án lựa chọn phương án 2 làm phương án thiết kế lưới cho giai đoạn tới 2015, có xét đến 2020 cho tỉnh Thái Nguyên.

1.7.2. Nguồn điện: Giai đoạn 2011-2015, điện cấp cho phụ tải tỉnh Thái Nguyên vẫn từ hai nguồn cấp: Nguồn điện mua từ Trung Quốc và nguồn điện Việt Nam.

- Nguồn điện Việt Nam: Đến năm 2015, nguồn điện cấp cho tỉnh Thái Nguyên bao gồm: Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn (công suất 2x57,5MW); Nhà máy nhiệt điện An Khánh (công suất thiết kế 2x50MW), phát lên lưới 110KV đấu vào đường dây 171 Sóc Sơn - Thái Nguyên và Nhà máy Thủy điện Hồ Núi Cốc có công suất 3x630KW;

+ Trạm 220KV Thái Nguyên (2x250MVA);

+ Ngoài ra tỉnh Thái Nguyên còn nhận điện từ trạm 220KV Sóc Sơn qua đường dây 110KV Sóc Sơn - Gò Đầm.

- Nguồn điện mua từ Trung Quốc: với quy mô công suất tối đa 200MW. Trạm 220KV Thái Nguyên vẫn tách thành 2 phần, 01MBA mua điện Trung Quốc và 01 MBA hoà lưới Việt Nam.

Giai đoạn đến 2015, ngoài trạm 220kV Thái Nguyên hiện có, cần xem xét xây dựng mới thêm 1 trạm biến áp 220kV nữa để nhận điện từ hệ thống điện Việt Nam cấp cho tỉnh Thái Nguyên vì các lý do sau:

+ Trạm 220kV Thái Nguyên có công suất 2x250MVA nhưng phải tách đôi để nhận điện từ Trung Quốc và hệ thống điện Việt Nam nên trong trường hợp 1 trong 2 máy bị sự cố sẽ ảnh hưởng đến cấp điện cho tỉnh;

+ Rất khó khăn để xây dựng mới các tuyến 110kV từ trạm 220kV Thái Nguyên để cấp điện cho các phụ tải mới nhằm giảm tải cho các đường dây 110kV hiện có;

+ Trường hợp nguồn điện An Khánh không vào vận hành đúng tiến độ hoặc trong trường hợp NĐ Cao Ngạn bị sự cố cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cung cấp điện cho tỉnh.

Để đảm bảo linh hoạt và an toàn cung cấp điện cho tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến 2015 và 2020 cần thiết xây dựng mới 1 trạm 220kV nữa cho tỉnh Thái Nguyên . Dự kiến trạm 220/110/35kV này sẽ đặt tại khu vực Lưu Xá, có quy mô công suất (1x250MVA). Với sự tăng trưởng của phụ tải Thái Nguyên trong giai đoạn từ 2010-2015 sẽ chuyển dần phụ tải một số trạm 110kV sang lưới Việt Nam cấp sao cho luôn đảm bảo công suất cấp từ lưới Trung Quốc khoảng 200MW.

1.7.3. Lưới điện 220KV

Pmax toàn tỉnh đến năm 2015 là 440MW. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải của tỉnh giữa nguồn cấp và nhu cầu phụ tải thì giai đoạn 2011-2015 cần bổ sung thêm 01 trạm biến áp 220/110/35KV-1x250MVA tại Lưu Xá. Trạm 220KV Lưu Xá được đấu nối vào đường dây 220KV Sóc Sơn - Thái Nguyên bằng đường dây mạch kép 2xAC330, có chiều dài tuyến 1km.

1.7.4. Lưới điện 110KV

- Xây dựng mới trạm 110/6KV- 1x20MVA Xi măng Quán Triều. Trạm được đấu nối vào đường dây 110KV hiện có Tuyên Quang - Thái Nguyên (lộ 173) bằng đường dây mạch kép 2xAC185, nhánh rẽ vào trạm dài 2Km, tuyến đường dây này sẽ cải tạo lên AC 240.

- Xây dựng mới trạm 110/35/22KV-2x40MVA Đại Từ ở gần khu vực Núi pháo. Trạm 110KV Đại Từ đã có thiết kế, được đấu nối vào đường dây 110KV hiện có Tuyên Quang - Thái Nguyên (lộ 173) bằng đường dây mạch kép 2xAC185, nhánh rẽ vào trạm dài 1,5Km.

- Nâng công suất trạm biến áp 110KV Xi măng Thái Nguyên lên thành 2x40MVA.

- Xây dựng mới trạm 110/35/22KV-2x40MVA Phú Bình, đặt ở gần trạm biến áp trung gian Phú Bình và được cấp điện từ trạm biến áp 220KV Lưu Xá bằng đường dây 110KV mạch kép 2xAC240, có chiều dài tuyến 12km.

- Đến năm 2015 vùng I (gồm Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa) được cấp điện từ các nguồn sau:

+ Trạm 110/35/22KV-(25+40) MVA Phú Lương

+ Trạm 110/35/22KV-40MVA Đại Từ.

+ Trạm chuyên dùng Nhà máy xi măng Quán triều 110/6KV-1x20MVA.

+ Cấp điện từ trạm 220KV Thái Nguyên qua lộ 35, 22KV.

- Đến năm 2015 vùng II (Thành phố Thái Nguyên) được cấp điện từ các nguồn sau:

+ Trạm 110/35/22KV-(2x63)MVA Thái Nguyên: qua lộ 35, 22KV

+ Trạm 110/22KV-2x40 MVA Đán.

+ Trạm 110/35/22KV-2x40 MVA Lưu Xá.

+ Trạm 110/35/6KV-2x63 MVA Gang Thép.

+ Trạm 110/35/6KV-(50+20)MVA Gia Sàng.

- Đến năm 2015 vùng III (gồm Đồng Hỷ, Võ Nhai) được cấp điện từ các nguồn sau:

+ Trạm 110/35/6KV-(2x40)MVA xi măng Thái Nguyên: qua lộ 35, 22KV;

+ Cấp điện từ trạm 220KV Thái Nguyên: qua lộ 35KV.

- Đến năm 2015 vùng IV (gồm Thị xã Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình) được cấp điện từ các nguồn sau:

+ Trạm 110/35/22KV-(63+40)MVA và 110/22/6KV-1x25MVA Gò Đầm;

+ Trạm 110/35/22KV-1x40MVA Sông Công;

+ Trạm 110/35/22KV-1x40MVA Phú Bình.

1.7.5. Lưới trung thế: Quy hoạch phát triển lưới điện trung thế của tỉnh Thái Nguyên bao gồm cả xây dựng mới và cải tạo, với nguyên tắc

+ Ưu tiên xây dựng mới và phát triển lưới 22KV sau các trạm 110KV có cấp điện áp 22KV;

+ Đối với khu vực miền núi, nếu lưới 22KV không đáp ứng yêu cầu cấp điện sẽ xem xét phát triển lưới 35KV và các trạm phân phối 35/0,4KV.

1.7.5. Lưới điện hạ thế: Nhìn chung thiết kế vận hành hình tia, trừ các phụ tải có yêu cầu đặc biệt phải thiết kế mạch vòng có liên kết dự phòng. Bán kính lưới điện hạ thế 0,4KV cho các phụ tải dân sinh phù hợp với tiêu chuẩn

1.8. Khối lượng đầu tư xây dựng

1.8.1. Khối lượng đường dây và TBA xây dựng mới

- Xây dựng mới đường dây 220KV mạch kép: 01 km

- Xây dựng mới đường dây 110KV mạch đơn: 17 km

- Xây dựng mới trạm biến áp 220KV 1 trạm/250 MVA

- Xây dựng mới trạm biến áp 110KV 3 trạm/100 MVA

- Xây dựng mới đường dây trung thế 35-22KV: 303,1 km

- Xây dựng mới trạm biến áp 35-22/0,4KV: 598 trạm/194,763 MVA

1.8.2. Khối lượng đường dây và trạm biến áp cải tạo

- Cải tạo đường dây 110KV: 48 km

- Nâng công suất trạm 110KV: 06 trạm/303 MVA

- Cải tạo đường dây trung thế 35-22KV: 386,3 km

- Cải tạo trạm biến áp tiêu thụ: 192 trạm/39,473MVA

1.8.3. Khối lượng đường dây hạ thế

- Xây dựng mới đường dây hạ thế: 2.432 km

1.9. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn

1.9.1. Tổng mức đầu tư: 1.378,686 tỷ đồng

Trong đó:

+ Lưới truyền tải (220, 110KV) 575,480 tỷ đồng

+ Lưới phân phối trung thế: 342,222 tỷ đồng

+ Lưới phân phối hạ thế: 460,984 tỷ đồng

* Phân chia giai đoạn đầu tư

- Vốn đã có kế hoạch: 264,91 tỷ đồng

- Vốn cần bổ sung giai đoạn tới 2010-2015: 1.113,77 tỷ đồng

1.9.2. Nguồn vốn

- Lưới truyền tải 220- 110KV, lưới trung thế: Ngành điện bố trí vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn tự có, vốn vay khoảng 575,5 tỷ đồng (47% vốn đầu tư) để xây dựng lưới cao thế; vốn vay, vốn khấu hao cơ bản, sửa chữa lớn khoảng 342 tỷ đồng (chiếm 28% vốn đầu tư) để xây dựng lưới trung thế.

- Lưới điện hạ thế:

+ Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện Dự án năng lượng nông thôn II (REII) mở rộng; Nguồn vốn ODA, vay Ngân hàng thế giới khoảng 6,5 triệu USD, tương đương 123 tỷ đồng (vốn đối ứng khoảng 10 tỷ đồng).

+ Công ty Điện lực Thái Nguyên xây dựng kế hoạch, bố trí đủ vốn cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế hoàn thành "Đề án giao nhận lưới điện hạ thế để đầu tư, cải tạo bán điện trực tiếp đến hộ nông dân trên địa bàn tỉnh" theo Quyết định số 2981/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh. Tổng mức đầu tư khoảng 338 tỷ đồng.

1.10. Quỹ đất giành cho quy hoạch: 53.850 m2

Trong đó:

+ Đất giành cho xây dựng các tuyến cao thế: 2.700 m2

+ Đất giành cho xây dựng trạm 220 kV: 28.000 m2

+ Đất giành cho xây dựng các trạm 110 kV: 12.000m2

+ Đất giành cho xây dựng đường dây trung thế: 3.350 m2

+ Đất giành cho xây dựng đường dây hạ thế: 1.300 m2

+ Đất giành cho xây dựng các trạm hạ thế: 6.500 m2

Trên đây là tóm tắt Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Vượng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.