Sign In

Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Về việc Ban hành quy định số lượng, cơ cấu và chế

độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn

_______________

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

 

- Căn cứ Điều 41 Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Nghị định 174/CP ngày 29/09/1994 của Chính phủ về quy định cơ cấy thành viên UBND và một số các phó Chủ tịch UBND các cấp;

- Căn cứ Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/07/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;

- Căn cứ Thông tư số 99/1998/TT-LT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/05/1998 của Ban TCCBCP- Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và xã hội;

- Căn cứ Nghị quyết HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 10 - khóa VIII ngày 10/07/1998 về chế độ hoạt động phí đối với phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và phó các đoàn thể xã, phường, thị trấn;

- Để vận dụng Nghị định 09/1998/NĐ-CP và Thông tư số 99/1998/ TT-LT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH đối với cán bộ xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương;

- Xét đề nghị của Trưởng Ban tổ chức chính quyền,

Quyết định:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định về việc bố trí số lượng, cơ cấu và chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”.

Điều 2: Giao cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh phối hợp với các ngành Tài chính - Vật giá, Bảo hiểm xã hội, Địa chính, Tư pháp, Thống kê và các ngành có liên quan triển khai thực hiện.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 4: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM. UBND TỈNH THANH HÓA

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Bưu

           

Quy định của UBND tỉnh Thanh Hoá

Về việc bố trí số lượng, cơ cấu và chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn

(Ban hành kèm theo quyết định số 1646/1998/QĐ-UB ngày 10/ 08/1998

của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá)

 

Chương I

Nguyên tắc chung

Điều 1: Việc quyết định số lượng cơ cấu cán bộ phải căn cứ vào dân số, diện tích tự nhiên, đặc điểm tình hình, địa bàn hoạt động và nội dung công việc của mỗi xã, phường, thị trấn để bố trí cho phù hợp.

Điều 2: Cán bộ xã, phường, thị trấn được bố trí, tuyển chọn phải có trình độ qua đào tạo, có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Chương II

Số lượng cán bộ xã, phường, thị trấn

Điều 3: Số lượng cán bộ xã, phường (kể cả số cán bộ trong biên chế nhà nước tăng cường cho xã, phường):

- Dưới 5.000 bố trí:                                               18 cán bộ

- Từ 5.000 dân đến dưới 10.000 dân:                  19 cán bộ

- Từ 10.000 dân đến dưới 15.000 dân:                 20 cán bộ

- Từ 15.000 dân đến 20.000 dân:                         21 cán bộ

Xã, phường trên 20.000 dân, cứ thêm 3.000 dân được bố trí thêm 01 cán bộ nhưng tối đa không quá 25 cán bộ.

Điều 4: - Số lượng cán bộ thị trấn huyện:           17 cán bộ

(Nếu là thị trấn thuộc vùng trọng điểm về Quốc phòng - An ninh được bố trí thêm 01 xã đội phó)

- Số lượng cán bộ thị trấn nông trường:             12 cán bộ

Điều 5: Đối với những xã, phường, thị trấn là vùng trọng điểm về Quốc phòng - an ninh, các xã thuộc vùng cao, vùng xa, xã biên giới, xã ven biển được bố trí 01 xã đội, phường đội, thị đội phó theo Nghị định 35/CP ngày 14/06/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ (UBND tỉnh có quyết định cụ thể đối với những đơn vị được bố trí).

- Nếu là xã miền núi được bố trí 1 cán bộ phụ trách lâm nghiệp, định canh, định cư. Nếu là xã, phường ven biển (có nghề cá, nghề muối) được bố trí 1 cán bộ phụ trách hải sản, nghề muối.

- Các chức danh nói trên được bố trí trong số định suất của xã, phường, thị trấn quy định ở Điều 3 và điều 4 (đơn vị có dưới 10.000 dân không bố trí vượt quá 19 cán bộ, đơn vị có từ 10.000 dân đến 20.000 dân không bố trí vượt qua 21 cán bộ).

Chương III

Bố trí cán bộ

Điều 6: Bố trí các chức danh cán bộ xã (Trong đó có 5 - 7 thành viên UBND)

a) Xã có 17 cán bộ:

1. Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch HĐND.

2. Phó Bí thư Đảng uỷ (hoặc uỷ viên thường vụ trực Đảng).

3. Phó Chủ tịch HĐND.

4.  Chủ tịch UBND phụ trách chung, quy hoạch, kinh tế.

5. Phó Chủ tịch UBND phụ trách nội chính, trưởng công an.

6.Uỷ viên UBND phụ trách quân sự, xã đội trưởng.

7. Uỷ viên UBND phụ trách xã hội (chính sách xã hội, lao động, thương binh, liệt sỹ và xoá đói giảm nghèo, văn hoá - giáo dục - y tế - thể dục thể thao, bảo vệ chăm sóc trẻ em…).

8. Uỷ viên UBND phụ trách lâm nghiệp và định canh định cư (xã miền núi), hoặc phụ trách thuỷ sản, nghề muối (xã ven biển), phụ trách tiểu thủ công nghiệp và giao thông, thuỷlợi, điện nông thôn…(đối với xã đồng bằng).

9. Cán bộ phụ trách văn phòng, thống kê.

10. Cán bộ Tài chính kế toán.

11. Cán bộ địa chính.

12. Cán bộ tư pháp, hộ tịch, hộ khẩu, phổ biến giáo dục pháp luật.

13. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

14. Chủ tịch hội phụ nữ.

15. Chủ tịch hội nông dân.

16. Chủ tịch hội chiến binh.

17. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

b) Xã có trên 17 cán bộ: Lựa chọn bố trí các chức danh như sau:

1. Thêm 1 cán bộ phụ trách chính sách xã hội, lao động, thương binh, liệt sỹ, xoá đói giảm nghèo (những xã có nhiều đối tượng chính sách theo nghị định 28/CP, hưu trí, có công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm bức xúc thì cần ưu tiên bố trí chức danh này).

2. Xã đội phó (nơi được bố trí theo pháp lệnh dân quân tự vệ).

3. Phó công an phụ trách an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội.

Điều 7: Bố trí các chức danh cán bộ phường (Trong đó có 5 - 7 thành viên UBND):

a) Phường có 17 cán bộ:

1. Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch HĐND.

2. Phó Bí thư Đảng uỷ (hoặc uỷ viên thường vụ trực Đảng).

3. Phó Chủ tịch HĐND.

4. Phó Chủ tịch UBND phụ trách chung, quy hoạch, kinh tế, ngân sách, nội chính.

5. Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa - xã hội.

6. Uỷ viên UBND, trưởng công an xã.

7. Uỷ viên UBND phường đội trưởng.

8. Uỷ viên UBND phụ trách ngân sách, tài chính, thuế, kinh doanh.

9. Cán bộ phụ trách văn phòng, thống kê.

10. Cán bộ phụ trách nhà đất địa chính.

11. Cán bộ tư  pháp, phổ biến giáo dục pháp luật và hộ tịch.

12. Cán bộ Tài chính kế toán.

13. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

14. Chủ tịch hội phụ nữ.

15. Chủ tịch hội cựu chiến binh.

16. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

17. Chủ tịch hội nông dân (nơi có đủ điều kiện thành lập theo quy định của điều lệ hội nông dân).

b) Phường có trên 17 cán bộ: Lựa chọn bố trí một trong số các chức danh sau:

1. Thêm 1 cán bộ phụ trách chính sách xã hội, lao động, thương binh liệt sĩ, xoá đói giảm nghèo (những phường có đông đối tượng hưu trí và chính sách theo Nghị định 28/CP, công tác giải quyết lao động việc làm và xoá đói giảm nghèo đặt ra bức xúc thì cần ưu tiên bố trí chức danh này).

2. Phường đội phó (nơi được bố trí theo pháp lệnh dân quân tự vệ).

3. Phó công an phụ trách an ninh - phòng chống tệ nạn xã hội.

Điều 8: Bố trí các chức danh cán bộ thị trấn, huyện (Trong đó có 5 thành viên UBND):

1. Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch HĐND.

2. Phó Bí thư Đảng uỷ (hoặc uỷ viên thường vụ trực Đảng).

3. Phó Chủ tịch HĐND.

4. Phó Chủ tịch UBND phụ trách chung, kinh tế, đất đai, quy hoạch.

5. Phó Chủ tịch UBND phụ trách nội chính, trưởng công an.

6. Uỷ viên UBND, thị đội trưởng.

7. Uỷ viên UBND phụ trách văn phòng, thống kê.

8. Uỷ viên UBND phụ trách văn hoá xã hội (văn hoá, y tế, giáo dục, TDTT, bảo vệ chăm sóc trẻ em…).

9. Cán bộ tư  pháp, hộ tịch, hộ khẩu, phổ biến giáo dục pháp luật.

10. Cán bộ Tài chính kế toán.

11. Cán bộ nhà đất, địa chính.

12. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

13. Chủ tịch hội nông dân (nơi có đủ điều kiện thành lập).

14. Chủ tịch hội phụ nữ.

15. Chủ tịch hội cựu chiến binh.

16. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

17. Cán bộ phụ trách chính sách xã hội: Liệt sĩ, thương binh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội (nếu có nhiều đối tượng chính sách xã hội, hưu trí và tỷ lệ đói nghèo cao) hoặc phó công an phụ trách an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội.

18. Thị đội phó (nơi được bố trí theo pháp lệnh dân quân tự vệ).

Điều 9: Bố trí các chức danh cán bộ thị trấn nông trường (Trong đó có 5 thành viên UBND):

1. Phó Chủ tịch HĐND.

2. Phó Chủ tịch UBND phụ trách chung.

3. Phó Chủ tịch UBND phụ trách nội chính, trưởng công an.

4. Uỷ viên UBND, thị đội trưởng.

5. Uỷ viên UBND phụ trách văn hoá - xã hội (chính sách xã hội và người có công, lao động, xoá đói giảm nghèo, văn hoá, giáo dục, y tế, TDTT).

6. Uỷ viên UBND phụ trách văn phòng, thống kê.

7. Cán bộ Tài chính kế toán.

8. Cán bộ tư  pháp, phổ biến giáo dục pháp luật và hộ tịch, hộ khẩu.

9. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

10. Chủ tịch hội cựu chiến binh.

11. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

12. Chủ tịch hội phụ nữ.

Điều 10: Theo quy định tại các điều 6, 7, 8, 9 trên đây, UBND các huyện thị, thành phố căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để chỉ đạo việc bố trí số uỷ viên UBND xã, phường, thị trấn còn lại cho sát hợp.

a) Đối với xã, phường, thị trấn có số lượng cán bộ được bố trí ít (12, 17, 18 định suất) thì phải phân công một chức danh đảm đương nhiều việc để đảm bảo các mặt công tác đều có người đảm nhiệm.

b) Đối với xã, phường, thị trấn có số lượng cán bộ được bố trí nhiều (19, 20, 21 định suất) thì cần bố trí thêm chức danh để đảm nhận công việc phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương.

c) Đối với những nơi nhiều giáo dân, cần phân công một đồng chí trong số uỷ viên UBND trực tiếp phụ trách công tác tôn giáo.

Chương IV

Tiêu chuẩn cán bộ chuyên môn xã, phường, thị trấn

Điều 11: Cán bộ đảm nhận các chức danh chuyên môn tại xã, phường, thị trấn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Đối với số cán bộ tuyển mới:                                                       

- Lý lịch rõ ràng, phẩm chất chính trị và đạo đức tốt.

- Có văn bằng nhà nước cấp từ trung cấp trở lên (đối với đồng bằng), từ sơ cấp trở lên (đối với miền núi) theo từng loại công việc.

- Có đủ sức khoẻ để công tác lâu dài, tuổi đời không quá 35 đối với nữ và không quá 40 đối với nam.

b) Đối với số cán bộ hiện đang công tác:

- Việc tuyển chọn hợp đồng như mục a, điều 11.

- Nếu chưa qua đào tạo thì ký hợp đồng ngắn hạn, sau đó bố trí đi đào tạo rồi mới ký hợp đồng chính thức (Ban tổ chức chính quyền phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp).

- Nếu không đủ điều kiện để đào tạo thì bố trí người khác đảm bảo yêu cầu tuyển mới để thay thế.

Điều 12: Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật, UBND xã, phường, thị trấn lập văn bản báo cáo UBND huyện trực tiếp xử lý và bố trí người thay thế (sau khi có ý kiến của ngành dọc cấp trên và xét duyệt của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh).

Chương IV

Chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn

Điều 13: Mức sinh hoạt phí hàng tháng đối với cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính quyền, mặt trận, đoàn thể: thực hiện theo điều 3 Nghị định 09/1998/NĐ-CP. Thời gian hưởng từ 01/01/1998.

Điều 14: Hoạt động phí đối với phó Chủ tịc MTTQ và phó các đoàn thể (Hội phụ nữ, hội Nông dân, hội Cựu chiến binh, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) mỗi chức danh bố trí một định suất. Mỗi định suất bằng 60% mức sinh hoạt phí của cấp trưởng: 144.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng từ 01/07/1998 (các chức danh này không nằm trong chức danh quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ, không tham gia đóng bảo hiểm xã hội và không hưởng chế độ trợ cấp khi nghỉ việc).

Điều 15: Cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu nghỉ việc đang hưởng phụ cấp hàng tháng theo quyết định 130/CP hoặc 111/HĐBT nay thực hiện theo quy định tại phần II, mục 3 Thông tư 99/1998 TT-LT/TCCB-BTC-BLĐTBXH.

Điều 16: UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tự rà soát các đối tượng đang hưởng chế độ 130/CP, 111/HĐBT; nếu hưởng sai so với quy định lập danh sách báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét; UBND huyện, thị xã, thành phố tổng hợp danh sách báo cáo UBND tỉnh (qua Ban Tổ chức chính quyền tỉnh) để xem xét, quyết định.

Điều 17: Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng sinh hoạt phí thuộc các đối tượng quy định tại điều 6, 7, 8, 9, 10 của bản quy định này. Khi nghỉ việc được hưởng chế độ trợ cấp theo điều 4 Nghị định 09/1998/CP của Chính phủ.

Chương VI

Nguồn kinh phí

Điều 18: Nguồn kinh phí chi trả sinh hoạt phí, hoạt động phí; trợ cấp; mai táng phí, chế độ đối với cán bộ già yếu nghỉ việc theo quyết định 130/CP; 111/HĐBT do ngân sách Nhà nước cân đối vào ngân sách xã, phường, thị trấn.

Điều 19: Sinh hoạt phí, hoạt động phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang công tác và chế độ cho cán bộ đã nghỉ việc theo quyết định 130/CP, 111/HĐBT nhất thiết phải trả kịp thời hàng tháng và ưu tiên trả trước mới bố trí chi các khoản khác sau. Không được bố trí cán bộ nhiều hơn số lượng quy định tại Thông tư 99/1998/TT-LT/TCTB-BTC-BLĐTBXH và của văn bản này; không được trả mức cao hơn hoặc thấp hơn quy định của Chính phủ và của tỉnh cho mỗi chức danh.

Hàng năm ngân sách xã phải đảm bảo phân bổ kinh phí cho cấp uỷ, MTTQ và các đoàn thể chính trị, đảm bảo đủ để trả sinh hoạt phí, hoạt động phí và kinh phí hoạt động thường xuyên.

Điều 20: Kinh phí để trả chênh lệch chế độ cho cán  bộ xã, phường, thị trấn theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP so với Nghị định 50/CP (trong năm 1998) do ngân sách Nhà nước cấp.

Điều 21: Nguồn tài chính để đóng bảo hiểm xã hội:

Những cán bộ xã, phường, thị trấn đang công tác thì thời gian công tác trước ngày 01/01/1998, kinh phí đóng BHXH do ngân sách Trung ương đảm bảo; từ 01/01/1998 mỗi cán bộ xã, phường, thị trấn phải đóng BHXH 5% mức sinh hoạt phí đang hưởng, ngân sách Nhà nước đóng 10%.

Chương VII

Tổ chức thực hiện

Điều 22: Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị căn cứ vào quy định của UBND tỉnh để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn lựa chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn bố trí vào bộ máy và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Ban tổ chức chính quyền tỉnh).

Điều 23: Giao Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh:

a) Căn cứ vào văn bản đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố và văn bản thoả thuận của ngành cấp tỉnh để xem xét ra quyết định công nhận việc bố trí số lượng, cơ cấu, chế độ chính sách, chọn đủ số cán bộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn của mỗi chức danh theo quy định tại điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của quy định này đối với mỗi xã, phường,thị trấn.

b) Quyết định cho cán bộ xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện được hưởng chế độ khi nghỉ việc theo danh sách đề nghị của UBND huyện, thị xã, thành phố./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Bưu