• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/04/2003
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Số: 14/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 14 tháng 4 năm 2003

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

V/v triển khai Chương trình xây dựng kiên cố hoá trường, lớp học

________________________

 

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều cố gắng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển. Đến nay, nhiều phòng học đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Một số huyện đã chủ động thực hiện có hiệu quả việc kiên cố hoá trường học, đã xoá phòng học học ca 3, phòng học tranh tre, nứa lá, tạm bợ.

Tuy vậy, đến nay số phòng học tranh tre, nứa lá còn chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (hiện có 17/27 huyện vẫn còn nhiều lớp phải học ở phòng học tranh, tre tạm bợ; số phòng học tranh, tre còn 3.102 chiếm 12,5% trong tổng số phòng học của tỉnh, riêng Miền núi chiếm 38,4%). Nhiều phòng học cấp 4 đã xuống cấp; trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập trong nhà trường còn nhiều thiếu thốn.  Đó là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Để thực hiện nghiêm túc Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ V/v thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường lớp học, nhằm xoá toàn bộ phòng học tranh tre, nứa lá từ năm 2003-2005, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan Thường trực Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch xoá phòng học tranh tre cho từng năm (cụ thể đến từng địa chỉ thôn bản, xã, huyện)

- Tổng hợp kế hoạch của các huyện trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình và kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm trong toàn tỉnh

- Chỉ đạo các huyện triển khai chương trình. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình ở các huyện, định kỳ quý và 6 tháng báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính-Vật giá cân đối nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn ngân sách của TW để thực hiện Chương trình. Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn thủ tục đầu tư cho Chủ đầu tư.

3. Sở Tài chính-Vật giá có trách nhiệm:

- Bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh cùng với ngân sách TW để thực hiện Chương trình.

- Hướng dẫn, chỉ đạo việc tiếp nhận và quản lý vốn đóng góp theo quy định.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ kinh phí hành năm cho các huyện, trình UBND tỉnh quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về Chương trình này theo nguyên tắc: Đơn giản về thủ tục, nhưng đảm bảo yêu cầu chặt chẽ về quản lý.

4. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành thiết kế mẩu từng loại lớp học, trường học, hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện từng vùng, xác định suất đầu tư. Hướng dẫn Chủ đầu tư quản lý chất lượng đầu tư.

5. Sở Địa chính có trách nhiệm hướng đẫn việc lập hồ sơ giao đất, tổng hợp báo cáo của các huyện trình UBND tỉnh quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất cho trường học.

6. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì cùng với Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Kế họach và Đầu tư, Liên minh các HTX, các doanh nghiệp, các sở có liên quan tổ chức vận động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện đóng góp để thực hiện Chương trình.

7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận TQ tỉnh, các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực vận động toàn dân hướng ứng tham gia đóng góp vào Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và tăng cường giám sát để Chương trình đạt hiệu quả chất lượng cao.

8. UBND các huyện là chủ quản đầu tư có nhiệm vụ:

- Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học của huyện (nhiệm vụ thành phần như Ban chỉ đạo của tỉnh). Thực hiện ngay việc: Thàmh lập Ban Quản lý dự án xã và chỉ đạo ban quản lý dự án các xã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư.

- Kiểm tra, xác định, cụ thể số phòng học tranh tre, tạm bợ của địa phương (cụ thể đến từng xã, thôn, bản, trường học).

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đến năm 2005, kế hoạch thực hiện hàng năm (cụ thể đến từng xã, thôn, bản, trường học), kế hoạch, dự toán kinh phí tổng thể và hàng năm để thực hiện Chương trình ( trong đó đề xuất cụ thể phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phần vốn do địa phương đảm nhiệm và cơ chế huy động đóng góp của nhân dân), báo cáo thông qua HĐND cùng cấp và Ban Chỉ đạo tỉnh (cơ quan Thường trực là Sở Giáo dục và Đào tạo).

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong huyện đóng góp vốn, ngày công lao động để thực hiện Chương trình.

- Chỉ đạo triển khai, kiểm tra thực hiện Chương trình trên địa bàn theo đúng kế họch, đúng quy định, đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát, tiêu cực. Tổ chức giao ban định kỳ đánh gía kết quả và báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh.

9. Các cơ quan thông tin đại chúng Báo Thanh Hoá, Báo Văn hoá Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền rộng rãi để mọi người cùng tham gia hưởng ứng, kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học./.   

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Thị Chất

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.