• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/01/1997
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 2781/TT-KCM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 3 tháng 12 năm 1996

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về thủ tục cấp, gia hạn thu hồi giấy chứng nhận

đạt tiêu chuẩn môi trường cho các cơ sở công nghiệp

___________

- Căn cứ Điểm 6, Điều 37 Luật bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993, Điều 4 Nghị định 175/CP ngày 18-10-1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

- Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường.

Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường hướng dẫn thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường (sau đây gội tắt là giấy phép về môi trường).

 

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Những cơ sở công nghiệp dưới đây phải có giấy phép về môi trường khi tiến hành các hoạt động sản xuất.

1.1- Các cơ sở công nghiệp nhỏ, tiểu thu công nghiệp:

+ Các xí nghiệp nhỏ do địa phương quản lý.

+ Các tổ hợp, hợp tác xã sản xuất.

+ Các hộ gia đình có sản xuất các loại sản phẩm (ngoài sản xuất nông nghiệp), sửa chữa các loại thiết bị - công cụ.

1.2- Các cơ sở công nghiệp (theo phụ lục 1).

1.3- Các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

2. Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường thì cơ quan đó cấp giấy phép về môi trường.

Cơ quan cấp giấy phép về môi trường phải lập và quản lý sổ cấp giấy phép về môi trường.

3- Các cơ sở công nghiệp tiến hành hoạt động (trừ giai đoạn sản xuất thử nghiệm của các dự án) không có giấy phép về môi trường phải bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Phí , lệ phí cấp, gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường.

 

II- THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN HIỆU LỰC VÀ THU HỒI
GIẤY PHÉP VỀ MÔI TRƯỜNG.

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép về môi trường:

1.1- Đơn xin cấp giấy phép về môi trường (phụ lục 2) 1.2- Bản kê khai hiện trạng về môi trường (phụ lục 6)

1.3- Quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với các cơ sở phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường) hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền (đối với bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường).

1.4- Giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền cấp cho cơ sở.

2. Cấp giấy phép về môi trường:

2.1- Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép về môi trường cho cơ sở nộp đơn xin cấp giấy phép về môi trường.

2.2- Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, nếu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền từ chối cấp giấy phép về môi trường thì phải thông báo bằng văn bản cho chủ đơn và nói rõ lý do từ chối.

2.3- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép về môi trường phải cấp giấy biên nhận đã tiếp nhận đủ hồ sơ.

Trường hợp phải bổ sung số liệu, nội dung của hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép về môi trường yêu cầu cơ sở trong thời hạn 30 ngày phải bổ sung, nếu quá thời hạn này coi như hồ sơ không hợp lệ.

2.4- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo tên cơ sở được cấp giấy phép về môi trường cho Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi cơ sở công nghiệp đang hoạt động.

Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố thông báo tên cơ sở được cấp giấy phép về môi trường cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

3- Thời hạn hiệu lực của giấy phép về môi trường:

3.1- Thời hạn hiệu lực của giấy phép về môi trường là 3 năm kể từ ngày được cấp đối với các cơ sở công nghiệp có sử dụng chất độc hại, chất phóng xạ theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3.2- Thời hạn hiệu lực của giấy phép về môi trường là 5 năm kể từ ngày được cấp đối với các cơ sở công nghiệp không sử dụng chất độc hại, chất phóng xạ.

3.3- Giấy phép về môi trường có thể được gia hạn hiệu lực nhiều lần, mỗi lần không quá 3 năm.

4- Gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường:

- Sáu tháng trước khi giấy phép về môi trường hết hiệu lực, nếu muốn gia hạn chủ cơ sở phải làm đơn xin gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường.

4.1- Hố sơ xin gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường gồm có:

- Đơn xin gia hạn giấy chứng nhận về môi trường (phụ lục 3)

- Giấy phép về môi trường đã được cấp.

- Bản kê khai hiện trạng về môi trường (phụ lục 6).

- Giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền cấp cho cơ sở.

4.2- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền phải xem xét và quyết định việc gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường cho cơ sở.

4.3- Nếu việc gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường không được chấp thuận, thì cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền phải trả lời bằng văn bản cho cơ sở xin gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường và phải nêu rõ lý do từ chối gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường.

4.5- Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quyết định việc gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường, trong một số trường hợp uỷ quyền cho cục môi trường gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường.

Đối với giấy phép về môi trường do Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố cấp, việc uỷ quyền gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận về môi trường cho Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường do Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố quyết định.

5- Sửa đổi và thu hồi giấy phép về môi trường:

5.1- Giấy phép về môi trường được sửa đổi trong trường hợp tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường sửa đổi.

5.2- Giấy phép về môi trường bị thu hồi trong trường hợp giả mạo, cấp sai thẩm quyền.

6- Tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường:

Giấy phép về môi trường bị tước quyền sử dụng trong trường hợp chủ giấy phép về môi trường vi phạm nghiêm trọng các điều kiện và nội dung ghi trong giấy phép.

7- Trường hợp cơ sở có thay đổi chủ giấy phép thì người kế nhiệm hợp pháp phải thông báo cho cơ quan cấp giấy phép về môi trường biết.

 

III- KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

1- Chủ cơ sở có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền nơi mà mình đã gửi đơn xin cấp hoặc gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường trong trường hợp bị từ chối.

2- Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ tên của chủ cơ sở, tên cơ sở, nội dung sự việc, cung cấp bằng chứng, tài liệu cần thiết và yêu cầu giải quyết.

3- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước được uỷ quyền phải thông báo cho người khiếu nại biết.

4- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hợp lệ. Trường hợp chủ cơ sở không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan cấp hoặc gia hạn hiệu lực giấy phép về môi trường thì được quyền khiếu nại lần thứ hai; việc giải quyết khiếu nại lần thứ hai theo quy định của pháp luật.

 

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1- Thông tư này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ban hành.

2- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để xem xét giải quyết.

3- Kèm theo Thông tư này phụ lục 1, 2, 3, 4, 5, 6.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Chu Tuấn Nhạ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.