Sign In

CHỈ THỊ

Về việc chủ động phòng, chống dịch sởi năm 2014

_______________

Ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 477/CĐ-TTg về việc phòng, chống bệnh sởi. Hiện nay, tình hình dịch sởi trên địa bàn toàn quốc đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, tỷ lệ mắc và tử vong cao. Tính từ tháng 12 năm 2013 đến ngày 15/4/2014 dịch bệnh đã xảy ra rải rác ở 61/63 tỉnh, thành với 3126 ca mắc bệnh trên 8441 người bị phát ban nghi sởi; trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi đã được xác định trên 108 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân chính là do trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ vắc xin cùng với chu kỳ phát bệnh sởi thường xảy ra 3-5 năm 1 lần.

Tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 09 bệnh nhân kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi ở 07 huyện, thị xã, thành phố; chưa có bệnh nhân tử vong; theo dự báo dịch sởi đang có nguy cơ lan rộng bùng phát nếu không triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống chủ động và tích cực.

Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi theo nội dung Công điện số 477/CĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành có liên quan khẩn trương tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở từng cấp.

2. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp:

Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống dịch đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế tại các địa phương và đơn vị.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn, bảo đảm cơ số thuốc men vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch sởi; tăng cường công tác giám sát dịch tễ, nhằm phát hiện sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên để triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, không để lây lan bùng phát thành dịch. Chủ động phân loại các vùng trọng điểm có nguy cơ cao để tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tích cực và chủ động.

3. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến tận người dân những điều cần biết về phòng chống dịch sởi; lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin sởi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách hiệu quả.

4. Giao Sở Y tế (thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch):

- Phối hợp với các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế; rà soát thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin sởi để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung, đồng thời phân vùng có nguy cơ cao để phối hợp với các huyện có các giải pháp tích cực theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là kế hoạch tiêm vắc xin sởi. Tăng cường các đoàn kiểm tra công tác triển khai kế hoạch phòng chống dịch tại cơ sở; đảm bảo không để bùng phát thành dịch, không để lây chéo với các bệnh khác và phấn đấu không để xảy ra tử vong.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan kiểm tra phương án đảm bảo hậu cần hỗ trợ kịp thời kinh phí đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch và cấp cứu bệnh nhân để chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Định kỳ tổng hợp tình hình dịch và đề xuất các giải pháp phòng chống dịch có hiệu quả, kịp thời báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định.

5. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức đoàn thể chính trị tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia, tạo điều kiện cho công tác phòng chống dịch đạt kết quả./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đăng Quyền