Sign In

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Về việc tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Ban

vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành trong tỉnh

______________

 

Thực hiện Chỉ thị 646/TTg ngày 7 tháng 11 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, UBND tỉnh có QĐ số 21 QĐ/UBTH ngày 28 tháng 4 năm 1995 thành lập ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Tỉnh (Ban VSTBCPN). Sau hơn 3 năm hoạt động Ban VSTBCPN Tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch hành động VSTBCPN Thanh Hoá đến năm 2000; triển khai chương trình giáo dục bồi dưỡng nâng cao kiến thức và trình độ cho phụ nữ; phối hợp với các đoàn thể chính trị và hướng dẫn các ngành, các cơ quan Báo, Đài của tỉnh tuyên truyền các nội dung hoạt động theo chương trình VSTBCPN; đồng thời yêu cầu các ngành, các cấp thành lập Ban VSTBCPN, xây dựng chương trình hành động thiết thực giúp chị em phụ nữ có đủ sức khoẻ, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi mặt công tác đượcgiao. Đến nay một số ngành như Y tế, Giáo dục... đã thành lập Ban VSTBCPN, xây dựng được nội dung hoạt động và bước đầu đưa công tác VSTBCPN đi vào nề nếp, đạt hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban VSTBCPN tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, chưa tập trung thực hiện những nội dung cơ bản của chương trình hành động, đôi lúc còn lẫn lộn với các mặt hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ. Việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác VSTBCPN chưa sâu rộng; một số thành viên trong ban chỉ đạo chưa tích cực hoạt động, chưa chủ động triển khai kế hoạchhành động VSTBCPN ; các ngành, các cấp chưa chủ động tổ chức thành lập Ban VSTBCPN ở ngành, cấp mình. Thực tế ở một số địa phương, đơn vị trong tỉnh vẫn chưa quan tâm đúng mức đề cao vai trò của phụ nữ, chưa tạo sự bình đẳng về chính trị, về quản lý nhà nước; chưa tạo thuận lợi trong sinh hoạt, đời sống, công tác cho chị em phụ nữ.

Để đưa công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” hoạt động có nội dung sâu sắc và rộng khắp ở tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và Ban VSTBCPN tỉnh thực hiện tốt những nội dung công tác sau đây:

1- Thực hiện Thông tư số: 23 TT/UBQG ngày 20 tháng 3 năm 1998 của Uỷ ban quốc gia VSTBCPN về việc hướng dẫn tổ chức các Ban VSTBCPN cấp cơ sở, các cấp, các ngành phải xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc hoạt động VSTBCPN là nhằm nâng cao năng lực của phụ nữ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia đầy đủ và bình đẳng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; hoạt động VSTBCPN là nhiệm vụ của chính quyền tất cả các ngành, các cấp.

2- Các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, các sở, ban ngành trong tỉnh từ nay đến cuối năm đều phải tổ chức thành lập Ban VSTBCPN. Tuỳ theo tình hình cụ thể của đơn vị để tổ chức bộ máy cho phù hợp, gon nhẹ, thiết thực theo cơ cấu thành phần sau đây:

+ Đối với các huyện - thị - thành phố: Ban có từ 5 đến 8 thành viên là đại diện có thẩm quyền của các bộ phận sau đây:

- Đ/c Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã, làm trưởng ban,

- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, phó Ban thường trực,

- Trưởng (hoặc Phó) Phòng Tổ chức - Cán bộ, ban viên,

- Trưởng (hoặc Phó) Phòng Giáo dục - Đào tạo, ban viên,

- Trưởng (hoặc Phó) Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội, ban viên,

- Trưởng (hoặc Phó) Phòng Tài chính, ban viên,

- Trưởng (hoặc Phó) Phòng Kế hoạch - Đầu tư, ban viên,

- Chánh (hoặc Phó) Văn phòng UBND huyện, ban viên.

Thường trực của Ban VSTBCPN đặt tại văn phòng UBND huyện. Thư ký của Ban là một chuyên viên văn xã của UBND và một cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện.

+ Đối với cấp cơ sở xã, phường: Ban gồm 3 đến 5 thành viên. Đ/c Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; đ/c Chủ tịch Hội phụ nữ, ban viên; đ/c uỷ viên văn hoá, ban viên; cán bộ văn phòng UBND, ban viên; cán bộ LĐTBXH, ban viên.

+ Đối với Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh: Đ/c Thủ trưởng cơ quan làm Trưởng Ban; Chủ tịch Công đoàn cơ quan làm phó ban; Trưởng Phòng Tổ chức, ban viên; Trưởng ban nữ công, ban viên.

Tất cả các cán bộ Ban VSTBCPN các cấp đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban VSTBCPN các cấp có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

- Chức năng: Tham mưu cho chính quyền các cấp, các ngành về chủ trương, chính sách đối với phụ nữ thuộc lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan cũng như đối với phụ nữ thuộc quyền quản lý hoặc phụ trách của các cơ quan.

- Nhiệm vụ: Đề xuất, phổ biến các chính sách đối với phụ nữ; chủ trì soạn thảo kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ của cơ quan và phối hợp trong công tác triển khai; giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với phụ nữ và kế hoạch hành động VSTBCPN đến năm 2000; tổng kết đánh giá tình hình tiến bộ của phụ nữ.

Điều kiện hoạt động của Ban VSTB của phụ nữ:

+ Ban được phép sử dụng con dấu của cơ quan đồng chí lãnh đạo kiêm trưởng Ban.

+ Ban được cấp kinh phí từ ngân sách của cơ quan gọi là “kinh phí hoạt động VSTB của phụ nữ” và được chi cho các hoạt động triển khai, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát; điều tra nghiên cứu; sơ tổng kết công tác VSTBCPN theo Thông tư hướng dẫn số: 23 TT/UBQG ngày 20 tháng 3 năm 1998 của Uỷ ban quốc gia VSTBCPN Việt Nam.

3- Ban VSTBCPN các cấp, các ngành dựa vào công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), chiến lược phát triển  VSTBCPN Việt Nam đến năm 2000, những chủ trương, chính sách của Đảng,  Nhà nước về công tác phụ nữ và kế hoạch hành động của UBVSTBCPN tỉnh để xây dựng kế hoạch hành động VSTBCPN của cơ quan, đơn vị mình.

4- Các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền cho các hoạt động VSTBCPN, nêu những gương tốt, điển hình của phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống chính trị - xã hội; các điển hình làm giàu, xoá đói giảm nghèo; gương phụ nữ làm cán bộ chủ chốt tài năng, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi; những tập thể, cơ quan, đơn vị luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, thực hiện tốt chính sách đối với phụ nữ v.v...

Hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ là một nhiệm vụ mới mẻ, do đó các ngành, các cấp cần quan tâm phối kết hợp tạo điều kiện để Ban VSTBCPN hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, có chất lượng và hiệu quả.

Hàng quý, Ban VSTBCPN cấp huyện, thị, ngành cần nắm tình hình, kết quả hoạt động VSTBCPN của đơn vị mình báo cáo lên Ban VSTBCPN cấp tỉnh để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo sâu sát, nhằm đưa công tác VSTBCPN ngày càng tiến bộ.

Chỉ thị này được triển khai, thực hiện ở tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thị, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Quá trình triển khai, thực hiện có gì vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về UBND tỉnh./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Bưu