Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các công trình

cấp huyện quản lý

______________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH  THANH HOÁ

KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 5

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng công bố ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5170/TTr-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh về “ Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các công trình cấp huyện quản lý ”; Báo cáo thẩm tra số 237/KT-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí ban hành "Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các công trình cấp huyện quản lý; với các nội dung cụ thể như sau:

I. Phân vùng để hỗ trợ đầu tư:

Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế, việc phân vùng để hỗ trợ đầu tư được xác định như sau:

1- Vùng 1: gồm 16 huyện đồng bằng, ven biển, thị xã, thành phố là: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá, Thiệu Hoá, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn;

2- Vùng 2: gồm 4 huyện miền núi thấp là: Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Như Thanh.

3- Vùng 3: gồm 7 huyện miền núi cao là: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân.

II. Cơ chế hỗ trợ đầu tư:

1- Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các hồ, đập nhỏ do huyện và xã quản lý.

- Hiện trạng:

Hiện nay, toàn tỉnh có 783 hồ đập nhỏ do huyện và xã quản lý, năng lực tưới khoảng 17.500 ha; từ năm 2001 đến nay đã đầu tư được 230 công trình, còn lại 553 công trình, phần lớn tập trung ở khu vực miền núi, nhìn chung đều trong tình trạng xuống cấp, kém phát huy tác dụng cần được cải tạo, nâng cấp.

- Mục tiêu đến năm 2010:

Cơ bản sửa chữa, cải tạo, nâng cấp số hồ đập nhỏ nêu trên.

- Mức hỗ trợ đầu tư:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ phần đào đắp bằng cơ giới và phần xây lát công trình.

+ Phần còn lại do huyện và xã chịu trách nhiệm.

2- Kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

- Hiện trạng:

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 5.612km kênh mương nội đồng, trong đó đã kiên cố được 2.798km ( miền xuôi 2.446 km/4.654 km, đạt 52,5%; miền núi 352 km/958 km, đạt 36,7% ), còn lại 2.814km chưa được kiên cố.

- Mục tiêu đến năm 2010:

Phấn đấu hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng trong tỉnh.

- Mức hỗ trợ đầu tư (chỉ hõ trợ đầu tư đối với kênh xây):

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ:

* Vùng 1: 30 triệu đồng/1km.

* Vùng 2 và 3: 60 triệu đồng/1km.

+ Phần còn lại do UBND các huyện, xã huy động các nguồn hợp pháp để thực hiện.

3- Đầu tư kết cấu hạ tầng các cơ sở sản xuất giống thủy sản.

- Hiện trạng:

Hiện nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở sản xuất giống nước ngọt truyền thống 4 trại sản xuất giống cá rô phi đơn tính và 18 trại sản xuất giống tôm sú, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống cá nước ngọt truyền thống và khoảng 30% nhu cầu giống tôm sú.

- Mục tiêu đến năm 2010:

Phấn đấu sản xuất và cung cấp đủ giống cá nước ngọt truyền thống và đáp ứng khoảng 70% giống tôm sú đảm bảo chất lượng cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

- Mức hỗ trợ đầu tư (đối với cả 3 vùng)

Để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển giống thủy sản,  ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đối với các trại sản xuất giống thủy sản sau khi đã đi vào sản xuất và đạt công suất thiết kế.

Mức hỗ trợ đầu tư  (hỗ trợ một lần) được tính theo công suất nuôi như sau:

+ Các trại giống cá rô phi đơn tính:

* Đối với các trại có công suất < 5 triệu con/năm, mức hỗ trợ 18 triệu đồng/1 triệu con.

* Đối với các trại có công suất > 5 triệu con/ năm, mức hỗ trợ 21 triệu đồng/1 triệu con.

+ Các trại sản xuất tôm giống:

* Đối với các trại có công suất <10 triệu con P15/năm, mức hỗ trợ 8 triệu đồng/1 triệu con.

* Đối với các trại có công suất >10 triệu con P15/năm, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/1 triệu con.

4- Khu hội nghị các huyện, thị xã, thành phố.

- Hiện trạng:

Những năm qua, một số huyện đã được đầu tư xây dựng mới hoặc được nâng cấp sửa chữa khu hội nghị, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các đơn vị; tuy nhiên còn một số huyện chưa có khu hội nghị hoặc đã có nhưng được xây dựng từ lâu và đã xuống cấp.

- Mục tiêu đến năm 2010:

Phấn đấu tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có một nhà hội trường với quy mô trung bình 300 chỗ ngồi.

- Mức hỗ trợ đầu tư:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà hội trường 300 chỗ ngồi, cụ thể như sau:

* Vùng 1: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%.

* Vùng 2: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%.

* Vùng 3: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 90%.

+ Phần còn lại, UBND các huyện huy động từ các nguồn hợp pháp để thực hiện.

5- Kiên cố trường THPT công lập.

- Hiện trạng:

Hiện nay, toàn tỉnh có 65 trường THPT công lập với 1.619 phòng học, trong đó có 421 phòng chưa được kiên cố.

- Mục tiêu đến năm 2010:

Đảm bảo 100% số phòng học của các trường THPT công lập trong toàn tỉnh đều được xây dựng kiên cố.

- Mức hỗ trợ đầu tư:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ:

* Vùng 1: 50% nhu cầu vốn đầu tư hạng mục nhà lớp học, phòng thực hành bộ môn;

* Vùng 2: 80% kinh phí đầu tư hạng mục nhà lớp học, phòng thực hành bộ môn;

* Vùng 3: 100% kinh phí xây dựng nhà lớp học, phòng thực hành bộ môn;

+ Phần còn lại và các hạng mục khác, UBND các huyện huy động từ các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

6- Trung tâm văn hóa thể thao (TVHTT).

- Hiện trạng:

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 huyện đã có các công trình văn hóa thể thao cấp huyện, trong đó 7 huyện đã có nhà luyện tập và thi đấu TDTT, tuy nhiên cơ sở vật chất còn yếu kém, chất lượng thấp; còn 12 huyện chưa có công trình TDTT, trong đó 7 huyện chưa có quy hoạch khu văn hóa thể thao cấp huyện.

- Mục tiêu đến năm 2010:

Phấn đấu đến năm 2010 mỗi huyện có một san vận động phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thể thao.

- Mức hỗ trợ đầu tư:

* Vùng 1: 30% nhu cầu vốn. 

* Vùng 2: 40% nhu cầu vốn. 

* Vùng 3: 50% nhu cầu vốn.

Phần còn lại UBND các huyện huy động từ các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

7- Trung tâm dạy nghề các huyện. 

- Hiện trạng:

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 Trung tâm dạy nghề cấp huyện là Nga Sơn và Cẩm Thuỷ, các huyện, thị xã, thành phố còn lại là Trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề ( GDTX - DN ).

- Mục tiêu đến năm 2010:

Thực hiện Quyết định số 48/2002/QĐ - TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề, từ nay đến 2010 sẽ thực hiện tách trung tâm dạy nghề cấp huyện ra khỏi trung tâm giáo dục thường xuyên và huy động các nguồn vốn đầu tư để tất cả các huyện đều có trung tâm dạy nghề.  

- Mức hỗ trợ đầu tư:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư:

* Vùng 1: 50% nhu cầu đầu tư các hạng mục nhà lớp học, nhà thực hành bộ môn.

* Vùng 2: 80% nhu cầu đầu tư các hạng mục nhà lớp học, nhà thực hành bộ môn.

* Vùng 3: 100% nhu cầu đầu tư các hạng mục nhà lớp học, nhà thực hành bộ môn.

+ Phần còn lại, UBND các huyện huy động từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.

III. Tổ chức thực hiện.

- Các dự án đề nghị hỗ trợ theo cơ chế phải được xây dựng đúng quy hoạch, có quy mô phù hợp với các quy định hiện hành về tiêu chuẩn và định mức xây dựng.  

- Việc hỗ trợ đầu tư được thực hiện theo kế hoạch và trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh cũng như khả năng huy động vốn của các huyện, đồng thời đảm bảo các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng.

- Mức hỗ trợ trong cơ chế là tính trên cơ sở quyết toán được duyệt của các công trình ( riêng hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa kênh mương nội đồng tính bằng giá trị tuyệt đối )

- Trên cơ sở cơ chế, chính sách hỗ trợ được phê duyệt, các ngành chức năng có trách nhiệm phối hợp với các huyện làm rõ việc phân cấp quản lý các loại công trình để triển khai thực hiện.

- Cơ chế giao kế hoạch vốn hỗ trợ:

+ Vào tháng 10 hàng năm, UBND các huyện lập kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nêu trên gửi về sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính và các sở quản lý chuyên ngành. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các ngành liên quan, căn cứ khả năng bố trí nguồn vốn hỗ trợ và kế hoạch huy động vốn của các huyện, tổng hợp danh mục các dự án dự kiến hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư phát triển báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định để làm cơ sở thực hiện.

+ Việc giao kế hoạch hỗ trợ đầu tư đối với các công trình nêu trên được thực hiện theo cơ chế hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện. Khi giao kế hoạch hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao tổng số vốn hỗ trợ và mục tiêu đầu tư cho các huyện, UBND các huyện có trách nhiệm huy động các nguồn vốn để kết hợp với vốn hỗ trợ của tỉnh, thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã được giao kế hoạch.

- Vốn để hỗ trợ trích từ các nguồn: Vốn cân đối ngân sách tỉnh cho đầu tư xây dựng, vốn hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu và một phần vốn sự nghiệp kinh tế.

- Thời gian thực hiện: Cơ chế này chỉ áp dụng đối với những công trình được đầu tư sau khi cơ chế được ban hành có hiệu lực. Thời gian thực hiện từ năm 2006 đến hết năm 2010.

- Sau khi HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh sẽ có quy định cụ thể để triển khai thực hiện.

Điều 2. Giao UBND tỉnh Ban hành “ Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các công trình cấp huyện quản lý ” cho các ngành chức năng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2005./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Văn Tích