Sign In

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Về việc tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Tỉnh Thanh Hoá

_____________

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 14 và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 1996-2000; Công nghiệp Thanh Hoá đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh của địa phương, công nghiệp - TTCN phát triển chưa tương xứng, một số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài; công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển chưa vững chắc, khả năng thu hút vốn đầu tư vào sản xuất hạn chế; ngành nghề truyền thống chậm khôi phục; ngành nghề mới du nhập chưa nhiều. Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn còn nhiều bất cập, chưa tập trung đấu mối, còn chồng chéo và chưa tác động toàn diện.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau đây:

1/ Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố (dưới đây gọi tắt là huyện) căn cứ vào quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 để tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN thuộc lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có khả năng thu hút nhiều lao động và những ngành có lợi thế như công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; khôi phục những ngành nghề thủ công truyền thống, du nhập nghề mới; giành quỹ đất cần thiết cho phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện, xã.Gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển sản xuất; Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn ách tắc, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.

2/ Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của trung ương, địa phương đóng trên địa bàn, cùng với việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, hiện đại hoá công nghệ, đổi mới công tác quản lý,có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định quản lý nhà nước về công nghiệp, bảo đảm chế độ báo cáo, phản ánh kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh và những vướng mắc trong hoạt động về UBND tỉnh (qua sở Công Nghiệp)

3/ Sở Công Nghiệp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn; có nhiệm vụ triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh;nắm và tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu kiến nghị của cơ sở, đề suất với UBND tỉnh, Bộ Công Nghiệp bổ sung sửa đổi các chính sách, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Chức năng, nhiệm vụ , quyền hạn của sở Công Nghiệp thực hiện theo quy định tại thông tư số 18/LB-TT, ngày 29/6/1996 của liên bộ Công Nghiệp và Ban Tổ chức Chính Phủ và Quyết định số 1902/QĐ-TC-UBTH, ngày 14/10/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.

4/ Các ngành, UBND các huyện tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất công nghiệp và nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở Công Nghiệp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh những vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ thị này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Lợi