• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2013
BỘ NỘI VỤ
Số: 130/2005/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 7 tháng 12 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP

về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức

 

Căn cứ Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định nêu trên như sau:

 

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cụ thể các trường hợp được hưởng chế độ thôi việc, thời gian làm việc và cách tính trợ cấp thôi việc; trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo, trường hợp không phải bồi thường chi phí đào tạo, thời gian yêu cầu phục vụ và cách tính chi phí bồi thường đối với cán bộ, công chức quy định tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 54/2005/NĐ-CP).

2. Đối tượng điều chỉnh

2.1. Những người được quy định tại điểm c và điểm e khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị sau:

2.1.1. Các tổ chức thuộc Văn phòng Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2.1.2. Các tổ chức giúp việc Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước trong việc phục vụ Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2.1.3. Các tổ chức giúp Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2.1.4. Các tổ chức giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2.1.5. Các tổ chức giúp Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2.1.6. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

2.1.7. Đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

2.2. Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân.

2.3. Những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

2.4. Những người quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP biệt phái sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Những người nêu tại điểm 2.1, 2.2, 2.3 và điểm 2.4 mục 2 Phần I của Thông tư này sau đây gọi chung là công chức.

2.5. Những người được quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được thành lập đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật, có con dấu, có tư cách pháp nhân và có tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước (sau đây gọi chung là viên chức).

2.6. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch nhân viên phục vụ không thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước.

II. CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC

1. Trường hợp được hưởng chế độ thôi việc

1.1. Công chức, viên chức được hưởng chế độ thôi việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP.

1.2. Viên chức đang thuộc một trong các trường hợp chưa được cho thôi việc quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP nhưng vẫn có nguyện vọng xin thôi việc thì phải làm đơn tự nguyện xin thôi việc để cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ thôi việc.

2. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc

2.1. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc đối với công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP; đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP.

Thời gian công chức làm việc thực tế tại cơ quan Nhà nước bao gồm cả thời gian công chức thực hiện chế độ công chức dự bị theo quy định của pháp luật.

2.2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP.

Trường hợp viên chức được tuyển dụng mà trước đó đã thực hiện ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểu xã hội tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước thì thời gian ký hợp đồng lao động được tính để hưởng trợ cấp thôi việc.

3. Cách tính trợ cấp thôi việc

3.1. Tháng lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp hiện hưởng do Nhà nước quy định tại Điều 8 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP bao gồm.

3.1.1. Mức lương theo ngạch, bậc: là tiền lương đang hưởng theo ngạch, bậc được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

3.1.2. Các khoản phụ cấp được tính bao gồm: phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên vượt khung, hệ số chênh lệch bảo lưu.

3.2. Trợ cấp thôi việc được tính như sau: lấy tổng thời gian quy định tại Điều 9 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP nhân với 1/2 (một phần hai) tháng lương và các khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có) tại thời điểm công chức, viên chức có quyết định thôi việc.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A có quyết định tuyển dụng từ tháng 05/1995 đến tháng 04/2005 ông A tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý và có quyết định cho thôi việc. Như vậy ông A có thời gian công tác và đóng bảo hiểm xã hội 10 năm. Ông A đang giữ ngạch chuyên viên (mã số 01.003), hệ số lương 3,00, hưởng phụ cấp phó phòng 0,4. Tổng số tiền trợ cấp thôi việc ông A nhận được là:

Tổng số tiền = 10 năm x 1/2 {(3,00 + 0,4) x 350.000đ}

trợ cấp = 5.950.000 đồng

III. CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO

1. Trường hợp công chức, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo

1.1. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài có thời gian từ 3 (ba) tháng tập trung trở lên mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

1.2. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo đã làm thủ tục nhập học và được cơ quan, đơn vị cấp kinh phí đào tạo mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

2. Trường hợp công chức, viên chức không phải bồi thường chi phí đào tạo

2.1. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài có thời gian từ 3 (ba) tháng tập trung trở lên mà đã làm việc đủ thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

2.2. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo nhưng chưa làm thủ tục nhập học và cơ quan, đơn vị chưa cấp kinh phí đào tạo hoặc đã làm thủ tục nhập học nhưng cơ quan, đơn vị chưa cấp kinh phí đào tạo thì không phải bồi thường chi phí đào tạo của khóa học đó.

3. Thời gian yêu cầu phục vụ và cách tính chi phí bồi thường

3.1. Thời gian yêu cầu phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo được tính gấp 3 (ba) lần so với thời gian của khóa đào tạo.

3.2. Công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó.

Ví dụ 2: Bà Nguyễn Thị B công tác tại đơn vị sự nghiệp P, được đơn vị cử đi học cao học có thời gian đào tạo 2 (hai) năm. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo bà B phải làm việc tại đơn vị P 6 (sáu) năm tiếp theo thì khi bà B thôi việc sẽ không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Trường hợp bà B mới làm việc được 2 (hai) năm sau khi hoàn thành khóa đào tạo cao học mà chi phí của khóa học là 15 (mười lăm) triệu đồng (bao gồm cả chi phí đi lại) thì chi phí đào tạo bà B phải bồi thường là:

 

(2 năm x 3) - 2 năm

------------------------

6 năm

x 15 triệu đồng

= 10 triệu đồng

 

Trường hợp bà B sau khi hoàn thành khóa đào tạo trên mà thôi việc ngay hoặc đang học mà bỏ việc thì bà B phải bồi thường 15 triệu đồng.

3.3. Công chức, viên chức được cử đi nhiều khóa đào tạo không liên tục hoặc trong cùng một thời gian được cử đi nhiều khóa mà trong thời gian đào tạo của một khóa học tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay hoặc khi về cơ quan, đơn vị tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì thời gian để tính chi phí phải bồi thường là tổng cộng thời gian của toàn bộ các khóa học đó so với tổng thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị kể từ khi trở về làm việc sau khóa đầu tiên.

Ví dụ 3: Ông Trần Văn D công tác tại cơ quan M, được đơn vị cử đi học cao học có thời gian đào tạo 2 (hai) năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 15 triệu đồng. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo trên ông D về làm việc tại cơ quan M 3 (ba) năm tiếp theo. Sau 3 năm làm việc tại cơ quan ông D lại được cơ quan cử đi học nghiên cứu sinh có thời gian đào tạo là 3 năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 20 triệu đồng. Sau khi hoàn thành lớp nghiên cứu sinh, ông D về làm việc tại cơ quan M 4 năm. Tiếp đó ông D được cơ quan cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị có thời gian đào tạo là 2 (hai) năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 10 triệu đồng. Trong thời gian học lớp cao cấp lý luận chính trị ông D tự ý bỏ việc. Do vậy chi phí đào tạo ông D phải bồi thường là:

 

[(2 năm + 3 n + 2 n) x 3)] - (3 n + 4 n)

-----------------------------------------------

21 năm

x (15 triệu đ + 20 tr.đ + 10 tr.đ)

= 30 triệu đồng

 

Ví dụ 4: Bà Nguyễn Thị H công tác tại đơn vị X, được đơn vị cử đi học đại học có thời gian đào tạo 4 (bốn) năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 20 triệu đồng. Đồng thời với thời gian này bà H được cử đi học khóa ngoại ngữ trình độ B có thời gian đào tạo 6 tháng (học sau giờ làm việc), chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 2 triệu đồng. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo ngoại ngữ trình độ B và tốt nghiệp đại học, bà H về đơn vị X làm việc 2 năm thì đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Do vậy chi phí đào tạo bà H phải bồi thường là:

 

[(4 năm + 0,5 năm) x 3)] - 2 năm

----------------------------------------------

13,5 năm

x (20 triệu đ + 2 triệu đ)

= 18,74 triệu đồng

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 28/1999/TT-BTCCBCP ngày 31 tháng 07 năm 1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Nội vụ để nghiên cứu giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.