• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/08/1998
UBND TỈNH THANH HÓA
Số: 1624/1998/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 6 tháng 8 năm 1998

Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Về việc Ban hành quy định hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và

phương tiện nghề cá bị lâm nạn trên biển

_______________

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

 

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ban hành ngày 5/7/1994;

- Căn cứ vào Chỉ thị số 39/TTg ngày 18/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển;

- Căn cứ Chỉ thị số 07/1998/CT-TTg ngày 05/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch tìm kiếm nạn nhân từ Trung ương đến địa phương;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản tại công văn số 287-TS ngày 20/06/1998 về việc ban hành qui chế tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện nghề cá bị lâm nạn trên biển,

Quyết định:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện nghề cá bị lâm nạn trên biển.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

 

(Đã ký)

 

Mai Xuân Minh

                                                            

Quy định

Về hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và

phương tiện nghề cá bị lâm nạn trên biển

 (Ban hành kèm theo quyết định số 1624/1998/QĐ-UB, ngày 06 tháng 08 năm 1998 của Chủ tịch UBND tỉnh)

__________

 

Chương I

Những quy định chung

Điều 1: Bản quy định này quy định nhiệm vụ và trách nhiệm phối kết hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân đối với công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện nghề cá lâm nạn trên biển.

Điều 2: Nội dung công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ gồm:

- Chuẩn bị các điều kiện như: Xây dựng phương án, tập huấn nghiệp vụ và bảo đảm trật tự thiết bị dự phòng cho công tác cứu nạn, cứu hộ.

- Tìm kiếm phát hiện và thực hiện cứu nạn, cứu hộ cho người và phương tiện nghề cá đang hành trình trên biển bị chìm đắm do thiên tai gây ra.

- Tìm kiếm phát hiện và lai dắt các phương tiện nghề cá trên đường chạy tránh gió bão áp thấp nhiệt đới, gió lốc bị hư hỏng không di chuyển được về nơi trú ẩn an toàn.

Chương II

Những quy định cụ thể

Điều 3: Sở Thuỷ sản là thường trực Ban tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện nghề cá bị lâm nạn trên biển, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh.

Điều 4: Thường trực Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm:

- Giúp Trưởng ban chỉ huy PCLB tỉnh giải quyết các công việc hàng ngày trong mùa lụt bão về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Hợp đồng chặt chẽ với Uỷ ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, đề nghị hỗ trợ kịp thời cho địa phương trong các tình huống khẩn cấp.

- Duy trì chế độ thường trực 24/24 trong mùa mưa bão là đầu mối theo dõi, xử lý các tình huống cứu nạn, cứu hộ của tỉnh.

- Tham mưu cho Trưởng ban phòng chống bão lụt tỉnh xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ trên biển và lập kế hoạch tổ chức việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Chỉ đạo Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện nghề cá lâm nạn trên biển.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị ven biển tổ chức tốt lực lượng để triển khai kịp thời nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.

- Kiểm tra đôn đốc các ngành, các cấp, các đơn vị và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Điều 5: Nhiệm vụ của các ngành:

1. Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh có trách nhiệm tổ chức huy động lực lượng tàu, phương tiện của ngành để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển theo quyết định của Trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trên biển, trên đất liền tại các vùng mà ngư dân bị lâm nạn. Đồng thời có kế hoạch giải quyết các vấn đề phát sinh theo chức năng nhiệm vụ của ngành trong khi thực hiện tìm kiếm cứu nạn.

2. Sở Y tế có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng và tổ chức tốt mạng lưới y tế đảm bảo tốt việc cứu chữa ngư dân bị nạn.

3. Sở Văn hoá thông tin, Đài phát thanh truyền hình, Báo Thanh Hoá và các cơ quan thông tin tuyên truyền trên địa bàn phải đảm bảo đưa tin kịp thời các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong mùa bão lụt. Phải thường xuyên tuyên truyền để mọi ngư dân nâng cao nhận thức, tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai.

4. Sở Lao động thương binh xã hội: Chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị hại, đồng thời giải quyết nhanh chóng và kịp thời chế độ trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

5. Hội chữ thập đỏ tỉnh: Phối hợp với các cấp ở vùng biển tuyên truyền giáo dục để ngư dân tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện phòng tránh do thiên tai gây ra, cùng với các ngành, các cấp chăm sóc sức khoẻ và đời sống cho những người bị nạn.

6. Bưu điện tỉnh: Đảm bảo liên lạc thông suốt xuống các xã ven biển trong bất kỳ tình huống nào. Phối hợp với sở Thuỷ sản hoàn chỉnh mạng lưới thông tin từ đất liền đến các tàu đánh cá xa bờ và ngược lại, tổ chức tốt hoạt động trạm thông tin trung tâm tại sở Thuỷ sản.

7. Công ty Bảo hiểm Thanh Hoá: Có trách nhiệm với Bộ Thuỷ sản, Bộ đội biên phòng tỉnh, các ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố, các xã phường triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 39 TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6: Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thuộc Sở Thuỷ sản: có thực hiện tại quyết định số 1120 QĐ/NN-UB ngày 18/06/1997 cụ thể là:

- Lập phương án huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ.  Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bảo đảm an toàn trong khi cứu hộ cho đối tượng làm nhiệm vụ cứu nạn và cho ngư dân.

- Tổ chức nhanh chóng, kịp thời các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển đạt kết quả cao.

- Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa Trung tâm chỉ đạo trên đất liền với đội tàu tìm kiếm cứu nạn, các tàu đánh cá xa bờ trong mùa bão lụt theo quy định về thời gian và tần số hoạt động riêng. Trực 24/24 giờ trong khi có bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát phương tiện nghề cá. Không được cho tàu thuyền đi sản xuất khi chưa đảm bảo các yêu cầu về trang bị an toàn, đặc biệt là không có đủ phao cứu sinh cho số lượng lao động trên tàu thuyền.

- Lập kế hoạch tài chính hàng năm cho công tác cứu nạn, cứu hộ, báo cáo sở Thuỷ sản để thống nhất với sở Tài chính - Vật giá bố trí kế hoạch ngân sách trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 7: Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các xã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân và phương tiện đánh bắt hải sản hoạt động trong mùa có bão lụt. Chỉ đạo công tác trang bị an toàn đặc biệt là trang bị phao cứu sinh. Có trách nhiệm tổ chức cung ứng phao cứu sinh cho ngư dân, có các biện pháp tích cực nhất để mọi ngư dân phải có phao cứu sinh và ra đi ô trang bị khi đi biển.

- Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn hoàn thành nhiệm vụ.

- Có trách nhiệm điều động các tàu khai thác hải sản xa bờ tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Điều 8: Chủ tịch UBND các xã, phường ven biển có trách nhiệm:

- Hướng dẫn đôn đốc các ngư dân thuộc đơn vị quản lý thực hiện nghiêm túc về bảo đảm an toàn như: Có đủ phao cứu sinh cá nhân và tập thể, mua bảo hiểm thân tàu và người.

- Bắt buộc các chủ phương tiện làm nghề đi biển thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện nghề cá theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Phải nắm chắc số lượng người và phương tiện của địa phương đang khai thác thuỷ sản trên các ngư trường, báo cáo kịp thời về Ban chỉ huy phòng chống bão lụt huyện và Sở Thuỷ sản trước khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cấp cứu, sơ cứu ban đầu và chăm sóc các trường hợp bị nạn được lực lượng tìm kiếm cứu nạn đưa vào đất liền. Xây dựng phương án và chuẩn bị các điểm trú gió bão trên địa bàn xã, lập và triển khai kế hoạch di dân khi xảy ra sóng thần và vỡ đê biển.

Điều 9: Đối với Chủ nhiệm hợp tác xã và chủ tàu thuyền:

- Phải chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi biển để tự cứu mình khi gặp bão và thiên tai xảy ra.

- Phải ký kết hợp đồng lao động giữa chủ tàu và người lao động theo quy định của Pháp luật lao động.

- Phải làm bản cam kết với chính quyền xã, phường về trang bị đủ phao cứu sinh cá nhân, mua bảo hiểm. Nếu do không trang bị an toàn không mua bảo hiểm đầy đủ khi bị tai nạn chết người trên biển thì chủ tàu và Chủ nhiệm hợp tác xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 10: Chế độ làm việc và báo cáo tìm kiếm cứu nạn trong mùa bão lụt:

1. Trong các cuộc họp thường kỳ và bất thường của Ban chỉ huy phòng chống Bão lụt tỉnh đều phải có nội dung về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Sở Thuỷ sản chuẩn bị nội dung báo cáo trong các kỳ họp.

2. Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị phải báo cáo Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh thường xuyên kịp thời về việc công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và kết quả thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thuộc ngành, địa phương quản lý.

3. Thường trực Ban chỉ đạo hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của tỉnh có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo kịp thời Ban chỉ huy PCBL tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định.

Chương III

Khen thưởng và kỷ luật

Điều 11: Tổ chức cá nhân có thành tích trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện nghề cá bị lâm nạn trên biển được khen thưởng theo chế độ của Nhà nước.

Điều 12: Thủ trưởng các ngành, các đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, các phường, chủ nhiệm các hợp tác xã đánh cá, các chủ tàu thuyền nếu do thiếu trách nhiệm trong công tác cứu nạn, cứu hộ gây nên thiệt hại về người, phương tiện và tài sản của ngư dân đang hoạt động nghề cá trên biển thì tuỳ theo tính chất mức độ vị phạm phải chịu trách nhiệm xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Mai Xuân Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.