• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 20/06/2000
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1122/1998/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 24 tháng 12 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS
và của tổ chức làm công tác phòng, chống AIDS ở các ngành, các cấp

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 31 tháng 5 năm 1995;

Căn cứ Nghị định số 34/CP ngày 1 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Quyết định số 358/CT ngày 6 tháng 10 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thành lập Uỷ ban Quốc gia phòng, chống bệnh SIDA Việt Nam (nay là Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS);

Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ - Cán bộ Chính phủ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách và kế hoạch phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản pháp luật về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

2. Phối hợp với Bộ y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch ngân sách hàng năm về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS trình Chính phủ duyệt và phân bổ kinh phí đã được duyệt cho các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, các địa phương phù hợp với nội dung công việc được giao.

3. Hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS trong cả nước.

Quản lý và điều hành chương trình "phòng, chống nhiễm HIV/AIDS" theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều hành, phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức xã hội và Uỷ ban nhân dân địa phương trong các việc:

a) Theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình diễn biến lan nhiễm HIV/AIDS ở các địa phương và trong cả nước.

b) Tổ chức mạng lưới tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.

c) Quản lý, chữa bệnh, chăm sóc và tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.

d) Tăng cường cơ sở kỹ thuật của ngành y tế cho việc phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm toàn tuyệt đối trong dịch vụ y tế.

e) Tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ để nâng cao hiệu quả phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

4. Làm đầu mối hợp tác quốc tế, điều phối và quản lý hợp tác song phương, đa phương về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS của Quốc gia và của các ngành, các địa phương.

5. Phối hợp với các Bộ ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra giải quyết các khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

6. Sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả phòng, chống nhiễm HIV/AIDS hàng năm và qua các giai đoạn.

Điều 2. Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS có văn phòng giúp việc. Văn phòng Uỷ ban có trụ sở tại Hà Nội. Tổ chức và biên chế của Văn phòng do Chủ tịch Uỷ ban quyết định sau khi thống nhất với Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ .

Điều 3. Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS được sử dụng con dấu quốc huy, có tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 4. Tổ chức làm công tác phòng, chống AIDS ở các ngành, các cấp như sau:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội có nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống AIDS lập ban chỉ đạo phòng, chống AIDS do một đồng chí Thứ trưởng (hoặc tương đương) làm trưởng ban, có cán bộ chuyên trách thuộc biên chế của Bộ, ngành.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Uỷ ban phòng, chống AIDS do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch, Giám đốc Sở Y tế làm Phó Chủ tịch, có một số cán bộ chuyên trách thuộc biên chế của Sở Y tế hoặc của các Sở, ngành là thành viên Uỷ ban phòng, chống AIDS ở địa phương.

3. Các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban, có một số cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc biên chế của các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo.

4. Công tác phòng, chống AIDS ở các xã, phường do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đảm nhiệm, có cán bộ của trạm y tế kiêm nhiệm giúp việc.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan phòng, chống AIDS các ngành, các cấp do Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quy định theo hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.