• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 29/02/2008
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 27/2008/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 5 tháng 2 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội

đối với các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 8409/TTr-BKH ngày 15 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 (gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa (gồm: Quan Hoá, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh), các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An (gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương) để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng:

1. Mục tiêu:

a) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Vùng đạt trên 12%;

b) Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng cung cấp các dịch vụ xã hội cho phát triển kinh tế, góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, giảm dần khoảng cách với các vùng khác trong cả nước; đến năm 2010: 100% số xã có điện thoại đến trung tâm xã, 70 - 75% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt, 90 - 95% số xã có điện lưới quốc gia, 80 - 90% số hộ được dùng điện, bảo đảm hầu hết các hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và xem Truyền hình Việt Nam;

c) Sớm giải quyết dứt điểm số hộ đói kinh niên, đói giáp hạt; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (theo chuẩn nghèo mới) trên 3%/năm; đến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20%;

d) Đến năm 2010 đạt phổ cập trung học cơ sở trên toàn Vùng; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường: mẫu giáo đạt 85 - 90%, tiểu học đạt 97 - 99%; trung học cơ sở đạt 85 - 90%; trung học phổ thông đạt 45 - 50%; cải thiện một bước điều kiện học tập, sinh hoạt các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường bán trú dân nuôi;

đ) Tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu lao động và chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo nghề, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25 - 30% và 100% cán bộ xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ vào năm 2010;

e) Giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, nâng cao dân trí và cải thiện rõ rệt đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số;

g) Bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái; sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.

2. Nhiệm vụ chủ yếu:

a) Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

- Quy hoạch và thực hiện quy hoạch sản xuất lương thực theo hướng nâng cao hiệu quả, phát huy được lợi thế về đất đai, khí hậu... của từng vùng, tiểu vùng; mở rộng diện tích lúa nước một cách hợp lý, giảm diện tích sản xuất lương thực trên đất dốc;

- Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng cây chuyên canh tập trung tạo nguồn hàng hóa (chè, cà phê, dâu tằm, mía, cây ăn quả, dược liệu, hương liệu, hoa, rau màu...) với quy mô thích hợp, gắn với công nghiệp chế biến có trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng như của hàng hóa tiêu dùng trong nước;

- Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm;

- Điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng, xác định diện tích rừng phòng hộ một cách hợp lý trên cơ sở phân loại diện tích cần bảo vệ một cách nghiêm ngặt, tăng nhanh diện tích rừng sản xuất; chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng mới, bao gồm rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng kinh tế, rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo quy hoạch; tổ chức tốt việc phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà nhằm ổn định nguồn nước cho các công trình thủy điện lớn trong Vùng;

- Hoàn thành việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất ổn định lâu dài, chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy; thực hiện tốt việc gắn phát triển nương cố định với định canh, định cư và giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân;

- Phát triển giống mới, kỹ thuật mới, thâm canh, tăng vụ, tăng cường sử dụng đất và bảo tồn đất đai; phát triển công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cơ sở nhân tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, phục vụ sản xuất hàng hóa và xóa đói giảm nghèo; tổ chức tốt việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn cho nông dân để thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu và thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật;

- Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các hồ chứa, hồ tự nhiên và nuôi cá lồng trên các sông, suối;

- Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp;

- Tổ chức tốt việc thực hiện các dự án đầu tư tại Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ở vùng sát biên giới Việt Nam về sản xuất nông lâm nghiệp.

b) Về công nghiệp - xây dựng

- Xây dựng và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối; quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ; quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo tại các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực về cơ khí, luyện kim, hóa chất và các sản phẩm công nghiệp chủ lực khác cho các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;

- Xây dựng và thực hiện đề án phát triển các hoạt động khuyến công và các trung tâm khuyến công tại Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ;

- Tập trung xây dựng thủy điện, trước hết là Nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, đồng thời huy động nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhà máy nhiệt điện chạy than;

- Cùng với việc khai thác và chế biến có hiệu quả khoáng sản theo các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương trên địa bàn, phát triển xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất với quy mô phù hợp, dựa trên khả năng tài nguyên trong Vùng và thị trường tiêu thụ;

- Tổ chức điều tra, thăm dò, đánh giá tài nguyên khoáng sản của các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và phân cấp quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản phù hợp; tập trung khai thác tận thu khoáng sản trong vùng ngập của các công trình thủy điện. Phát triển việc khai thác, chế biến khoáng sản theo quy hoạch, có hiệu quả;

- Xây dựng mới và nâng cao chất lượng chế biến của các cơ sở chế biến chè, sửa, các loại nông sản, thực phẩm khác gắn với vùng nguyên liệu; phát triển các cơ sở chế biến hàng xuất khẩu;

- Tiếp tục mở rộng việc trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, bảo đảm đủ nguyên liệu cho Khu công nghiệp giấy Bãi Bằng; xây dựng mới các nhà máy giấy, bột giấy, đồ gỗ xuất khẩu;

- Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp như kim khí, điện máy, rèn nguội, sữa chữa cơ khí... phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như đáp ứng yêu cầu của thế trận nhân dân khi cần thiết; chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống;

- Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp dọc tuyến hành lang Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội và tuyến Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu để khai thác tốt tiềm năng của hệ thống đường nan quạt của Vùng, tăng cường thương mại quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn thuộc Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ;

- Tăng cường việc hợp tác, đầu tư ra nước ngoài với Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về phát triển công nghiệp, khai thác tài nguyên, khoáng sản và giải quyết lao động, đặc biệt là tại vùng giáp biên giới Việt Nam.

c) Về thương mại - dịch vụ

- Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch Vùng đến năm 2020;

- Ưu tiên đầu tư khai thác các điểm du lịch: Điện Biên Phủ, khu di tích lịch sử Pắc Bó, Tân Trào, Định Hóa, Đền Hùng, Sa Pa, Mẫu Sơn, hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc, hồ Thác Bà, thủy điện Hòa Bình,...; đẩy mạnh việc tổ chức các hình thức du lịch có thế mạnh đặc thù của Vùng như du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng,... nhằm khai thác các điểm du lịch với nhiều hình thức du lịch thích hợp;

- Đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu; tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có các kho ngoại quan ở các khu kinh tế cửa khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; khu trung tâm thương mại có quy mô thích hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa; phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, vận tải, bưu chính viễn thông; xây dựng các chính sách kinh tế cửa khẩu nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu tiền tệ và hàng hóa, hỗ trợ xuất khẩu, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế cửa khẩu và tạo các nguồn hàng xuất khẩu chủ lực ổn định qua biên giới, tăng cường hợp tác kinh tế với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

- Phát triển mạng lưới thương mại (chợ, cửa hàng thương mại) ở các trung tâm cụm xã, các xã vùng sâu, vùng xa miền núi và nông thôn gắn với phát triển giao thông với quy hoạch sắp xếp lại dân cư nhằm thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển; phát triển theo quy hoạch các chợ đầu mối nông sản; xây dựng, nâng cấp một số trung tâm thương mại và các chợ hiện có ở các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã và ở các xã biên giới để phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa hai bên;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế hợp đồng tiêu thụ nông, lâm sản cho nông dân và đầu tư phát triển các dịch vụ sau:

+ Dịch vụ giao thông vận tải, trong đó ưu tiên hệ thống nối các khu vực kinh tế trọng điểm, các trục giao thông quan trọng, kết nối các khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa;

+ Dịch vụ du lịch;

+ Các dịch vụ: xây dựng, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, khoa học, công nghệ, xuất khẩu lao động.

d) Về giáo dục, đào tạo

- Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc phổ thông, từng bước tiếp cận trình độ chuẩn của cả nước; tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường; tiếp tục đầu tư xây dựng đủ phòng học kiên cố cho các cấp học và từng bước đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các trường học đối với các xã, thôn, bản thuộc khu vực III, các lớp học, trường học được đầu tư theo Chương trình 135 (giai đoạn II); củng cố và phát triển các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo; hoàn thành việc xây dựng trường dân tộc nội trú ở tất cả các huyện trong Vùng, từng bước mở rộng quy mô và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú; phát triển các trường bán trú dân nuôi, các trường nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, tàn tật ở các tỉnh; hỗ trợ trường lớp, nhà ở và phụ cấp cho học sinh ở các trường bán trú dân nuôi; tăng diện học sinh cử tuyển hàng năm cho các tỉnh miền núi; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên các cấp để nâng cao chất lượng giáo dục.

- Tạo sự chuyển biến cơ bản về cơ cấu lao động và chất lượng nguồn nhân lực bằng cách vừa khẩn trương mở rộng đào tạo tại chỗ, vừa điều chuyển có tổ chức một bộ phận lao động Vùng đồng bằng Bắc Bộ lên công tác và lao động ở những ngành và lĩnh vực có nhu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đào tạo nghề hiện có, xây dựng mới một số trung tâm đào tạo nghề trọng điểm ở thành phố, thị xã, huyện của các tỉnh trong Vùng; xây dựng trung tâm giáo dục thường xuyên ở tất cả các huyện, thành phố; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho một số trường đại học trong Vùng theo hướng đa ngành như Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hùng Vương (Phú Thọ); củng cố và mở thêm các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề; đổi mới cơ cấu đào tạo theo ngành nghề và trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu cán bộ cho các địa phương trong Vùng; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở.

đ) Về phát triển khoa học, công nghệ và môi trường

- Xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ tại các trường đại học của Vùng, trước hết tập trung nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản; tăng cường xây dựng hệ thống khuyến nông, khuyến lâm từ tỉnh đến cơ sở; nghiên cứu áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ nhằm giải quyết những khó khăn có tính đặc thù và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; nghiên cứu sử dụng nguồn tài nguyên nước có hiệu quả, coi trọng công trình tưới cho các loại cây trồng cần ít nước nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao như công trình tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu;

- Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ trong các ngành khai khoáng, bảo quản, chế biến nông, lâm sản nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường; việc xây dựng các dự án hạ tầng đô thị, giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, công nghiệp v.v... phải bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh môi trường.

e) Về văn hóa, xã hội

- Coi trọng đầu tư các công trình phục vụ văn hóa, truyền thanh, truyền hình, thông tin, báo chí, thư viện và các cơ sở hoạt động thể thao, nhà văn hóa phục vụ việc phát huy truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; bảo tồn, tôn tạo, phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc, tăng cường thiết chế văn hóa cơ sở ở các thôn, bản thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ; tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm bưu điện - văn hóa xã, các điểm sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng của thôn, bản; tăng cường đầu tư theo quy hoạch để xây dựng các trạm truyền thanh, trạm phát lại truyền hình cho các xã chưa phủ sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam; củng cố và bảo đảm hoạt động của các trạm hiện có; hiện đại hóa trang thiết bị, tăng thời lượng phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc ở huyện, tỉnh;

- Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, xoá bỏ các tập tục lạc hậu; hỗ trợ các dự án xoá bỏ tái trồng cây thuốc phiện; hỗ trợ các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, người tàn tật, trẻ mồ côi;

- Thường xuyên tuyên truyền trên báo, đài phát thanh, đài truyền hình cũng như tổ chức các lớp tập huấn cho nhân dân nhằm phổ cập hệ thống pháp luật đến người dân, từng bước nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân để thực hiện sống và làm việc theo pháp luật.

g) Về y tế

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nâng cấp bệnh viện tuyến huyện; tiếp tục cải tạo và xây dựng các bệnh viện tuyến tỉnh; hiện đại hóa trang thiết bị cho bệnh viện tuyến tỉnh; xây dựng các trung tâm y tế khu vực Đông Bắc tại tỉnh Thái Nguyên và khu vực Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tăng cường nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện bảo đảm đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho nhân dân; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số của Vùng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm HIV/AIDS, các chương trình vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế;

h) Về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trên toàn Vùng nhanh hơn tốc độ giảm nghèo chung của cả nước, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, ở các xã biên giới và các xã ATK; tích cực giải quyết có hiệu quả phương thức canh tác lạc hậu, tự cấp tự túc, du canh du cư, đồng thời thực hiện các kế hoạch của các tỉnh về giải quyết đất, giống, vốn vay, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công,... để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; coi trọng giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống và xã hội của các tỉnh trong Vùng: đói nghèo, di dân tự do, phá rừng đốt nương làm rẫy, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cải thiện điều kiện vệ sinh; tăng cường các biện pháp giải quyết việc làm tăng thêm hàng năm ở tất cả các tỉnh trong Vùng, phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho 20 - 25 vạn lao động trên toàn Vùng.

i) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

- Về giao thông vận tải:

Tập trung quy hoạch và huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông là ưu tiên hàng đầu, tạo cơ sở để phát triển nhanh kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu đầu tư giao thông từ nay đến năm 2010 là:

+ Hoàn thành nâng cấp tuyến quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn đường 4 làn xe và đại tu quốc lộ 70 bảo đảm đi lại thuận lợi kết hợp với xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; quốc lộ 2, 3, 6, 32 đạt tiêu chuẩn đường cấp III ở đoạn đầu tuyến và cấp IV ở đoạn cuối tuyến; ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến các cửa khẩu, đường vành đai, đường tuần tra biên giới; nâng cấp quốc lộ 4A, 4B, 4C, 4D, 4E, 46, 34, 37, 279; xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh tuyến đến Pắc Bó (Cao Bằng) và các đoạn kết nối thông từ Pắc Bó đến Hà Tây; hoàn thành xây dựng quốc lộ 4G, quốc lộ 48 kéo dài và các tuyến đường Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An (giai đoạn I);

+ Thực hiện việc liên thông các tuyến tạo ra mạng giao thông đồng bộ liên hoàn giữa các tỉnh, tỉnh với huyện, huyện với xã; hoàn thành các tuyến đường để kết nối nhanh, tạo được tuyến vành đai phục vụ công tác tái định cư thủy điện Sơn La, Tuyên Quang và các công trình quan trọng khác;

+ Hoàn thành mục tiêu 100% xã, cụm xã trong Vùng có đường ôtô đến trung tâm; bố trí vốn và thực hiện việc nâng cấp các tuyến đường ôtô đến trung tâm xã, cụm xã để đi lại được quanh năm và xây dựng các tuyến đường từ xã đến thôn, bản; xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới, trước hết là ở những địa bàn trọng yếu; xây dựng các tuyến đường từ trung tâm các xã biên giới nối với đường vành đai biên giới, đường tuần tra biên giới; xây dựng các tuyến đường liên thông giữa các tỉnh với các cửa khẩu quan trọng phục vụ phát triển xuất khẩu, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh;

+ Nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có trong khu vực: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Kép - Lưu Xá;

+ Quản lý và khai thác tốt các tuyến đường sông trong Vùng; tiếp tục cải tạo, xây dựng một số bến và cảng đầu mối trên các tuyến sông chính và công trình vận tải phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La;

+ Cải tạo và nâng cấp sân bay Nà Sản; chuẩn bị đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ; nghiên cứu một số dự án để triển khai đầu tư xây dựng sân bay mới từ sau năm 2010 khi có nhu cầu.

- Về các công trình thủy lợi:

+ Nâng cấp, tu bổ các công trình đang bị xuống cấp, đẩy mạnh việc kiên cố hóa kênh mương và công trình thủy lợi hiện có; xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt dân cư, đặc biệt chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ ở các xã đặc biệt khó khăn; tổ chức thực hiện việc đồng bộ hóa giữa công trình thủy lợi đầu mối và kênh mương để nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của các công trình thủy lợi; xây dựng các công trình kè sông biên giới chống xói lở, bảo đảm an toàn đường biên và sản xuất, đời sống của nhân dân; xây dựng kè 2 bên bờ sông, suối tại các đô thị lớn, các khu vực đông dân cư trong vùng nhằm chống xói lở, lấn chiếm và bảo đảm cảnh quan môi trường đô thị;

+ Tổ chức tốt việc xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn theo chương trình các công trình thủy lợi miền núi và các dự án thủy lợi cấp bách sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến năm 2010.

- Về phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt, cấp điện, bảo đảm thông tin liên lạc:

+ Tập trung đầu tư bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho dân cư, có giải pháp thiết thực giải quyết vấn đề thiếu nước gay gắt ở vùng cao, đặc biệt là ở các khu vực núi đá vôi;

+ Phát triển mạng lưới cấp điện đến xã, thôn, bản và đưa điện về các hộ gia đình, tăng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; nâng cao chất lượng hệ thống truyền tải điện;

+ Phát triển mạng lưới điện thoại và bưu chính viễn thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước.

- Về các công trình kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135 giai đoạn II):

+ Trên cơ sở quy hoạch, bố trí lại dân cư, phát triển sản xuất, phải thực hiện tốt việc lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng;

+ Đầu tư trường học tại các trung tâm cụm xã bao gồm: phòng học, nhà ở cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh; công trình nhà trẻ, mẫu giáo tại xã; công trình trạm y tế khu vực và trạm y tế xã bao gồm cả nhà ở cho cán bộ y tế.

- Khẩn trương quy hoạch và ưu tiên vốn đầu tư xây dựng dự án tái định cư đối với các công trình quan trọng trên địa bàn theo hướng xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế,...), đất đai cho sản xuất và đất ở để tiếp nhận dân tái định cư, bảo đảm đồng bào đủ các điều kiện để phát triển sản xuất, sớm ổn định và có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã vùng an toàn khu (ATK) tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân trong Vùng, giảm dần khoảng cách với các vùng khác.

- Coi trọng đầu tư các công trình phục vụ văn hóa, truyền thanh, truyền hình và các cơ sở hoạt động thể thao, nhà văn hóa phục vụ việc phát huy truyền thống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc.

- Ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục đào tạo nghề, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống nhân dân, trước hết là lĩnh vực tạo giống cây, giống con, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản.

- Phát triển hệ thống đô thị, bố trí lại dân cư, xây dựng nông thôn mới:

+ Quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống đô thị đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và hình thành các trung tâm kinh tế của Vùng gồm các thành phố Việt Trì, Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên Phủ và Lào Cai; các thị xã, tỉnh lỵ của các tỉnh trong Vùng; xây dựng khu đô thị mới tại thị xã tỉnh lỵ Lai Châu. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu đô thị; ưu tiên phát triển khu đô thị tại các cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), thành phố Lào Cai (Lào Cai), Thanh Thủy (Hà Giang), Tà Lùng (Cao Bằng), Ma Lù Thàng (Lai Châu), Tây Trang (Điện Biên), Pa Háng (Sơn La) các đô thị vùng Tây Thanh Hoá, Tây Nghệ An; hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu quốc gia và quốc tế nối liền với các trung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc và cả nước;

+ Quy hoạch và xây dựng các cụm dân cư, thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã gắn với bố trí lại dân cư trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trước hết, quy hoạch và bố trí lại dân cư trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2010 của địa phương, đối với vùng biên giới phải kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để hình thành các cụm dân cư, tuyến dân cư, các thị trấn, thị tứ, các trung tâm cụm xã cho phù hợp;

+ Tiếp tục hoàn thành việc bố trí dân cư các xã dọc tuyến biên giới Việt - Trung theo quy hoạch đã được phê duyệt; khẩn trương quy hoạch và tổ chức bố trí dân cư các xã vùng biên giới Việt - Lào theo quy hoạch, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên đất đai của vùng và hạn chế di dân tự do đến các vùng khác; coi trọng đầu tư xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, đặc biệt là trên các địa bàn trọng yếu nhằm gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh tuyến biên giới.

- Tiếp tục đầu tư các công trình trong Danh mục các dự án quan trọng kèm theo Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc thời kỳ 2001 - 2005 để bảo đảm sớm đưa vào sử dụng có hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Điều 2. Tiếp tục thực hiện và bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010

1. Sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách:

a) Về vốn ngân sách nhà nước

- Ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thông qua các chương trình, dự án (Chương trình 135 giai đoạn II, các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án 5 triệu ha rừng,...), Nhà nước tăng cường đầu tư trên địa bàn các tỉnh trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thông qua các dự án sử dụng nguồn công trái, trái phiếu của Chính phủ và các chương trình, dự án của các Bộ, ngành Trung ương theo sự phân công của Chính phủ tại Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010.

Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu được phân bổ cho các tỉnh theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước giai đoạn 2007 - 2010, có ưu tiên cho các tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi Bắc Bộ theo Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2001 và các tỉnh có các huyện được hỗ trợ theo Quyết định số 174/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nâng mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương tối đa không quá 70 tỷ đồng cho việc đầu tư khu công nghiệp đối với các địa phương đáp ứng tiêu chí của Quyết định số 183/2004/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ (bao gồm cả đường gom hoặc đường, cầu vào khu công nghiệp).

- Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không quá 6 tỷ đồng/cụm và không quá 70 tỷ đồng cho 1 tỉnh đến năm 2010.

- Hỗ trợ 100% vốn đối ứng các dự án ODA do địa phương quản lý đối với các dự án đáp ứng điều kiện hỗ trợ của Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Về y tế

- Nâng phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản bằng 50% so với mức lương cơ bản tại các Vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nâng mức hỗ trợ cũng như diện hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo theo chuẩn nghèo mới ban hành;

- Tiếp tục thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo và người thuộc diện chính sách xã hội theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Về giáo dục, đào tạo

- Tăng mức phụ cấp cho giáo viên mầm non, mẫu giáo thôn, bản bằng 50% so với mức lương cơ bản tại các Vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;

- Đối với học sinh dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện học ở trường nội trú mà tham dự học ở các trường công lập, bán công thì được cấp học bổng bằng 50% số học bổng của học sinh nội trú;

- Đối với học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông dân tộc nội trú được ưu tiên cử tuyển vào các trường đại học, dự bị đại học, các trường chuyên nghiệp, nếu không học các trường chuyên nghiệp thì được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật theo thời gian 3, 6, 9 tháng phù hợp với yêu cầu ngành nghề thực tế và được bố trí về làm tại địa phương. Các tỉnh sử dụng các trung tâm đào tạo nghề ở tỉnh, ở huyện để tiến hành đào tạo, nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho công tác đào tạo này.

2. Một số cơ chế, chính sách mở rộng cho cả Vùng trung du miền núi Bắc Bộ:

- Mở rộng phạm vi áp dụng Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2005 về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cho Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Mở rộng phạm vi áp dụng Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2005 về hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp cho Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

3. Ban hành một số cơ chế, chính sách mới áp dụng cho Vùng:

- Hỗ trợ giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng mới ở các xã đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc;

- Hỗ trợ 100% tiền mua giống mới để phục vụ trồng mới, trồng thay thế cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao theo dự án được duyệt;

- Hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng đối với các hộ vay vốn để trồng mới và thâm canh cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; cho phép dùng tài sản hình thành từ vốn vay (vườn cây lâu năm) làm tài sản thế chấp.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai, thực hiện Quyết định này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng Bộ Tài chính tính toán đề xuất với Chính phủ cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương hàng năm, hỗ trợ cho các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thực hiện Quyết định này.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ căn cứ nội dung chính sách nêu trong Quyết định này và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

3. Các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hàng năm gửi báo cáo kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.​

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.