Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Căn cứ Thông tư số 65/2014/TT-BGTVT ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Căn cứ Thông tư số 02/2016/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo
Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Xét Tờ trình số 236/TTr-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020- 2024; Báo cáo thẩm tra số 523/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2024, cụ thể như sau:
1. Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư mới phương tiện
a) Đối tượng hỗ trợ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác các tuyến xe buýt theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh có nhu cầu đầu tư mới phương tiện.
b) Điều kiện được hỗ trợ
- Phương tiện mà các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mới phải nằm trong Kế hoạch đầu tư phương tiện được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Có hoạt động vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư phương tiện phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phương tiện phải sử dụng tối thiểu 30% vốn tự có để đầu tư phương tiện; 70% vốn đầu tư còn lại doanh nghiệp, hợp tác xã có thể vay của các tổ chức tín dụng và được hỗ trợ lãi suất.
- Nhà nước hỗ trợ 60% mức lãi suất theo hợp đồng vay vốn đầu tư phương tiện được ký kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với tổ chức tín dụng nhưng không được vượt quá bình quân lãi suất cho vay trung hạn trung bình của 03 ngân hàng thương mại tại thời điểm hỗ trợ đối với phần vốn vay của tổ chức tín dụng để đầu tư phương tiện.
- Phương tiện đầu tư mới phải có sức chứa từ 17 hành khách trở lên, đảm bảo quy chuẩn do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
c) Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ
- Mức hỗ trợ: Theo hợp đồng vay vốn đầu tư phương tiện được ký kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với tổ chức tín dụng nhưng không vượt quá: 36.400.000 đồng/phương tiện/năm (Ba mươi sáu triệu, bốn trăm nghìn đồng).
- Thời gian hỗ trợ: Từ thời điểm giải ngân theo hợp đồng vay vốn giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2024.
d) Thời gian thực hiện chính sách: Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024.
2. Chính sách hỗ trợ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
a) Đối tượng hỗ trợ Doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh có nhu cầu mở tuyến mới, tuyến khôi phục lại.
b) Nguyên tắc xác định tuyến, mức hỗ trợ cho từng tuyến
- Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mở tuyến mới, tuyến khôi phục lại, trên cơ sở quy hoạch và đề xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu.
Kinh phí hỗ trợ tối đa = Tổng chi phí chuyến xe tính theo định mức doanh thu chuyến xe. Trong đó:
+ Tổng chi phí chuyến xe được tính toán trên cơ sở định mức chi tiết đồng/km đối với từng tuyến theo quy định tại Thông tư số 65/2014/TT-BGTVT ngày 10/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
+ Doanh thu chuyến xe được xây dựng trên cơ sở khảo sát lượng khách trung bình trong cả giai đoạn hỗ trợ, có dự báo yếu tố lượng khách tăng theo hàng năm và giá vé bình quân của tuyến. Việc hỗ trợ mở tuyến mới, tuyến khôi phục lại được thực hiện thông qua đấu thầu theo quy định hiện hành.
c) Mức hỗ trợ Mức hỗ trợ thực tế hàng năm/tuyến là kết quả trúng thầu khai thác tuyến được UBND tỉnh phê duyệt.
d) Thời gian thực hiện chính sách: Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2019./.