• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/06/1998
UBND TỈNH THANH HÓA
Số: 17/1998/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 24 tháng 6 năm 1998

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh thanh Hoá

Về việc thực hiện các biện pháp cấp bách cứu hộ, cứu nạn

đối với ngư dân hoạt động nghề cá trên biển

_____________

 

Ngày 18 tháng 01 năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số: 39/TTg về việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, Chính phủ đã thành lập Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trên không trên biển để thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiên tai gây ra. Năm 1997 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số: 08 CT/UB ngày 6/6/1997 về việc trang bị phao cứu sinh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện làm nghề khai thác cá trên biển. Thực hiện chủ trương này các cấp uỷ, chính quyền các huyện, thị xã vùng biển nhất là các xã trực tiếp dọc bờ biển đã tích cực tổ chức cho ngư dân mua phao cứu sinh, kết quả đạt khá như Hậu Lộc, Nga Sơn, Tĩnh Gia... Tuy nhiên ở một số huyện, xã chỉ đạo chưa quyết tâm và chưa kịp thời, chưa đồng bộ nên ngư dân vẫn chưa tự giác mua phao. Các chủ phương tiện vẫn chưa thấy đúng trách nhiệm là phải mua phao cứu sinh cho lao động trên tàu thuyền mình quản lý. Năm 1997 có gần 40% số ngư dân mua phao, còn trên 50% số ngư dân chưa mua phao cứu sinh.

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển nhất là trong mùa mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị các  Cấp, các Ngành thực hiện một số chủ trương về cứu hộ, cứu nạn trong hoạt động nghề cá trên biển như sau:

1- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường vùng biển làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tổ chức, mọi đơn vị và ngư dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo cứu hộ, cứu nạn có hiệu quả nhất. Làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn là cơ sở phát triển nghề cá, bảo vệ hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình ngư dân. Phải coi việc trang bị các phương tiện và điều kiện cứu nạn, cứu hộ như: hệ thống thông tin liên lạc, phao cứu sinh, thiết bị chống thủng, chống cháy... cũng quan trọng như trang bị phương tiện đánh bắt hải sản để tự bảo vệ phương tiện, tính mạng và cuộc sống của chính mình.

Mọi phương tiện đi đánh cá đều phải mang theo thiết bị truyền thanh (đài Radio) thường xuyên theo dõi tin tức về diễn biến thời tiết và báo bão kịp thời. Các phương tiện lớn, tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ phải đảm bảo trang bị hệ thống thông tin mạnh hoạt động gắn liền với trung tâm thông tin của Sở Thuỷ sản và UBND huyện, xã. UBND xã vùng biển nắm tình hình, phân loại cụ thể phương tiện đánh bắt hải sản, những phương tiện khó khăn Tỉnh xét có thể cấp Radio.

Đài phát thanh và truyền hình, Bưu điện tỉnh có kế hoạch chủ động bàn với huyện và các xã xây dựng trạm truyền thanh và điện thoại ở tuyến xã để liên lạc kịp thời trong mùa mưa bão.

Chủ tịch UBND các huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã nắm vững số lượng tàu thuyền và ngư dân đi biển từng ngày, từng chiều và ngư trường đánh cá của ngư dân thuộc địa phương quản lý để có phương án thông tin báo bão và gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn kịp thời trước khi có bão sảy ra.

2- Về trang bị phao cứu sinh: Mỗi ngư dân đi trên biển bắt buộc phải có phao cứu sinh.  Vì vậy giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã vùng biển chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị Số: 08 CT-NN/UB ngày 6/6/1997 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc trang bị phao cứu sinh đảm ban toàn cho người và phương tiện hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, chỉ đạo các xã nắm chắc số lượng tàu thuyền, số lượng ngư dân đi biển để tổ chức ngay việc cung ứng và bán phao cứu sinh đến tận thôn xóm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân mua phao. Các Chủ phương tiện (Chủ tàu thuyền) phải chịu trách nhiệm mua phao cứu sinh đủ cho số lượng lao động trên phương tiện mình quản lý. Phao cứu sinh phải đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Thuỷ Sản. Phao cứu sinh bán theo giá mua tại gốc, các chi phí vận chuyển, và quản lý của đơnvị cung ứng do ngân sách tỉnh cấp. Sở Thuỷ sản giao cho một doanh nghiệp làm nhiệm vụ cung ứng phao cứu sinh, lập dự toán để Sở Tài chính Vật giá theo dõi và duyệt cấp bù, không thu thuế mua bán phao cứu sinh.

3- Thành lập Ban chỉ đạo cứu nạn cứu hộ của tỉnh do Sở Thuỷ sản là cơ quan thường trực, các ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Giao thông vận tải, Bưu điện, Y tế, Hội chữ thập đỏ, Thương binh xã hội, Bộ đội biên phòng, Công an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cử một lãnh đạo tham gia. Ban hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.

Sở Thuỷ sản có phương án bố trí phương tiện cứu hộ của các ngành đã được trang bị bao gồm: Một tầu kiểm ngư công xuất 300 CV của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 3 tầu công xuất từ 300 đến 600 CV của Bộ đội biên phòng và trên 30 tầu được đầu tư theo chương trình  khai thác cá xa bờ có công xuất từ 90 CV trở lên đảm bảo lực lượng và thông tin liên lạc để sẵn sàng tham gia khi có tình huống sảy ra. Đồng thời Sở Thuỷ sản có kế hoạch phối hợp với Đài khí tượng thuỷ văn, Bưu điện tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng có biện pháp và hình thức thông tin, thông báo kịp thời tình hình thời tiết bất thường, nhất là trong mùa mưa bão để ngư dân chủ động ra khơi và phòng tránh tai nạn sảy ra khi đang đánh cá trên biển. Trước mắt mở các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn cho ngư dân, về phương pháp tránh bão, phương pháp cứu nạn, tổ chức tuyên truyền vận động để ngư dân tự giác mua phao, mua đài Radio. cùng với huyện chỉ đạo tiến hành kiểm tra phân loại tình hình hoạt động các trạm truyền thanh ở cấp xã và trang bị đài Radio trên các tàu thuyền, có ý kiến đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh. Tổ chức tốt trạm thu phát tại Sở đảm bảo nắm thông tin nhanh nhạy, chính xác, thông báo tin tức phục vụ chỉ huy kịp thời.

4- Nguồn kinh phí cứu hộ, cứu nạn năm 1998 được bố trí trong nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, khi cần sử dụng có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Trước mắt Sở Tài chính Vật giá thống nhất với Sở Thuỷ sản xác định các khoản chi cần thiết phải trang bị ban đầu cho công tác cứu nạn cứu hộ, công tác tuyên truyền, tập huấn, tính toán nhu cầu kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt kịp thời. Từ năm 1999 trở đi Sở Thuỷ sản lập kế hoạch kinh phí phòng chống bão lụt, cứu nạn vùng biển, Sở Tài chính Vật giá tập hợp báo cáo Bộ Tài chính để chủ động nguồn kinh phí.

Các Ngành, các đơn vị, các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh phải có kế hoạch bố trí nguồn nhân lực, vật tư để sẵn sàng huy động khi có tình huống sảy ra.

5- Sở Văn hoá thông tin, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hoá, các cơ quan đoàn thể quần chúng trong tỉnh có kế hoạch phối hợp với chính quyền các cấp ở vùng biển tuyên truyền giáo dục để ngư dân vừa tự giác tham gia học tập, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để phòng chống thiên tai khi sẩy ra, trước mắt mở đợt vận động để mọi người tích cực tham gia mua phao cứu sinh.

Đề nghị Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên và các ngành phối hợp với chính quyền các cấp ở vùng biển tuyên truyền giáo dục để ngư dân tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện phòng tránh tai nạn do bão lụt gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Thuỷ Sản chủ trì cùng với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã vùng biển, Thủ trưởng các Ngành, các Đơn vị có liên quan hướng dẫn cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nội dung chỉ thị này đến các cơ sở địa phương trong tỉnh, tổng hợp báo cáo kết quả thường xuyên kịp thời về UBND tỉnh.

Chỉ thị này phổ biến đến cơ sở xã, phường, thôn vùng biển./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Mai Xuân Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.