CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ
Về tăng cường công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị
_______________
Trong những năm vừa qua, thực hiện chỉ thị số 30/1999/CT-TTg ngày 26/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý, phát triển đô thị trong tỉnh đã được nâng lên một bước: Hầu hết các đô thị đã được lập và được phê duyệt quy hoạch chung; quy hoạch chi tiết được đẩy mạnh; công tác lập ,thẩm tra, trình duyệt quy hoạch được chấn chỉnh; việc quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo dự án gắn với quy hoạch được chú trọng. Nhất là từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 4190/2002/QĐ-UB ngày 13 tháng 12 năm 2002 về Quy định Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, các chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị.
Tuy nhiên, những cố gắng nêu trên vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới và đầu tư xây dựng tại các đô thị. Nhiều vấn đề trong lĩnh vực này cần được tập trung giải quyết, đó là: Quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị; quy hoạch xây dựng nông thôn chưa được tiến hành; chất lượng các đồ án quy hoạch còn nhiều hạn chế, thiếu tính khả thi; công tác quản lý xây dựng vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn, xây dựng không giấy phép hoặc trái giấy phép làm phá vỡ quy hoạch còn phổ biến; trật tự xây dựng chưa được xác lập; công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị chưa được tập trung; Môi trường đô thị ngày càng bị ô nhiễm..v.v
Để khắc phục những tồn tại trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị cho các ngành các cấp trong tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1- Đẩy mạnh việc lập quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện , thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện): Tổng kết đánh giá tình hình lập và phê duyệt quy hoạch tại các địa phương trong toàn tỉnh; Rà xoát, đề xuất kế hoạch và giải pháp lập quy hoạch chung các đô thị mới, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đã phê duyệt , quy hoạch chi tiết tại các đô thị và các trục giao giao thông chính, quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2006 cơ bản các yêu cầu về quy hoạch xây dựng phải được đáp ứng, bảo đảm quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước.
UBND các huyện , thị xã, thành phố dành các nguồn vốn chủ động triển khai đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu làng nghề tiểu thủ công nghiệp, điểm dân cư tập trung dọc các quốc lộ, tỉnh lộ đang có nhu cầu phát triển, nhất là quy hoạch chi tiết xây dựng trình cấp có thẫm quyền phê duyệt làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm, giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch, giao đất hoặc cho thuê đất ..v.v.
Trên cơ sở các quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư lập các dự án đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường ..v.v theo hình thức "đổi đất lấy hạ tầng" hoặc "đấu giá đất"..v.v theo chế độ, chính sách hiện hành, trình cấp có thẩm quyền quyết định làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
Từ nay trở đi, khi có quy hoạch chi tiết được duyệt, các cấp, các ngành mới được giới thiệu địa điểm xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng cần thiết phải làm ngay trong khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt, phải nghiên cứu định hướng không gian khu vực lân cận kèm theo hồ sơ địa điểm, Sở Xây dựng thẩm tra, trình UBND tỉnh chấp thuận. Sau đó UBND địa phương phải nhanh chóng hoàn chỉnh QHCT để trình duyệt.
2- Về quản lý xây dựng theo quy hoạch:
Các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt phải được tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp: Ban hành quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch; công bố và công khai các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, kiểm tra và thực hiện; lập, xét duyệt hồ sơ và đưa các chỉ giới quy hoạch ra ngoài thực địa; giới thiệu và xét duyệt địa điểm theo yêu cầu của chủ đầu tư; tổ chức cung cấp thông tin kịp thời về quy hoạch thông qua cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp phép xây dựng , tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng công trình nhanh chóng nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; đảm bảo yêu cầu kiến trúc, cảnh quan môi trường.
UBND cấp huyện và chính quyền đô thị phải xây dựng chương trình hành động, lập kế hoạch 5 năm và hàng năm thông qua Đảng uỷ, HĐND và UBND cùng cấp làm cơ sở và mục tiêu xây dựng phát triển đô thị theo đồ án quy hoạch được duyệt.
Căn cứ các quy hoạch chi tiết được duyệt, Sở Xây dựng, Sở Địa chính phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra tình hình xây dựng theo quy hoạch; có biện pháp xử lý cương quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẫm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng trái với quy hoạch, xây dựng không giấy phép, sai giấy phép và xây dựng không đúng với quy hoạch được duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẫm quyền; Có biện pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra và ngăn chặn việc mua bán đất trao tay, chuyển quyền sử dụng đất trái phép tại các vùng đất đã có quy hoạch để phát triển đô thị; nghiêm cấm việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng không có hoặc không theo quy hoạch chi tiết tại các khu vực đô thị và dọc theo các trục giao thông chính.
Để bảo đảm trật tự kiến trúc và xây dựng, tại thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn, đô thị mới Nghi Sơn phải xây dựng chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị bao gồm các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản suất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình bảo vệ môi trường, vệ sinh đô thị. Việc phát triển đô thị phải theo các dự án đầu tư xây dựng đô thị mới tập trung, đồng bộ hoàn chỉnh theo khu vực, tạo ra không gian đô thị hiện đại và phát triển bền vững. Khuyến khích các huyện phát triển các làng nghề, sắp xếp và chỉnh trang không gian các thôn xóm, đường phố... nhằm tạo ra sự chuyển biến theo hướng tích cực về không gian và môi trường sống cho dân cư.
Các ngành, các cấp cần tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động của Tỉnh uỷ số 46CTr/TU ngày 29 tháng 4 năm 2003 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
3- Huy động các nguồn vốn phát triển đô thị theo dự án:
UBND các huyện, thị xã, thành phố có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển đô thị; thực hiện các chính sách đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp , các khu đô thị, khu nhà ở xây dựng tập trung theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, lấy công trình, đấu giá đất ..., nhằm sử dụng quỹ đất, tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, các địa phương cần coi trọng việc huy động vốn trong dân, vốn tạo ra từ quỹ đất, quỹ nhà và các nguồn thu từ dịch vụ đô thị để phục vụ cho việc đầu tư nâng cấp đô thị đạt hiệu quả.
4- Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm:
UBND cấp huyện phải căn cứ quy định về quản lý đô thị để thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. UBND cấp xã phải chủ động và tăng cường trách nhiệm quản lý trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay từ lúc đầu, có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, kiên quyết không để tồn tại những công trình xây dựng không phép hoặc trái phép.
Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra theo chức năng; hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên và đột xuất theo quy định hiện hành.
Các Sở quản lý chuyên ngành căn cứ chức năng quyền hạn được giao để tăng cường biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, chủ động phối hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, phát triển đô thị.
5- Thực hiện phân công phân cấp trong quản lý quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.
Ban tổ chức chính quyền tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành nghiên cứu sắp xếp bộ máy tổ chức , thực hiện phân công, phân cấp trên cơ sở quy định rõ chức năng , nhiệm vụ , quyền hạn và trách nhiệm của các ngành , các cấp theo hướng tăng cường vai trò của UBND cấp cơ sở về quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, đồng thời gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức trực tiếp làm các thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 38/ CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ, Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ.
Công tác quản lý phát triển đô thị là một nhiệm vụ rất phức tạp và lâu dài; Yêu cầu các cấp, các ngành có kế hoạch chủ động thực thi nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành với quản lý theo địa bàn nhằm tạo ra được bước đột phá tích cực trong công tác quản lý phát triển đô thị trong giai đoạn mới./.