• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 28/08/2011
UBND TỈNH THÁI NGUYÊN
Số: 37/2011/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 18 tháng 8 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện Đại Từ đến năm 2020

____________________________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số: 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg ngày 04/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Theo kết quả thẩm định của Hội đồng nghiệm thu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ đến năm 2020 họp ngày 17/6/2011 và xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1077/SKHĐT-TH ngày 01/8/2011 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với quá trình đổi mới toàn diện của đất nước; trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế; trong sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực, lợi thế cho phát triển trong đó ưu tiên cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý của huyện để phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác, liên kết của Trung ương và tỉnh, của các địa phương và các nguồn lực bên ngoài.

Phát triển theo hướng CNH, HĐH hướng về xuất khẩu trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn lực của huyện, của tỉnh và của vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy những thế mạnh về du lịch của huyện.

Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm dần sự chênh lệch mức sống giữa khu vực nông thôn với vùng đô thị; phát triển kinh tế gắn liền với tăng cường và củng cố quốc phòng an ninh, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế của huyện sẽ phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ.

- Phấn đấu đưa mức GDP bình quân đầu người năm 2020 của huyện ngang bằng với mức bình quân của tỉnh.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, nền kinh tế đủ khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác có hiệu quả các quan hệ kinh tế đối ngoại.

- Phát triển mạnh khoa học và công nghệ, có bước đi phù hợp trong việc kết hợp cơ khí hóa, hiện đại hóa với công nghệ thông tin và công nghệ sinh học nhằm cải thiện đáng kể trình độ công nghệ trong nền kinh tế.

- Phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, từng bước nâng cao mức sống của người dân và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong dân cư.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2011 - 2015

- Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất phấn đấu đạt 16,13%/năm, trong đó công nghiệp xây dựng tăng 21,35%/năm, nông lâm thủy sản tăng 4,6%/năm, thương mại - dịch vụ tăng 16,18%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,31 triệu đồng/người/năm.

- Cơ cấu kinh tế năm 2015: Công nghiệp xây dựng chiếm 42,71%, thương mại dịch vụ chiếm 35,1%, nông lâm thủy sản chiếm 22,19%.

- Phát triển xã hội đến năm 2015: 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2% trở lên; giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 0,15%o; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống 13,5%; trên 75% gia đình đạt gia đình văn hóa, 30% xóm bản văn hóa, 90% cơ quan văn hóa và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2.2. Giai đoạn 2016 - 2020

- Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất phấn đấu đạt 14,04%/năm, trong đó công nghiệp xây dựng tăng 16%/năm, nông lâm thủy sản tăng 4,2%/năm, thương mại dịch vụ tăng 14,5%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 45,57 triệu đồng/người/năm.

- Cơ cấu kinh tế năm 2020: Công nghiệp xây dựng chiếm 48,86%, thương mại dịch vụ chiếm 37,32%, nông lâm thủy sản chiếm 13,81%.

- Phát triển xã hội đến năm 2020: Trên 95% số trường chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5% trở lên; giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 0,15%o; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 10%; gia đình văn hóa đạt 80%, trên 60% làng văn hóa, 95% cơ quan văn hóa; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH, LĨNH VỰC CHỦ YẾU

III.1. Định hướng phát triển các ngành kinh tế

1. Nông, lâm, thủy sản

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 4,6%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 đạt 4,2%/năm;

- Giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản (giá thực tế) năm 2015 đạt 868,63 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,19% trong cơ cấu giá trị gia tăng toàn huyện; năm 2020 đạt 1.099,67 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,81% trong cơ cấu giá trị gia tăng toàn huyện.

- Ổn định sản lượng lương thực có hạt đạt 70,48 ngàn tấn năm 2015 và 72,08 ngàn tấn năm 2020.

- Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt 70 - 75 triệu đồng năm 2015, năm 2020 là 80 - 85 triệu đồng.

Phát triển nền nông nghiệp ổn định, đa dạng và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho một số nông sản đặc trưng; sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, cây công nghiệp (chè), cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện của huyện.

Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ; xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và văn hóa của người dân không ngừng được nâng cao; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi và dịch vụ nông nghiệp.

Áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; chú trọng đầu tư cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đặc biệt chú ý ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh; áp dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp với các chế phẩm từ vi sinh vật để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng

- Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, có chất lượng và hiệu quả với lợi thế và tiềm năng của huyện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân 21,35%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 16%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Giá trị gia tăng công nghiệp xây dựng (giá thực tế) năm 2015 đạt 1.671,71 tỷ đồng, chiếm 42,71% trong cơ cấu giá trị gia tăng toàn huyện, năm 2020 đạt 3.889,74 tỷ đồng, chiếm 48,86% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện.

- Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí.

- Hoàn chỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Phú Lạc và An Khánh I để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất; đồng thời quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp An Khánh II, phấn đấu đến năm 2015 cả ba cụm công nghiệp đều đi vào hoạt động.

Một số nhóm ngành công nghiệp cụ thể:

- Công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản: Tập trung khai thác, chế biến khoáng sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn; đa dạng hóa quy mô khai thác chế biến khoáng sản. Đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có thị trường như: xi măng, gạch các loại, cát, đá, sỏi. Phát triển các sản phẩm mới gắn với phát triển môi trường bền vững như: sản xuất gạch không nung, các dự án sản xuất vật liệu siêu nhẹ…

Định hướng phát triển một số vật liệu xây dựng chủ yếu: Sản xuất xi măng: 800 ngàn tấn năm 2015 và ổn định đến năm 2020; Cát sỏi các loại: đạt 140 ngàn m3 năm 2015 và ổn định đến năm 2020; gạch các loại: ổn định sản lượng 70 triệu viên năm 2015 và 80 triệu viên năm 2020.

- Công nghiệp điện: Phát triển mạng lưới điện gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến; phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp điện trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 và năm 2020 đạt 5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm: phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm phải gắn với vùng nguyên liệu và thị trường; từng bước đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Định hướng đến năm 2015 và năm 2020: Công nghiệp xay xát lương thực: đảm bảo ổn định sản lượng lương thực xay xát trên địa bàn; Chế biến chè: tăng sản lượng chè chế biến công nghiệp lên 50% vào năm 2015 và khoảng 80% vào năm 2020.

- Công nghiệp khác: Đẩy mạnh hoạt động công tác khuyến công; phát triển mở rộng các ngành nghề mới, các mô hình sản xuất hiệu quả như: chế biến gỗ, mộc dân dụng...

3. Thương mại, dịch vụ

Đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ bình quân 16,18%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 14,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tỷ trọng các ngành dịch vụ năm 2015 chiếm 35,1%, năm 2020 chiếm 37,32% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12 - 13%/năm.

Đầu tư phát triển mạng lưới chợ và cụm thương mại ở nông thôn, đến năm 2014 - 2015 phấn đấu có 95% số xã, thị trấn có chợ nông thôn, trong đó 30% số chợ được kiên cố hóa. Đến năm 2020, phấn đấu tất cả các xã, thị trấn đều có chợ, xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn Đại Từ trở thành trung tâm thương mại hiện đại.

Phát triển một số loại hình dịch vụ, cụ thể:

- Dịch vụ vận tải: Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng 12%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020; khối lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách tăng tương ứng là 14%/năm và 7%/năm. Phát triển mạnh các dịch vụ vận tải cộng cộng như xe khách, xe buýt và các loại hình vận tải khác.

- Dịch vụ bưu chính viễn thông: Hoàn chỉnh hệ thống mạng truyền dẫn, tăng số thuê bao điện thoại, mở rộng các dịch vụ Internet, đường truyền Internet tốc độ cao; Phát triển thị trường thông tin và phần mềm.

- Dịch vụ tài chính: Đa dạng hóa các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện nhằm huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tạo điều kiện để thu hút các tổ chức tín dụng thành lập các chi nhánh hoạt động trên địa bàn huyện, tạo lập thị trường vốn mang tính cạnh tranh, đảm bảo cho nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch huyện Đại Từ giai đoạn 2011 - 2015, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện. Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch. Lập hồ sơ khoa học công nhận các di tích tại các xã, thị trấn, phấn đấu đến năm 2015 khoảng 30% số di tích được xếp hạng, đến năm 2020 số di tích được xếp hạng khoảng 50%.

III.2. Định hướng phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh

1. Phát triển dân số

Đẩy mạnh công tác kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản để nâng cao chất lượng dân số; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011 - 2015 là 0,86% và giai đoạn 2016 - 2020 là 0,80%, dân số bình quân của huyện năm 2015 là 167.863 người, năm 2020 là 174.685 người.

2. Phát triển Giáo dục và Đào tạo

Nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, triển khai thực hiện phổ cập THPT; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi trước năm 2015. Đến năm 2015, tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi: Mầm non đạt 100%, Tiểu học và THCS đạt 100%, THPT đạt 85%.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thực hiện kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên. Đến năm 2015, 80% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó Mầm non 27 trường, Tiểu học 35 trường, THCS 16 trường, THPT 1 trường. Năm 2020 đạt trên 95% trường đạt chuẩn quốc gia.

3. Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân; bảo đảm các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người già được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã bảo đảm 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2015; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống dưới 13,5% năm 2015 và dưới 10% năm 2020; giảm tỷ suất sinh thô bình quân 0,150/00/năm; củng cố và bổ sung đủ cán bộ thuộc các chuyên ngành và biên chế cho 31 trạm y tế xã, thị trấn. Năm 2015 có 4 bác sỹ/1 vạn dân, 22 giường bệnh/1 vạn dân, 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ. Năm 2020 có 6 bác sỹ/1 vạn dân, 30 giường bệnh/1 vạn dân.

4. Phát triển Văn hóa - thông tin và thể dục - thể thao

Phát triển văn hóa - thông tin và thể dục - thể thao vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; gắn văn hóa với đời sống xã hội, hướng mọi hoạt động của văn hóa - thông tin vào việc xây dựng con người mới, có văn hóa; tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

- Định hướng phát triển giai đoạn 2011 - 2015: Gia đình văn hóa đạt 75%, Xóm văn hóa đạt 30%; cơ quan văn hóa đạt 90%; 100% các xóm có nhà văn hóa, tăng tỷ lệ xã có nhà văn hóa từ 3 - 5% hàng năm. Số xóm, xã có trung tâm thể thao tăng từ 10 - 15%/ năm, khoảng 30% di tích được xếp hạng. Mỗi năm thành lập mới từ 5 - 7 câu lạc bộ TDTT, quan tâm phát triển TDTT thành tích cao. Xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện đạt chuẩn Quốc gia, thư viện huyện đạt chuẩn Quốc gia.

- Định hướng phát triển giai đoạn 2015 - 2020: Gia đình văn hóa đạt 80%; trên 60% xóm văn hóa; 95% cơ quan văn hóa; 50% di tích được xếp hạng trở lên; 100% nhà văn hóa, khu thể thao xóm đạt tiêu chuẩn; 80% trở lên nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt tiêu chuẩn. Mỗi năm thành lập mới từ 5 - 7 câu lạc bộ TDTT. Phát triển mạnh các phong trào TDTT quần chúng, quan tâm phát triển TDTT thành tích cao.

5. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, phát triển nhanh, đa dạng các ngành nghề, loại hình kinh tế để thu hút nhiều lao động; tạo việc làm cho nông dân, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động… Phấn đấu tạo việc làm bình quân hàng năm cho 3.000 lao động giai đoạn 2011 - 2015 và 3.200 lao động giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35% năm 2015 và 40% vào năm 2020; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 90 - 95% năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2%/năm trở lên thời kỳ 2011 - 2015 và 1,5%/năm trở lên thời kỳ 2016 - 2020.

6. Công tác quốc phòng - an ninh

Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội. Củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tập trung xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc. Kết hợp chặt chẽ công tác quốc phòng và an ninh, quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng ngừa và trấn áp tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

III.3. Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

1. Phát triển mạng lưới giao thông

Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông nông thôn đấu nối với mạng lưới đường Quốc lộ, Tỉnh lộ trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, vừa bê tông hóa và trải nhựa toàn bộ đường huyện quản lý. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 37 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, những đoạn qua thị trấn, khu công nghiệp đạt cấp II; đường tỉnh lộ đạt cấp IV, những đoạn qua thị trấn, trung tâm xã, khu công nghiệp đạt cấp III; đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp V, đoạn qua trung tâm xã đạt cấp IV trở lên. Mặt đường trải nhựa hoặc bê tông xi măng, nâng cấp cải tạo đường cấp xã đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A trở lên, mặt đường vật liệu cứng, bê tông xi măng hoặc nhựa; đường thôn xóm bằng bê tông xi măng; hoàn thành các tuyến đường vành đai theo quy hoạch. Đến năm 2020, trên địa bàn huyện Đại Từ có 2 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 4 là bến xe thị trấn Đại Từ và bến xe Nam Sông Công; Xây dựng 2 điểm đỗ gửi xe công cộng tại khu vực trung tâm huyện, mỗi điểm diện tích tối thiểu khoảng 5.000m2.

2. Phát triển hệ thống thủy lợi

Phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho trên 90% diện tích gieo trồng toàn huyện năm 2015 và năm 2020 là 95%; Kiên cố hóa hệ thống kênh mương, phấn đấu đến năm 2015 số km kênh mương được kiên cố hóa là 570km, đạt tỷ lệ 70%, đến năm 2020 số km kênh mương được kiên cố hóa đạt tỷ lệ 85 - 90%. Tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi vùng đồi phục vụ phát triển cây chè.

3. Cấp điện, cấp, thoát nước và xử lý chất thải

Tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo chất lượng nguồn điện phục vụ cho phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các xã trong huyện; từng bước đầu tư hệ thống thoát nước thải, đặc biệt là hệ thống thoát nước ở các thị trấn, khu dân cư. Phấn đấu 100% số hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia đảm bảo chất lượng; đến năm 2015 có 90% dân số thành thị, 79% dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh; năm 2020 có 95 - 100% dân số thành thị và từ 90 - 95% dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh. Xây dựng bãi chứa và xử lý rác thải của huyện, hệ thống bãi rác của các xã và cụm xã. Thành lập các tổ dịch vụ vệ sinh môi trường để thu gom, xử lý các loại rác thải hợp vệ sinh, có hiệu quả trên địa bàn huyện.

4. Thông tin liên lạc

Phát triển mạng thông tin liên lạc hiện đại, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là hệ thống thông tin lãnh đạo và quản lý. Phấn đấu đến năm 2015, thuê bao điện thoại cố định là 30.000 thuê bao (đạt 70%), thuê bao di động 150.000 thuê bao, đạt 53 máy/100 dân; năm 2020 đạt 70 - 75 máy/100 dân, tỷ lệ người truy cập Internet từ 10 - 15%. Trang bị tổng đài theo nhu cầu sử dụng (trong vòng bán kính 3km), các tổng đài kết nối truyền dẫn bằng quang, khi có nhu cầu mở rộng số thuê bao chỉ cần mở rộng các vùng quang.

III.4. Định hướng phát triển theo lãnh thổ và đô thị hóa

1. Khu vực đô thị

Dự báo dân số của huyện năm 2015 là 167,86 ngàn người, năm 2020 là 174,68 ngàn người, tỷ lệ dân số đô thị năm 2015 là 10 - 15% và năm 2020 khoảng 20%. Tốc độ đô thị hóa bình quân thời kỳ 2011 - 2020 là 8,8%.

Hệ thống đô thị của huyện Đại Từ trong những năm tới phát triển chủ yếu theo hướng lấy công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng; về mặt không gian, hệ thống đô thị sẽ phát triển chủ yếu về phía Tây và Tây Bắc huyện.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị của thị trấn Đại Từ, phấn đấu đạt 70% tiêu chí đô thị loại IV để đề nghị nâng cấp thành đô thị loại IV vào năm 2020.

Mở rộng và nâng cấp thị trấn Đại Từ, thị trấn Quân Chu thành các trung tâm văn hóa, kinh tế xã hội với chức năng là những hạt nhân phát triển; xây dựng các thị trấn, thị tứ của huyện, các trung tâm cụm xã... là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội trong từng khu vực.

2. Khu vực nông thôn

Vùng núi cao phía Bắc huyện: Phát triển theo hướng thâm canh, tăng vụ trên diện tích đất canh tác hiện có đảm bảo an ninh lương thực và tự túc các mặt hàng thực phẩm. Phát triển mạnh cây chè và các loại cây ăn quả để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng; phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò, bảo vệ rừng tự nhiên; đẩy mạnh tốc độ trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất để nâng nhanh vốn rừng. Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản (tập trung phát triển sản xuất hàng mây tre đan, sơ chế nguyên liệu cho làm bột giấy, ván dăm, sản xuất hàng mộc dân dụng); Phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, tập trung vào xay xát gạo, ngô, chế biến màu (sản xuất mỳ, miến dong, bún), chế biến chè thủ công; phát triển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng như: khai thác đá, cát, sản xuất gạch các loại...

Vùng núi thấp, đồi cao phía Nam huyện: Phát triển theo hướng: Ngoài đảm bảo an ninh lương thực cần tập trung phát triển các loại cây trồng có ý nghĩa hàng hóa cao như rau thực phẩm, chè và cây ăn quả các loại cung cấp cho các khu công nghiệp, đô thị, cho công nghiệp chế biến. Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) và chăn nuôi lợn. Bảo vệ vốn rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng làm nguyên liệu ván nhân tạo và nguyên liệu giấy; phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, tập trung vào xay xát gạo, ngô, chế biến màu (sản xuất mỳ, miến dong, bún), chế biến chè thủ công; phát triển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng: Tập trung khai thác vật liệu xây dựng, khai thác cát, sản xuất gạch các loại.

IV. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo. )

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Huy động vốn đầu tư

Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động nội lực, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương để phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức tạo vốn, mở rộng các nguồn thu; chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, tích cực thu hút vốn FDI và ODA...

2. Thực hiện cơ chế, chính sách và bộ máy quản lý nhà nước:

Thực hiện các chính sách thông thoáng, cơ chế một cửa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào huyện, áp dụng tốt các chính sách thu hút đầu tư...

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt pháp luật, chính sách về đất đai phù hợp với chủ trương phát triển CNH - HĐH của huyện. Lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chính sách giao đất cho chủ đầu tư kinh doanh, tăng thu cho ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt nhằm phát triển thêm đường giao thông, các khu đô thị mới, khu du lịch, điểm công nghiệp.

3. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ

Phát triển khoa học công nghệ gắn liền với quá trình sản xuất, quản lý và điều hành...không nhập các thiết bị đã lạc hậu cũng như thiết bị gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chịu bệnh tốt, phù hợp điều kiện tự nhiên của huyện. Đẩy mạnh sản xuất thức ăn gia súc và công tác thú y, bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm thủy sản. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu chế biến nông sản và các ngành công nghiệp chế biến khác. Có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất.

4. Phát triển nguồn nhân lực

Có chính sách thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo và có các chính sách đãi ngộ để thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật cho các ngành của huyện. Tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý các doanh nghiệp, sắp xếp lại và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước.

Mở rộng hoạt động dạy nghề, truyền nghề bằng nhiều hình thức thích hợp trên cơ sở tiềm năng phát triển của huyện, coi trọng đào tạo các chuyên ngành cơ khí, công nghiệp điện, than, thương mại và dịch vụ theo từng giai đoạn khác nhau, có chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề cho lực lượng lao động. Tổ chức tốt các hình thức xúc tiến, hỗ trợ và giới thiệu việc làm.

5. Giải pháp về thị trường

Đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Tích cực phát triển thị trường mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các tổ chức dịch vụ thăm dò, nghiên cứu, giới thiệu và bán hàng.

Phát triển và mở rộng thị trường du lịch để thu hút khách, bao gồm cả thị trường trong nước và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Xây dựng mạng lưới các đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm rộng khắp, đa dạng về loại hình và quy mô, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò của hệ thống thương mại quốc doanh.

6. Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch

Cấp ủy Đảng, cơ quan, đoàn thể các cấp và nhân dân trong huyện có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy hoạch được duyệt. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn huyện, đặc biệt là trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Thông báo quy hoạch sau khi được phê duyệt theo quy định; lập, trình phê duyệt các quy hoạch ngành; xây dựng các kế hoạch 5 năm, hàng năm và các chương trình, dự án cụ thể phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với sự chuyển đổi đất đai, ngành nghề, hiểu rõ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội để giảm bớt những mâu thuẫn nảy sinh.

Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư; Tiếp tục triển khai các quy hoạch chi tiết như quy hoạch mặt bằng các khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư tập trung.

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch; trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi có thay đổi

Điều 2. Giao UBND huyện Đại Từ căn cứ vào mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong Quy hoạch được duyệt có trách nhiệm:

- Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

- Thông báo công khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

- Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện quy hoạch.

- Cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm và hàng năm; các chương trình, dự án cụ thể để thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Đại Từ và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Dương Ngọc Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.